21/06/2024
thứ sáu tuần 11 THƯỜNG NIÊN
Thánh Luy Gônzaga, tu sĩ
Mt 6,19-23
giá trị ưu tiên
“Hãy tích trữ cho mình những kho tàng ở trên trời, nơi mối mọt không làm hư mất, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.” (Mt 6,19-23)
Suy niệm: Để thực hiện Lời Chúa Giê-su trên đây, ta phải nhận biết, ghi khắc, và cầu xin cho luôn được “ái mộ những sự trên trời.” Khi ái mộ những sự trên trời, ta sẽ nhận chân đâu là những giá trị ưu tiên, bởi vì trong cuộc đời, ta có quá nhiều những cái phải chọn, cũng như những điều phải bỏ. Kho tàng ở trần gian bao giờ cũng bấp bênh, không có gì bảo đảm, vì mối mọt có thể làm hư hoại, trộm cắp, cướp bóc có thể tước đoạt tài sản, rồi khi nhắm mắt xuôi tay, ta không thể đem theo bất cứ thứ gì. Đang khi ấy, kho tàng trên trời, những thứ ưu tiên được Chúa bảo đảm chắc chắn “không bị mối ăn,” “không bị trộm cắp lấy đi,” là các việc lành, việc thực thi ý Chúa, thì tồn tại mãi mãi vì được cất giữ “ở trên trời.”
Mời Bạn: Ta thường phàn nàn tôi quá bận bịu, không có thời giờ làm việc nọ việc kia, ngay cả việc thờ phượng Chúa và giáo dục con cái. Lời Chúa hôm nay nhắc ta phải can đảm ngồi suy nghĩ sắp xếp bậc thang giá trị cuộc đời, bỏ bớt những thứ không cần thiết, và đầu tư cho những giá trị tinh thần lâu dài, không thiển cận, không chạy theo xu hướng hưởng thụ của xã hội ngày nay.
Sống Lời Chúa: Hãy liệt kê tất cả những giá trị theo thứ tự ưu tiên bạn quen lựa chọn ra một tờ giấy, rồi từ từ sắp xếp cho đúng kho tàng trên trời trước kho tàng trần thế, gạch bỏ bớt những mục không cần thiết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con cách chọn lựa, từ bỏ để có thể tìm thấy, sắp xếp, và nỗ lực thực thi những giá trị đích thực trong cuộc đời một người Ki-tô hữu. Amen.
Ngày 21: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Tiến trình xây dựng Hội Thánh không chỉ là công trình của Hội Thánh lữ hành, mà còn là mầu nhiệm thông công với Hội Thánh khải hoàn và Hội Thánh thanh luyện. Mầu nhiệm các thánh thông công là công trình của Thiên Chúa Tình Yêu: Thiên Chúa của kẻ sống và kẻ chết. Trên Thánh Giá, Thiên Chúa làm người đã chết vì yêu. Chúa đã chết để đập tan quyền lực tội lỗi, để mang ơn cứu độ đến cho loài người chúng con. Xin cho chúng con nhớ làm các việc hy sinh hãm mình để cầu nguyện cho những người đã ra đi trước chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn thực thi sứ mạng: loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ sáu tuần 11 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi kêu cầu. Lạy Chúa là Đấng cứu độ tôi, Chúa là Đấng phù trợ tôi, xin đừng bỏ rơi và đừng hắt hủi tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông xin nghe lời chúng con cầu khẩn: loài người chúng con, thân phận yếu hèn, không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ; xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng con giữ huấn lệnh Chúa truyền, để chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 11, 18. 21b-30
“Không kể những việc bên ngoài, lại còn những việc thúc bách hằng ngày và mối lo lắng đến các Giáo hội”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, vì có nhiều kẻ khoe khoang về xác thịt, thì tôi đây, tôi cũng sẽ tự khoe khoang. Tôi xin nói như điên dại rằng: ai tự phụ về điều gì, thì tôi cũng tự phụ như vậy. Họ là những người Do-thái, thì tôi cũng vậy; họ là những người Israel, thì tôi cũng vậy; họ là dòng dõi Abraham, thì tôi cũng vậy; họ là tôi tớ Ðức Kitô, tôi xin nói như mê sảng rằng: tôi còn hơn họ nữa, tôi đã chịu khó nhọc hơn, năng bị tù hơn, chịu đòn vọt quá mức, liều mình chết nhiều lần, bị người Do-thái đánh đòn năm lần, mỗi lần kém một roi đầy bốn chục. Ba lần bị tra tấn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, và một ngày một đêm chơi vơi ngoài biển khơi. Hành trình thường xuyên, gặp nhiều nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì người dân ngoại, nguy hiểm trong thành phố, nguy hiểm trên rừng, nguy hiểm ngoài biển cả, nguy hiểm bởi những anh em giả; chịu lao đao vất vả, hay phải thức khuya, đói khát, hay phải nhịn ăn, chịu lạnh rét, mình trần. Không kể những việc bên ngoài, lại còn những việc thúc bách hằng ngày, và mối lo lắng đến các giáo hội. Nào ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Nào ai vấp phạm mà tôi chẳng xót xa? Nếu phải khoe khoang, thì tôi sẽ khoe khoang những yếu đuối của tôi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Thiên Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi lo âu (x. c. 18b).
Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.
Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 11, 1-4. 9-18. 20
“Người ta xức dầu cho Gioas và reo lên: Vạn tuế đức vua”.
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, khi bà Athalia, mẹ vua Ocôsia, thấy con mình chết, nên đứng lên giết tất cả dòng dõi nhà vua. Nhưng Giô-saba, con gái của vua Giôram và là chị của Ocôsia, cứu được Gioas, con của Ocôsia khỏi số các con của vua bị sát hại, và giấu nó trong phòng ngủ làm một với bà vú, để bà Athalia không thấy nó và nó khỏi bị giết. Nó ở trong đền thờ Chúa với bà Giôsaba cách bí mật được sáu năm, thời gian bà Athalia cai trị đất nước.
Năm thứ bảy, ông Gioiađa sai người đi tìm các sĩ quan và quân lính, ông đưa họ đi với ông vào đền thờ Chúa. Người ký giao ước với họ, bảo họ thề trong đền thờ Chúa và cho họ thấy con của nhà vua.
Các sĩ quan làm tất cả những điều tư tế Gioiađa truyền dạy: Mỗi người đem các thuộc hạ theo mình, những người lính vào canh ngày Sabbat cũng như kẻ ra canh, đều đến cùng tư tế Gioiađa. Ông trao cho họ giáo mác và khí giới của Ðavít để trong đền thờ Chúa. Mỗi người cầm khí giới đứng từ bên tả đến bên hữu đền thờ và bàn thờ, hộ vệ chung quanh đức vua. Tư tế Gioiađa dẫn hoàng tử ra, đặt triều thiên lên đầu người và trao cho người quyển giao ước. Người ta phong người làm vua và xức dầu cho người. Họ vỗ tay reo lên: “Vạn tuế đức vua!”
Athalia nghe tiếng dân chúng chạy đến, thì đi với dân vào đền thờ Chúa. Bà Athalia thấy vua đứng trên toà như thói thường, có ca sĩ và đội kèn đứng kề bên, và toàn dân trong xứ hân hoan kèn hát, bà liền xé áo mình, kêu lên rằng: “Mưu phản! Mưu phản!” Nhưng Gioiađa truyền cho các sĩ quan đang cầm đầu toán binh lính rằng: “Các ngươi hãy đuổi bà ấy ra khỏi đền thờ, và hễ ai theo bà, thì chém luôn”. Vị tư tế nói: “Ðừng giết bà trong đền thờ Chúa”. Họ ra tay bắt và lôi bà đi theo đường ngựa vào đến gần cung điện và giết bà tại đó.
Gioiađa ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với vua và dân, để họ trở nên dân Chúa; và ký giao ước giữa vua và dân. Toàn dân trong xứ đều ùa vào chùa Baal, phá huỷ các đền thờ, đập tan các bức tượng, và giết luôn thầy cả Mathan trước bàn thờ. Tư tế Gioiađa đặt các toán canh giữ đền thờ Chúa. Toàn dân trong xứ hân hoan, và thành đô được bằng yên: vì bà Athalia bị giết trong đền vua.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 131, 11, 12.13-14. 17-18
Ðáp: Chúa đã kén chọn Sion làm nơi cư ngụ cho mình
Xướng: Chúa đã thề hứa cùng Ðavít một lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời. Rằng: “Ta sẽ đặt lên ngai báu của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống của ngươi”.
Xướng: Nếu các con ngươi tuân giữ điều ước của Ta, và những luật lệ mà Ta ban ra dạy chúng, thì cả con cháu chúng cũng được muôn đời ngồi cai trị trên ngai báu của ngươi.
Xướng: Bởi chưng Chúa đã kén chọn Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Người phán: “Ðây là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích”.
Xướng: Tại đó, Ta sẽ gầy dựng một uy quyền cho Ðavít, sẽ chuẩn bị ngọn đèn sáng cho người được Ta xức dầu. Ta sẽ bắt những kẻ thù ghét người tủi hổ, nhưng triều thiên của Ta chiếu sáng rực rỡ trên mình người.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.
(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Alleluia.)
Phúc Âm: Mt 6, 19-23
“Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?”
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, Chúa rộng ban cho chúng con của ăn thức uống này, làm lương thực nuôi sống thể xác và làm bí tích đổi mới tâm hồn; xin cũng cho chúng con chẳng bao giờ thiếu thốn những gì cần thiết cho tâm hồn và thể xác chúng con. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi.
Hoặc đọc:
Chúa nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, vì danh Cha, xin hãy gìn giữ những kẻ Cha đã trao phó cho Con, để chúng nên một như Ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự bí tích Thánh Thể, là mối dây liên kết mọi người chúng con trong Chúa; xin cho bí tích này cũng làm cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
TÍCH TRỮ KHO TÀNG TRÊN TRỜI (Mt 6,19-23)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Tiền bạc, danh lợi, chức quyền… tất cả chỉ là tạm thời. Cuộc sống ở trần gian không có gì vững bền: vui qua, sầu tới; hợp rồi tan, biến chuyển rồi lại biến chuyển. Nếu khôn ngoan, hãy tích trữ cho mình kho báu vĩnh cửu bằng tình yêu chân thành, sẵn sàng chia sẻ cho anh em những gì có thể. Đây là kho tàng không những bền lâu mà còn bảo đảm cho chúng ta cuộc sống vĩnh viễn trên trời.
2. Lời Chúa hôm nay cho thấy, Chúa Giê-su đã khuyên các môn đệ hãy lo tích trữ những của cải trên trời, nơi đó mối mọt không tài nào đục khoét được cũng như không ai lấy mất đi. Gia tài đó được tích trữ qua hành động yêu thương, sự chia sẻ bác ái vô vị lợi. Cùng một sứ điệp, Chúa Giê-su cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy hướng về Quê trời như là mục đích tối hậu của mình. Muốn được như thế, ngay giây phút này, chúng ta hãy tích trữ những việc lành phúc đức với lòng mến ngang qua những cử chỉ bác ái, liên đới, cảm thông và yêu thương anh chị em đồng loại. Đây chính là kho tàng không thể mối mọt nào đục khoét được.
3. Cả Tây phương lẫn Đông phương có chung một quan niệm: “bao tử đi trước, đầu óc theo sau” hoặc “Có thực mới vực được đạo”. Bởi thế “tích cốc phòng cơ” – để dành của cải khi thiếu hụt – vẫn được xem là thái độ khôn ngoan. Sự thiếu hụt không những làm cho con người bị khổ cực… bị xem thường, mà đôi khi còn dẫn con người vào đường tội lỗi.
Chúa Giê-su không kết án thái độ cất dành của cải, nhưng chỉ lưu ý con người biết đâu là của cải đích thực, đâu là kho lẫm thật để con người ký gửi của cải: “Các ngươi chớ tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, nơi mối mọt nhấm nát được, nơi trộm cắp đào khoét mất được. Nhưng hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời, nơi mối mọt không nhấm nát, nơi trộm cắp không đào khoét phòng mất được” (Mỗi ngày một tin vui).
4. Chính vì thế mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta cần đầu tư vào một kho tàng mang tính vĩnh viễn hơn là những thứ vật chất mau qua. Đó là kho tàng trên trời, nơi không thể bị mối mọt hay sẻ trộm chiếm đoạt. Kho tàng trên trời không phải là những gì chúng ta tích trữ cho riêng mình, nhưng là những gì chúng ta biết trao ban cho Chúa và tha nhân. Những gì chúng ta mua sắm sẽ để lại cho người khác, và những gì chúng ta cho đi sẽ theo chúng ta đến trước tòa phán xét để biện hộ cho chúng ta. Kho tàng trên trời là các việc lành chúng ta làm khi còn ở trần gian, như săn sóc người nghèo, an ủi người đau khổ, cho kẻ đói ăn…
5. “Đèn của thân thể là con mắt”. Mắt còn tượng trưng cho con người. Con mắt sáng, tượng trưng cho lương tâm lành mạnh. Người có con mắt lương tâm sáng là người hào hiệp và kẻ có con mắt lương tâm tối tức là kẻ sống hẹp hòi. Ai có lương tâm lành mạnh thì cuộc sống người đó sáng ngời. Ngược lại ai mà có lương tâm hắc ám thì cả cuộc sống đời người đó tối đen, lương tâm lệch lạc sẽ làm cho con người lạc lối và thu mình lại chỉ còn biết có mình.
6. Chúa Giê-su còn nhắc nhở ta rằng nếu lòng chúng ta hướng về kho tàng trên trời, thì đôi mắt ta sẽ rạng sáng; trái lại, nếu lòng chúng ta quá chú tâm đến kho tàng dưới đất, đôi mắt ta sẽ ra tối tăm, mù quáng. Kho tàng trên trời trước hết là Thánh Danh Chúa, Nước Trời, là những giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Kho tàng ấy còn là những ưu tư, quan tâm hướng về các việc lành phúc đức, những thiện ích cho tha nhân và bản thân. Kho tàng dưới đất là những tham lam, thèm muốn, chiếm đoạt, hưởng thụ bằng mọi giá, làm giầu bằng mọi cách. Nếu lòng ta hướng về loại kho tàng này, toàn bộ hướng đi cuộc đời sẽ rơi vào tăm tối lầm lạc. “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” là bằng chứng xác thực nói lên ý hướng sống, quyết định thành bại của ta ngay từ khởi đầu. Ánh sáng của ta được tỏa chiếu qua lòng tin vào các giá trị siêu nhiên qua phương thế dấn thân vì mục đích cao cả của Nước Thiên Chúa (5 phút Lời Chúa).
7. Truyện: Món quà Giáng sinh.
Đức cha Bossuet cho làm một hang đá trong nhà nguyện của tu viện. Chiều hôm Noel, ngài trả lương cho các người thợ. Rồi ngài nói với họ:
– Chờ một tí, tôi sẽ cho các anh quà “Giáng sinh”.
Nói xong, ngài mở khăn trải bàn. Người ta thấy trên bàn, nằm kề nhau, 4 đồng tiền vàng và 4 cuốn sách “Hạnh các thánh”. Đức cha Bossuet nói với các người thợ là họ có thể chọn, hoặc một đồng tiền, hoặc một cuốn sách. Ba người đã chọn 3 đồng tiền vàng, còn người thứ tư tuyên bố:
– Ở nhà, mẹ già của tôi cũng rất cần tiền, nhưng bà cũng thích những cuốn sách tốt. Tôi lấy cuốn “Hạnh các thánh”.
Tuy nhiên, khi ông này vừa mở cuốn sách ấy ra thì ông tìm thấy 6 đồng tiền vàng dán sát bìa cuốn sách. Hãy tưởng tượng niềm vui của ông và nỗi hối tiệc ân hận của ba người kia như thế nào. Ông này đã không hối hận về sự lựa chọn của mình.
Vâng! Chỉ có những con mắt thật sáng mới nhìn thấy những giá trị thực sự cần thiết mình phải theo đuổi ở đời này.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Luy Gônzaga, tu sĩ
Ca nhập lễ
Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của tôi; chính Ngài nắm giữ phần gia nghiệp ấy cho tôi. Giây thừng đã rơi xuống cho tôi nhằm chỗ tốt; và phần gia nghiệp khiến tôi rất hài lòng.
Bài đọc
Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, là Ðấng ban phát mọi ơn thiêng, Chúa đã cho thánh Lu-y Gon-da-ga vừa sống một cuộc đời trong trắng, lại vừa biết hi sinh hãm mình. Vì công đức và lời chuyển cầu của thánh nhân. Xin Chúa dủ lòng thương nâng đỡ, để chúng con, dầu không được trong trắng như người, cũng biết noi gương người mà hãm mình đền tội. Chúng con cầu xin…
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mặc áo cưới đi dự tiệc nước trời theo gương thánh Lu-y, hầu chúng con được dồi dào ân sủng Chúa nhờ tham dự vào tiệc thánh này. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Thầy bảo thật các con: các con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, các con sẽ được gấp trăm, và được sống đời đời.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng bánh thánh thần để nuôi dưỡng chúng con. Xin giúp chúng con lấy cuộc đời trong sáng của mình để phụng sự Chúa, và cũng biết noi gương thánh Lu-y luôn sống trong tâm tình tri ân cảm tạ. Chúng con cầu xin…
Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Thánh Louis de Gonzague qua đời tại Rôma ngày 21 tháng 6 năm 1591 và được phong thánh năm 1726. Lễ nhớ của ngài gợi cho chúng ta những năm tháng đầu tiên sau Công đồng Triđentinô và hoàng triều của vị quân vương trong Đế quốc thần thánh.
Louis được sinh ra gần Mantove, miền Bắc nước Ý vào năm 1568, là người con thừa kế của vị hầu tước đầu tiên của thành Castiglione, ngài Ferrante, là đô đốc của vua Ferdinand I Dòng Habsbourg. Thân phụ mong người trở thành một chiến sĩ dũng cảm và một quân vương khôn ngoan cẩn trọng. Nên ông đã đưa người đi theo ông sang Casalmaggiore. Tại đây, người ta đang chuẩn bị xuất quân đánh bọn hải tặc. Louis đã trở thành một cận vệ danh dự tại Florence trong triều của đại công tước Francesco di Medicis. Vì kinh ngạc và ghê sợ trước cảnh sa đọa ở hoàng cung, Louis dâng mình cho Chúa và nguyện sống khiết tịnh: lúc ấy ngài mới mười tuổi.
Ở tuổi mười hai, ngài được xưng tội và rước lễ lần đầu qua bàn tay của Thánh Charles Borromée. Năm 1579, ngài vào triều đình Mantoue. Từ 1581 đến 1584, ngài lưu lại Tây Ban Nha. Nơi đây, ngài được làm cận vệ cho hoàng tử Don Diego, con của vua Philippe II. Năm 1583, trong khi cầu nguyện trước tượng Đức-Mẹ-chỉ-bảo-đàng-lành, ngài cảm thấy phát sinh trong lòng mình ước muốn trở thành tu sĩ Dòng Tên.
Cho dù gặp phải những kháng cự của thân phụ, ngài vẫn từ bỏ tước hiệu hầu tước cho người em Rudolphô, để gia nhập tập viện Dòng Tên tại Rôma. Ngài sống nơi đây sáu năm, dưới sự linh hướng của thánh Robert Bellarmin. Ngài lãnh các chức nhỏ tại nhà thờ thánh Gioan-Latêranô. Trong khi chuẩn bị chức linh mục, ngài chỉ mong được đi truyền giáo và được phúc tử đạo.
Khi xảy ra nạn dịch hạch năm 1591, thánh nhân là người đầu tiên tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân, nhưng ngài đã bị lây nhiễm trong khi di chuyển một bệnh nhân dịch hạch. Ngài qua đời lúc chỉ mới 23 tuổi, tại bệnh xá của học viện Rôma.
Thông điệp và tính thời sự
Các lời nguyện trong Thánh lễ làm nổi bật các nét đặc trưng nơi đời sống của vị hoàng tử này đồng thời là tập sinh của Dòng Tên, được Đức Piô XI phong làm thánh bảo trợ của giới trẻ, năm 1926.
Lời nguyện trong ngày như sau: “Lạy Chúa là Đấng ban phát mọi ơn riêng, Chúa đã cho thánh Louis de Gonzague vừa sống một cuộc đời trong trắng, lại vừa biết hy sinh hãm mình. Vì công đức và lời chuyển cầu của thánh nhân, xin dủ lòng thương nâng đỡ, để chúng con, dầu không được trong trắng như người, thì cũng biết noi gương người mà hãm mình đền tội.”
Chàng trai trẻ Louis thú nhận đã sống một cuộc đời tội lỗi trước khi được ơn trở lại. Nhưng trong thực tế, ngài luôn sống thánh thiện và không bao giờ ngừng hy sinh, hãm mình, đền tội, ngay cả tại các cung đình ở Madrid, ở Mantoue, Ferrare, Parma hoặc Turinô.
Trong Dòng Tên, ngài còn sống nghiệm nhặt hơn nữa. Không những ngài giao tiếp và giúp đỡ anh em trợ sĩ, mà còn muốn quên đi nguồn gốc quí tộc của mình, thích ra ngoài trong trang phục thô thiển, lưng đeo bị, đi ăn xin của bố thí.
Lời nguyện trên lễ vật mời gọi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Nước trời, noi gương Louis de Gonzague. Người tập sinh này đã muốn khoác lên mình trang phục của người tải thương để chăm sóc bệnh nhân dịch hạch. Nên trang phục cưới của ngài chính là chiếc áo tình thương, đã biến ngài nên khó nghèo như Đức Kitô, song rất giàu ơn phúc bởi trời.
Lời nguyện hiệp lễ xin Chúa ban cho chúng ta sống một cuộc đời trong trắng, luôn trong tâm tình tri ân và cảm tạ.
Khi nhiễm bệnh dịch hạch, ngài tiên đoán mình sẽ phải từ trần vào ngày trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa. Khi ngày ấy đến, ngài yêu cầu các tu sĩ mang của ăn đàng đến cho mình, dù rằng không có dấu hiệu nào tỏ cho thấy ngài sắp qua đời. Bài đọc – Kinh sách trích dẫn cho chúng ta lá thư ngài viết cho thân mẫu ngày 10 tháng 6 năm 1591, để nói lên niềm vui được cảm nhận khi gần lìa đời: đó là chứng từ sau cùng của một vị thánh, không những gương mẫu về đời sống nghiệm nhặt, bỏ mình (đặc biệt từ bỏ công danh sự nghiệp), và bác ái (hiến thân cho bệnh nhân dịch hạch), mà còn gương mẫu cả về niềm trông cậy. Ngài đã viết cho thân mẫu: “Thưa mẹ khả kính, sở dĩ con nói những điều đó là vì lòng những ước mong mẹ và toàn thể gia đình coi cuộc ra đi của con như một ân huệ đáng mừng. Xin mẹ lấy tình mẫu tử mà chúc lành cho cuộc hành trình này của con cho đến khi đạt đến bến bờ con vẫn niềm hy vọng.”
Enzo Lodi
TRONG TRẮNG và HÃM MÌNH
(LỄ THÁNH LUY GONDAGA 21/06)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Luy Gondaga hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho thánh Luy Gondaga vừa sống một cuộc đời trong trắng, lại vừa biết hy sinh hãm mình. Vì công đức và lời chuyển cầu của thánh nhân, xin Chúa rủ lòng thương nâng đỡ, để chúng ta, dầu không được trong trắng như người, thì cũng biết noi gương người mà hãm mình đền tội. Sinh năm 1568, gần Mantua miền Lombácđia, trong một gia đình Cáttidiônê quyền quý, hấp thụ lòng đạo đức của thân mẫu, Luy sớm có khuynh hướng sống đời tu. Sau khi trao lại cho anh (em) phần đất người được tổ tiên giao cho để cai quản, người gia nhập Dòng Chúa Giêsu. Trong khi phục vụ bệnh nhân đang kỳ dịch, thánh nhân bị lây và qua đời lúc mới hai mươi ba tuổi (năm 1591).
Cuộc đời trong trắng và hy sinh hãm mình, là những đòi hỏi dành cho những người được Thiên Chúa thánh hiến, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Thủ Lãnh cho thấy: Thiên Chúa kêu gọi một tôi tớ của Người: người tôi tớ này được thánh hiến khi còn trong lòng mẹ nhờ ơn Thần Khí. Người được thánh hiến như thế sẽ có những hành động phi thường, nhưng phải đáp ứng một số đòi hỏi. Chính vì không tôn trọng các đòi hỏi này, mà cuối cùng ông Samson đã bị quật ngã. Sứ giả của Đức Chúa hiện ra với bà vợ ông Manoác và bảo: Này bà sẽ có thai và sinh một con trai, dao cạo sẽ không được lướt trên đầu em. Em sẽ là người được thánh hiến cho Thiên Chúa.
Cuộc đời trong trắng và hy sinh hãm mình, với hai đức tính nổi bật, thánh Luy Gondaga đã hoàn toàn an bình đón nhận cái chết, như bài đọc hai của giờ Kinh Sách, trích thư thánh Luy Gondaga gửi cho thân mẫu cho thấy: Thưa mẹ khả kính, con thú thật với mẹ là khi suy nghĩ về lòng nhân hậu của Thiên Chúa, bao la như biển cả không đáy không bờ, thì tâm trí con bàng hoàng, hầu như lạc lõng, không sao hiểu nổi. Quả thật, dù con chẳng vất vả bao nhiêu trong một thời gian vắn vỏi, thế mà Chúa cũng mời con đến nghỉ yên muôn đời. Xin mẹ hết sức cẩn thận, đừng khóc thương con như khóc thương người chết, kẻo xúc phạm đến lòng nhân từ vô biên của Chúa.
Cuộc đời trong trắng và hy sinh hãm mình, là dấu chỉ cho thấy thái độ khiêm nhường, quy phục Thiên Chúa, vì thế, Thiên Chúa sẽ ra tay giải cứu mỗi khi cần, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách các Vua quyển II đã tường thuật lại: Cậu Giôát ở lại với bà Giơhôseva trong Nhà Đức Chúa, lẩn trốn ở đó sáu năm, suốt thời bà Athangia cai trị xứ sở. Ông Giơhôgiađa rước hoàng tử ra, đội vương miện và trao cuộn Chứng Ước. Người ta phong vương và xức dầu cho hoàng tử, rồi vỗ tay hô lên: Vạn tuế đức vua! Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 131, vịnh gia cũng đã cho thấy điều đó khi nói: Chúa đã chọn Xion, đã thích lấy chốn này làm nơi Người ngự. Nơi đây, Ta sẽ cho Đavít một dòng dõi hùng cường, sẽ thắp cho người Ta đã xức dầu phong vương một ngọn đèn luôn luôn cháy sáng. Kẻ thù vua, Ta phủ đầy nhục nhã, còn trên đầu vua, rực rỡ ánh triều thiên.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó. Thánh Luy Gondaga là người có tâm hồn nghèo khó, biết tích trữ kho tàng của mình ở trên trời, vì thế, thánh nhân hằng luôn khao khát kết hợp với Đấng cứu độ mình. Ước gì chúng ta cũng biết giữ tâm hồn trong trắng và biết hy sinh hãm mình như thánh nhân, để cuộc đời của chúng ta luôn biết quy hướng về trời cao, với niềm hy vọng sẽ được hưởng trọn niềm hạnh phúc bất diệt, mà hết lòng ngợi khen, ca tụng Chúa đến muôn đời. Ước gì được như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn