Lời Chúa THỨ TƯ, NGÀY 3 BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Chủ nhật - 24/12/2023 18:28 |   348
Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. (Ga 20,2-8)

27/12/2023
THỨ TƯ, NGÀY III TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thánh Gioan, tông đồ

Thánh Gioan

Ga 20,2-8


NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA YÊU
Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. (Ga 20,2-8)

Suy niệm: Người môn đệ Chúa yêu không chỉ là người được Chúa yêu cách đặc biệt, và còn là người môn đệ cảm nghiệm cách đặc biệt tình yêu Chúa dành cho mình. Dĩ nhiên, mọi người đều được Chúa yêu thương. Nhưng Gio-an đã cảm nghiệm được tình yêu đó dành cho mình cách đặc biệt và ngài muốn mời gọi chúng ta cảm nhận tình yêu đó của Thiên Chúa. Vì thế, trong sách Tin Mừng, khi ẩn mình dưới danh xưng người môn đệ Chúa yêu, Gio-an muốn mỗi người chúng ta điền tên của mình vào vị trí đó – vị trí của người môn đệ Chúa yêu. Quả thật, chúng ta là những người được Chúa yêu. Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm tình yêu Chúa đầy tràn trong cuộc đời chúng ta. Thế nhưng nhiều khi chúng ta không để ý đến, không nhận ra. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không còn là thứ tình yêu trừu tượng, vô hình nhưng đã trở nên hữu hình khi Ngôi Lời “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Mời Bạn: Bạn có dám nhận mình là người môn đệ được Chúa yêu không? Bạn sẽ thật là hạnh phúc khi nhận biết mình là người được yêu như thế. Mỗi lần bạn nhận biết và nhắc lại tình yêu Chúa dành cho bạn, thì tình yêu của bạn dành cho Chúa lại càng đậm đà hơn.

Sống Lời Chúa: Ôn lại một biến cố mà bạn cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho bạn và bạn dâng lời cảm tạ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dù đời con có nhiều sóng gió, xin cho con được đến và tựa nép bên lòng Chúa, như Gio-an tựa đầu vào ngực Ngài, để con cảm nhận được mình được Chúa yêu thương. Amen.

Ngày 27 Tháng 12: Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Gioan Tông Đồ, để mặc khải mầu nhiệm Ngôi Lời cho chúng con. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con thấu hiểu những chân lý cao siêu thánh nhân đã truyền lại. Thánh Gioan chạy đến mồ trước, nhưng lại vào sau thánh Phêrô, xin cho các thần học gia đừng tự mãn với những suy tư, những hiểu biết thần học cao siêu của mình, nhưng biết khiêm nhường như thánh Gioan: luôn biết quy phục Chúa qua các Đấng Bản Quyền. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ, NGÀY III TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Thánh Gioan, tông đồ

Ca nhập lễ

Thánh Gio-an ngả đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly. Hạnh phúc thay vị Tông đồ đã được tỏ cho biết các mầu nhiệm trên trời, và đã phổ biến lời hằng sống trên khắp thế gian.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Gio-an tông đồ Ðể mặc khải mầu nhiệm Ngôi Lời cho chúng con. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con thấu hiểu những chân lý cao siêu thánh nhân đã truyền lại. Chúng con cầu xin…

 Bài Ðọc I: 1 Ga 1, 1-4

“Chúng tôi loan truyền cho anh em điều chúng tôi đã nghe và đã thấy”.

Bắt đầu thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông đồ.

Các con thân mến, điều đã có từ thuở ban sơ, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã ngắm nhìn và tay chúng tôi đã sờ đến về Ngôi Lời hằng sống: là sự sống đã tỏ hiện, và chúng tôi đã từng thấy, chúng tôi làm chứng và chúng tôi loan truyền cho các con sự sống đời đời đã có nơi Chúa Cha và đã tỏ hiện cho chúng ta. Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi loan truyền cho các con, để các con hiệp nhất với chúng tôi, và chúng ta hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giê-su Ki-tô, Con của Người. Chúng tôi viết các điều này để các con vui mừng và niềm vui của các con được trọn vẹn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 5-6. 11-12

Ðáp: Người hiền đức, hãy vui mừng trong Chúa

Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu.

Xướng: Núi non vỡ lở như mẩu sáp trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.

Xướng: Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy vui mừng trong Chúa và hãy ca tụng thánh danh Người.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; lạy Chúa, ca đoàn vinh quang của các tông đồ ca ngợi Chúa. – Alleluia.

 Phúc Âm: Ga 20, 2-8

“Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na chạy đến gặp Si-mon Phê-rô và môn đệ kia mà Chúa Giê-su yêu, bà nói: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu”.

Bấy giờ Phê-rô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phê-rô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.

Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin thánh hoá của lễ chúng con dâng tiến. Ước chi tiệc thánh này đưa chúng con vào mầu nhiệm Ngôi Lời ban sự sống xưa Chúa đã mặc khải cho thánh Gio-an tông đồ. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Giáng Sinh

Ca hiệp lễ

Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Từ nguồn sung mãn của Người, chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho thánh Gio-an tông đồ để người rao giảng cho chúng con về Ngôi Lời nhập thể. Xin cho Ngôi Lời ở mãi trong tâm hồn chúng con nhờ thánh lễ chúng con cử hành. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THÁNH GIO-AN TÔNG ĐỒ (Ga 20,2-8)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Thánh Gio-an Tông đồ cho chúng ta biết: Bà Ma-ri-a Ma-da-lê-na từ sáng sớm đã ra thăm mộ Chúa Giê-su. Bà không thấy xác Chúa thì hoảng hốt chạy về báo cho thánh Phê-rô và thánh Gio-an. Hai ông liền chạy đến mộ. Các ông thấy khăn liệm và khăn che mặt Chúa còn đó, mà xác Người đâu mất? Nhưng thánh Gio-an tin chắc là Chúa đã sống lại, vì theo Thánh Kinh: thì Người phải sống lại từ cõi chết.

2. Gio-an quê ở Bethsaiđa, được Chúa gọi làm môn đệ cùng với anh là Gia-cô-bê đang vá lưới với cha. Ông là môn đệ độc thân, được Chúa Giê-su yêu các riêng, được tham dự vào các biến cố quan trọng của Thầy như: Biến hình trên núi Tabôrê, trong vườn Cây Dầu trước khi Chúa bị bắt, đứng dưới cây Thập giá Chúa cùng với Mẹ Ngài, chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Chúa Giê-su, là nhân chứng về ngôi mộ trống và về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh.

Gio-an sẽ phải chịu sự bắt bớ thời hoàng đế Nê-rông, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh, nhưng ông thoát chết kỳ lạ, sau đó bị khổ lưu đầy tại đảo Patmos. Ông là vị Tông đồ duy nhất không phải đổ máu đào như các Tông đồ khác.

3. Tông đồ Gio-an là “môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” (x.Ga13,23), người đã ngã đầu và ngực Chúa trong bữa Tiệc ly như là biểu tượng của tình yêu gắn bó với Thầy. Thánh Au-gút-ti-nô đã nhìn thấy mối gắn bó tình yêu này như sau: Từ trong lồng ngực Chúa, Gio-an đã tìm thấy nguồn suối ban cho chúng ta thứ nước không còn khát và sự hiểu biết”.

Thật thế, Gio-an được ở gần bên Chúa, gắn bó và chứng kiến những việc Chúa làm. Sống và cảm nghiệm tình yêu của Thầy, ông đã ghi chép lại diễn từ tình yêu của Thầy (x.Ga 14-15) mà chỉ có ghi nhận nơi Tin Mừng Gio-an, vì thế được gọi là con người của tình yêu.

4. Xem ra Gio-an là con người hiền lành, dễ thương, nhưng thực sự ông là một con người xông xáo, nhiều tham vọng. Chúa Giê-su đã đặt cho ông một cái tên cúng cơm là Boanet, nghĩa là con của sấm sét. Gia-cô-bê và Gio-an là những người hết sức độc đoán và bất khoan dung, tính tình nóng nảy. Có lần họ đã muốn tiêu diệt cà một làng Sa-ma-ri-a chỉ vì dân làng này không chịu tiếp đón đoàn của Chúa khi Chúa phải đi qua đó. Có lần cùng với Gia-cô-bê và qua bà mẹ họ đã công khai xin được ngồi bên phải bên trái Chúa trong Nước của Ngài. Tin Mừng còn cho chúng ta biết chính Phê-rô và Gio-an là những người được trao cho việc thu xếp bữa ăn tối cuối cùng.

5. “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

Đây là sự kiện mà bài Tin Mừng hôm nay, “người môn đệ được Chúa yêu” chạy ra mộ, thấy ngôi mộ trống và đã tin.

Nhiều người chú giải rằng, Gio-an nhường Phê-rô vào mộ trước là vì ông nhận quyền “bề trên” của Phê-rô. Giải thích như thế có lẽ không chính xác lắm, bởi lẽ, lúc này Chúa Giê-su chưa trao quyền cho Phê-rô, mà phải chờ lúc hiện ra sau này với các môn đệ (x.Ga 21,15-19). Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là chuyện ai trước ai sau, mà là nền tảng đức tin của chúng ta, như “môn đệ được Chúa yêu đã thấy và ĐÃ TIN”. Như vậy, chủ đích của đoạn Tin Mừng hôm nay, trong ngôn ngữ biểu tượng, “người môn đệ Chúa yêu” là hình ảnh Giáo hội chứng kiến sự kiện ngôi mộ trống, chứng kiến những chứng tích và ĐÃ TIN. Đó là Đức tin muôn đời không lay chuyển của Kitô hữu chúng ta (cf Hiền Lâm).

6. Người môn đệ được Chúa yêu mến nói về mình: Ông đã thấy và đã tin”. Ông đã thấy bằng trái tim và đã tin bằng tình yêu. Phải chăng người môn đệ muốn quả quyết rằng: bằng tình yêu, người ta có thể đi từ chỗ thấy những dấu chỉ bên ngoài, đến chỗ tin vào Chúa Phục Sinh vô hình? Vậy, thánh Gio-an đã thấy và đã tin nhờ đâu? Nhờ thánh nhân là môn đệ được Chúa Giê-su yêu mến. Chính tình yêu giúp chúng ta nhạy cảm, tiến sâu vào các mầu nhiệm của Chúa.

7. TruyệnHãy yêu thương nhau.

Chính thánh Hiêrônimô đã kể lại câu chuyện về mấy lời cuối cùng của Gio-an. Lúc ông hấp hối, các môn đệ hỏi ông còn gì để trối lại với họ không?

 Ông bảo:

– Hỡi các con bé bỏng của ta, hãy yêu mến lẫn nhau.

Ông lặp đi lặp lại nhiều lần, họ lại hỏi ông có phải đó là tất cả những gì ông muốn nói với họ không?

Ông đáp:

– Như thế là đủ, vì đó là mệnh lệnh của Chúa.

MÔN ĐỆ VÔ DANH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ông đã thấy và đã tin!”.

“Niềm tin nhỏ đưa linh hồn lên thiên đàng, niềm tin lớn đưa thiên đàng xuống linh hồn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hơn cả nhận định trên về niềm tin, Tin Mừng hôm nay cho thấy một điều gì đó còn ‘hơn cả thiên đàng’. Thật bất ngờ, ngay sau đại lễ Giáng Sinh, chúng ta nghe Tin Mừng đại lễ Phục Sinh; bởi lẽ, hôm nay, Hội Thánh kính nhớ một chứng nhân phục sinh, Gioan tông đồ thánh sử, dẫu cho trong Phúc Âm của mình, Gioan chỉ là một ‘môn đệ vô danh!’.

Theo truyền thống, Gioan được đồng nhất với “môn đệ kia” trong Phúc Âm thứ tư. Môn đệ này thực sự không bao giờ được ‘nêu tên’ nhưng luôn ‘núp bóng’ giản dị dưới danh hiệu “người Chúa Giêsu yêu”. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu yêu Gioan hơn những người khác. Thực ra, con người vô danh này đã đáp lại tình yêu đối với Thầy mình trọn vẹn hơn các bạn đồng môn khác. Bằng chứng là dưới chân thập giá, khi cả nhóm Mười Hai bỏ chạy, Gioan vẫn ngoan cường đứng đó với nhóm phụ nữ; vì thế, Gioan trở nên kiểu mẫu cho tất cả môn đệ mọi thời.

Tin Mừng cho biết, chính tình yêu nồng nàn đã cho phép Gioan trực giác một điều gì đó về Thầy nhanh hơn những người khác. Chẳng hạn, Phêrô và Gioan nhìn thấy những dải vải gấp gọn trong ngôi mộ trống; nhưng chỉ với Gioan, “Ông đã thấy và đã tin!”. Gioan nhận ra sự hiện diện của ‘một Ai đó’ ‘đằng sau những gì có thể nhìn thấy’. Gioan nhìn sự việc với đôi mắt của một tình yêu sắt son nên có thể nhận ra Chúa Phục Sinh ngay trong khoảng không đời mình, một khoảng không xám xịt, chẳng hy vọng, chẳng có sự sống!

“Ông đã thấy và đã tin!”. Gioan thấy gì? Bài đọc thứ nhất trả lời, “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống”. Ôi! ‘Đằng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ máng cỏ, Gioan - Khải Huyền cho biết - là “phượng hoàng” chấp cánh bay cao tận mút cùng thời gian, mút cùng không gian để thấy và chiêm ngưỡng Ngôi Lời hằng sống. ‘Đằng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ ngôi mộ trống, Gioan tin nhận Đấng Phục Sinh! Đó là Giêsu, Ngôi Lời mặc lấy xác phàm hèn yếu như chúng ta mà đại lễ Giáng Sinh vừa mừng kính, cũng là Đấng đang sống, đang hoạt động với Thánh Thần của Ngài trong Hội Thánh và qua Hội Thánh.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ông đã thấy và đã tin!”. Sở dĩ ông tin; vì lẽ suốt cả cuộc đời, Gioan đã để những gì mình thấy, những gì mình nghe đi vào tâm trí, vào con tim; từ đó, khám phá dần, Giêsu là ai. Vì thế, Gioan trầm lắng dưới chân thập giá, bình tâm trong khủng hoảng. Cũng vậy, đầu mùa Giáng Sinh, khi cho con cái lắng nghe Tin Mừng Phục Sinh, Mẹ Hội Thánh muốn hỏi bạn và tôi, “Con thấy gì?”. Thấy nhân loại nhẫn tâm đẩy Con Thiên Chúa ra tận đồng vắng; thấy con người ác tâm treo Đấng Cứu Độ lên giá tội nhân! Đổi lại sự vô tâm, Hội Thánh mời chúng ta chiêm ngắm và tin vào tình yêu khôn lường của Thiên Chúa dành cho chính mình; và như thế, niềm tin cũng sẽ kéo thiên đàng Giêsu xuống tận linh hồn bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường chỉ muốn hữu danh, nổi tiếng; nên niềm tin èo uột của con đẩy con xa khỏi thiên đàng. Cho con thêm lòng kính tin, để thiên đàng Giêsu cũng kéo xuống tận linh hồn con!”, Amen.

 

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Cùng với lễ kính thánh Giacôbê Tiền, anh của ngài, lễ kính thánh Gioan Tông đồ đã được ghi nhận là mừng vào ngày 27 tháng 12 trong lịch Nicômêđia (thế kỷ IV), Sách Nguyện Syrie, lịch Carthagô, và cả các lịch của phương Tây: ở Palestin, thế kỷ VI, mừng ngày 29 tháng 12, và ở Armênia, ngày 28. Ở phương Tây, lễ này đã được ghi nhận từ thế kỷ VI và VII; sách Bí tích Vêrôna ở thế kỷ VI đưa ra hai mẫu cử hành.

Theo các sách Tin Mừng, Gioan (tiếng Hi Lạp: ioannès, bởi tiếng Do Thái yohanân = Thiên Chúa ban ơn) là con ông Giêbêđê, làm ngư phủ ở Bếtsaiđa (Mc 1, 20), và bà Salômê, một trong những phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu (Mc 15, 40 và Mt 27, 56). Có lẽ ngài từng thuộc phái Quá Khích. Sau khi làm môn đệ của Gioan Tẩy Giả (Ga 1, 39), người giới thiệu Đức Giêsu như là Chiên Thiên Chúa, ngài đi theo Chúa Giêsu cùng với Anrê, anh của Phêrô, và còn trở thành một môn đệ được Chúa Giêsu yêu cách đặc biệt. Hơn nữa, ngài được chia sẻ những bí ẩn thâm sâu nhất của Chúa Giêsu; chúng ta biết điều này khi ngài tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu, bởi đó ngài có biệt danh là Epistethios, người được Chúa thương mến (xem Ga 13, 23). Ngài có mặt vào những giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời Thầy mình: khi Chúa Giêsu cho con gái ông Giairô sống lại, lúc Chúa Biến hình, trong giờ Chúa hấp hối ở Giếtsêmani, và lúc Chúa chịu đóng đinh thập giá. Sau đó ngài tham dự Công đồng Giêrusalem, và trong danh sách các tông đồ (Cv 1, 13), ngài đứng ngay sau thánh Phêrô.

Thánh Gioan đi rao giảng Tin Mừng ở Samaria cùng với thánh Phêrô (Cv 8, 14) và ở cùng với thánh Phêrô khi người què được chữa lành ở cửa Đền thờ (Ga 3, 13). Thánh Phaolô gọi ngài là trụ cột của Hội Thánh (Ga 2, 9). Theo truyền thống, có thể lúc đầu ngài sống ở Antiochia, rồi ở Êphêsô, tại đây người ta còn kính viếng mộ ngài. Sau đó có lẽ ngài đến Rôma, tại đây, theo Tertullien, có thể ngài bị hành hình bằng đổ dầu sôi lên người ở gần Cửa La tinh, và sự kiện này là nguồn gốc cho một lễ mừng ngài vào ngày 6 tháng 5, đã được nhắc đến từ năm 780 và nhắc nhớ việc cung hiến một thánh đường dâng kính thánh Gioan. Sau cùng, theo truyền thống, ngài bị phát vãng sang đảo Patmos thuộc quần đảo Dodecanese (Hy Lạp), tại đây ngài viết sách Khải Huyền. Ngài qua đời lúc tuổi rất cao, có thể vào cuối thế kỷ I, dưới thời Dominitien (81-96) hay thời Trajan (98-117).

Với chút dè dặt, người ta cho rằng ngài là tác giả của Tin Mừng thứ bốn, của ba Thư thánh Gioan, và sách Khải Huyền. Khoảng năm 175, thánh Irênê viết: “Gioan, tông đồ của Chúa, người đã tựa vào ngực Chúa, cũng đã viết một sách Tin Mừng trong thời gian ngài cư trú tại Êphêsô” (Adv. Haer., III, I, 1).

Các tranh ảnh vẽ về thánh Gioan Tông đồ rất phong phú, thường dưới dạng một thanh niên trẻ trung, hay họa hiếm hơn, dưới dạng một cụ già đang viết sách Khải Huyền hay sách Tin Mừng, bên cạnh là một con phượng hoàng. Các giai thoại cuộc đời ngài được trình bày trên những ô kính của các nhà thờ Chartres, Bourges, Saint-Chapelle, cũng như trên những bức phù điêu của Giotto (Santa Croce) hay của F. Lippi (Santa Maria Novella) ở Florence.

Thông điệp và tính thời sự

Phụng vụ (Các giờ kinh và thánh lễ) vẽ lên một chân dung khá đầy đủ về tính cách và thông điệp của thánh tông đồ “người tựa đầu vào ngực Chúa… và rao truyền lời sự sống trên khắp mặt đất” (Ca Nhập lễ).

Lời Nguyện của ngày và Lời Nguyện sau hiệp lễ ca ngợi thánh Gioan như là người loan báo mầu nhiệm Nhập thể: “Lạy Chúa, Chúa đã tỏ lộ cho chúng con mầu nhiệm của Ngôi Lời Chúa”, “xin Ngôi Lời làm người mà thánh Gioan đã công bố cho chúng con …”

Cũng vậy, hai ngày sau lễ Giáng Sinh, lễ thánh Gioan Tông Đồ đưa chúng ta trở lại với mầu nhiệm Giáng Sinh: Ngôi Lời đã làm người, và đã cư ngụ giữa chúng ta. Tất cả chúng ta được dự phần vào sự viên mãn của Người (Ca hiệp lễ, trích Ga 1, 14.16).

Giờ Kinh Sách cho chúng ta đọc một bình luận của thánh Augustin về một đoạn trong Thư thứ nhất của Gioan, cũng được đọc trong bài đọc I của thánh lễ: Phải, sự sống đã tỏ hiện, chúng tôi đã chiêm ngưỡng sự sống ấy, và chúng tôi làm chứng… (Ga 1, 2). “Như thế, chính sự sống đã tỏ lộ trong xác phàm – thánh Augustin bình luận – . . . Ngôi Lời đã mặc lấy xác thể, một xác thể mà chúng ta có thể nhìn thấy, để được chữa lành nơi chúng ta những gì có thể nhìn thấy Ngôi Lời.”

Tin Mừng của thánh lễ (Ga 20, 2-8) nhắc chúng ta nhớ thánh Gioan cũng là chứng nhân và sứ giả của mầu nhiệm Vượt qua, nghĩa là của Chúa Giêsu phục sinh. Sau khi đã là chứng nhân của biến cố Biến Hình, ngài đi ra ngôi mộ trống cùng với thánh Phêrô, ngài thấy và ngài tin (xem Ga 20, 8). Ngài là người môn đệ đầu tiên tin Chúa phục sinh, và ở bên bờ hồ, chính ngài nhận ra Chúa phục sinh và nói với Phêrô: Thầy đó! (Ga 21, 7 – Điệp ca Giờ Kinh Sáng).

Người môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến và đã sống trong sự thân mật với Chúa Kitô, đã cảm nghiệm và khám phá ra Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 8). Thực vậy, trong Tin Mừng của ngài, thánh tông đồ được thương mến đã nhấn mạnh rằng chính lòng mến là điều mang lại ý nghĩa cho công cuộc và đặc biệt cho cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13, 1). Lòng mến cũng là khởi điểm cho sứ mạng của thánh Phêrô: Simon, con ông Gioan, anh có mến thầy không? – Thưa thầy có, thầy biết con mến thầy.” Chính khi Phêrô tuyên xưng lòng mến này, Chúa Giêsu đã trao phó cho ngài sứ mạng mục tử tối cao: Hãy chăm sóc các chiên con của thầy… Hãy chăn dắt các chiên mẹ của thầy… Hãy chăn dắt các chiên mẹ của thầy” (Ga 21, 15).

Thánh Gioan cũng là người được Chúa Giêsu từ trên thánh giá trao phó Mẹ của Người (xem điệp ca 3 Kinh Sáng). Theo truyền thống, việc thánh Gioan đưa Đức Maria về nhà làm mẹ mình là hình ảnh của mọi tín hữu được Đức Maria thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng.

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây