Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 14/01/2024 18:28 |   453
Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? ” (Mc 3,1-6)

17/01/2024
THỨ TƯ TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN
Thánh Antôn, viện phụ

t4 t2 TN

Mc 3,1-6


LÀM GÌ TRONG NGÀY SA-BÁT?
Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,1-6)

Suy niệm: Hôm nay lại vào ngày sa-bát, Chúa Giê-su chữa lành cho một người bại tay tội nghiệp. Thật ra đứng trước nhóm người biệt phái luôn rình rập bắt lỗi để tố cáo mình, Chúa Giê-su có thể nói với người bại tay: Anh thông cảm cho, hôm nay là ngày sa-bát, tôi không thể chữa cho anh được.  Nhưng không, Ngài lại nói: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Và kết quả  là tay liền trở lại bình thường”. Ngài dạy họ ý nghĩa sâu xa về luật yêu thương: Luật để cứu sống, để chữa lành, chứ không phải để lên án nhau, để giết chết; giữ luật để làm tâm hồn biết cảm thông và yêu thương hơn, chứ không phải là thái độ ‘mackeno’ (mặc kệ nó), dửng dưng vô cảm trước đau khổ của người khác.

Mời Bạn: Còn chúng ta, chúng ta đã làm gì trong ngày Chúa Nhật? Thái độ của người Chúng ta đi lễ vì động lực nào, vì yêu mến hay vì theo thói quen hoặc chỉ để phô trương? Ngày Chúa Nhật, chúng ta đã thực sự tìm kiếm việc lành, hay vẫn để mình buông theo những điều tội lỗi? Trong cuộc sống nơi công ty, nhà máy, trường học, chúng ta đã sống thế nào với câu hỏi của Chúa: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?”

Sống Lời Chúa: Tham dự Thánh lễ cách sốt sắng và làm việc bác ái với lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Đôi khi như người biệt phái, chúng con giữ ngày sa bát không trọn vẹn, đi lễ chỉ vì hình thức, hay giữ luật bởi thói quen. Xin Chúa cho chúng con sống “ngày của Chúa” với lòng yêu mến và tình bác ái với anh chị em.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ      

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 7, 1-3. 15-17

“Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê tới muôn đời”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Men-ki-xê-đê này là vua Sa-lem, tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông đã đi đón Áp-ra-ham đang trên đường về sau khi đánh bại các vua, ông chúc lành cho Áp-ra-ham. Và Áp-ra-ham dâng cho ông một phần mười các chiến lợi phẩm. Giải nghĩa tên ông, trước tiên thấy tên ông mang tên vua công chính, rồi ông lại còn là vua Sa-lem, nghĩa là vua hòa bình. Ông không cha không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không ngày tử, nhưng ông được so sánh với Con Thiên Chúa, nên ông làm tư tế muôn đời.

Việc còn hiển nhiên hơn nữa, nếu một tư tế khác được thiết lập theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê, không phải chiếu theo luật xác thịt quy định, nhưng chiếu theo quyền năng của sự sống bất diệt. Vì đã chứng thực về ngài rằng: “Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê tới muôn đời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4

Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê (c. 4bc).

Xướng: Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con”. 

Xướng: Ðức Thiên Chúa từ Si-on sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: “Con hãy thống trị giữa quân thù”. 

Xướng: Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: “Trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con”.

Xướng: Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê. 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 17, 32-33. 37. 40-51

“Ðavít đã dùng dây ném đá và đá mà thắng tên Phi-li-tinh”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, khi người ta dẫn Ða-vít đến trước Sao-lê, thì Ða-vít nói với Sao-lê rằng: “Ðừng ai lo sợ gì cả. Tôi đây, tôi tớ của bệ hạ, tôi sẽ ra chiến đấu với tên Phi-li-tinh”. Sao-lê nói cùng Ða-vít rằng: “Ngươi không thể chống cự và chiến đấu với tên Phi-li-tinh đó đâu, vì ngươi còn bé nhỏ, mà anh ta là một chiến sĩ từ lúc còn niên thiếu”.

Ða-vít liền đáp: “Chúa đã từng cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt sư tử và gấu, Người sẽ giải thoát tôi khỏi tay tên Phi-li-tinh đó”. Sao-lê mới nói với Ða-vít: “Ngươi hãy đi và Chúa ở cùng ngươi”.

Ða-vít lấy cây gậy mà chàng quen cầm trong tay. Chàng lựa năm viên đá bóng láng dưới khe nước, bỏ vào bị chăn chiên mà chàng thường đeo bên mình.

Tay chàng cầm trành ném đá ra ứng chiến với tên Phi-li-tinh. Tên Phi-li-tinh có vệ sĩ cầm khí giới đi trước, tiến lại gần Ða-vít. Khi tên Phi-li-tinh thấy Ða-vít, thì khinh bỉ chàng, vì chàng là một thanh niên hồng hào đẹp trai. Tên Phi-li-tinh nói với Ða-vít: “Tao có phải là chó đâu mà mày cầm gậy đến với tao?” Rồi tên Phi-li-tinh nhân danh các thần của y mà nguyền rủa Ða-vít. Anh ta nói với Ða-vít: “Mày hãy lại đây, tao sẽ phân thây mày cho chim trời và thú đồng ăn thịt”.

Ða-vít đáp lại: “Còn mi, mi cầm gươm, giáo, lao mà đến với ta, thì ta đến với mi nhân danh Chúa các đạo binh, Thiên Chúa các đoàn quân Ít-ra-en mà hôm nay mi đã nhục mạ. Chúa sẽ trao mi vào tay ta, ta sẽ đánh và chặt đầu mi, và hôm nay ta sẽ ném thây quân sĩ Phi-li-tinh cho chim trời và thú đồng, để khắp hoàn cầu biết rằng Ít-ra-en có một Thiên Chúa, và toàn thể cộng đồng này nhận biết rằng: “Chúa không dùng gươm giáo mà giải phóng, vì Người là chủ trận chiến, Người sẽ trao các ngươi vào tay chúng ta”.

Vậy tên Phi-li-tinh vùng lên, tiến lại gần Ða-vít, và Ða-vít hối hả chạy đến nghinh chiến với tên Phi-li-tinh. Ða-vít thò tay vào bị, lấy viên đá, rồi dùng dây ném đá mà phóng vào trán tên Phi-li-tinh, viên đá trúng lủng trán hắn, và hắn liền té sấp xuống đất. Và Ða-vít đã dùng dây ném đá và đá mà chiến thắng và hạ sát tên Phi-li-tinh. Nhưng vì Ða-vít không có sẵn gươm, nên cậu chạy lại đứng trên mình tên Phi-li-tinh, lấy gươm của hắn, rút ra khỏi vỏ và chặt đầu hắn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 143, 1. 2. 9-10

Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa!

Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa, là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. – Ðáp.

Xướng: Chúa là Tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu, Ngài bắt chư dân phải khuất phục con.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới, với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ða-vít là tôi tớ của Ngài.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống. Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3, 1-6

“Trong ngày Sa-bát được cứu sống hay là giết chết?”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sa-bát không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sa-bát được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hê-rô-đê chống đối Người và tìm cách hại Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết tài sản của con, rồi bố thí cho người nghèo khó, và theo Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THẤY VÀ CHỮA LÀNH
Lm. Giuse Tạ Minh Quý

Bài Tin Mừng trình thuật việc Chúa Giê-su chữa lành một người khô bại tay trong ngày Sa-bát. Điều đặc biệt là ai trong hội đường cũng thấy người khô bại tay, nhưng chỉ có Chúa chạnh lòng thương và chữa lành cho anh ta. Những người ở đó, không những không động lòng trắc ẩn với nỗi đau của người bệnh, mà còn dò xét xem Chúa có chữa bệnh ngày Sa-bát không để tìm cách tố cáo Người. Chúa Giê-su phẫn nộ và đau buồn vì sự cứng lòng và vô cảm của họ. Trước tình cảnh đó, Chúa vừa chữa lành cho người bệnh, vừa cho họ biết ý nghĩa đích thực của ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát không phải chỉ để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng hơn nữa, còn để sống tình bác ái, để làm việc thiện, để chữa lành các vết thương, và để cứu sống.

Căn bệnh nguy hiểm nhất của xã hội hôm nay là bệnh vô cảm. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp cho con người dễ dàng thấy những gì đang diễn ra trên thế giới, thấy được sự vất vả, đau khổ, và cùng cực của nhiều người xung quanh mình hơn. Nhưng có mấy ai thực sự rung động trước những đau khổ của người khác và ngay lập tức hành động giúp đỡ và chữa lành họ. Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đau buồn vì sự cứng lòng và vô cảm của con người hôm nay!

Là những Ki-tô hữu, là hiện thân của Chúa Giê-su trong thế giới hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết thấy những nhu cầu, những đau khổ, và những khủng hoảng của anh chị em mình, và sẵn sàng mau mắn hành động giúp đỡ họ. Tình yêu đích thực như Chúa đã yêu sẽ chữa lành mọi vết thương đau.

 

CHÚA CHỮA NGƯỜI BẠI TAY
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Ngày hưu lễ, Chúa Giê-su vào hội đường. Ở đó có người bị bại một cánh tay. Nhóm biệt phái theo rình mò xem Chúa có chữa cho người bệnh này không. Biết thế, Chúa gọi người bệnh ra đứng giữa họ và hỏi: Ngày hưu lễ nên làm lành hay làm ác, cứu sống hay giết chết? Họ không trả lời, vì họ ngoan cố không muốn biết sự thật mà chỉ tìm cách tố cáo thôi. Chúa nhìn họ vừa buồn vừa giận vì thái độ ngoan cố của họ. Rồi Chúa bảo người bệnh: Hãy đưa tay ra. Tức thì người ấy khỏi bệnh. Thấy vậy, nhóm biệt phái và liên kết với nhóm của Hê-rô-đê tìm cách giết Chúa.

2. Theo truyền thống, người bại tay này làm nghề thợ xây đá. Nghĩa là anh cần có một bàn tay khỏe mạnh sớm hết sức, để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Không lạ gì trước những người Do-thái “chẻ sợi tóc làm tư” dò xét, bắt bẻ để lên án. Theo luật Do-thái, chỉ được chữa bệnh vào ngày Sa-bát trong trường hợp nguy tử. Trường hợp của anh không phải là nguy tử, nhưng Ngài không thể nào để đến ngày mai. Ngài đã can đảm dám chữa lành anh ngay hôm nay. Ngày Sa-bát là ngày dành cho Chúa, ngày làm điều lành, ngày cứu người. Nhờ đó, bàn tay anh có thể duỗi thẳng, anh có thể cầm lấy bàn tay người khác, cũng như có thể mưu sinh bằng chính bàn tay của mình (5 phút Lời Chúa).

3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su có một phản ứng trước sự mù quáng của những người biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh Mác-cô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: “Chúa Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ”. Chúa Giê-su vốn là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, những người tội lỗi, các bệnh nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.

4. Có câu chuyện kể rằng: hôm ấy một rabbi Do thái cưỡi ngựa đi từ Giê-ri-cô về Giê-ru-sa-lem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên rabbi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày Sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa phóng đi và tiếp tục hát thánh ca…

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giê-su vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa, còn họ thì đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu truyện trên, rabbi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa… Chúa Giê-su biết họ đang rình mò tìm kế hại Ngài, nhưng Ngài vẫn không ngần ngại chữa lành cho anh bị bại tay và qua đó Ngài đặt cho họ một câu hỏi để họ suy nghĩ: ”Ngày Sa-bát nên làm điều lành hay làm điều dữ”? 

5. Chúa Giê-su thấu rõ ác tâm của nhóm biệt phái, nhưng Ngài không chống đối bằng lời nói mà lấy việc làm, lấy việc cứu giúp người bệnh để sửa dạy họ. Ngài nêu gương cho chúng ta, thay vì ra mặt công khai chống đối kẻ làm hại mình hay người tội lỗi, chúng ta lấy việc lành, lời cầu nguyện, sự hy sinh của chúng ta để dẫn đưa họ về nẻo chính đường ngay.

6. Truyện: Luật là luật

Chúng ta đã biết những người biệt phái luôn có cái nhìn cứng nhắc về lề luật. Họ chủ trương “luật là luật” và đã là luật thì phải giữ. Có thế thôi. Đối với những người như thế, chúng  ta nên đọc và suy nghĩ về câu truyện này:

Một người Do thái qua đời, sau khi đã khám nghiệm các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.

Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên vì thấy kẻ chết đã sống lại.

Thế nhưng vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết như sau:

– Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực đã là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.

Nói xong, ông truyền cho tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Antôn, viện phụ

Ca nhập lễ

Người công chính tươi tốt như cây dừa, lớn lên như cây hương nam núi Liban trồng nơi nhà Chúa, trong tiền đường nhà Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh An-tôn, viện phụ, sống một đời phi thường trong sa mạc để phụng sự Chúa. Xin Chúa nhận lời người nguyện giúp cầu thay cho chúng con biết quên mình để một niềm yêu mến Chúa trên hết mọi sự . Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ các tôi tớ Chúa dâng trên bàn thờ để kính nhớ thánh An-tôn. Xin đừng để của cải trần gian trói buộc chúng con, nhưng xin cho chúng con được sung túc vì có Chúa làm gia nghiệp. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết tài sản của con, rồi bố thí cho người nghèo khó, và theo Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tìm được sức mạnh nơi bàn tiệc Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn đập tan mọi mưu chước kẻ thù như Chúa đã cho thánh An-tôn vẻ vang chiến thắng, khi đương đầu với quyền lực tối tăm. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ nhớ đến vị thầy của đời sống tâm linh và là tổ phụ của các ẩn sĩ được cử hành vào ngày 17.01, đã có từ khởi đầu thế kỷ thứ V trong các lịch của Syriaque, Copte và Byzantin. Ở Phương Tây, việc tôn kính vị thánh này chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ IX. Chúng ta chỉ được biết về thánh nhân qua quyển “Cuộc đời thánh Antoine” do người bạn của ngài là thánh Athanase viết, sau khi thánh nhân qua đời ; Hạnh thánh Antoine là quyển sách gối đầu của thánh Augustinô và thánh Martin cũng như nhiều vị thánh khác.

Thánh Antoine, được gọi là Cả hay Đan viện phụ, sinh tại Queman, miền Thượng Ai Cập, vào năm 251 từ một gia đình Kitô giáo. Vào khoảng 20 tuổi, khi nghe một đoạn Phúc Âm trong Thánh lễ : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời ; rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Cuộc đời ngài đã thay đổi. Nắm từng chữ của Phúc Âm, ngài bán đi tài sản của mình, bố thí cho kẻ nghèo và bắt đầu đi học với một vị ẩn sĩ già đạo đức, dạy cho ngài biết chia đời sống ra thành những giờ cầu nguyện, đọc Lời Chúa và lao động tay chân. Sau đó ngài rút vào sa mạc Thébaide ; trong vùng cô tịch này, ngài phải chiến đấu với các cơn cám dỗ nặng nề trong vòng 15 năm.

Antoine thu hút được nhiều đệ tử cùng chí hướng, muốn sống đời ẩn tu hay khổ tu, mỗi người sống trong một lều riêng cách biệt nhau. Tiếng tâm vị thánh vang rất xa, vươn khỏi xứ Ai Cập ; vị Thượng phụ Giáo chủ ở Alexandrie là thánh Athanase cũng là một trong các bạn hữu của ngài.

Vào năm 311, dưới thời bách hại của hoàng đế Maximin Daia, Antoine rời bỏ sa mạc, tuyên bố rằng : “Chúng ta hãy đi chiến đấu cùng với bạn bè chúng ta.” Ngài đến Alexandrie để động viên các tín hữu bị bách hại, bị bỏ tù hay bị kết án lao động khổ sai. Ngài trở lại thành này một lần nữa để giúp đỡ thánh Athanase trong việc chiến đấu với bè rối Arius.

Trở về sa mạc, ngài cắm lều gần Biển Đỏ, dưới chân núi Quelzoum, có một dòng suối và một cụm dừa. Đó là nguồn gốc Đan viện Copte ngày nay của thánh Antoine. Vị thánh đan sĩ này sống đến 150 tuổi và qua đời cách thánh thiện trong căn lều của mình, khi dạy các môn đệ: “Hãy sống như anh em phải chết hàng ngày. Hãy cố gắng bắt chước các vị thánh.”

Các ảnh tượng cho thấy thánh Antoine bị ma quỉ cám dỗ, đang khi ngài cầu nguyện giang tay theo hình Thánh giá, và một con heo, nhắc nhớ lại một đặc ân của Nhà trú của thánh Antoine: vào thời Trung cổ, các vị này có quyền để cho các con heo của mình đi lang thang trong thành phố, cổ đeo một chuông nhỏ.

Thánh Antoine được kể vào số 14 vị thánh Bảo Trợ và thường được kêu cầu để chống lại Lửa thánh Antoine. Ngài cũng được xem như thánh quan thầy cho các thú vật trong nhà.

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh Antoine, tổ phụ các ẩn sĩ Ai Cập, là một mẫu mực cho mọi tâm hồn đi tìm Chúa, không gắn bó những gì đã qua, nhưng luôn giữ Lời Chúa trong tâm hồn.

a. Thánh Vịnh 91 gợi lên đời sống cô tịch của thánh nhân trong sa mạc, hoàn toàn dùng để cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và làm việc : Người công chính lớn lên như cây dừa, giương cao như cây hương bá xứ Liban.

– Sa mạc biểu trưng cho việc từ bỏ, dứt bỏ, nơi Đức Giêsu mời chúng ta đến: Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo… Rồi hãy đến theo tôi (Phúc Âm: Mt 19,16-21).

– Sa mạc là nơi, hay là biểu trưng cho sự thử thách, chiến đấu và khổ hạnh. Theo gương Đức Giêsu Đấng được dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1) và bước ra như người chiến thắng, Antoine chọn sự cô tịch nơi Thébaide, chiến đấu với ma quỉ và sống một cuộc đời anh hùng để yêu mến Chúa “trên hết mọi sự”.

Bài đọc một (Ep 6,10.18): Chúng ta chiến đấu với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm…, nhắc nhớ đến những cuộc chiến đấu kiên cường của thánh Antoine chống lại các thần lực xấu suốt 15 năm khi ngài ở trong sa mạc. Thánh Athanase đã nói điều này trong Hạnh thánh ; truyền thuyết và mỹ thuật làm cho những hình ảnh này nổi tiếng. Antoine, bước ra khỏi sa mạc như một kẻ chiến thắng, dạy cho chúng ta biết phấn đấu đẩy lui các thần xấu: “Không có gì làm cho linh hồn yếu đuối trở nên mạnh mẽ bằng việc kính sợ Thiên Chúa, cầu nguyện và chiêm niệm không ngừng Lời Chúa… Dấu Thánh giá và niềm tin vào Chúa chúng ta là những tường lũy bất khả xâm phạm.”

Ngày kia, sau một cuộc chiến đấu, thánh Antoine la lên: “Lạy Chúa và Thầy của con, Chúa ở đâu?” Một tiếng nói thiêng linh đáp lại: “Ta ở gần ngươi. Ta thấy tất cả cuộc chiến của ngươi và, bởi vì ngươi đã chống cự lại ma quỉ, Ta sẽ bảo vệ phần còn lại cuộc đời của ngươi…”.

Thánh Antoine nói với các môn đệ: “Con người chỉ tốt lành, khi nào Thiên Chúa ở trong người đó.” Vì thế, nhờ được kiên vững bằng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta “có khả năng chống lại mọi chước cám dỗ” và “chiến thắng quyền lực thống trị bóng tối” (Lời nguyện hiệp lễ).

Enzo Lodi
 

CHIỀU THEO ĐIỀU LÀNH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngày Sabbat, được phép làm điều lành hay điều dữ!”.

Một nhà tâm lý nói, “Nhìn chung, con người muốn trở nên tốt; nhưng không quá tốt, và không phải lúc nào cũng tốt! Vì thế, không dễ dàng, để nó ‘chiều theo điều lành!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Một sự trùng hợp thú vị khi Lời Chúa hôm nay giới thiệu hai con người ‘chiều theo điều lành!’. Một Đavít thời Cựu Ước, một Giêsu, ‘Hậu duệ Đavít’, thời Tân Ước. Thật ý nghĩa, câu hỏi của Chúa Giêsu, “Ngày Sabbat, được phép làm điều lành hay điều dữ!”.

Bài đọc Samuel tường thuật cuộc chiến không cân sức vốn đã đi vào sử thi Israel. Trước đạo quân dữ tợn Philitinh, cầm đầu là hổ tướng Gôliát, Đavít xung trận chỉ với sức mạnh của Chúa. Cậu nói, “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao đến với tao; còn tao, tao đến với mày nhân danh Chúa các đạo binh”. Để rồi, chỉ với một hòn đá, Chúa trao mạng Gôliát - biểu tượng điều ác - cho Đavít. Đavít chiến thắng điều ác, vì đã dám chiến đấu cho điều lành nhờ sức mạnh của Chúa. Nhờ đó, cậu có thể “Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn!” - Thánh Vịnh đáp ca. Đừng quên, Đavít mang theo đến ‘năm’ hòn đá; lẽ ra, chỉ một, tại sao ‘năm?’. Hú hồn! Thiên Chúa làm ngơ, vì Ngài vô cùng nhân hậu!

Với bài Tin Mừng, như một ‘Đavít khác’, Chúa Giêsu vào hội đường, các biệt phái rình rập Ngài. Ở đó, có một người bại tay; họ xem Ngài có chữa người ấy trong ngày Sabbat không nhằm kiếm cớ tố cáo Ngài. Vậy mà, khá thách thức, Chúa Giêsu gọi người bệnh, “Anh đứng dậy, ra giữa đây!”. Đoạn, với hai câu hỏi, Ngài đặt các nhân vật phản diện của mình vào một tình thế khó xử, “Ngày Sabbat, được phép làm điều lành hay điều dữ!”; “Nên cứu mạng người hay giết người?”. Theo Barclay, “Ở đây, Ngài muốn nói huỵch toẹt rằng, ‘Khi Tôi đang tìm cách để cứu lấy sự sống cho một người; thì các ông lại đang tìm cách lấy mạng sống Tôi’. Vậy mà với bất kỳ tính toán nào, cứu sống vẫn tốt hơn giết chết!”. Bởi đó, không có gì ngạc nhiên khi Tin Mừng nói, “Họ làm thinh!”.

Tội lỗi làm tổn hại đến mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, nó khiến chúng ta thiên về điều ác và không ‘chiều theo điều lành’. Vậy mà, sự cứng lòng lại còn tai hại hơn vì nó kéo dài mãi sự tổn hại do tội lỗi gây ra. Và trái tim của một người càng chai đá thì thương tổn lại càng kéo dài. Chúa Giêsu đau buồn trước sự cứng lòng của người Pharisêu, và nỗi đau buồn đó đã thúc đẩy cơn giận thánh của Ngài. Cơn giận thánh của Ngài không gây ra những lời chỉ trích phi lý; đúng hơn, nó đã thúc đẩy Ngài chữa lành người này hầu họ biết hoán cải và ‘chiều theo điều lành’. Buồn thay, họ vẫn cứng lòng!

Kính thưa Anh Chị em,

Vậy nên “làm điều lành hay điều dữ?”. Trong thế giới hôm nay, Thiên Chúa xem ra đang nhượng bộ sự dữ vốn đang hoành hành cả nhân loại. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi hãy quyết liệt chiến đấu cho sự thiện, luôn ‘chiều theo điều lành’, không bao giờ khuất phục điều ác khởi đi từ cuộc chiến với cái tôi của mình. Điều ác ấy đang mai phục ngay trong tâm hồn bạn và tôi nhằm kéo ghì chúng ta, không cho chúng ta nên thánh. Là Kitô hữu chúng ta nhất mực chiến đấu cho điều lành đến cùng bằng sức mạnh của Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn trở nên tốt; đừng để con tốt nửa vời! Cho con không chiều theo điều ác một khi nó dấy lên; giúp con tỉnh táo, khôn ngoan ‘chiều theo điều lành!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây