Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 17/01/2024 18:43 |   260
Thân nhân của Người hay tin ấy liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc 3,20-21)

20/01/2024
THỨ BẢY TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
Thánh Fabianô, giáo hoàng, tử đạo

t7 t2 TN

Mc 3,20-21


BỊ CHO LÀ ‘MẤT TRÍ’
Thân nhân của Người hay tin ấy liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc 3,20-21)

Suy niệm: Chúa Giê-su khởi đầu rao giảng tại Ga-li-lê, mà nói rõ hơn, nơi Ngài thường xuyên lui tới là Ca-phác-na-um. Ngài say mê với sứ vụ đến độ thường quên cả ăn uống. Thế là Ngài bị cho là mất trí. Na-da-rét chỉ cách Ca-phác-na-um khoảng 47 km về hướng tây nam nên tiếng đồn về ông thầy Giê-su nhanh chóng được loan truyền về làng. Nghe tiếng đồn ấy, thân nhân xuống Ca-phác-na-um tìm Ngài để đưa về quê nhà. Với họ, Chúa Giê-su là con người không bình thường: bỏ nghề mộc ổn định, đi lang thang đây đó; không lập gia đình như những người đàn ông khác; chiêu mộ một nhóm môn đệ mà đa số là ngư dân chẳng giống ai; rồi rước họa vào thân khi gây chuyện với giới lãnh đạo tôn giáo. Mà kể cũng lạ: Mất trí mà làm được các phép lạ kỳ diệu, mà có những lời rao giảng thu hút lòng người? Điều này chỉ có ai tin Chúa Giê-su mới lý giải được: “Vì lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 3,17).

Mời Bạn: Nhiệt thành trong đời sống đạo, trong nỗ lực loan báo Tin Mừng, có thể bạn cũng được gán cho cái nhãn “mất trí, bất bình thường”. Bạn nản lòng hay kiên vững trong tư thế người môn đệ Chúa Ki-tô? Khi thấy những chứng tá nhiệt thành trong giáo xứ, bạn thờ ơ, cười chê hay bạn hoán cải và sống theo các mẫu gương ấy?

Sống Lời Chúa: Tôi chấp nhận tất cả, miễn sao Chúa Ki-tô được rao giảng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ngạc nhiên và buồn lòng vì bị người thân hiểu lầm. Xin giúp con khi gặp những hiểu lầm, chống đối vì là môn đệ Chúa, biết kiên trì sống niềm tin và loan báo Tin Mừng Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 9, 2-3, 11-14

“Nhờ chính máu Mình mà Người vào Cung Thánh chỉ một lần”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong gian thứ nhất, có đặt chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh. Sau tấm màn thứ hai thì đến gian gọi là Cực Thánh.

Còn Chúa Ki-tô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Ki-tô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Xướng: Hết thảy chư dân hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối Cao, Khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.

Xướng: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta!

Xướng: Vì Thiên Chúa là vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 1, 1-4, 11-12. 19. 23-27

“Cớ sao các anh hùng lại ngã gục trên chiến trường như thế?”

Khởi đầu sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, sau khi thắng quân A-ma-lếch, Ða-vít trở về, và tạm nghỉ hai ngày tại Si-cê-lê. Qua ngày thứ ba, có người từ trại quân của Sao-lê trở về, áo quần rách nát, đầu tóc đầy bụi bặm, anh đến trước mặt Ða-vít sấp mình kính lạy. Ða-vít hỏi anh: “Ngươi từ đâu tới?” Anh ta trả lời: “Tôi trốn từ trại quân Ít-ra-en về”. Ða-vít lại hỏi: “Có chuyện gì xảy ra đó, hãy kể lại cho ta nghe”. Anh ta nói: “Dân chúng chạy trốn khỏi chiến trường, nhiều người trong dân đã bị hạ sát, vua Sao-lê và thái tử Giô-na-than cũng tử trận”.

Ða-vít liền xé áo mình ra, các người hầu cận của ông cũng làm như thế. Tất cả đều than van khóc lóc và ăn chay cho tới chiều để chịu tang vua Sao-lê, thái tử Giô-na-than, dân Chúa và nhà Ít-ra-en, vì họ ngã gục dưới lưỡi gươm. (Và Ða-vít đã khóc rằng:)

“Các nhân tài Ít-ra-en đều bị giết trên núi. Cớ sao các anh hùng bị ngã gục như thế?

“Sao-lê và Giô-na-than đáng yêu đáng quý, khi sống cũng như khi chết, họ không hề lìa nhau. Họ lanh lẹ hơn chim phượng hoàng, và hùng dũng hơn loài sư tử. Hỡi thiếu nữ Ít-ra-en, hãy than khóc Sao-lê đi, người đã mặc cho các cô áo điều sặc sỡ, đã gắn lên y phục các cô những đồ nữ trang bằng vàng.

“Cớ sao các anh hùng lại ngã gục trên chiến trường như thế?

“Giô-na-than đã bị giết trên đồi cao. Hỡi anh Giô-na-than, tôi thương tiếc anh. Tôi yêu mến anh, và tình bạn giữa đôi ta cao quý hơn tình yêu phụ nữ.

“Cớ sao mà các anh hùng lại ngã gục như thế? Cớ sao binh khí lại bị phá huỷ như thế?”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2-3. 5-7

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.

Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt của Israel, xin hãy lắng tai! Chúa là Ðấng chăn dẫn Giu-se như thể bầy chiên. Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng, trước mặt con cháu Ép-ra-im, Ben-gia-min và Mơ-na-sê. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, Chúa còn thịnh nộ tới bao giờ, bởi vì dân Chúa đang dâng lời khẩn nguyện? Chúa nuôi chúng con bằng cơm bánh trộn giọt châu, và cho chúng con uống bằng nước mắt chảy tràn trề. Chúa biến chúng con thành miếng mồi cho lân bang tranh chấp, và quân thù phỉ báng chúng con.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3, 20-21

“Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy Chúa Giê-su cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”. 

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

PHỤC VỤ QUÊN MÌNH
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Bài Tin mừng hôm nay thật ngắn, chỉ vỏn vẹn trong hai câu, nhưng lại cho chúng ta thấy một nhân cách vĩ đại của Chúa Giê-su, một con người vì tha nhân và của tha nhân.

Tin mừng cho biết: sau một ngày làm việc miệt mài, “trở về nhà đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được”. Với Đức Giê-su chẳng có gì quan trọng bằng các linh hồn. Ngài chăm sóc họ bằng tình yêu và sự thật đến mức quên cả việc chăm sóc bản thân. Điều này đã làm cho “thân nhân” Ngài hiểu lầm: Ngài “mất trí”. “Mất trí” ở đây không có nghĩa là điên khùng, mất khả năng về trí khôn; nhưng là một lối sống điên dại vì phục vụ, vì người khác đến mức quên đi bản thân. Đức Giê-su đã sống như thế, và không chỉ có thế, Ngài còn dấn thân đến nỗi chấp nhận cái chết trên thập giá để chu toàn thánh ý Cha và mang lại sự sống đời đời cho nhân loại.

Các tha nhân Ngài không chấp nhận được lối sống của Ngài. Họ muốn trói buộc Ngài trong suy nghĩ của họ, nên họ đã tìm đến để bắt Ngài về. Họ không muốn Ngài phục vụ như thế, nhưng phải tìm cách làm vinh danh bản thân, vinh danh gia tộc.

Chúng ta đang sống những giờ phút cuối cùng của năm cũ âm lịch. Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ. Năm qua chúng đã đã sống thế nào? Quả thật, chúng ta đã tất bật làm việc. Chúng ta đã sống điên cuồng, quên cả bản thân, quên cả gia đình, nhưng không phải vì tha nhân mà vì chính bản thân chúng ta, chỉ để tìm kiếm lợi lộc vật chất, địa vị xã hội chứ không phải phục vụ. Chúng ta đã “thả mồi bắt bóng”. Chúng ta nhân danh gia đình để lo làm giàu, lo thăng tiến gia đình; nhưng lại bỏ bê chính gia đình: vợ chồng thiếu thời gian quan tâm, lắng nghe nhau, con cái không được chăm sóc gần gũi, thấu hiểu, để rồi khi có tất cả tiền của giàu sang thì cũng là lúc gia đình mất nền tảng, để rồi như một đại gia kia trong một vụ tranh chấp ly hôn đã phải thốt lên “tiền nhiều để làm gì!”

Cũng giống người thân của Chúa Giê-su, chúng ta cũng muốn trói buộc Thiên Chúa trong quan niệm của con người. Thay vì tìm biết đâu là thánh ý Chúa, đâu là việc của Chúa, đâu là điều Chúa muốn chúng ta đón nhận. Chúng ta lại đòi Chúa phải thỏa mãn ý chúng ta. Khi không được như ý nguyện, người ta lại quay ra kêu trách Chúa hay nghi ngờ Ngài.

Xin Chúa giúp chúng ta có được thái độ của Chúa Giê-su dám quên mình phục vụ tha nhân, và nhất là xin Chúa hướng dẫn để chúng ta đừng vì giá trị trước mắt mà đánh mất những giá trị nền tảng và vĩnh cửu là gia đình và sự sống đời đời.

 

NGƯỜI ĐÃ BỊ MẤT TRÍ (Mc 3,20-21)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi đi rao giảng một thời gian, Đức Giê-su và các môn đệ trở về nhà và giảng dạy tại nhà bà mẹ vợ ông Phê-rô ở Ca-phác-na-um, dân chúng lại đổ xô tới đông đúc, đến nỗi các ngài không có thời giờ ăn uống. Thấy vậy, các thân nhân của Chúa đến bắt giữ Ngài vì được tin người ta cho biết là Ngài đã mất trí. Thân nhân Ngài làm như vậy có ý cho các môn đệ của Ngài được rảnh rỗi nghỉ ngơi, đồng thời cũng để cho họ khỏi bị liên lụy về Ngài. Vì nếu dân chúng kéo theo Ngài đông đảo rùm beng như vậy thì sợ nhà chức trách sẽ làm khó dễ.

2. Bài Tin Mừng hôm nay rất vắn gọn, nhưng cũng hé mở cho chúng ta biết Chúa nhiệt thành phục vụ đến mức nào. Trong thời gian đầu của đời sống công khai, Đức Giê-su đã khơi dậy lòng nhiệt thành sùng mộ của đông đảo quần chúng. Ngài phục vụ cách vị tha và vô vị lợi, Ngài hoạt động ở nơi hội đường, ở ngoài trời và ở đây ngay tại nhà. Điều đó chứng tỏ Ngài hiến thân trọn vẹn cho tác vụ, miệt mài với công việc bổn phận, không còn thì giờ nghĩ đến mình đến nỗi không có cả thời giờ dùng bữa.

3. Trong thời Tam Quốc, khi Lưu Bị khởi quân chống Tào Tháo, nhiều tướng lãnh oai hùng và nhiều hiền nhân lỗi lạc đã đến giúp đỡ ông, vì tin rằng ông chính là minh chủ, sẽ thống nhất sơn hà.       

Thánh Mác-cô hôm nay kể rằng có nhiều người kéo đến với Đức Giê-su, đông đến nỗi Người không có thời gian để dùng bữa, vì họ tin rằng Người là Đấng uy quyền và bởi Thiên Chúa mà đến. Họ nghe Người giảng và đi theo Người. Chính đức tin đã thúc đẩy họ hành động, thúc đẩy họ tìm đến và bước theo Đức Giê-su.

4. Ngài không phải là con người dễ hiểu, ngay các Tông đồ đã ở với Ngài gần ba năm trời, khi Chúa hỏi các ông cho Ngài là ai, thì các ông cũng chỉ biết lơ mơ như dân chúng hiểu thôi. Còn đối với quần chúng thì cũng có người, nhất là các biệt phái và luật sĩ còn cho Ngài là bị quỉ ám. Còn hôm nay thì người ta cho là Ngài bị mất trí.

Người ta kể rằng, ngày nay ở bên Mỹ tại nhà quốc hội có một thư viện lớn vào loại bậc nhất thế giới. Hàng năm có cả ngàn người viết thư đến hỏi viên quản thủ thư viện này nhiều vấn đề khác nhau. Trong số những câu hỏi người ta gửi đến, có một câu hỏi được nhiều người hỏi nhất, đó là câu: “Ai là người được nhiều tác giả viết nhất”?

Sau khi cho kiểm kê, viên quản thủ thư viện đã tổng kết được kết quả như sau

Có 1735 cuốn viết về Napoléon.

Có 1755 cuốn viết về George Washington,

Có 2319 cuốn viết về Abraham Lincoln,

Có 3175 cuốn viết về William Shakespeare,

Và có tới 5151 cuốn viết về Đức Giê-su Ki-tô.

5. “Phải chăng  Đức Giê-su là người mất trí, một kẻ điên” ?

-Bài hát “Mùa Đông Của Anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có một câu lột tả hết sự thật của tình yêu đôi lứa là: “Em chỉ là người điên trong vòng tay tình ái”. Thật vậy, khi yêu nhau, người ta như một ”kẻ điên” theo sự rung cảm của con tim hơn là lý trí; người ta biết đau khổ và rắc rối do chính sự lựa chọn đem lại, nhưng vẫn lao vào, thậm chí biết rằng có thể mất tất cả từ danh dự đến sự nghiệp, thậm chí mất cả mạng sống… chỉ vì yêu.

Tắt một lời, khi yêu làm người ta lắm khi như người mất trí, như NGƯỜI ĐIÊN.

Nhưng cái “điên” của Chúa là tất cả cho con người đến nỗi hy sinh cả mạng sống vì con người. Thánh Phao-lô cũng đã nói về sự “điên rồ của thập giá”. Cũng như đôi tình nhân yêu nhau, họ cần đến sự gặp gỡ và hy sinh cho nhau, thì nếu Chúa Giê-su ở trên trời nói vọng xuống rằng “Ta yêu nhân loại” thì liệu có ai tin chăng? Quả thật, Ngài đã đến với con người, ở với con người và cuối cùng chết đi vì con người. Để rồi từ đó, rất nhiều tâm hồn bước theo Chúa Giê-su và “điên vì Chúa”…

6. Truyện: Phải biết đúng sự thật khi nói.

Một ngày kia có một người hàng xóm đến gặp Socrate, một triết gia Hy lạp nổi tiếng ngày xưa. Ông ta nói:

– Này ông Socrate, ông đã nghe chuyện này chưa?

Socrate vội ngắt lời:

– Khoan đã! Anh có chắc rằng, tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật không?

Ông hàng xóm ấp úng:

– À, cũng không chắc lắm. Tôi chỉ nghe người ta kể thôi.

Socrate mỉm cười bảo:

– Thế vậy chúng ta không cần quan tâm đến nó trừ phi nó là một chuyện tốt không?

Ông hàng xóm thật sự lúng túng:

– Không, chuyện này không tốt lắm. Phải nói đây là một chuyện xấu.

Socrate vỗ vai ông ta hỏi thêm:

– Chà, anh có nghĩ rằng, tôi cần phải biết chuyện ấy để giúp ngăn ngừa những điều không hay không tốt cho người khác chăng.

Lần này thì ông hàng xóm tiu nghỉu cúi gầm mặt:

– Ờ… Ờ, kể ra thì cũng chẳng giúp được cho ai!

Socrate kết luận:

– Thế này nhé, chúng ta hãy quên ngay chuyện ấy đi. Còn vô số chuyện đáng giá hơn trong đời sống, chúng ta không nên mất công bận tâm vào những chuyện tầm phào, vừa không đúng sự thật, vừa không tốt, lại vừa không cần thiết cho ai.

MẤT TRÍ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thân nhân của Chúa Giêsu hay tin, liền đi bắt Ngài, vì họ nói, “Ngài đã mất trí!”.

Holmes Jr., “Người Bất Đồng Vĩ Đại”, được coi là một trong những thẩm phán xuất sắc nhất lịch sử Toà án Tối cao Hoa Kỳ. Holmes ngồi trên Toà Tối cao suốt 30 năm cho đến tuổi 91. Ngày kia, Roosevelt đến thăm Holmes, thấy ông đang đọc Plato; tổng thống hỏi, “Ngài đọc Plato?”; Holmes đáp, “Tôi cải thiện tâm trí, vì tôi được tiếng là mất trí!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ Holmes được tiếng là ‘mất trí’, Chúa Giêsu cũng thế! Tin Mừng hôm nay cho biết, thân nhân Ngài tìm cách bắt Ngài! Đây là một chi tiết thú vị vốn tiết lộ phần nào hành trình đức tin của tất cả chúng ta; vì đôi khi, bạn và tôi cũng được tiếng là ‘mất trí!’.

Hãy bắt đầu với tiền đề hiển nhiên là Chúa Giêsu hoàn hảo về mọi mặt! Ngài là Thiên Chúa; mọi điều Ngài nói, mọi việc Ngài làm… chứng tỏ tình yêu của Ba Ngôi. Nhưng đáp lại là gì? Dĩ nhiên, một số người đã đón nhận Ngài với niềm tin và sự ngạc nhiên tột độ; họ nhận biết Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ thế giới. Ngược lại, số khác, ngay trong họ hàng Ngài, nghĩ rằng, Ngài ‘mất trí!’. Theo cha John Bartunek, “Chúa Giêsu được tiếng là ‘mất trí’, vì với Ngài, không gì quan trọng hơn việc nuôi dưỡng các linh hồn bằng tình yêu và lẽ thật, nó quan trọng đến nỗi Ngài bỏ mặc việc nuôi sống bản thân. Thái độ hy sinh quên mình này thấm nhuần từng giây phút của Ngài trên trần gian, và đỉnh điểm là sự phục tùng trọn vẹn thánh ý Chúa Cha trên thập giá”.

Nếu người ta gọi Chúa Giêsu là ‘mất trí’, họ sẽ gọi chúng ta những gì còn tệ hơn nếu chúng ta đi trên con đường Ngài đi và làm theo điều Ngài dạy. Bởi lẽ, trong cuộc sống, việc thực hành ý muốn thánh thiện của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng được chấp nhận; nói cách khác, điều tốt lành chúng ta nói và làm sẽ dẫn đến sự chỉ trích của người khác, ngay cả những người thân. Khi điều này xảy ra, đừng ngạc nhiên, đừng cho là tổn thương, gương xấu hay xúc phạm. Ngược lại, hãy vui mừng, bạn đang giống Chúa Giêsu; đồng thời, nhớ lại bao phán xét sai lầm người ta gán cho Ngài và nhất là, không để những cay đắng đang trải nghiệm ngăn cản chúng ta tiếp tục làm điều Chúa muốn.

Đavít là một ví dụ. Với tư cách bề tôi, cậu đã liều mạng với Philitinh, đem chiến thắng về cho Saun; nhưng cũng vì đó, chuốc lấy sự cừu hận. Đến khi ‘Chúa trao Saun vào tay Đavít’, thì Đavít lại nhân ái với người tìm giết mình. Một lần nữa, bài đọc Samuel hôm nay chứng thực điều đó. Hay tin Saun tử trận, Đavít khóc lóc thảm thiết thay vì ăn mừng. Với các thuộc hạ của Đavít, thân chủ của họ khác nào một người ‘mất trí!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Họ nói, “Ngài đã mất trí!””. Chúa Giêsu ‘mất trí’ vì quá say mê Thiên Chúa, say mê con người. Cuộc đời Ngài thực sự được điều hướng bởi sự say mê này. Ngài say mê đến độ quên ăn quên uống, vì “Của ăn của Tôi là làm theo ý Đấng đã sai Tôi”; và cũng vì say mê, Ngài bị treo lên thập giá. Nhưng đó là chiến thắng bất tận của tình yêu. Ai khôn ngoan? Phải chăng là người chỉ lo làm giàu, chăm chút bản thân và gia đình? Còn những người sống vị tha, những người độc thân vì Nước Trời, các anh hùng tử đạo, những người miệt mài trên những cánh đồng truyền giáo là hạng ‘mất trí?’. Không đâu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con khờ khạo, ‘mất trí’ chỉ vì những chuyện vô duyên của thế gian; cho con dám điên vì Chúa, vì sự thật và vì tình yêu đối với các linh hồn!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây