30/05/2024
thứ năm tuần 8 THƯỜNG NIÊN
Mc 10,46-52
cửa sổ tâm hồn
“Anh muốn tôi làm gì cho anh? Thưa Thầy xin cho tôi nhìn thấy được”... “Cứ về đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh...” Tức khắc anh ta nhìn thấy được và theo Người lên đường. (Mc 10,46-52)
Suy niệm: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Nhờ cặp mắt chúng ta có thể nhận biết và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Vì chúng ta sáng mắt nên nhiều khi chúng ta ít quan tâm đến sự quan trọng của đôi mắt. Chúng ta cứ thử bịt mắt lâu giờ mới cảm nhận được sự đau khổ cùng cực của những người bị mù, cũng như nỗi khao khát của họ muốn được thấy ánh sáng. Do đó chúng ta dễ hiểu tại sao anh mù Ba-ti-mê vất áo choàng và nhảy chồm lên đến gần Chúa khi Chúa gọi anh. Chắc chắn lúc đó anh rất vui sướng vì biết mình sắp sửa được thoát khỏi bóng tối, sắp sửa được nhìn thấy ánh sáng.
Mời Bạn: Anh mù đã kêu xin Chúa cứu chữa dù người ta cấm cản anh. Càng ngăn cấm anh càng kêu lớn hơn. Anh không xin tiền, xin gạo, xin bánh như mọi khi, nhưng xin được nhìn thấy. Thái độ vất áo choàng, chạy chồm đến với Chúa chứng tỏ anh có lòng tin sâu xa mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa. Chính niềm tin này mà Chúa đã chữa anh và khi được sáng mắt anh đã đi theo Chúa. Thái độ và hành động của anh là mẫu gương cho bạn. Phần bạn, bạn làm thế nào để cặp mắt tâm hồn của bạn luôn trong sáng ?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm gìn giữ cặp mắt tâm hồn không bị hoen ố bởi những phim ảnh hình ảnh xấu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết bắt chước anh Ba-ti-mê sẵn sàng và dứt khoát vứt bỏ mọi quyến luyến lệch lạc để nhảy đến với Chúa trong Bí tích giải tội để cặp mắt tâm hồn luôn được trong sáng. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ năm tuần 8 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Chúa đã cứu trợ tôi, đã đưa tôi đến chỗ thênh thang rộng rãi, và đã cứu sống tôi, bởi vì Người thương tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin an bài cho mọi việc ở trần gian luôn diễn tiến trong hoà bình trật tự, để tất cả chúng con được nhờ, và Hội Thánh được an vui thờ phượng Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 42, 15-26
“Các công trình của Chúa đầy ánh vinh quang của Người”.
Trích sách Huấn Ca.
Tôi sẽ ghi nhớ công trình của Chúa, và sẽ thuật lại những điều tôi đã thấy. Nhờ lời Chúa mà Chúa đã thực hiện những kỳ công. Mặt trời chiếu soi vạn vật, và công trình của Chúa đầy ánh vinh quang của Người.
Nào Chúa đã không ban cho các thánh được cao rao các việc kỳ diệu của Người, những việc mà Chúa toàn năng đã củng cố trong vinh quang của Người sao?
Người dò xét vực thẳm và lòng con người, thấu biết những mưu chước của họ, vì Chúa thấu suốt mọi sự và theo dõi những dấu thời đại, tuyên bố những gì thuộc về dĩ vãng và hậu lai, tỏ bày những dấu vết các việc ẩn kín. Không một tư tưởng nào mà Người không biết, không một lời nào có thể giấu được Người.
Người sắp đặt những kỳ công sự khôn ngoan của Người. Người có trước muôn đời và tồn tại muôn thuở, không thêm không bớt, không cần đến vị cố vấn nào. Mọi công trình của Người thực đáng quý chuộng, và như những ánh lửa người ta có thể ngắm nhìn. Mọi vật ấy đều sống động và tồn tại muôn đời, và vâng phục Người trong mọi hoàn cảnh. Tất cả đều có từng đôi và cái này đối diện với cái nọ, và Người không làm chi khuyết điểm. Vật này làm nổi bật vẻ đẹp cho vật kia. Và ai có thể nhàm chán nhìn xem vinh quang của Người?
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành (c. 6a).
Xướng: Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.
Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.
Xướng: Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Người. Chúa thu nước biển lại như để trong bầu, Người đặt những ngọn sóng trong kho chứa đựng.
Xướng: Toàn thể địa cầu hãy tôn sợ Chúa, mọi người sống trong vũ trụ hãy kính nể Người. Vì chính Người phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Người ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Pr 2, 2-5. 9-12
“Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện để rao giảng Ðấng đã gọi anh em”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, như trẻ sơ sinh, anh em hãy thèm khát sữa thiêng liêng trong sạch, để nhờ đó, anh em được lớn lên trong ơn cứu độ, nếu anh em nếm biết Chúa ngọt ngào dường nào.
Anh em hãy tiến đến viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng được Chúa tuyển chọn và tôn vinh. Anh em như những viên đá sống động, hãy để Chúa xây dựng anh em nên toà nhà thiêng liêng, nên chức vụ linh mục thánh, để hiến dâng những của lễ thiêng liêng xứng đáng được Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô.
Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người. Anh em xưa kia không phải là dân của Thiên Chúa, nhưng nay là dân của Người; xưa kia anh em không được xót thương, nhưng nay được thương xót.
Anh em thân mến, tôi khuyên anh em: như những ngoại kiều, và khách trọ, hãy xa lánh những đam mê xác thịt hằng chống lại linh hồn. Anh em hãy sống lương thiện giữa dân ngoại, để dù người ta vu khống anh em như những người gian phi, nhưng khi thấy được việc lành của anh em, họ phải ngợi khen Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Ðáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).
Xướng: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.
Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người.
Xướng: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.
Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.
Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 46-52
“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh”? Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Chúa đã ban cho chúng con của lễ này để dâng lên Chúa, thế mà Chúa lại thương coi đó là biểu hiện lòng thành của chúng con; xin cho của lễ Chúa ban tặng mang lại cho chúng con phần thưởng là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi,và tôi sẽ ca khen thánh danh Chúa là Đấng Tối Cao.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Này đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa rất nhân hậu từ bi, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể, ước chi tiệc Thánh Thể này sau khi đã nuôi dưỡng chúng con trên đường dương thế, cũng đưa chúng con về quê trời hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
KHAO KHÁT ĐƯỢC NHÌN THẤY
Lm. Gioan Trần Văn Viện
Hoàn cảnh của anh mù đang ăn xin bên vệ đường thật đáng thương. Bị mù đã là khổ, nhưng bị mù mà vẫn phải lang thang dọc đường để ăn xin thì còn khổ đến mức nào. Vì thế, chỉ cần nghe nói tới Đức Giê-su, anh đã kêu lên: “xin dủ lòng thương tôi”. Anh không sợ làm phiền người khác khi họ quát anh phải im lặng mà thay vào đó, anh càng kêu lớn tiếng hơn: “xin dủ lòng thương tôi”.
Anh kêu lên tới Chúa Giê-su để mong Ngài đoái thương cứu giúp anh khỏi nghịch cảnh. Anh xin Chúa cho được nhìn thấy. Nhưng không đơn thuần là lời cầu xin được chữa lành đôi mắt thể xác, mà anh khát khao được thấy Đấng Mê-si-a, Con vua Đa-vít, là ánh sáng thế gian, là con đường dẫn tới hạnh phúc viên mãn. Vì thế, khi biết Chúa gọi anh, anh đã từ bỏ cả áo choàng, tài sản quý giá nhất mà anh đang có, để có thể đến gần Ngài. Sự khát khao mãnh liệt trong sâu thẳm tâm hồn của anh đã được Chúa Giê-su cho thỏa mãn: “lòng tin của anh đã cứu anh”. Chúa biết niềm tin của anh, Chúa thương cảm và đã cứu chữa cho anh.
Anh mù trong bài Phúc Âm là một con người cụ thể có tên là Ba-ti-mê. Hình ảnh của anh có lẽ đang phản chiếu mỗi người chúng ta. Cuộc sống hôm nay, nhiều người trong chúng ta cũng đang gặp khó khăn, đau khổ, thiếu thốn về cuộc sống vật chất. Mỗi chúng ta dù không bị mù về thể xác nhưng chúng ta có thể đang đi lầm đường lạc lối và con mắt Đức Tin đang bị che lấp bởi những hào nhoáng, vỏ bọc của thế gian tội lỗi mà chưa thấy được ánh sáng để bước tiến về quê trời. Chúng ta không có cơ hội như anh mù để được nghe và nhìn thấy Chúa Giê-su cách trực tiếp, nhưng chúng ta được mời gọi học theo anh để với niềm tin mạnh mẽ, chúng ta khẩn cầu lên Chúa và xin Ngài “dủ lòng thương” cho được “nhìn thấy” Ngài, là nguồn mạch bình an và hạnh phúc. Chúa vẫn hiện diện nơi trần gian cách đặc biệt qua Giáo Hội và các Bí tích để lắng nghe lời chúng ta kêu xin và cứu chữa chúng ta.
NGƯỜI MÙ THÀNH GIÊ-RI-CÔ (Mc 10,46-52)
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
1. Thánh Mác-cô thuật lại cho chúng ta việc Đức Giê-su chữa người mù từ mới sinh tại cổng thành Giê-ri-cô. Lời kêu van của người mù: “Lạy Con vua Đa-vít, xin thương xót tôi”, cho thấy dân chúng tin Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, là Đấng khôi phục và giải phóng dân tộc. Nhưng khi Đức Giê-su chữa lành cho người mù được sáng mắt, Ngài muốn hướng người ta về sứ mạng đích thực của Ngài là cứu độ muôn dân. Ngài đến để giải thoát nhân loại khỏi đau khổ và tối tăm của sự dữ. Như thế, tin vào Đức Giê-su, con người mới được ánh sáng, được giải phóng và được tự do làm con Thiên Chúa.
2. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nhờ cặp mắt chúng ta có thể nhận biết và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chúng ta có thể nhìn thấy mọi người, mọi vật. Có những người mù từ thuở mới sinh, hay bị mù do tai nạn, bệnh tật. Họ giống như ngọn đèn bị tắt, suốt đời phải chịu lần mò trong bóng tối, không còn đuợc hưởng ánh sáng mặt trời và những vẻ đẹp của thế tới sự sáng, họ phải buồn phiền khổ cực biết bao. Vì thế, anh mù thành Giê-ri-cô hôm nay đang phải ở trong tình trạng đó, anh đau khổ nên anh đã phải tha thiết xin Chúa giúp đỡ: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương xót tôi”.
3. Hôm nay, nghe biết Đức Giê-su đi qua, anh mù kêu xin Chúa cứu chữa, người ta cấm anh, anh càng kêu lớn hơn. Anh không xin tiền, xin gạo, xin bánh như mọi khi, nhưng xin được xem thấy. Khi nghe tiếng Đức Giê-su gọi, anh vội vàng vứt áo choàng, nhảy chồm về phía Chúa. Lời kêu xin và thái độ của anh chứng tỏ anh tin tưởng sâu xa mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa, chính vì niềm tin này Đức Giê-su đã cứu chữa anh, và khi được sáng mắt anh đã đi theo Chúa.
4. Mắt là cảm hứng cho thi sĩ làm thơ, cho nhạc sĩ viết nên cung nhạc. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương và nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng đẹp. Trái lại khi nói về mắt, Phúc âm lại nói về đôi mắt mù. Mù đôi mắt thân xác đã bất hạnh, còn mù đôi mắt tâm hồn lại là một bất hạnh lớn. Mù đôi mắt tâm hồn là “mù” mà không chấp nhận mình “mù”, vì nghĩ rằng mình vẫn sáng suốt để nhìn ra Chúa. Nhưng đâu ngờ, đàng sau đôi mắt ấy, có thể chỉ là một màn đêm lạnh lẽo. Một tâm hồn trống trải, buồn tênh. Chẳng buồn nghe và thực thi Lời Chúa nữa (Hosanna).
5. Ngày nay trên thế giới số người mù về thể xác có lẽ suy giảm đi đôi chút, nhưng ai dám nói số người mù về tinh thần đã giảm đi? Số người “thấy mà xem chẳng thấy” (kinh cám ơn rước lễ xưa) thì rất nhiều. Người ta biết mọi cái trên thế giới, kể cả cung trăng, một số hành tinh và một vài vì sao, nhưng có cái gần nhất người ta lại không thấy, đó là cái “tôi” của mình, là con người của mình, là bản thân mình.
Nói chi đến thực tại siêu nhiên, người ta mù tịt trước những vấn đề thiêng liêng. Anh mù Bác-ti-mê đã nhìn ra Đức Giê-su là ai, là Đấng Cứu Thế trong khi đám đông chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Họ có con mắt sáng, nhưng lòng họ vẫn còn u tối. Họ cần được Chúa soi sáng cho họ để họ nhìn ra chân lý.
Còn chúng ta, những người sáng mắt thì sao? Không những chúng ta phải cảm tạ Chúa, phải quí trọng giữ gìn, bảo vệ tâm hồn nữa. Nếu chúng ta đã lỡ để cho tâm hồn không còn trong sáng vì nhìn xem những hình ảnh xấu…thì chúng ta hãy bắt chước anh Bartimê cương quyết, can đảm và dứt khoát ném áo choàng, đến với Chúa Giêsu trong phép Giải tội để xin Ngài chữa lành, lấy lại ánh sáng tươi đẹp cho đôi mắt.
6. Truyện: Chiếc đèn lồng.
Có một người mù, một đêm kia đến thăm người bạn thân. Hai người trò truyện thân mật với nhau cả mấy tiếng đồng hồ. Trời đã khuya, khi chia tay nhau, người bạn sáng mắt tặng anh một chiếc đèn lồng để đi đường cho an toàn. Nhưng người mù nói:
– Tôi không cần đèn. Đối với tôi, tối và sáng như nhau.
Người bạn trả lời:
– Tôi biết anh không cần đèn để soi đường, nhưng nếu anh không cầm một cái đèn thì trời tối người ta có thể đụng phải anh, nguy hiểm lắm, anh nên cầm đi.
Nghe hợp lý, anh mù ra về với chiếc đèn lồng trong tay. Đi được một quãng đường, đột nhiên anh bị một người đụng phải anh. Với vẻ tức giận, anh mù nói:
– Người nào kỳ vậy, đui hay sao mà không thấy đèn của tôi?
Người kia đáp:
– Xin lỗi anh, đèn của anh tắt rồi nên tôi không trông thấy. Mong anh thông cảm.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy anh mù tưởng mình “thấy”, còn người kia không thấy đèn. Nhưng ngược lại, chính anh mù mới không thấy đèn mình tắt. Tác giả câu truyện kết luận: Con người tưởng mình thấy nhiều chuyện, nhưng lại quên hay cố ý quên nhiều cái mình không thấy.
Nhiều khi cuộc đời chúng ta chỉ là chiếc lồng đèn bị tắt lửa không còn ánh sáng để soi chiếu cho người khác, chúng ta bắt chước anh mù Bartimê mà kêu lên: “Lạy Chúa, xin thương xót con”.
ÁNH SÁNG ĐỨC TIN
(THỨ NĂM TUẦN 8 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 8 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa an bài cho mọi việc ở trần gian luôn diễn tiến trong hòa bình trật tự, để tất cả chúng ta được nhờ, và Hội Thánh được an vui thờ phượng Chúa.
Chúa đã an bài mọi việc luôn diễn tiến trong hòa bình trật tự, vì thế, câu trả cho mọi đau khổ trên trần gian này cũng không nằm ngoài tình yêu quan phòng của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Gióp cho thấy: Những người bạn của ông Gióp chẳng hiểu gì về những đau khổ của ông. Họ chỉ lặp lại những công thức mà họ đã thuộc nằm lòng. Thấy người ta đau khổ, mà nói năng như thế, thì thật là, không thể giúp được gì. Giả như, có thánh Phaolô ở đó, chắc chắn, chúng ta sẽ được nghe những lời đầy xác tín: Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.
Chúa đã an bài mọi việc luôn diễn tiến trong hòa bình trật tự, tất cả đều diễn tiến theo quy luật tình yêu của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả nói: Thật thế, không có gì diễn tả luật Đức Kitô cách thích đáng hơn đức ái; luật ấy, chúng ta giữ trọn được khi chúng ta lấy tình thương mà mang gánh nặng cho anh chị em mình. Luật ấy là luật đa diện, vì đức ái có mặt trong mọi hành vi của các nhân đức khác nhờ sự nhiệt tâm ân cần. Luật đó khởi đầu với hai điều răn, nhưng khai triển thành vô số các điều răn khác.
Chúa đã an bài mọi việc luôn diễn tiến trong hòa bình trật tự, và chúng ta phải loan báo những kỳ công của Người bằng lối sống ngay lành của chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phêrô nói: Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm, mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm. Vì thế, trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 99, vịnh gia cũng đã kêu gọi: Hãy vào trước thánh nhan Chúa giữa tiếng hò reo. Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại: Đức Giêsu hỏi anh mù Batimê: Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh mù đáp: Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được. Người nói: Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. Chỉ có những ai bước đi trong ánh sáng của Chúa, mới có thể nhìn thấy được nẻo chính đường ngay: con đường dẫn đến sự sống. Chỉ với con mắt đức tin, chúng ta mới nhìn thấy được tình yêu quan phòng của Chúa ẩn đằng sau những gì mà chúng ta cho là mất mát, thua thiệt. Chúa đã an bài mọi việc luôn diễn tiến trong hòa bình trật tự, nhằm để chúng ta được bình an hạnh phúc, nhưng vì, đôi mắt của chúng ta cứ dõi theo những dục vọng của thế gian, cho nên, chúng ta cứ thấy cuộc đời mình là tai họa, bất an. Ước gì chúng ta biết phó mình trong bàn tay quan phòng của Chúa, cho dẫu, hiện thực đời sống có ra sao, chúng ta vẫn xác tín rằng: Chúa luôn yêu thương bảo bọc chúng ta, để qua cách sống của chúng ta, người khác cũng nhìn thấy Chúa giữa những thăng trầm, biến động của cuộc sống này. Ước gì được như thế!
NHƯ MỘT CHỨNG NHÂN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”.
“Điều chính yếu không thể thấy bằng mắt. Để thấy nó, phải nhìn bằng tim!” - Saint Exupéry.
Kính thưa Anh Chị em,
Nhân vật mù loà trong Tin Mừng hôm nay không thấy Chúa Giêsu bằng mắt, anh thấy Ngài bằng tim. Anh không hề nhận ra rằng, hành động đức tin và sự kiên trì của anh sẽ được ghi lại trong Thánh Kinh ‘như một chứng nhân’ ngàn đời cho vô số người được soi dẫn qua mọi thời đại.
Anh mù Bartimê chỉ làm phần việc của mình và Chúa Giêsu lấy đức tin của anh, chữa lành anh, dùng anh làm nhân chứng cho vinh quang Ngài. Diễn tiến của câu chuyện này rất sâu sắc đối với đời sống đức tin và cách thức cầu nguyện của bạn và tôi.
Trước hết, hãy bắt đầu với hoàn cảnh của anh, một người mù, nghèo khó và sống nhờ người khác. Anh ấy đang ở trong tình trạng rất thiếu thốn. Trong tình trạng này, anh nghe Chúa Giêsu đi ngang qua và nhân cơ hội đó, anh kêu lên Ngài, “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Điều đáng chú ý là Bartimê bị những người chung quanh khiển trách vì lời cầu khá ồn ào của anh; và với điều này, họ như thể muốn nói với anh rằng, anh không xứng đáng với thời gian và sự quan tâm của Ngài.
Bài học quan trọng có thể rút ra từ đoạn văn này là sự kiên trì. Bartimê phớt lờ những lời quở trách của người khác và anh lớn tiếng hơn. Anh không cho phép sự tiêu cực và những đánh giá sai lầm của người khác cản trở tầm nhìn và lòng tin của anh vào Chúa Giêsu. Thực tế, khi sự phản đối càng gia tăng, anh càng lớn tiếng hơn. Bài học này dạy chúng ta cách đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Thông thường, chúng ta bị cám dỗ thu mình lại và nản lòng khi phải đối mặt với một số bất trắc. Điều chúng ta nên làm những lúc ấy là tin cậy vào Chúa nhiều hơn. Chúng ta cần hướng về Ngài và tin chắc rằng, Ngài sẽ nghe chúng ta và muốn can thiệp bất cứ giá nào để giải thoát chúng ta.
Và đó chính xác là những gì Chúa Giêsu đã làm. Ngài lắng nghe Batimê, đáp lại và chữa lành anh. Thật thú vị! Khi thấy khi Ngài để mắt đến Batimê và nhất là khi Ngài gọi anh, tất cả những người vừa quở trách anh lại bất ngờ động viên anh! Đây là kết quả của việc Chúa Giêsu chấp nhận, nhưng cũng là kết quả đức tin và sự kiên trì của anh ‘như một chứng nhân’ cho hiệu quả sức mạnh của việc cầu nguyện.
Kính thưa Anh Chị em,
“Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về lời cầu nguyện khiêm nhường của người ăn xin mù loà này và biến nó thành lời cầu nguyện của chính bạn. Hãy lặp đi lặp lại lời cầu này và cố gắng khám phá đức tin mà anh ấy đã có. Anh không thấy Chúa Giêsu bằng mắt, nhưng thấy Ngài bằng tim để tuyệt đối tin tưởng vào Ngài, Đấng cũng sẽ nghe lời cầu của bạn, gọi bạn đến và ban cho bạn sự chữa lành mà bạn cần. Và đến lượt bạn, ‘như một chứng nhân’, bạn sẽ làm chứng cho sự kiên trì và niềm tin vào Chúa của một con người cầu nguyện.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy con vua Đavít, xin dủ lòng thương con. Lạy con vua Đavít, xin dủ lòng thương con. Lạy con vua Đavít, xin dủ lòng thương con!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn