06/02/2024
THỨ BA TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Mc 7,1-13
CỐT LÕI ĐẠO CHÚA
“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng còn lòng chúng thì xa Ta.” (Mc 7,1-13)
Suy niệm: Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu nổi tiếng với việc tuân giữ những điều mà họ cho là “truyền thống của tiền nhân” đến độ họ biến việc thực thi giao ước mà Thiên Chúa ký kết với cha ông họ thành một thứ tôn giáo vụ hình thức bên ngoài, chỉ “tôn kính Chúa bằng môi miệng còn tấm lòng thì xa Ngài”. Điều răn Chúa dạy là phải thờ cha kính mẹ thì họ không tuân giữ, mà còn đặt ra một thực hành kỳ lạ khi họ gọi tất cả của cải là “co-ban” nghĩa là “lễ phẩm dành cho Chúa rồi” nên họ không có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ nữa. Chúa Giê-su gọi như thế là “đạo đức giả” lấy tập tục của phàm nhân để phế bỏ lời Thiên Chúa. Ngài cho biết cốt lõi của đạo Chúa không chỉ là thực hành những lễ nghi, tuân giữ những luật lệ mà còn là “không được bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23,23).
Mời Bạn: Cốt lõi của đạo không phải là làm việc này, việc nọ mà là tấm lòng yêu mến, là động lực thúc đẩy chúng ta làm những việc đó. Những việc dự lễ, đọc kinh, làm việc từ thiện bác ái, v.v… chỉ có giá trị và giúp ta sống thánh thiện khi chúng được thực hành với lòng tin yêu Chúa, yêu thương tha nhân.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn làm ít là một việc phục vụ tha nhân và dâng việc đó lên Chúa như của lễ khi bạn tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để chúng con vì thói quen mà rơi vào tình trạng chỉ thờ phượng Chúa bằng môi bằng miệng mà lòng chúng con xa Chúa. Nhưng xin giúp chúng con thờ phượng Chúa và yêu thương tha nhân với tất cả tấm lòng chân thành. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) St 1, 20 – 2, 4a
“Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta”.
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: “Nước hãy sản xuất những sinh vật bò sát và loài chim bay trên mặt đất, dưới vòm trời”. Vậy Thiên Chúa tạo thành những cá lớn, mọi sinh vật sống động mà nước sản xuất theo loại chúng, và mọi chim bay tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy nước biển; loài chim hãy sinh cho nhiều trên mặt đất”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.
Thiên Chúa lại phán: “Ðất hãy sản xuất các sinh vật tuỳ theo giống: gia súc, loài bò sát và dã thú dưới đất tuỳ theo loại”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã dựng nên dã thú dưới đất tuỳ theo loại, gia súc và mọi loài bò sát dưới đất tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp; và Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa; Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.
Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó, Người nghỉ việc tạo thành.
Ðó là gốc tích trời đất khi được tạo thành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).
Xướng: Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?
Xướng: Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.
Xướng: Nào chiên nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 8, 22-23. 27-30
“Chúa đã phán: “Danh Ta sẽ ở nơi đó, để nhậm lời van nài của dân Israel”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Salomon đứng trước bàn thờ Chúa, đối diện với cộng đoàn Israel, ông giơ hai tay lên trời và nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, trên trời dưới đất, không có thần nào giống như Chúa. Chúa giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với các tôi tớ đang thành tâm đi trước mặt Chúa. Nhưng ai dám nghĩ rằng: quả thật Thiên Chúa ngự ở trần gian? Vì nếu trời và các tầng trời còn không thể chứa được Chúa, huống chi ngôi nhà con xây cất đây! Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin đoái nghe lời cầu nguyện và sự van nài của tôi tớ Chúa; xin lắng nghe lời ca khen và kinh nguyện mà tôi tớ Chúa dâng lên trước mặt Chúa hôm nay, ngõ hầu đêm ngày mắt Chúa nhìn xem ngôi nhà này là nơi Chúa đã phán ‘Danh Ta sẽ ở nơi đó’, để nghe lời cầu nguyện mà tôi tớ Chúa kêu xin trong nơi này, để nhậm lời van nài của tôi tớ Chúa và của dân Israel sẽ cầu nguyện tại nơi đây. Từ thiên cung nơi Chúa ngự, xin Chúa nhậm lời, và khi đã nhậm lời, xin Chúa dủ lòng thương”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 83, 3. 4. 5 và 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Chúa (c. 2).
Xướng: Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh.
Xướng: Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, Ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Thuẫn đỡ cho chúng con, xin hãy nhìn xem, lạy Thiên Chúa, xin hãy đoái nhìn mặt Ðức Kitô của Người.
Xướng: Thực, một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 7, 1-13
“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)”, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Người đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.
Hoặc đọc:
Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…
Suy Niệm
CỐT LÕI ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA
Lm. Phêrô Trần Quang Diệu
Luật Do-thái có 613 điều bao gồm “những điều tích cực”, khuyến khích người ta thực hiện một hành động và “những điều tiêu cực”, cảnh báo người ta tránh làm một hành động nào đó. Có 365 điều răn tiêu cực, tương đương với số ngày trong một năm và 248 điều răn tích cực, trùng với số lượng xương và các cơ quan chính trong cơ thể con người. Như thế, luật lệ chi phối toàn bộ con người và mọi ngày sống của họ. Sở dĩ nhiều người Do-thái trung thành với các khoản luật này là bởi họ tin rằng một khi để cho luật lệ làm chủ toàn thể con người và mọi ngày sống, con người sẽ nên thánh thiện và họ đang làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Các Biệt phái và Luật sỹ trong bài Tin mừng hôm nay là một điển hình. Họ là những người giữ từng chi tiết của Luật một cách nghiêm túc và họ an tâm về sự thánh thiện của họ. Vì thế, khi thấy các môn đệ của Đức Giê-su dùng bữa mà không rửa tay, họ đã thắc mắc với Chúa Giê-su: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Thật ra, việc tuân giữ lề luật cách nghiêm túc là điều đáng khuyến khích, nhưng để cho lề luật con người lấn át giới răn của Thiên Chúa là điều không chính đáng. Chúa Giê-su không trách những người này vì họ giữ luật nhưng vì họ đã “bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người.” Giới luật của Thiên Chúa là gì? Thưa là tình yêu mà chúng ta dành cho ngài và cho tha nhân. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn là chúng ta sống giới luật yêu thương như ngài đã sống.
CHÚA KHUYÊN ĐỪNG VỤ HÌNH THỨC (Mc 7,1-13)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giê-su và những người biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Đối với người Do Thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Đây là điều tốt, nhưng người biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Điều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.
2. Thực hành lề luật không có nghĩa là chỉ thi hành những nghi thức bên ngoài và coi đó là xong nhiệm vụ. Những hình thức bên ngoài là cần thiết, nhưng chúng chỉ là những yếu tố bổ sung và phụ thuộc, mà cái cần thiết nhất là tấm lòng. Hay nói cách khác, cần nhất là cái động lực thúc đẩy chúng ta làm: nếu động lực tốt thì việc làm sẽ tốt, nếu động lực xấu thì việc làm sẽ xấu. Nếu việc làm mà thiếu động lực tốt thì việc làm chỉ là giả tạo và người làm việc ấy chỉ là giả hình: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, mà lòng chúng thì xa Ta” (Is 29,13).
3. “Dân này kính Ta bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7,6).
Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy, ngày nay người ta sống giả dối với nhau rất nhiều. Cái gì ngày này người ta cũng có thể làm giả được. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả trái cây giả, gạo giả… Gần đây chúng ta còn được nghe rất nhiều thứ giả khác: bằng giả, chứng chỉ giả, tiến sĩ giả… Những thứ ấy còn đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm quả, hoa nến, nhang, đèn giả. Mức độ “giả” rất tinh vi nên nhiều khi cái giả xem ra còn đẹp hơn những cái thật, khó mà phân biệt được. Ở đây, Chúa Giê-su chỉ mới nói đến “Giả hình”. Ngày nay, còn một thứ giả tệ hơn. Đó là “Giả nhân giả nghĩa”. “Giả hình” mà còn đáng trách thì giả nhân giả nghĩa còn đáng trách hơn chừng nào.
4. Chúa Giê-su khiển trách những người biệt phái và luật sĩ thờ phượng Chúa trên đầu môi chót lưỡi, còn tấm lòng lại xa cách Người. Họ chăm chăm tuân giữ các truyền thống xa xưa, còn điều răn yêu thương là cốt lõi cũa Lời Chúa dạy thì họ lại không tuân giữ. Chúa Giê-su cũng đả kích các nhà thông luật Do thái vì họ quá tôn trọng hình thức bề ngoài, qua đó, Người mời gọi chúng ta hãy sống thật với lương tâm của mình. Để sống đạo tốt, chúng ta cần chu toàn các lề luật của Giáo hội, nhưng đồng thời còn phải sống tình mến với Chúa và mọi người.
5. Những người giả hình này đáng người ta tặng cho cái nhãn hiệu “Tốt mã dẻ cùi”. Chim dẻ cùi là một giống chim đẹp, mỏ đỏ, đuôi dài, lông mã, lông đuôi sặc sỡ ngũ sắc, coi giống chim phượng. Người ta đã gọi là phượng hoàng Nam (phượng hoàng của nước Nam) hay phượng hoàng đất. Nhưng chim dẻ cùi phải cái tật hay ăn cứt chó, cứt lợn. Người ta đã có câu:
Dẻ cùi tốt mã dài đuôi,
Hay ăn cứt chó, ai nuôi dẻ cùi.
Dẻ cùi tiếng hót lại không hay, vì vậy dẻ cùi tuy đẹp mã thật, nhưng người ta không quí mà lại khinh. Người ta thường dùng câu “Tốt mã dẻ cùi” để chế riễu người bề ngoài đẹp đẽ sáng sủa, ăn vận diêm dúa mà bụng dạ bẩn thỉu không tốt mà lại vô tài (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 198).
6. Ngày nay thật đáng lo ngại là cho sự khủng hoảng đạo lý nơi nhiều gia đình. Có những người con chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi có những đứa con coi vật chất là trên hết, đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con, sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão mà quên rằng bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, và cầu nguyện xin lễ cho các ngài khi đã qua đời.
7. Truyện: Sư máy.
Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/08/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ ở Nhật, đó là “sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi giơ lên, một tay thì gõ mõ, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật.
Sáng kiến này đưa ra nhằm đáp ứng cho ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ có một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).
VĨ ĐẠI HƠN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống!”.
Trong tác phẩm của mình, “Surprised by the Power of the Spirit”, “Ngạc Nhiên Trước Sức Mạnh của Thần Khí”, Jack Deere viết, “Tất cả chúng ta là những người thụ hưởng các truyền thống tốt đẹp, khôn ngoan và đúng đắn; tuy nhiên, cũng là nạn nhân của những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và không vững chắc!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chúng ta là nạn nhân của những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và không vững chắc”. Jack Deere thật chí lý! Lời Chúa hôm nay nói đến truyền thống; qua đó, một sự thật được tiết lộ, Thiên Chúa ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’ dẫu đó là một truyền thống tôn giáo lâu đời!
Trong Tin Mừng hôm nay, các biệt phái và kinh sư lên án các môn đệ Chúa Giêsu “không theo đúng truyền thống của tiền nhân”, vì họ không rửa tay trước khi ăn. Dẫu không chống lại việc rửa tay, Chúa Giêsu vẫn lên tiếng chống lại chủ nghĩa pháp lý; nghĩa là chỉ cần tuân thủ một số hành động bên ngoài, con người sẽ được gọi là công chính! Ngài tuyên bố, “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống!”. Thiên Chúa ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, Ngài không thể bị trói buộc trong bất kỳ truyền thống nào, cho dẫu truyền thống đó lâu đời đến đâu. Truyền thống có ra là để giúp con người sống giới răn yêu thương; vì thế, một khi trở nên “kém cỏi, thiếu khôn ngoan và không vững chắc”, một khi nó khiến “con người trở thành nạn nhân”, truyền thống đó cần được đổi mới.
Cũng thế, truyền thống Do Thái coi đền thờ Giêrusalem nguy nga là niềm tự hào của đất nước; được Salômon, một vị vua khôn ngoan và giàu có nhất trần gian khởi xướng xây dựng. Thánh Vịnh đáp ca biểu lộ sự phấn chấn của vua, “Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái!”. Vậy mà, trước Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, Salômon vẫn cảm thấy nhỏ bé, yếu hèn, mỏng giòn và tội lỗi, “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel! Trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, phương chi ngôi nhà con xây cất đây!” - bài đọc một.
Kính thưa Anh Chị em,
“Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống!”. Thế nhưng, không phải mọi truyền thống đều đáng để giữ lấy. Chúng phải được đo lường bằng Lời Chúa. Đó là lý do tại sao việc lắng nghe Lời Chúa là một điều không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu. Đức Phanxicô rất mực quan tâm; ngài đặc biệt nhắc nhở chúng ta phải đọc và học biết Lời Chúa thường xuyên, “Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, đã bày tỏ khuôn mặt đích thực của Ngài một cách độc đáo và trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của Chúa Cha mà chúng ta đang tìm kiếm, đã tìm kiếm và phải tìm kiếm mỗi ngày. Hãy quay về với Chúa Giêsu, lấy Ngài làm chuẩn mực cho mọi đối chiếu; hãy để Lời ngài soi sáng tâm trí, bổ sức linh hồn; và như thế, chúng ta sẽ được bổ trợ để thấy rõ hơn điều gì là của Thiên Chúa và điều gì không thuộc về Ngài!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cứu Giáo Hội và cứu cả con khỏi những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và không vững chắc; đừng để Lời Chúa trở nên vô hiệu nơi chúng con!”, Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Ca nhập lễ
Linh hồn các Thánh, những Đấng đã theo chân Chúa Ki-tô, được vui mừng trên trời; và vì yêu mến Người, các ngài đã đổ máu mình ra, bởi thế các ngài luôn luôn hân hoan với Chúa Ki-tô.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, là nguồn sức mạnh của các thánh, Chúa đã gọi thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn bước lên thập giá để vào cõi trường sinh. Xin Chúa thương nhận lời các Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng con hằng can đảm tuyên xưng đức tin và trung thành giữ vững đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I:
Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, là Cha chí thánh, chúng con dâng những lễ vật này để tưởng niệm các thánh đã làm chứng cho Chúa. xin Chúa thương chấp nhận và làm cho chúng con cũng trở thành những chứng nhân bất khuất khi phải tuyên xưng danh Chúa trước mặt người đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa phán: Các con đã kiên trì với Thầy trong cơn gian nan của Thầy, và Thầy sắp đặt Nước trời cho các con, để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã làm cho mầu nhiệm thập giá sáng chói cách lạ lùng trong cuộc đời các thánh tử đạo. Xin ban cho chúng con, vừa được hy lễ này bồi dưỡng, biết trọn niềm gắn bó cùng Chúa Ki-tô, và không ngừng hoạt động trong Hội Thánh cho anh em được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Phaolô Miki là một trong 3 Giêsu-hữu thuộc nhóm 26 thánh tử đạo đổ máu ngày 05.02.1597 trên đồi Tateyama, gần Nagasaki (Nhật Bản), trong đó có: 6 nhà truyền giáo Tây Ban Nha thuộc Dòng Phanxicô ; 3 giáo lý viên thuộc Dòng Tên Nhật Bản, trong số đó có Phaolô Miki, còn có 17 giáo dân người Nhật cùng tử đạo.
Phaolô Miki được nêu danh đặc biệt vì thái độ anh hùng khi ngài bị đóng đinh cùng với các bạn. Các vị này là những người tử đạo đầu tiên của miền Viễn Đông được ghi vào sách các thánh tử đạo (Martyrologium). Trong số này, cũng có các em dưới 14 tuổi: Louis, André, Antoine. Chứng nhân cuộc tử đạo này đã nói về Antoine: “Đôi mắt hướng về trời, sau khi gọi danh thánh Giêsu và Maria, em bắt đầu cất tiếng hát Thánh Vịnh: “Các em hãy ca ngợi Thiên Chúa” mà em đã học tại Nagasaki, trong trường giáo lý.”
Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện nhập lễ nói: Thiên Chúa là nguồn sức mạnh của các thánh ; lời kinh này đã gọi Miki và các bạn “đã vượt qua Thánh giá để đi vào sự sống”.
Em Antoine, khi bị một vị quan dụ bỏ đạo, đã nói: “Thập giá không làm tôi sợ; tôi lại khao khát nó vì tình thương Chúa Kitô.”
Từ trên Thánh giá, Phaolô Miki đã nói với đám đông tụ họp: “Tôi muốn nói với anh em điều này: không có con đường cứu độ nào ngoài con đường người Kitô hữu đi. Tôn giáo này dạy tôi tha thứ, tôi xin tha thứ cho nhà vua cách thật lòng và tất cả những người tạo ra cái chết của tôi, và tôi cầu nguyện để họ có thể lãnh nhận phép rửa của người Kitô hữu.”
Bài đọc một (Gl 2,19-20) nhắc lại những lời của Phaolô Miki: Tôi chịu đóng đinh vào cây Thánh giá cùng với Đức Kitô : tôi sống, nhưng không phải là tôi, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi. Từ trên cao của 26 cây Thánh giá, các thánh tử đạo ở Nagasaki đã trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô, Đấng kêu gọi các môn đệ đi theo Người: Nếu ai muốn theo tôi, phải bỏ mình, vác thập giá của mình và theo tôi (Mt 16,25).
b. Phaolô Miki và các bạn đã gìn giữ và tuyên xưng đức tin cho đến lúc chết. Trình thuật về cuộc tử đạo của họ, do một chứng nhân ghi lại, cho thấy hiến tế của họ như một Phụng Vụ: người ta hát Thánh Vịnh “Các em, hãy ca ngợi Chúa”; người ta kêu đến thánh danh Giêsu và Maria; người ta đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng và người nào đó đã lập lại lời van xin của người trộm lành: Lạy Chúa, xin nhớ đến con. Cuối cùng, 4 lý hình đã chấm dứt chứng cứ anh hùng của đức tin bằng việc lấy giáo đâm vào tim, trong khi các Kitô hữu vẫn kêu lên: “Giêsu, Maria!” Như thế đối với họ, cũng như đối với Chúa Giêsu trên đồi Calvariô: “Tất cả đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Enzo Lodi
SUY NIỆM LỄ THÁNH PHAOLÔ MIKI (Ngày 06 tháng 02)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.
Qua Lời Tổng Nguyện của ngày lễ: kính nhớ thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là nguồn sức mạnh của các thánh, Chúa đã gọi thánh Phaolô Miki và các bạn: bước lên Thập Giá, mà vào cõi trường sinh. Xin Chúa thương nhậm lời các ngài cầu thay nguyện giúp, mà cho chúng ta hằng can đảm tuyên xưng, và trung thành giữ vững đức tin đến hơi thở cuối cùng.
Can đảm tuyên xưng và trung thành giữ vững đức tin, bởi vì, chúng ta được nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô đã chứng minh: Thập Giá Đức Kitô đã kết thúc chế độ Lề Luật. Đức tin thay thế cho Luật Môsê, và đức tin dẫn đến tự do: Con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích.
Can đảm tuyên xưng và trung thành giữ vững đức tin, bởi vì,chúng ta luôn được mời gọi làm chứng cho Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, trước khi chịu tử đạo, thánh Phaolô Miki đã nói: Tôi xin tuyên bố cùng quý vị là không có con đường nào đưa tới ơn cứu độ, ngoài con đường các Kitô hữu đang đi. Vì con đường đó dạy tôi tha thứ cho kẻ thù và mọi người đã xúc phạm đến tôi, cho nên, tôi vui lòng tha thứ cho nhà vua, và mọi người đã gây ra cái chết cho tôi, và tôi xin họ hãy ao ước đón nhận Bí Tích Thánh Tẩy của người Kitô hữu. Chúng ta phải hãnh diện về Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được phục sinh, và được sống. Chúng ta đã được phúc, chẳng những, là tin vào Đức Kitô, mà còn, được chịu đau khổ vì Người.
Can đảm tuyên xưng và trung thành giữ vững đức tin, bởi vì, giao ước đã lập ra muôn đời Chúa nhớ mãi. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Các Vua quyển thứ nhất cho thấy: Vua Salômôn hằng vững tin vào giao ước, vào lời mà Đức Chúa đã hứa cùng các tổ tiên, cho nên, ông đã nài xin: Xin Ngài để mắt nhìn đến ngôi nhà này đêm ngày, nhìn đến nơi này, vì Ngài đã phán ‘Danh Ta sẽ ở đấy’; xin Ngài lắng nghe lời nguyện tôi tớ Ngài dâng ở nơi đây.
Can đảm tuyên xưng và trung thành giữ vững đức tin, bởi vì, ngay cả, chim sẻ và chim nhạn, còn được Chúa thương đoái đến, huống chi là chúng ta, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 83, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái. Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ, ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm, cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con bên bàn thờ của Chúa.
Để có thể can đảm tuyên xưng và trung thành giữ vững đức tin, chúng ta phải để Chúa chi phối lòng trí chúng ta, như câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Lạy Thiên Chúa, xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý, và thương ban cho con luật pháp Ngài. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã trách các Kinh Sư và những người Pharisêu: gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm: Các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘coban’, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo là những con người đã can đảm tuyên xưng và trung thành giữ vững đức tin đến hơi thở cuối cùng. Họ vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm; coi trọng luật Chúa hơn luật người phàm, dù cho, máu đổ đầu rơi, họ vẫn giữ vững lòng tin vào Đấng đã yêu thương và thí mạng vì họ. Ước gì chúng ta cũng biết giữ vững niềm tin của mình, nhất là, khi bị bách hại vì Danh Đức Kitô! Ước gì được như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn