Lời Chúa THỨ BẢY, NGÀY 6 BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thứ tư - 27/12/2023 18:21 |   283
Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na… Bà đã nhiều tuổi lắm… (Lc 2,36-40)
Lời Chúa THỨ BẢY, NGÀY 6 BÁT NHẬT GIÁNG SINH

30/12/2023
THỨ BẢY, NGÀY VI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Ngôn sứ Anna

Lc 2,36-40


VỊ TIÊN TRI CAO TUỔI
Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na… Bà đã nhiều tuổi lắm… (Lc 2,36-40)

Suy niệm: Người ta thường nói: “Lão lai tài tận” (đến tuổi già, tài ba cũng hết), thế nhưng ai dám bảo người cao tuổi lại không thể làm ngôn sứ cho Chúa, kể cả khi người đó là một bà già tám mươi tư tuổi như cụ bà An-na? Cuộc sống của bà thật đáng khâm phục: ngày ngày có mặt nơi đền thờ, ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Và việc loan báo của cụ thật là giản dị: bà “cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi Giê-su” cho những người đang mong chờ ơn cứu độ. Cuộc sống thánh đức làm cho lời loan báo trở thành đầy hiệu lực.

Mời Bạn: Suy niệm Tin Mừng hôm nay, các bạn trẻ sẽ không còn nghĩ người già là lỗi thời, vì với những trải nghiệm của cả một cuộc đời trung thành với niềm tin, lời giáo huấn của họ thật đáng giá hơn vàng bạc. Và quý cụ cũng không mặc cảm mình là vô dụng vì Chúa vẫn đang mời gọi họ tiếp tục làm ngôn sứ cho Ngài. Bất giác, lời sai đi trong Năm Thánh truyền giáo hướng về người cao tuổi lại vang lên: “Các cụ cao tuổi, hãy bước vào năm Thánh truyền giáo với lòng hăng hái, như những chứng nhân trung thành về tình yêu Thiên Chúa.”

Chia sẻ: Thánh Kinh nói: “Người đầu bạc thì khôn ngoan”. Sự khôn ngoan của người cao tuổi hệ tại điều gì?

Sống Lời Chúa: Có ai quanh bạn “đang trông chờ ơn cứu độ” không? Bạn hãy tìm ra họ và nói về Chúa Giê-su cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn trung thành tin vào Chúa trong mọi giây phút và cũng trung thành làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh. Và cả lúc con đã mắt mờ chân chậm, con vẫn luôn đặt trọn đời con trong tay Chúa với một niềm tin của trẻ thơ.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY, NGÀY VI BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Ca nhập lễ

Lúc vạn vật đắm chìm trong thinh lặng và khi đêm tối đã về khuya, Thì lạy Chúa, từ ngai vàng thiên quốc, Lời toàn năng của Ngài đến trần gian.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, vì công ơn Con Một Chúa là Ðức Giê-su Ki-tô, vừa sinh xuống giữa lòng nhân loại, xin Chúa thương giải thoát chúng con khỏi gông cùm nô lệ tội lỗi. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 1 Ga 2, 12-17

“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì tồn tại muôn đời”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông đồ.

Hỡi các con, ta viết cho các con, vì tội lỗi các con được tha vì danh Người.

Hỡi các phụ huynh, ta viết cho các con, vì các con đã nhận biết Ðấng vẫn có từ ban đầu.

Hỡi các thiếu niên, ta viết cho các con, vì các con đã chiến thắng quỷ dữ.

Hỡi các trẻ nhỏ, ta viết cho các con, vì các con đã nhận biết Chúa Cha.

Hỡi các thanh niên, ta viết cho các con, vì các con dũng cảm, và lời Thiên Chúa vẫn ở trong các con, và các con đã chiến thắng quỷ dữ.

Các con đừng yêu mến thế gian và những điều thuộc về thế gian. Nếu ai yêu mến thế gian thì lòng mến của Chúa Cha không có trong kẻ ấy. Vì mọi sự ở trong thế gian là đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt, và kiêu căng vì của cải, những điều đó không phải bởi Chúa Cha, nhưng bởi thế gian mà ra. Và thế gian qua đi với đam mê của nó. Còn ai thực hiện thánh ý Thiên Chúa, thì tồn tại muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 7-8a. 8b-9. 10

Ðáp: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan!

Xướng: Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang; hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người.

Xướng: Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa, mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan.

Xướng: Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người dựng vững địa cầu cho nó khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. 

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 36-40

“Bà đã nói về Người với tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, có bà tiên tri An-na, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giê-su cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Ít-ra-en.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Ga-li-lê-a, về thành mình là Na-da-rét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả chúng con đang hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Giáng Sinh

Ca hiệp lễ

Do sự sung mãn của Người mà hết thảy chúng ta đã nhận được từ ơn này đến ơn khác

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, khi cho chúng con dự tiệc Mình và Máu Ðức Ki-tô, Chúa đã thân hành đến gặp con cái Chúa. Xin cho bí tích kỳ diệu này sinh hoa kết quả trong lòng chúng con, để hồng ân Chúa vừa ban tặng giúp chúng con sẵn sàng lãnh nhận những hồng ân khác nữa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỨC GIÊ-SU SỐNG ẨN DẬT (Lc 2,36-40)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng ghi lại việc bà An-na nói tiên tri về Hài Nhi Giêsu cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa đến cứu chuộc.

Lúc thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a dâng Chúa Hài Nhi trong Đền thờ, cũng có bà tiên tri An-na ở đó. Bà sống trong đền thờ, ăn chay cầu nguyện và phụng sự Chúa đêm ngày. Bà thấy trẻ Giê-su thì chúc tụng và giới thiệu cho mọi người. Còn thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a, sau khi làm xong mọi việc theo luật dạy thì đem Chúa Giê-su về nhà. Người càng lớn thì càng thêm mạnh mẽ, khôn ngoan và đầy ân sủng.

2. Bà An-na hôm nay quan trọng vì bà là một tiên tri, đã báo cho mọi người biết con trẻ Giê-su là Đấng mọi người mong đợi, nay đã đến.

Bà là một quả phụ già nua với tuổi đời trên 80. Với xã hội bà chỉ là một người góa bụa nghèo nàn, vô tích sự. Nhưng trước  mặt Chúa bà có giá trị vì bà không rời bỏ Đền thờ, hằng ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.

Bà quả là mẫu gương cho tất cả những ai đang sống trong phận nhỏ: nghèo hèn, bệnh tật, dốt nát, vô tích sự đối với xã hội. Vì những người phận nhỏ này Chúa cần dùng đến để hiệp thông với Chúa trong việc ăn chay, cầu nguyện và phụng thờ Thiên Chúa; đồng thời Chúa còn dùng đến để cộng tác vào công việc loan báo Chúa cho tha nhân bằng chứng tích của đời sống, bằng lời nói và việc làm.

3. “Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Trong gia đình, Hài nhi Giê-su cần được giáo dục về mọi phương diện để thành người: nuôi dưỡng sức khỏe thể lý, củng cố sự vững mạnh tâm lý, phát triển trí khôn, lớn lên trong ơn nghĩa Chúa. Vì thế, trong gia đình Thánh gia, mặc dù là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, Chúa Giê-su vẫn hoàn toàn chu toàn bổn phận với Chúa Cha trong tư cách là Con Thiên Chúa (x.Lc 2,49) và chu toàn bổn phận là con trong một gia đình  khi sống đời khiêm hạ và hằng vâng phục Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se. Người ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, vả hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa (x Lc2,40).

Như vậy, noi gương Chúa Giê-su, trong phận làm con, chúng ta có bổn phận hiếu kính cha mẹ mình. Sự hiếu kính đó không phải chỉ là điều hợp với lẽ phải, hợp với khao khát chính đáng của con người, nhưng còn là điều đẹp ý Chúa. Bởi lẽ Thiên Chúa muốn con cái thờ cha kính mẹ (x Đnl 5,16). Bởi lòng hiếu thảo của con cái là quà tặng đẹp nhất dâng cho cha mẹ và được Chúa chúc lành.

4. Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao” (Lc 2,49)?

Sau mười hai năm dưỡng dục, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se dẫn người con Giê-su nay đã lớn khôn lên Giê-ru-sa-lem “trình làng”. Bổn phận làm cha làm mẹ khiến hai Đấng chạy đôn chạy đáo tìm kiếm khi thất lạc cậu con. Nỗi lo lắng ấy được bù đắp khi tìm thấy con mình ngồi giữa các thầy thông thái, vừa đáp vừa hỏi thật khôn ngoan. Dù đã chu toàn trách nhiệm, hai đấng vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước câu trả lời khó hiểu của con mình: Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha Con sao”? Thì ra bổn phận làm cha mẹ không chỉ là chăm sóc dạy dỗ con về phương diện tư nhiên, xã hội mà còn hướng dẫn cho con cái nhận biết, đáp lại ơn gọi và sứ mạng Chúa dành cho chúng nữa; cha mẹ không chỉ dưỡng dục con thành người mà còn phải giúp con mình  lớn lên thành con cái Chúa.

5. Qua biến cố Giáng sinh, Thiên Chúa đã trao cho nhân loại một viên ngọc vô cùng quí giá, là Chúa Giê-su, để nhờ đó mà nhân loại được sống. Thế nhưng thử hỏi có được bao nhiêu người trong nhân loại đã giơ tay ra để đón lấy viên ngọc quí đó. Thánh sử Gio-an, trong bài tiền ngôn Tin Mừng của Ngài, Ngài đã đau xót nói lên rằng: Người ở giữa thế gian, nhưng thế gian lại không nhận biết Ngài (Ga 1,10). Và còn hơn thế nữa: ”Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người” (Ga 1,11).

Chính vì thế “Ngài đã đến, nhưng Ngài lại phải ra đi”.

Tại sao nhân loại đã có thái độ như vậy? Thưa, chỉ vì nhân loại chưa nhận biết  giá trị của viên ngọc quí Giê-su. Chính vì thế mà nhiều người đã đi chọn cho mình những viên ngọc giả hiệu là danh vọng, lạc thú, giàu sang, chức quyền thay vì chọn viên ngọc thật, vô cùng qui giá là Chúa Giê-su.

6. Truyện: Chọn viên ngọc quí.

Người ta kể rằng có một chàng thanh niên đến xin thọ giáo với một sư tổ về ngọc thạch. Sau khi đã chấp nhận người môn sinh, vị sư tổ trao cho chàng một viên ngọc thạch quí giá, và bảo chàng hãy nắm thật chặt lấy nó ở trong tay. Thế rồi ông nói thao thao với người môn sinh về triết lý nhân sinh, về thiên văn địa lý. Sau hơn một giờ đồng hồ, ông bảo người môn sinh trả lại ông viên ngọc thạch, rồi cho chàng về nhà.

Hôm sau, chàng thanh niên đó trở lại, và cái cảnh hôm trước lại tái diễn. Thế rồi ngày này qua ngày khác, tháng nọ qua tháng kia, không có một điều gì khác lạ.

Nhưng rồi một hôm vị sư tổ bảo chàng nhắm mắt lại, rồi trao cho chàng một viên đá thay vì một viên ngọc như mọi khi, và cũng bảo chàng nắm tay lại.

Vừa nắm bàn tay lại chàng thanh niên nói:

– Thưa thầy, đây không phải là viên bảo ngọc.

Vị tổ sư về ngọc thạch reo lên:

– Khá lắm, khá lắm, thế là con đã thành tài rồi đó.

Sống trong cuộc sống, chúng ta phải tập cho mình biết nhạy bén với những dấu chỉ dù nó thật nhỏ bé, chúng ta mới có thể nhận ra những điều kỳ diệu Chúa làm cho chúng ta.

MẦU NHIỆM TỰ HỦY CHIẾU SOI MỌI TĂM TỐI
(Ngày 30 tháng 12)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của ngày lễ hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: vì công ơn Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô, vừa sinh xuống giữa lòng nhân loại, xin Chúa thương giải thoát chúng ta khỏi gông cùm nô lệ tội lỗi.

Ca Nhập Lễ cho thấy Thiên Chúa đã chọn con đường tự hủy: nhập thể âm thầm, khiêm hạ để cứu độ loài người: Lúc vạn vật đắm chìm trong thinh lặng, và khi đêm tối đã về khuya, thì lạy Chúa, từ ngai vàng thiên quốc, Lời toàn năng của Ngài đến trần gian.

Thiên Chúa đã nhập thể làm người để giải thoát chúng ta khỏi gông cùm nô lệ tội lỗi. Người đã chọn cách thế tự hủy, tự hóa mình ra không, âm thầm, khiêm hạ, khác hẳn với cách thế của người đời. Người chọn làm người để chúng ta được tham dự vào thần tính của Người, như thánh Hipôlytô đã nói trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách hôm nay. Cũng vậy, thánh Phaolô trong bài đọc một của giờ Kinh Sách cũng cho thấy: Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người, mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.

Khi đến trần gian, Đức Giêsu đã xác định rõ ràng: Người được sai đến là để làm theo ý Chúa Cha. Trong bài đọc một, thánh Gioan đã cho thấy những người không làm theo ý muốn Chúa Cha là những người nào: Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian, thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi.

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 95, vịnh gia kêu gọi: Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng. Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang, hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người. Thiên Chúa đã xuống thế làm người, cứu chuộc chúng ta khỏi gông cùm nô lệ tội lỗi, do đó, các nhà phụng vụ đã chọn câu Tung Hô Tin Mừng cho ngày lễ hôm nay là: Ngày thánh đã bừng lên chiếu rọi chúng ta, muôn dân hỡi, đến mà thờ lạy Chúa. Vì hôm nay, ánh huy hoàng rực rỡ, tỏa xuống khắp cõi trần. Chúng ta được cứu chuộc nhờ công trình tự hủy, hóa mình ra không của Thiên Chúa, cách thế đảo ngược này lại cất giấu mọi kho tàng khôn ngoan và hiểu biết, sẽ soi chiếu những gì còn đang ẩn kín và làm rực lên ánh vinh quang rạng ngời giữa một thế giới ngập đầy bóng tối. Đây là một mầu nhiệm không thể hiểu được, mà Thiên Chúa chỉ tỏ lộ cho những kẻ bé mọn như cụ già Simêon và nữ ngôn sứ Anna trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật lại cuộc gặp gỡ giữa nữ ngôn sứ Anna và Hài Nhi Giêsu trong Đền Thờ: Bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. Bà nói gì về Hài Nhi cho tất cả mọi người, chắc hẳn, những gì bà nói cũng không nằm ngoài những lời tiên báo của cụ già Simêon: Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Chúa thường mặc khải những điều cao cả cho những kẻ bé mọn, bà Anna là một người nghèo của Thiên Chúa, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. Ước gì chúng ta cũng trở nên những con người bé mọn, dám tham dự vào công trình tự hủy của Chúa, để chúng ta cũng được Chúa mặc khải cho biết những mầu nhiệm cao cả của Nước Trời.

Qua mầu nhiệm tự hủy, hóa mình ra không, Đức Kitô đã trở thành nguồn mạch ơn cứu độ của chúng ta, như trong lời Ca Hiệp Lễ, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Từ nguồn sung mãn của Đức Kitô, tất cả chúng ta đã nhận được hết ơn này đến ơn khác. Ước gì chúng ta biết chạy đến với Đức Kitô, để lãnh nhận ân sủng dồi dào, mà dấn thân, cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Ước gì được như thế!

MONG ĐỢI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa”.

Robert Slater nói, “Không nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn của một quả phụ đi bộ hàng ngày đến nghĩa trang; ở đó, cô đứng lặng trân một vài phút… trước khi bắt đầu một ngày mới. Cô ấy biết, một phần của cô đang ở đó; và phần kia, ở trong bổn phận thường nhật”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hoàn toàn khác với quả phụ u sầu kia, Tin Mừng hôm nay nói đến Anna, một lão bà goá bụa mà lòng vui như hội! Sau 7 năm sống với chồng, phần còn lại của những 77 năm, “Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa”. Bà ‘mong đợi’ “ngày Chúa cứu chuộc Giêrusalem”. Nhân vật độc đáo này đáng được suy gẫm!

Như Simêon, từng ngày, Anna ‘mong đợi’ Chúa với niềm tin tuyệt đối. Hàng chục thập kỷ, bà ước mong gặp Ngài. Có lẽ bà sẽ cam chịu cho đến chết, vì sự ‘mong đợi’ bền bỉ đó vẫn tiếp tục chiếm trọn đời bà; với bà, không có cam kết nào quan trọng hơn. Vì thế, khi thánh gia lên đền thờ, thì cùng Simêon, bà nhanh chóng có mặt dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Gánh nặng tuổi tác và sự chờ đợi biến mất! Họ khám phá Hài Nhi, một sức mạnh mới vốn đòi hỏi họ một nhiệm vụ mới, trở nên ‘chứng nhân của sự mong đợi!’.

Nhà của Chúa là nhà của bà! Gần như bà đã sống ở đó suốt đời. Sự tận tâm của bà đối với nhà Chúa khiến bà nhạy cảm với sự xuất hiện của Ngài. Nhìn Simêon ẵm Hài Nhi, bà lập tức nhận ra đứa trẻ ấy là ai và bắt đầu ca ngợi Thiên Chúa cũng như nói về trẻ ấy cho người khác. Phản ứng của bà phát triển theo hai hướng, hướng về Chúa trong ngợi khen, và hướng về người khác để nói cho họ biết, Chúa đã đến, cứu thoát dân Ngài. Việc cầu nguyện đã mang lại cho Anna một tầm nhìn thiêng liêng để nhận ra và loan báo Đấng Cứu Độ. Bà chứng tỏ rằng, trung thành với việc cầu nguyện sẽ giúp mỗi người đọc ra dấu chỉ của Thiên Chúa, biết Ngài hoạt động thế nào; và sau đó, rao truyền điều Ngài muốn! Anna cho thấy, một trong những cách thức để phụng sự Chúa là dành thời giờ, sự tập trung, và chú ý vào Chúa cùng hiến dâng chính mình cho Ngài.

Về Anna, Đức Bênêđictô 16 nói, “Cuộc sống goá bụa lâu dài của bà dành cho việc thờ phượng trong đền thờ và tham gia vào việc mong đợi sự cứu chuộc Israel đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc gặp gỡ của bà với Hài Nhi Giêsu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bà không rời đền thờ, ăn chay, cầu nguyện và phụng sự Thiên Chúa”. Chỉ một câu, Luca tài tình ghi lại tính cách thánh thiện của con người Anna. Cuộc đời của bà khác xa cuộc đời của quả phụ ngày ngày ra nghĩa trang. Nó ý nghĩa hơn nhiều! Thiên Chúa cũng ước mong trái tim mỗi người chúng ta luôn quy hướng về Ngài, ‘mong đợi’ Ngài như trái tim của Anna, để có thể nhạy cảm với bao việc Ngài làm trong thế giới, một thế giới đang trải qua khúc ngoặt xám xịt nhất của lịch sử. Với tình thế hiện nay, rất nhiều người đang buông xuôi, thất vọng… bạn và tôi hãy mang đến cho họ một tia hy vọng từ chứng tá của mình! Hãy như Anna, đến với đền thờ, trung thành cầu nguyện và phụng sự Chúa trong chay tịnh để có thể chia sẻ cho người khác dấu chỉ quan trọng nhất, Dấu Chỉ Giêsu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không rảo bước hàng ngày đến nghĩa trang, nhưng con cần ‘đi bộ’ đến với Chúa mỗi ngày bằng bất cứ phương tiện nào; bởi lẽ, con ‘mong đợi’ Chúa, con cần Chúa!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây