Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA VỌNG

Thứ ba - 05/12/2023 18:53 |   251
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,26-38)

08/12/2023
THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA VỌNG
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Mẹ Vô Nhiễm

Lc 1,26-38


TUYỆT TÁC CỦA THIÊN CHÚA
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,26-38)

Suy niệm: Vài bước thưởng lãm các tác phẩm gốm nghệ thuật của các nghệ nhân tại làng gốm cổ truyền Phù Lãng (Bắc Ninh), người ta không khỏi ngạc nhiên về sự kết hợp độc đáo giữa thần trí và đất sét. Trong tay nghệ nhân, đất sét được nhào quyện với thần trí: dáng dấp tầm thường, vô hồn, trở nên sinh động và thể hiện được mình bằng một thứ ngôn ngữ mới. Công đồng Va-ti-ca-nô II khi diễn tả tín điều Đức Ma-ri-a được tràn đầy thánh thiện từ lúc mới thụ thai, đã lấy lại hình ảnh nhào nặn và tác thành của ngày sáng thế được các giáo phụ dùng để xác tín rằng: “Mẹ không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần nhào nặn và tác thành”. ‘Bụi tro’ không còn là bụi tro, nhưng được trở nên ‘khanh tướng’; ‘nữ tỳ’ không còn là phận nhỏ, nhưng được trở nên diễm phúc, quyền thế. Trong bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa, Mẹ Ma-ri-a trở thành tuyệt tác tình yêu của Ngài.

Mời Bạn: Mẹ nhận ra ngay Thiên Chúa can dự vào cuộc đời của Mẹ với tất cả tình yêu, nên Mẹ cất lời cảm tạ Thiên Chúa, vừa bằng lời ca lẫn đời sống. Thiên Chúa can dự vào đời bạn, đặc biệt lúc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, vậy bạn có thường xuyên ngợi khen Ngài không? Bạn và gia đình bạn đã ngợi khen Chúa thế nào?

Sống Lời Chúa: Sau khi rước lễ, bạn dành ít phút thinh lặng để cám ơn Chúa cách sốt sắng. Và bạn đọc kinh ‘Cám Ơn’ thật chậm rãi và sốt sắng

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, lòng con ước được cùng với Mẹ cất lời cảm tạ ơn Chúa. Xin giúp cho trọn cả cuộc sống con kết dệt nên bài ca tri ân Thiên Chúa.

Thứ Sáu MV I: Lạy Chúa! Chúa đã không chữa lành cho hai người mù ngay, khi Chúa về đến nhà, hỏi họ có tin không, rồi Chúa mới sờ vào mắt họ. Tiến trình chữa lành phải trải qua các giai đoạn, để cho thấy lòng tin của họ, lòng tin vào Đấng là Ánh Sáng, và chỉ có Chúa mới mang lại ánh sáng đích thực cho họ. Xin cho chúng con luôn biết đến gần Chúa, đến gần Ánh Sáng để chúng con được soi sáng, và trở nên con cái Ánh Sáng. Xin biểu dương uy quyền và ngự đến, vì chỉ mình Chúa mới có thể giải thoát và cứu độ chúng con khỏi mọi cơn nguy khốn do chính tội lỗi chúng con đã gây nên. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA VỌNG

Ca nhập lễ

Đây Chúa sẽ vinh quang ngự đến, Người xuống viếng thăm, ban bình an cho dân Người, và cho họ hưởng phúc trường sinh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Giê-su, xin biểu dương uy quyền và ngự đến, vì chỉ mình Chúa mới có thể giải thoát và cứu độ chúng con khỏi mọi cơn nguy khốn do chính tội lỗi chúng con đã gây nên. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 29, 17-24

“Ngày đó mắt người mù sẽ được xem thấy”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: Không còn bao lâu nữa, Li-ban sẽ trở nên lùm cây, và lùm cây sẽ trở nên cánh rừng. Ngày đó, người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối, mắt người mù sẽ được xem thấy. Những người hiền lành sẽ càng thêm vui mừng trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng trong Ðấng Thánh của Ít-ra-en. Vì chưng, người ỷ thế sẽ thất bại, kẻ khinh người sẽ bị hổ ngươi, người mưu toan gian ác sẽ bị tiêu diệt. Ðó là kẻ dùng lời nói để cáo gian người khác, kẻ ra cửa thành mà đánh lừa người xử kiện, kẻ lấy sự nhỏ nhoi mà hiếp đáp người công chính. Vì thế, Chúa, Ðấng cứu chuộc Áp-ra-ham, phán cùng nhà Gia-cóp lời này: Từ đây Gia-cóp sẽ chẳng còn phải hổ ngươi và đỏ mặt; nhưng khi xem thấy con cháu mình là công trình của tay Ta, đang ca ngợi danh thánh Ta giữa nhà Gia-cóp, thì chúng sẽ ngợi khen Ðấng Thánh của Gia-cóp và tuyên xưng Thiên Chúa Ít-ra-en. Và tâm trí lầm lạc sẽ được hiểu biết; người lẩm bẩm sẽ học biết lề luật.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? – Ðáp.

Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. – Ðáp.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Hỡi các tầng trời, hãy đổ sương mai; hỡi ngàn mây, hãy mưa Ðấng Công Chính, đất hãy mở ra và trổ sinh Ðấng Cứu Chuộc. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 9, 27-31

“Tin vào Chúa Giê-su, hai người mù được chữa lành”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giê-su đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: “Hỡi Con vua Ða-vít, xin thương chúng tôi”. Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giê-su phán bảo họ: “Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?” Họ thưa: “Lạy Thầy, có”. Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: “Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy”. Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giê-su truyền cho họ rằng: “Coi chừng, đừng cho ai biết”. Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ và những lời chúng con khiêm tốn nài van. Thật chúng con chẳng có công trạng gì mà chỉ trông chờ lượng từ bi ban ơn trợ giúp. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúng ta nóng lòng mong đợi Đấng Cứu Độ Là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác yêu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được tham dự mầu nhiệm thánh, và Chúa đã lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con. Giờ đây, xin Chúa thương dạy dỗ, để chúng con hằng khôn ngoan sáng suốt cân nhắc những thực tại trần gian và luôn thiết tha với những thực tại bền vững trên trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

XIN ĐƯỢC SÁNG MẮT SÁNG LÒNG (Mt 9,27-31)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Số phận người mù thật bi đát, họ nghe mà không biết sự vật chung quang thế nào. Họ phải sống trong cô đơn. Cảm nghiệm được nỗi bất hạnh của mình, hai người mù vừa lẽo đẽo theo Đức Giê-su vừa van xin Ngài: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi”. Ý thức được nỗi khốn cùng của mình là bước khởi đầu nền tảng để đáng được Thiên Chúa xót thương. Càng thấy mình bất lực, chúng ta càng phải cậy dựa vào Thiên Chúa. Điều quan trọng là chúng ta có biết bám chặt vào Chúa và xin Chúa chữa lành tâm hồn chúng ta không?

2. Hiện nay trên thế giới có nhiều người mù. Người mù ở Việt nam thường sống bằng cách đi ăn xin. Trong Kinh Thánh, người mù là hình tượng của những con người sống trong sự đói nghèo, bị xã hội và ngay cả gia đình bỏ rơi.

Có nhiều loại mù: mù lòa, mù chữ, mù văn chương, mù vi tính… nhưng mù không nhận ra Chúa là ánh sáng có lẽ là tai hại hơn cả. Người mù đã dùng đức tin mà đi tới Ánh Sáng thật. Hay nói cách khác, có một cách lần tới ánh sáng một cách thần diệu, đó là đức tin.

3. Mù là không thấy và vì không thấy nên không biết hay biết một cách phiến diện, biết không đầy đủ. Cái mù thể xác đã khốn khổ như thế, nhưng còn một loại mù còn khốn khổ hơn nữa. Người ta gọi đó là mù tâm linh, mù không dám nhìn, không dám nhận sự thật. Đây là thứ mù thường xảy ra nhất trong đời sống con người.

Đúng thế, không dám nhận ra sự thật cũng là một bệnh mù. Bệnh này rất nguy hiểm, nó thường bộc phát và lây lan nhanh. Nguyên nhân của căn bệnh này là tính kiêu ngạo, một loại vi trùng rất khó trị và thường gây ra những hậu quả rất tai hại cho những người mắc thứ bệnh này.

4. Tính tự phụ và kiêu căng thường dẫn đến sự mù quáng, không nhìn ra sự thật. Do đó, Lon Jacob đã sáng tác ra câu truyện ngụ ngôn: Con sư tử đến hỏi con tê giác: “Ai là chúa tể khu rừng này”? Con tê giác đáp: “Là sư tử chứ ai”. Sung sướng quá, sư tử đến hỏi con hà mã: “Ai là chúa tể khu rừng này”? Và hà mã cũng trả lời: “Là sư tử chứ ai”. Sư tử lại đến hỏi con voi: “Ai là chúa tể khu rừng này”? Voi chẳng nói chẳng rằng, dùng vòi túm lấy sư tử, quăng nó lên trời. Khi rơi xuống đất, con sư tử choáng váng mặt mày, mình mẩy ê ẩm, nhưng cũng ráng nói vớt vát: “Vì ngu quá chẳng biết trả lời nổi câu hỏi của ta nên ta không thèm ăn thua với mi”.

5. Hai người mù trong bài Tin mừng hôm nay, mặc dù họ mù hai con mắt thể xác, nhưng trái lại, họ được sáng hai con mắt đức tin, hai con mắt tâm hồn, cho nên họ đã nhận ra Chúa là Đấng con vua Đavít, Đấng Cứu Thế. Họ đã tin Chúa và đã được chữa lành, cho họ được nhìn thấy.

Chúng ta có thể sáng con mắt thể xác vì chúng ta nhìn thấy rõ ràng những công trình của Chúa qua vũ trụ vạn vật, nhưng chúng ta có khi lại mù con mắt đức tin vì chúng ta đã không tin vào Chúa qua các dấu chỉ của sự vật, các biến cố, những sự kiện chung quanh để nhận ra ý Chúa mà thực thi.

6. Đức Giê-su thấy hai người mù có niềm tin, Ngài muốn họ công khai nói lên niềm tin đó: Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không”? Họ thưa với tất cả niềm  xác tín: Lạy Thầy, có”.  Người sờ vào mắt họ và nói: Các anh tin thế nào thì được như vậy”. Mắt họ liền mở ra. Lời nói vắn tắt của Đức Giê-su làm cho hai anh mù được sáng.

Đức tin làm sáng mắt, đức tin cũng mở mắt tâm hồn, mở ra tất cả…

Mang danh hiệu là Ki-tô hữu, là người tin vào Chúa Ki-tô, nhưng nhiều lúc chúng ta chưa sống trọn vẹn niềm tin của mình. Hôm nay, một lần nữa Đức Giê-su hỏi chúng ta: “Con có tin là Ta làm được điều đó không”? Xin cho chúng ta xác tín không chỉ trên môi miệng, đáp trả với cả trái tim cho Ngài và để niềm tin tỏa sáng trong cuộc sống.

7. Truyện: Thầy bói sờ voi

Trong kho tàng truyện cổ Ấn Độ có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Ngày xưa có mấy anh mù rủ nhau đi xem voi. Họ được dẫn đến một con voi rất to để họ dùng tay mà sờ vào nó.

Anh thứ nhất sờ được vào cái vòi của con voi. Sờ xong anh ta đắc chí hô to:

– Tôi biết con voi giống cái gì rồi, nó giống như cái vòi lớn.

Anh thứ hai sờ vào chân voi rồi nói:

– Đâu phải, tôi thấy con voi giống như cột nhà.

Anh thứ ba sờ vào sườn voi, phản đối:

– Các anh điên hả? Tôi thấy con voi giống như một bức tường chứ!

Anh thứ tư sờ vào tai voi, bật cười:

– Các anh nói gì vậy? Tôi thấy con voi giống như một tầu là chuối.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

 

Ca nhập lễ

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Vì lời Ðức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”.

Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu.

Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca.  

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-6. 11-12

“Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Ðức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.

Cũng trong Ðức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Ðấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận hy lễ cứu độ chúng con dâng trong ngày đại lễ mừng Ðức Trinh Nữ Maria vô nhiễn nguyên tội. Chúa đã ban ơn gìn giữ Người khỏi mọi tỳ ố, xin cũng nghe lời Người chuyển cầu mà cho chúng con thoát khỏi vòng tội lỗi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Cha đã gìn giữ Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mọi vết nhơ nguyên tội. Cha đã cho Người được đầy ơn sủng để Người xứng đáng làm Mẹ của Con Cha. Nơi Người, Cha đã phác hoạ hình ảnh một Hội Thánh rất sinh đẹp, không tỳ ố, không vết nhăn, là Hiền Thê của Ðức Kitô. Thật vậy, Ðức Trinh Nữ rất thanh khiết sẽ sinh hạ cho nhân loại một người con là chiên vẹ toàn, Ðấng xóa tội trần gian. Cha đã chon Người giữa muôn một, để Người chuyển cầu và nêu gương thánh thiện cho dân Cha. Vì thế, hiệp với các Thiên thần và các thánh, chúng con vui mừng ca ngợi Cha và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúng ta nóng lòng mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác yêu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Lạy Mẹ Maria. Thiên hạ đã nói về Mẹ bao vinh hiển, vì từ nơi Mẹ Mặt Trời Công Chính đã mọc lên là Đức Kitô Thiên Chúa chúng tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban ân huệ vô song là gìn giữ Ðức Maria khỏi vướng mắc nguyên tội. Xin cũng cho thánh lễ chúng con cử hành chữa lành mọi thương tích nguyên tội còn để lại nơi chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Từ đầu thế kỷ VIII, ở phương Đông, người ta đã cử hành – vào ngày 9 tháng 12 – lễ Thánh Anna thụ thai Mẹ Thiên Chúa, nghĩa là việc Đức Maria tượng thai trong lòng bà thánh Anna. Sau đó lễ này được phổ biến sang miền Nam nước Ý, rồi sang Ai Len và Anh, với tên gọi là Lễ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria được thụ thai. Mục tiêu ban đầu của lễ này là mừng cuộc thụ thai của thánh Anna, mà theo sách ngụy thư Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê, cuộc thụ thai này xảy ra sau một thời gian dài bà Anna không có con, và đã được một thiên thần báo tin như một dấu hiệu của tình thương Chúa. Ở Napôli, vào thế kỷ IX, lễ này đươc ghi trên một lịch bằng đá cẩm thạch, mừng vào ngày 9 tháng 12, và đến năm 1050, trong Công đồng Verceil, Đức Giáo Hoàng Lêô IX khuyên nhủ các tín hữu mừng việc Đức Mẹ Được Thụ Thai, giống như phong tục của Giáo Hội Byzance.

Vào đầu thế kỷ XII, tu sĩ người Anh Eadmer, học trò của thánh Anselme Cantobéry, tuyên bố ông tin là Đức Mẹ được thụ thai (thụ động) vô nhiễm (tránh khỏi nguyên tội), và viết một khảo luận đầu tiên về đề tài này. Thánh Bênađô, ngược lại, vào dịp đầu tiên mừng lễ này ở Lyon (khoảng 1140), đã cảnh giác mọi người về điều mới mẻ này, và dạy rằng Đức Mẹ chỉ được thánh hóa sau khi được thụ thai, chứ không phải ngay khi còn trong lòng mẹ (Ep. 174). Dưới ảnh hưởng của ngài, các nhà thần học lớn của thế kỷ XII và XIII (Phêrô Lombard, Alexandre Halès, thánh Bônaventura, thánh Albert Cả, thánh Thomas Aquinô) cũng đi theo giáo huấn này; các nhà thần học này chưa tìm được cách nào để hoà hợp việc Đức Mẹ được miễn tội nguyên tổ với tính phổ quát của tội nguyên tổ và nhu cầu đón nhận ơn cứu chuộc đối với mọi người.

Người tìm ra giải pháp cho những vấn nạn này chính là các nhà thần học dòng Phanxicô – đặc biệt là Duns Scotus (1308). Họ tạo ra khái niệm tiền cứu chuộc. Việc Đức Mẹ được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ là hình thức hoàn hảo nhất của việc Cứu Chuộc; vì thế, theo các nhà thần học này, việc Đức Kitô cứu chuộc Mẹ của Người bằng cách này là thích hợp.

Công đồng Bâle năm 1439 ủng hộ phe chủ trương Đức Mẹ Đầu Thai Vô Nhiễm. Nhiều vị giáo hoàng cũng lên tiếng ủng hộ sự tin tưởng này và ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Pi-ô IX đã tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Đức Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai, do một đặc ân và ân sủng độc nhất vô nhị của Thiên Chúa toàn năng, nhờ những công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, đã được gìn giữ sạch mọi vết nhơ của tội nguyên tổ” (Sắc Chỉ Ineffabilis).

Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ có từ thời Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố Bản kinh Phụng vụ. Những bản văn này giúp chúng ta nắm được tầm quan trọng của tín điều do Sắc chỉ Ineffabilis công bố.

Lời Nguyện của ngày lấy lại một công thức phụng vụ được soạn năm 1477, dưới thời Đức Giáo Hoàng Sixte IV, là một tổng hợp hầu như giống nguyên văn câu định nghĩa tín điều: “Thiên Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc nguyên tội ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Đức Trinh Nữ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này.”

Sự tiến triển lịch sử của chân lý đức tin này đã có đầy đủ ý nghĩa trong các bài giảng của các Giáo phụ phương Đông, gắn liền với lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (ví dụ, bài giảng của thánh Jean Damascène ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ). Việc Đức Maria được thụ thai bởi một bà mẹ son sẻ (xem Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê) nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, báo trước việc Đức Kitô được thụ thai bởi một bà mẹ đồng trinh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Như thế lòng đạo đức bình dân đã đi từ việc sùng kính sự kiện thánh Anna thụ thai – nhấn mạnh về bà mẹ chứ không phải về Đức Maria – để chuyển sang sự kiện Đức Maria, “người đầu tiên được cứu độ”, được thụ thai trong lòng mẹ ngài.

Kinh Tiền tụng mới – trích thư Ep 5, 27 và lấy ý từ Công đồng Vaticanô II (MK và PV) – là một tổng hợp nội dung thần học của tín điều. Như thế có sự nhấn mạnh trước tiên đến chiều kích Kitô học của tín điều, bằng cách khai triển mối quan hệ giữa việc được khỏi tội nguyên tổ, đầy ân sủng, và làm mẹ Thiên Chúa, vì Đức Maria đã được kêu gọi để trở thành người mẹ xứng đáng với Con của mình. Kinh Tiền Tụng cũng nhấn mạnh một chiều kích giáo hội học của ngày lễ trọng này: “Nơi Người (Đức Maria), Chúa đã cho thấy trước hình ảnh Hội Thánh, vị hôn thê không nếp nhăn, không tì vết, đẹp rực rỡ.” Một chiều kích thứ ba – cứu chuộc học – cũng nổi bật, nói lên mối liên quan giữa sự cứu chuộc được thực hiện bởi “Con Chiên vô tì tích xoá tội chúng ta”, và sự trong trắng của Đức Maria. Ngay từ thế kỷ II, Meliton de Sardes đã có trực giác về điều này: “Chính Người, Con Chiên bị giết, chính Người là con chiên vô tì tích, đã sinh ra bởi Đức Maria.” (Bài giảng lễ Phục Sinh). Sau cùng, chiều kích cánh chung học cũng được nhấn mạnh qua việc nhắc tới ơn gọi của Đức Maria: “Được chọn giữa toàn thể nữ giới, Người chuyển cầu nêu gương thánh thiện cho toàn thể Dân Chúa.”

Lời Nguyện trên lễ vật nhấn mạnh “ơn quan phòng của Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Maria khỏi mọi tội lỗi”. Đây là một lời nhắc nhở về ân sủng vô điều kiện của Thiên Chúa: “nhờ công nghiệp do cái chết của Chúa Kitô”, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi (Lời Nguyện của ngày).

Lời Nguyện hiệp lễ cầu khẩn Chúa: xin Người “chữa lành nơi chúng ta mọi vết thương của tội nguyên tổ” mà Đức Mẹ đã được giữ gìn không mắc phải.

Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, tội nguyên tổ là một chân lý nền tảng của đức tin: “Phải nhận biết Đức Kitô như là nguồn mạch của ân sủng để có thể nhận biết Ađam như là nguồn mạch của tội lỗi” (số 388). “Giáo lý về tội nguyên tổ là “phản diện” của Tin Mừng công bố rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ mọi người, rằng mọi người cần được cứu độ và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ ân sủng của Đức Kitô. Mang tinh thần của Chúa Kitô, Hội Thánh biết rõ người ta không thể đụng đến mặc khải về tội nguyên tổ mà không đụng đến mầu nhiệm Chúa Kitô.” (số 339).

“Đây là cuộc Tạo dựng mới – Hội Thánh hát trong Giờ Kinh Sách – nơi Người, hỡi Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm, ân sủng nguyên thuỷ nở hoa. Trái đất của chúng con không còn bị chúc dữ. . .” (Thánh Thi). Điệp ca của kinh Benedictus ca ngợi vai trò của Evà mới: “Ta sẽ đặt sự thù nghịch giữa mi và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi của Người; Người sẽ đạp dập đầu mi.”

Enzo Lodi

MỪNG LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Thiên Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần, khi Người làm cho Đức Maria khỏi mắc Tội Tổ Tông ngay từ trong lòng mẹ. Thiên Chúa cũng gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Nhờ lời Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng ta được trở nên công chính, thánh thiện, mà đón rước Con Chúa ngự đến trong vinh quang.

Ngay từ giây phút đầu tiên trong đời, Mẹ đã được gìn giữ khỏi vương bất cứ tội lỗi nào, nhờ ân sủng do cái chết của Con Mẹ. Do đó, tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được đặt căn bản trên đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là hình ảnh tiên trưng cho Hội Thánh chúng ta, bởi vì, Thiên Chúa muốn cho Hội Thánh không tỳ ố, không vết nhăn, và không một khuyết điểm nào.

Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội khai mở những đặc ân khác của Mẹ: Ngay từ thuở đời đời, do cùng một quyết định tiền định duy nhất, Mẹ đã được kết hợp một cách huyền nhiệm với Đức Giêsu Kitô, được Ơn Vô Nhiễm khi thành thai, được ơn đồng trinh vẹn tuyền khi làm Mẹ Thiên Chúa, được hiệp công với Đấng Cứu Chuộc, được gìn giữ vẹn toàn, không bị hư nát trong phần mộ, và được đưa về hưởng vinh quang cao cả trên trời.

Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội không miễn trừ cho Mẹ khỏi những đêm tối đức tin, mà Mẹ phải khó hiểu, phải lần mò, phải suy đi nghĩ lại trong lòng. Mẹ cũng không được miễn trừ khỏi cuộc chiến đấu, hay nói đúng hơn, các đặc ân mà Thiên Chúa ban là những khí cụ, mà Mẹ dùng để chiến đấu cùng với Con của Mẹ. Sách Khải Huyền miêu tả cuộc tranh hùng giữa thiện và ác, giữa dòng dõi con rồng hỏa ngục và dòng dõi người nữ là chính Mẹ. Mẹ được hình dung là một người phụ nữ tuyệt đẹp mặc áo mặt trời vinh quang chiếu sáng rực rỡ. Chân Mẹ đạp mặt trăng: vầng trăng khi tròn khi khuyết, tượng trưng sự đổi thay, nhưng, Mẹ không bị biến đổi theo thời gian, theo tứ thời bát tiết. Đầu Mẹ đội triều thiên mười hai ngôi sao tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel, tức là, Mẹ làm Nữ Vương của ức triệu thần dân nơi Giêrusalem mới, nơi trời mới đất mới, và triều thiên tượng trưng cho sự vinh thắng của Mẹ.

Tất cả các điềm lạ là hình ảnh Hòm Bia Giao Ước mà Thiên Chúa dùng để ở cùng dân Người, và Người ở trong đó như ở trong cung lòng Mẹ. Người Con Trai là Đức Kitô, là Đấng Thiên Sai mà thánh vương Đavít đã tiên báo trong Tv 2 và Tv 109. Con rồng lớn màu đỏ là sức mạnh của thần dữ, không thể tiêu diệt người Con Trai đó. Hội Thánh đã trải qua biết bao thời kỳ đẫm máu, nhưng, quỷ hỏa ngục cũng không phá nổi. Thiên Chúa sắp sẵn cho Mẹ một nơi trong sa mạc, nghĩa là, Hội Thánh phải đi vào nơi gian nan thử thách, tuy nhiên, Hội Thánh vẫn đứng vững. Con Trẻ được cất bổng lên ngai Thiên Chúa, nghĩa là Đức Kitô được phục sinh. Sau hết, là bài ca chiến thắng: ơn Cứu độ, quyền năng và vương quyền của Thiên Chúa đã toàn thắng và mọi uy quyền đều thuộc về Đức Kitô. Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa để chiến đấu với ma quỷ, thế gian, và xác thịt cách kiên cường và oanh liệt như Mẹ, để rồi, chúng ta cũng sẽ “được thưởng cùng Mẹ trên Nước Thiên Đàng”.

Sau cùng, mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta cũng nên biết bức ảnh Mẹ Vô Nhiễm có những đặc điểm nào. Chúng ta thường hay bị nhầm lẫn giữa hai bức ảnh Mẹ Vô Nhiễm và Mẹ Lên Trời, bởi vì, bức ảnh nào cũng có các thiên thần vây quanh, và cả hai trông rất giống nhau. Chúng ta có thể dễ dàng phân biệt như sau: Ảnh Mẹ Vô Nhiễm là ảnh Mẹ đang trong tư thế thu mình lại, là Nữ Tỳ Hèn Mọn, chân đạp vầng trăng khuyết, có ý nói: Mẹ Vô Nhiễm vượt lên trên quy luật tròn khuyết của vầng trăng; còn ảnh Mẹ Lên Trời là ảnh Mẹ đang trong tư thế được nhấc lên, đang bay lên giữa các thiên thần.

DO BỞI MỘT NGƯỜI, MÀ MỌI NGƯỜI SẼ…
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính (Rm 5,19). Do bởi sự bất tuân của Ađam mà tội lỗi đã vào thế gian khiến loài người phải chết, và do bởi sự vâng lời của Đức Giêsu mà sự sống đời đời được ban cho nhân loại.

Sự không vâng phục của một người có ảnh hưởng lớn đến toàn thể nhân loại, đó là một sự thật hiển nhiên. Ngày xưa, khi quân đội của Giôsuê chinh phục thành Giêrikhô để vào đất Canaan: Do bởi một người phạm tội, là Akhan, mà dân Ítraen đã bại trong trận chiến chiếm thành Ai, và con đường đánh chiếm Canaan đã tạm thời bị tắc lại (x. Gs 7,1-26). Lịch sử này là chứng cứ xác thực, làm thức tỉnh chúng ta rằng: sự vâng phục của một người là quan trọng biết chừng nào.

Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (Hr 5,8-9). Qua sự vâng phục của Đức Giêsu, Người đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai vâng phục Người. Chúng ta luôn được mời gọi: bước theo Đức Kitô (sequela Christi), bắt chước Đức Kitô (imitatio Christi), để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, trở thành một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus). Sứ mạng (Missio) của Đức Giêsu đến trần gian là để cứu độ nhân loại, và bằng thái độ vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha, Người đã hoàn tất sứ mạng của mình. Chúng ta cũng được mời gọi mang lấy cùng một sứ mạng của Đức Giêsu để ơn cứu độ được thành toàn cho mình và cho toàn thể nhân loại. Chúng ta là một “Đấng Kitô khác”, vì thế, chúng ta phải ý thức rằng: chỉ một mình tôi vâng phục tuyệt đối ý muốn của Thiên Chúa, thì tất cả sẽ được đưa vào con đường sự sống, và ngược lại, chỉ một mình tôi không vâng phục, thì tất cả sẽ rơi vào con đường sự chết. Ai cũng nghĩ được như vậy, và nỗ lực cố gắng hoàn thành sứ mạng vâng phục của mình, thì chắc chắn, ơn cứu độ của Chúa sẽ sớm thành toàn nơi tất cả mọi người.

Bằng hành vi vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha, như Đức Giêsu, chúng ta sẽ trở thành vị cứu tinh của nhân loại, một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus). Bằng ngược lại, nếu chúng ta nghĩ: Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ, chúng ta làm trái ý Người một số điều, thì cũng đâu có sao. Một khi có những ý tưởng như thế, thì chúng ta sẽ không thể vâng phục Thiên Chúa được, và sự bất tuân đó, không chỉ kéo một mình chúng ta, nhưng sẽ kéo toàn thể nhân loại đi vào con đường sự chết. Lúc bấy giờ, chúng ta không phải là một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus): vị cứu tinh của nhân loại, mà là, một “Ađam khác” (Alter Adam), một tên phản Kitô (Antichristus): kẻ hủy diệt nhân loại này.

Thiên Chúa truyền dạy chúng ta phải vâng phục Người. Điều đó, không có nghĩa là, Người độc tài độc đoán. Tất cả những gì Thiên Chúa dạy dỗ đều vì ơn cứu độ của chúng ta. Dân Ítraen không nghe theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, nên đã phải gánh chịu hậu quả đau thương. Tất cả những sự việc đã qua, được ghi chép lại trong Thánh Kinh, để làm thức tỉnh chúng ta rằng: mọi bất hạnh là do hậu quả của việc không vâng phục, còn mọi phúc lành là hoa trái của việc vâng phục.  Những người được cứu độ là những người luôn vâng lời Thiên Chúa. Nếu cứ làm theo ý riêng, thì chúng ta sẽ rơi vào chước cám dỗ của Satan: mắt ta sẽ thấy những điều sai trái thành những điều đúng đắn, tai ta sẽ nghe những điều xấu xa thành những điều tốt đẹp, như ông bà nguyên tổ xưa.

Chúa dẫn chúng ta đi trên những nẻo đường, mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới: Con đường mà Chúa dẫn dắt trông có vẻ thiệt thòi với chúng ta lúc này, nhưng, nếu chúng ta vâng phục Người, là Đấng biết trước tương lai chúng ta, và vì lợi ích chúng ta, thì sau này, phúc lành dư dật sẽ đến với chúng ta. Nhưng Người thề với ai: Sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Người, nếu không phải là với những kẻ bất tuân? (Hr 3,18): Những kẻ không vâng phục, không được vào Đất Hứa, những người không vâng phục không thể vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa: chỉ một mình tôi vâng lời Thiên Chúa đến cùng, thì tất cả sẽ được hưởng ơn cứu độ.  Ước gì mỗi người chúng ta đều trở thành một “Đấng Kitô khác” (Alter Christus), một vị cứu tinh của nhân loại như lòng Chúa ước mong.

PHẢI HIỂU ƠN “VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI” CỦA MẸ NHƯ THẾ NÀO?

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Chúng ta thường nghĩ, bởi vì, Mẹ được Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, cho nên, Mẹ đâu thể phạm tội. Nếu chúng ta cũng được ơn như Mẹ, thì chúng ta cũng đâu có phạm tội. Chắc không? Có chắc là chúng ta sẽ không phạm tội không?

Những khi chứng kiến những người dự tòng, mới được rửa tội, chúng ta thường nghĩ: ước gì mình cũng được tinh sạch như thế, nhưng, liệu chúng ta giữ mình được bao lâu? Hay mỗi dịp chúng ta chuẩn bị tâm hồn sốt sắng để lãnh Ơn Toàn Xá, thì sau khoảng bao lâu chúng ta phạm tội lại?

“Ân sủng” không phá bỏ “tự do”: Ân sủng của Chúa luôn cần sự tự do cộng tác của chúng ta. Về ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, chúng ta có thể mượn một hình ảnh loại suy để hiểu được phần nào ơn huệ cao quý này. Chúng ta cứ tưởng tượng: Mẹ như một diễn viên xiếc đi trên dây, bên dưới có lưới bảo hộ, cho dù, người diễn viên chẳng may có ngã xuống, thì cũng không sao, bởi vì, đã có lưới bảo hộ. Lưới bảo hộ giữ cho người diễn viên không chết, nhưng, tiết mục biểu diễn không thành công, ông bầu phải trả tiền lại cho khán giả, hoặc phải có một buổi biểu diễn thành công khác để bù lại.

Do đó, khi nói: Mẹ được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, hay Đức Giêsu giống anh em mình mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, thì điều đó, không có nghĩa, là Đức Giêsu và Đức Maria bị tước mất hoàn toàn tự do để từ chối: không vâng phục thánh ý của Chúa Cha. Đức Giêsu hoàn toàn có tự do để xuống khỏi thập giá; Đức Maria cũng hoàn toàn có tự do để không thưa tiếng “xin vâng”. Tuy nhiên, Đức Giêsu và Đức Maria đã dùng tự do của mình để biểu diễn thành công tiết mục xiếc đi trên dây, để ơn cứu độ không phải rẽ theo một hướng khác.

Những gì chúng ta vừa nói ở trên, thì cũng giống như ngón tay vẽ trên mặt đại dương mà thôi, bởi vì, Thiên Chúa thì cao cả vô cùng vô tận, ân sủng của Người cũng nhiệm mầu cao vời khôn xiết, không ai có thể hiểu thấu được.

Ân sủng của Thiên Chúa luôn dồi dào phong phú. Thánh Phaolô khẳng định với chúng ta: Trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện… khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người (x. 1 Cr 1, 5.7).

Hồng ân như mưa như mưa, chúng ta có dùng tự do của mình để hứng lấy hay không là tùy thuộc vào chúng ta. Đức Giêsu đã quả quyết: Lương thực của Thầy là thi hành thánh ý của Chúa Cha; Đức Maria hằng vâng phục thánh ý Chúa. Đức Giêsu đã đi con đường vâng phục; Đức Maria vừa là Mẹ, vừa là môn đệ của Đức Giêsu, Con của Mẹ cũng đã đi con đường đó, đến lượt mình, chúng ta không có con đường nào khác, ngoài con đường đó. Ước gì chúng ta luôn biết dùng tự do của mình để biểu diễn thành công tiết mục xiếc, mà Chúa đã giao cho chúng ta, để ơn cứu độ của Chúa được thành toàn nơi chúng ta. Ước gì được như thế!

 

TẢN MẠN VỀ ƠN VÔ NHIỄM
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Ngày 04-12-2008, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Bênêđictô XVI đã đề cập đến đề tài tội nguyên tổ. Tội nguyên tổ là một đề tài có vẻ khá gay cấn và mang tính thời sự, nhất là với não trạng con người ngày nay. Cái nhìn trước đây, đúng hơn là cách trình bày về tội nguyên tổ, xem ra không mấy thuyết phục và thiếu cơ sở khi mà khoa Kinh Thánh khẳng định thể văn của 11 chương đầu Sách Sáng Thế ký là thể văn huyền thoại. Nhiều người đương thời, cách riêng anh em ngoài Kitô giáo đã từng thắc mắc rằng làm sao một con người của thời tiền sử với sự hiểu biết còn hạn chế, chịu bao tác động của ngoại cảnh, nghĩa là bị hạn chế về trí khôn và ý chí tự do, thế mà đã phạm cái tội gì tày trời đến nỗi di hại cho con cháu ngàn đời, gọi là “tội tổ tông”.

Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định rằng sự hiện hữu của sự dữ là một dữ kiện không thuộc về lý thuyết mà là một cảm nghiệm hiển nhiên. Nhân loại xưa nay vẫn nhìn nhận một thực trạng của con người như thánh Tông đồ dân ngoại: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta đều cảm nhận đều đó hằng ngày qua thông tin đại chúng về những chuyện bất công, bạo lực, gian dối, sai lầm, truỵ lạc… Nhìn nhận sự hiện hữu của sự dữ, nhưng nguồn gốc nó ở đâu?

Trước hết chúng ta cần phải loại bỏ “nhị nguyên thuyết” tức là chủ thuyết chủ trương rằng ngay từ đầu có hai nguyên lý tồn tại là nguyên lý sự thiện và nguyên lý sự ác. Vũ trụ vạn vật và con người theo cái nhìn này được hình thành do bởi sự đấu tranh giữa hai nguyên lý ấy. Đức Thánh Cha còn cảnh báo với chủ thuyết nhất nguyên lưỡng diện, nghĩa là chỉ có một nguyên lý từ ban đầu phát sinh mọi sự nhưng lại bao hàm cả yếu tốt sự thiện và sự ác. Những chủ thuyết sai lạc này sẽ dẫn con người đến chỗ cho rằng sự hiện hữu của sự dữ là điểu tất yếu thuộc bản tính và vì thế sự dữ dễ bị xem là điều bình thường, điều tự nhiên và không cưỡng lại được. Ngài khẳng định rằng cái nhìn như thế thực chất là cái nhìn tuyệt vọng tự căn bản, vì nếu như thế thì chúng ta không thể thắng được sự dữ. Cuối cùng thì người ta chỉ còn biết đến quyền lợi của mình. Và mỗi sự tiến bộ cần phải được trả giá bằng một dòng sông sự dữ, và ai muốn phục vụ sự tiến bộ này đều phải bằng lòng trả giá ấy. Theo căn bản thì chính trị được dựa trên những tiền đề như thế: và chúng ta thấy những hậu quả của nó. Cuối cùng thì tư tưởng hiện đại này chỉ tạo nên đau buồn và vô luân.”

Phải khẳng định rằng sự dữ không đến từ Thiên Chúa. Ngay từ đầu Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp và rất tốt đẹp (x.St 1,31). Sự dữ chỉ xuất hiện sau này do tác động của ma quỷ. Ma quỷ tác động trên con người qua việc sử dụng tự do Chúa ban. Sự dữ được tạo ra bởi sự tự do, một sự tự do bị lạm dụng: Tình yêu giả thiết có sự tự do. Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8). Người đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người (x.St 1,27). Và ý chí tự do là một trong những tặng phẩm cao quý Thiên Chúa ban cho loài người.

Vấn đề là phải hiểu đúng tự do là gì. Chúng ta dễ dàng loại bỏ khái niệm phổ thông vừa bất cập vừa thái quá và cũng vừa sai lạc về tự do, khi cho rằng tự do là muốn làm gì thì làm hoặc muốn chọn điều gì thì chọn theo nhận định chủ quan của mình. Tự điển Tiếng Việt định nghĩa: “Tự do là phạm trù triết học chỉ khả năng biểu hiện ý chí, làm theo ý muốn của mình trên cơ sở nhận thức được quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Tự do là cái tất yếu được nhận thức”.

John A. Hardon định nghĩa: “Tự do là khả năng của ý chí quyết định lấy chính mình và tự mình hành động mà không bị bên trong thúc bách hay bên ngoài ép buộc. Nói cách khác, đó là khả năng của một hữu thể có lý trí để hành động hay không hành động, làm cách này hay làm cách khác, và bởi đó khác hẳn với các hữu thể không có lý trí, những hữu thể chỉ hoạt động do bị kích thích và luôn bị các đối tượng khả giác chi phối” (Pocket Catholic Dictionary).

Có nhiều cái nhìn về sự tự do, tuy nhiên nhiều nhà luân lý Công giáo dường như đồng thuận hơn với định nghĩa của Thánh giáo phụ Âugustinô. Thánh Âugustinô định nghĩa tự do là khả năng chọn ý Chúa, thực hiện điều tốt, theo cách thức Chúa muốn. Như thế, để có một sự hiểu biết về tự do một cách tạm gọi là khá hoàn chỉnh, không gì hơn xin hãy tập chú vào Đấng Làm Người, Đấng giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Qua cuộc sống, cung cách hành xử của Đấng hoàn toàn vô nhiểm tự thân, chúng ta sẽ biết thế nào là tự do đích thực.

Một tâm hồn tự do là một tâm hồn đầy tràn Thánh Thần. Ngay phút giây nhập thể, Ngôi Lời đã hoài thai trong dạ Đức Maria do bởi tác động của Thánh Thần (x.Lc 1,35). Trên bờ sông Giođan, chính Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống trên Đấng nhập thể bằng dấu chỉ bên ngoài (x.Lc 3,22). Chính Chúa Kitô đã minh nhiên xác định Người là Đấng được xức dầu Thánh Thần để đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức…” (Lc 4,18).

Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa Con và Chúa Cha. Thánh Thần chính là tình yêu hướng tha. Đầy tràn Thánh Thần là Đức Kitô luôn hướng về Chúa Cha trong sự yêu mến để nên một (x.Ga 14,9-11), trong sự kiếm tìm thánh ý để thực thi (x.Ga 15,10). Đức Kitô không bao giờ ở một mình mà luôn kết hiệp với Chúa Cha. Và lương thực của Người là thực thi thánh ý Chúa Cha (x.Ga 4,34). Tuy nhiên, là Đấng giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, Đức Kitô vẫn phải chiến đấu không ngừng trước mưu mô ma quỷ. Ma quỷ không dại gì cám dỗ Người chọn mục đích xấu, vì rất dễ nhận ra. Ma quỷ tinh ranh cám dỗ Đức Kitô chọn mục đích tốt là thực thi công trình cứu độ nhưng lại theo ý riêng mình chứ không theo thánh ý Chúa Cha chỉ dạy. Chúa Kitô đã chiến đấu quyết liệt với thần dữ ngay buổi đầu công khai rao giảng tin mừng và sau ba năm Người cũng phải vất vả đến độ tuôn chảy mồ hôi pha lẫn máu để có quyết định: “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36; Lc 22,42-44).

Như thế, chúng ta có thể kết luận rằng tự do là khả năng chọn ý Chúa và thực hành ý Chúa theo cách thức Chúa muốn. Để có được sự tự do đích thực này thì chúng ta cần phải luôn hướng về Chúa và gắn bó với Chúa trong tình yêu mến sâu xa. Ở trong tình yêu của Chúa là sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Với ân sủng của Thánh Thần và trong ân sủng Thánh Thần thì chúng ta mới thực sự là con cái của Thiên Chúa. Đã là con thì chúng ta không còn là kẻ nô lệ mà thực sự là những người tự do.

Khái quát khuôn mặt của tội nguyên tổ: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa. Hai khả năng mà con người được trao ban khiến con người trổi vượt hơn các loài thụ tạo hữu hình đó là lý trí và ý chí tự do. Nhờ có trí khôn, con người ngày càng phát triển sự nhận thức về mình cũng như về sự vật, hiện tượng khách quan. Nhờ có ý chí tự do, con người có khả năng làm chủ bản thân và làm chủ vũ trụ thiên nhiên. Ma quỷ dưới hình ảnh con rắn xưa trong vườn địa đàng đã cám dỗ tổ tiên loài người trên hai khả năng ưu việt này.

Có lý trí thì việc tìm biết điều đúng, điều sai, điều hơn, điều kém, cái gì là nguyên nhân, cái gì là hiệu quả, điều lành, điều dữ… là một nhu cầu tất yếu của con người, nếu không con người sẽ không vượt qua các loài vật khác. Ma quỷ không cám dỗ con người không tìm kiếm sự thiện, sự ác, điều lành, điều dữ, nhưng chúng cám dỗ con người tự phân định điều tốt xấu, lành dữ theo ý chí chủ quan của mình mà không quy luật khách quan do Chúa đặt định (x.St 3,1-7). Chiến thuật cám dỗ của thần dữ đã thành công với tổ tiên loài người nhưng đã thất bại trước Đức Kitô, đặc biệt trong hoang mạc ngày nào (x.Lc 4,1-13; Mt 4,1-11).

Đức Bênnêđictô XVI đã bàn đến hai mầu nhiệm về sự sáng và một mầu nhiệm về bóng tối. Thuở ban đầu có một mầu nhiệm sự sáng do Thiên Chúa tạo dựng. Rồi dưới sự hoành hành của thần dữ, một mầu nhiệm bóng tối xuất hiện. Nhưng mầu nhiệm sự sáng thứ hai đã đánh bại bóng tối và làm cho vũ hoàn này bừng sáng hơn xưa, đó là công trình cứu độ của Đức Kitô. Theo sự gợi ý của vị Cha chung Hội Thánh toàn cầu mời gọi suy tư, xin được góp một cái nhìn về các mầu nhiệm sáng - tối - sáng trên dưới chiều kích lề luật và ân sủng. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định rằng khi chưa có lề luật thì chưa có tội xen vào (x.Rm 5,20). Ở đây thánh nhân muốn nói đến thứ luật bằng văn tự gây ra sự chết.

Mầu nhiệm sự sáng thứ nhất: Luật tự nhiên. Thiên Chúa ban cho con người có trí khôn. Và Thiên Chúa đặt định trong lương tâm con người thứ ánh sáng để biện phân điều tốt xấu, điều lành dữ (x.Rm 1,18-23). Với lý trí tự nhiên thì con người có thể nhận ra ánh sáng này. Các nhà đạo đức học khẳng định có một thứ luật được gọi là “luật đạo đức” hiện hữu ngay từ lúc con người hiện diện trên mặt đất này…

Thế nhưng khi con người bước vào đời sống xã hội, tha nhân thay vì là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi lại trở thành một đối tượng cạnh tranh quyền lợi. Sự cạnh tranh quyền lợi này được mô tả qua việc cạnh tranh giữa hai ngành của nông nghiệp là chăn nuôi và trồng trọt mà câu chuyện Cain và Abel là một biểu tượng. Có cạnh tranh thì có loại trừ. Có quyền lợi thì tìm cách độc chiếm và nhiều khi bất chấp mọi thủ đoạn.

Mầu nhiệm bóng tối: Để duy trì sự độc chiếm, độc quyền, con người theo sự cám dỗ đặt ra luật lệ. Khi đặt ra luật lệ, con người đã khách quan hoá ý chí chủ quan của mình. Các văn tự (luật lệ) vốn là sản phẩm của ý chí con người nay trở thành một thứ quyền lực tuyệt đối chi phối con người. Luật lệ con người (nhân luật), thường là phản ánh ý chí của những người đang nắm quyền, những tập thể đang thống trị xã hội. Và người ta bị cám dỗ làm ra các thứ luật, các thứ thể chế vốn có lợi cho chính mình, những người đang nắm quyền hơn là cho người thấp cổ, bé miệng, cho người bị trị.

Cái ác, sự dữ xuất hiện nơi việc người ta hữu ý gán cho ý chí của mình thành “thiên ý”. Và một cách nào đó khi đã có luật thì đám đông dân chúng cho rằng đó là chân lý. Nói gì đến con người ngày xưa, ngay cả các xã hội dân sự hôm nay, có những thứ luật lệ thực sự đi ngược với lương tri như luật phá thai, luật li dị, luật hôn nhân đồng tính… khi chúng đã thành văn tự hợp pháp thì dễ làm yên lương tâm nhiều người khi sống trong sự sai lầm.

Đến thế gian, một trong những mục tiêu Chúa Kitô lên án đó là việc người ta đã đặt truyền thống, đặt luật của con người, thậm chí trong lãnh vực tôn giáo lên trên luật của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã rất nhiều lần cố tình vi phạm luật giữ ngày hưu lễ (Sabbat) để khẳng định quyền tối thượng của thiên luật, luật của Thiên Chúa. Ngày Sabbat có ra là vì con người chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabbat. Người còn thường chất vấn nhiều luật sĩ, tư tế và biệt phái thời bấy giờ rằng “ngày Sabbat được phép làm điều lành hay điều dữ, được cứu sống hay giết chết? Người chất vấn bằng lập luận song đối phản nghĩa để minh chứng sự sai lầm của những người lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ.

Mầu nhiệm sự sáng thứ hai: Luật mạc khải. “Thưở xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Nơi Đức Kitô, Ngôi Lời làm người, Thiên Chúa đã mạc khải chân lý cách toàn vẹn và hoàn hảo cho con người. “Nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người, được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Đấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mạc khải” (MK số 2).

Với dòng thời gian lịch sử, đặc biệt lịch sử cứu độ, Thiên Chúa dần dần mạc khải Thánh ý của Người cho nhân loại. Và khi đến thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai chính Con Một đến trần gian để hoàn tất những gì Người muốn tỏ bày. Đức Kitô, con người, cuộc đời, các hành vi và lời giảng dạy, nhất là cuộc khổ nạn và phục sinh của Người là sự mạc khải trọn vẹn và hoàn hảo của Thiên Chúa dành cho loài người mọi thời. Những gì Thiên Chúa nói với loài người giờ đây không còn ẩn tàng trong cõi lòng con người mà đã rõ ràng cách minh nhiên qua chính Đấng làm người. Chúa Kitô đã khẳng khái trước Philatô trước khi chịu khổ hình: “Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Tuy nhiên để hiểu và đón nhận đúng chân lý mạc khải thì về phía con người vốn là loài thụ tạo bất toàn luôn cần có sự trợ giúp của Đấng Bảo Trợ và là Thần Chân lý đó là Chúa Thánh Thần (x.Ga 16,12-15).

Hiện hữu ở đời này, con người, xét như một sinh vật, luôn mang trong mình các bản năng căn bản là sinh – tồn, nghĩa là sống, tồn tại và lưu truyền giống nòi. Tuy nhiên, xét như là một sinh vật thượng đẳng, có lý trí và ý chí tự do, con người còn có nhu cầu tự khẳng định và tồn tại mãi mãi. Để khẳng định mình thì con người đã hành xử như các loài bậc thấp là thu tích nhiều sở hữu và tìm cách khống chế hoặc nếu cần thì khử trừ tha nhân để bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là nét biểu hiện của bản năng thống trị. Theo dòng lịch sử bản năng thống trị đã được con người thể chế hóa bằng luật lệ của mình và nó đã làm băng hoại môi sinh nhân trần. Nhiều nhà thần học hiện nay có cái nhìn về tội nguyên tổ theo chiều kích xã hội hơn là chiều kích cá nhân. Tội nguyên tổ dần được xem như tình trạng môi sinh của con người bị ô nhiễm. Các thế hệ cháu con dù không phạm tội nguyên tổ nhưng lại phải hứng chịu sự ô nhiễm của môi trường sống xét theo chiều kích tâm linh và ân sủng.

Dù biết rằng nguyên tội mãi là mầu nhiệm với con người tại thế, nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn phải có bổn phận tìm hiểu và suy tư. Xin được góp một vài suy tư nhỏ liên quan đến một trong những đặc ân Thiên Chúa tặng ban cho Mẹ Maria mà Mẹ đã minh nhiên tỏ bày khi hiện ra với chị Bernadette ở Lộ Đức: “Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Chúng ta tin nhận rằng Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi vương hậu quả của nguyên tội ngay từ phút giây đầu tiên hoài thai trong dạ bà Anna. Ở đây xin xác nhận với nhau rằng ngoài nguyên tổ ra thì không một ai trong con cái loài người mắc phải tội nguyên tổ. Đã nói rằng tội nguyên tổ là tội do tổ tiên loài người phạm. Hậu duệ cháu con không phạm tội ấy thì không hề mắc tội ấy. Không phạm tội thì không chịu trách nhiệm là chuyện đương nhiên. Thế nhưng con cháu có thể vương mang hậu quả do tội của cha ông. Chẳng hạn cha ông phạm lỗi rồi bị khánh kiệt, phá sản và thế là cháu con không được hưởng gia tài thừa kế.

Vô nhiễm không phải là để miễn chiến đấu: Chúa Kitô là Đấng đầy Thánh Thần cách đích thực. Thánh Phaolô đã không ngần ngại gọi Đức Kitô, “Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1Cor 15,45). Vì đầy tràn Thánh Thần nên Chúa Kitô luôn hướng về Chúa Cha để yêu mến, tìm kiếm thánh ý chúa Cha để thực thi. Vì đầy tràn Thánh Thần nên Người luôn hướng về đoàn em nhân loại để tìm cách cứu độ và ban phúc ân.

Việc tìm kiếm thánh ý Chúa Cha để thực thi không miễn cho Chúa Kitô phải chiến đấu mà trái lại, chính Người đã phải chịu bao nỗi truân chuyên, bao đau khổ để học cho biết vâng phục. Chúng ta đừng quên để thốt lên lời thưa: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”, thì Chúa Kitô đã phải đổ mồ hôi pha lẫn máu (x.Lc 22,44). Việc cứu độ và ban phúc ân cho loài người cũng đòi hỏi Chúa Kitô phải trả giá. Đó là những đố kỵ, ganh tương của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ, đó là những hiểu lầm của cả nhiều người thân, đó là sự vô tâm, bạc tình của đám quần chúng đã từng hưởng nhận biết bao ơn lành của Người, đó là sự hèn nhát, phản bội của những môn đệ thân tín, và cuối cùng đó là bản án thập giá bất công.

Giáo hội căn cứ vào lời của sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28) để khẳng định chân lý Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Như thế tình trạng vô nhiễm là tình trạng đầy ân sủng Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Tình yêu bản vị giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, là tình yêu hướng tha đầy năng động và sáng tạo. Giáo hội tin nhận rằng Mẹ Maria được ơn này là nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, một đặc ân mà Thiên Chúa đã ưu ái tặng ban trước.

Mẹ Maria được ban ơn đầy tràn Thánh Thần nên Mẹ đã bỏ ý riêng để đón nhận Ngôi Hai nhập thể, hoài thai trong dạ. Đầy tràn Thánh Thần nên mẹ sống hết sức, hết tình với bà chị họ Isave, với đôi tân hôn tại Cana cũng như dòng tộc hai họ, với Người Con dấu yêu khi đứng dưới chân thập giá, với đoàn môn đệ của Con sau khi Người về trời. Mẹ Maria được đầy Thánh Thần nhưng vẫn chiến đấu. Mẹ đã can đảm đón nhận cái án có thể sẽ bị ném đá theo luật bấy giờ và có thể cả sự hoài nghi của thánh Giuse, khi mang thai Ngôi Lời nhập thể. Lời tiên tri của ông Ximêon về lưỡi gươm sẽ đâm thủng trái tim Mẹ phần nào nói lên những đau khổ Mẹ sẽ chịu khi một lòng theo ý Chúa và hết lòng yêu thương con người (x.Lc 2,35).

Cùng với ân ban chính là sứ mạng: Được Chúa ban tặng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội không phải là vì chính Mẹ, nhưng là để Mẹ xứng đáng đón nhận Ngôi Hai nhập thể, làm người và để Mẹ có khả năng hiệp công cứu chuộc cùng với Con của Mẹ. Ân ban càng cao cả thì sứ mạng càng trọng đại. Và sứ mạng càng trọng đại thì sự nỗ lực, gắng công càng nhiều và to lớn. Chúa Kitô đã từng nói: “Ai được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều” (x.Lc 12,48). Đây là quy luật của tình yêu.

Xin cám ơn Mẹ đã đón nhận ân ban “Vô Nhiễm” cách đẹp lòng Chúa. Nhờ Mẹ nhân loại chúng ta được hưởng nhờ ân phúc cứu độ. Và xin đừng quên Kitô hữu chúng ta cũng đã lãnh nhận ân ban ấy qua dòng nước Thánh Tẩy, tức là đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Vấn đề đặt ra là chúng ta đã sống ân ban ấy như thế nào đây? Hãy xét xem lòng chúng ta có hướng về Chúa trong tình yêu mến, trong sự kiếm tìm thánh ý để thực thì chưa? Hãy xét xem lòng chúng ta có hướng đến hạnh phúc của tha nhân ra sao? Và cũng hãy xét xem chúng ta đã thực thi sứ mạng Ngôn sứ, Tư tế và Vương giả như thế nào?

Tình Chúa luôn vô bờ. Người có đủ cách thế để tuôn ban ân lộc cho nhân thế theo hoàn cảnh của họ. Chúng ta xác tín điều này khi cùng với mẹ Giáo hội khẳng định rằng ngoài bí tích thánh tẩy bằng nước thì có đó rất nhiều người ngoài Kitô giáo đón nhận ân sủng Thánh Thần bằng máu hay bằng lòng mến. Chúa Giêsu đã kinh ngạc trước lòng tin mạnh mẽ của viên sĩ quan người Rôma và dĩ nhiên là trước tấm lòng của ông dành cho người đầy tớ. Chúa cũng đã kinh ngạc trước tấm lòng của một bà mẹ gốc lương dân, người xứ Canaan dành cho đứa con của bà và qua đó Người nhận ra lòng tin mạnh mẽ của bà. Chắc chắn có đó rất nhiều người ngoài Kitô giáo đã đón nhận hồng ân “vô nhiễm” tức là ân sủng Chúa Thánh Thần cách hữu hiệu vì chính Chúa Kitô đã nói: Thiên hạ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam sẽ được vào dự tiệc Nước Thiên Chúa... (x.Lc,13,22-30).


Bay cao vút!
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!”.

Trong “Living for Eternity”, “Sống Cho Vĩnh Cửu”, Dave Breese so sánh: “Giá mà Ađam Eva giữ được trạng thái ban đầu! Tiếc thay, họ đã khuất phục con rắn! Trước đó, trong trạng thái nguyên sơ đẹp đẽ, họ tồn tại ở một mức độ cao hơn nhiều so với loài người bây giờ. Thật khó để hình dung con người lúc đó! Giờ đây, xem ra nó đang cố tạo lại phiên bản gốc của mình như tái tạo một chiếc máy bay từ đống đồng nát. Và nếu không biết gì về việc bay, khó có thể ngờ rằng, nó đã từng bay! Vật liệu giống nhau; tuy nhiên, khả năng bay không còn!”.


Kính thưa Anh Chị em,

“Vật liệu giống nhau; tuy nhiên, khả năng bay không còn!”. Nhận xét của Breese thật sâu sắc, tinh tế! Tuy nhiên, với ân sủng của Thiên Chúa, mọi vật vẫn có thể được tái tạo, có thể bay trở lại và ‘bay cao vút!’. Đó là một sự thật hấp dẫn khơi gợi niềm cảm hứng và hy vọng cho bạn và tôi trong ngày mừng kính Đức Trinh Nữ Maria, Vô Nhiễm Nguyên Tội!

Các bài đọc tường thuật hai cuộc đối thoại của hai bà mẹ với Chúa. Eva, mẹ của ‘cuộc đối thoại mất mát’ khi đang trần truồng, phải ẩn núp vì sợ ánh sáng. Đó là cuộc đối thoại chạy tội đầy sợ hãi. Ađam đổ lỗi cho Eva, Eva đổ lỗi cho con rắn và kết quả, hai ngài bị đuổi khỏi địa đàng. Một cuộc đối thoại xúi quẩy mà kết quả là nguyên tổ và hậu duệ “mất khả năng bay!”. Tuy nhiên, giữa khoảnh khắc bẽ bàng đó, Thiên Chúa vẫn không tài nào giấu được cảm xúc và lòng thương xót khi Ngài nói với con rắn, “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi”. Đó là ‘tiền Phúc Âm’, một lời hứa. Và Thiên Chúa đã thực hiện điều Ngài hứa!

Maria, người mẹ thứ hai, mẹ của ‘cuộc đối thoại được lại’, khoác phẩm phục chói ngời nhân đức của “Đấng đầy ân sủng”. Mẹ mở toang cửa nhà, mở rộng cõi lòng, thưa “Xin vâng!”. Để từ đó, con người đã bị đuổi được vào lại nhà Cha, nhờ sự chết và phục sinh của Đấng Mẹ cưu mang. Thiên Chúa là tình yêu! Thiên Chúa lớn hơn con người; tình yêu lớn hơn sự chết; lòng thương xót lớn hơn tội lỗi! Đó là một cuộc tái tạo “phiên bản gốc”, cuộc tạo dựng mới mẻ kỳ vĩ! Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công!”. Với cuộc đối thoại thứ hai, con người biết rằng, với ân sủng Chúa, nó vẫn có khả năng bay trở lại và ‘bay cao vút!’. Phaolô xác thực niềm vui đó qua bài đọc hai, “Trong Đức Kitô… trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!”. Không chỉ Đức Mẹ đầy ân sủng, cả chúng ta cũng đầy ân sủng! Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mặc lấy Chúa Kitô, chúng ta “không thiếu một ơn nào”. Vì thế, chừng nào sống trong ơn nghĩa Chúa, nghĩa là sống trong tình trạng sạch tội và quyết tâm làm theo ý muốn của Ngài, chúng ta vẫn có thể ‘bay cao vút’ như Đức Mẹ. Qua mọi thời, các thánh đã bay cao, bao tâm hồn quảng đại không sống cho mình nhưng chỉ sống cho Chúa đã bay cao. Ngược lại, một khi nuông chiều xác thịt, liều lĩnh đánh mất ơn nghĩa Chúa và phạm tội, thì tuy “vật liệu giống nhau, khả năng bay đã không còn!”. Mùa Vọng, mùa tìm lại khả năng bay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con chỉ là một đống đồng nát. Những ngày Mùa Vọng, giúp con tìm đến suối Hoà Giải, tắm gội trong ân sủng, hầu con có thể tiếp tục bay trở lại, ‘bay cao vút!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây