Chúa đã bỏ loài người…
Thưa cha, chắc là không có Chúa rồi. Nếu có sao Ngài lại để sự dữ hủy hoại con người như vậy?
Thưa cha, Chúa ở đâu vậy? Sao dịch bệnh làm con người khốn khổ như thế mà Ngài im tiếng?
Thưa cha, con thất vọng về Chúa quá. Ngài nói Ngài yêu thế gian, con người… mà Ngài lại lạnh lùng ngồi đó xem con người kêu gào đau khổ vậy sao!
Những tâm sự buồn trong đại dịch. Nỗi niềm chúng ta y như hoàn cảnh ông Gióp mấy ngàn năm trước, và của muôn đời trong cõi thế trần này: Đâu là nguyên nhân của đau khổ? Tại sao những người ăn ngay ở lành phải chịu khổ cực bất công? Thiên Chúa công minh quyền phép sao Ngài lại ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi khổ đau của người công chính? Sao Thiên Chúa lại để sự dữ tồn tại? Đau khổ và bất công là hậu quả ta gây ra phải lãnh, hay phải chịu thay cho cha ông mình kiếp trước làm nên?...
Điều đầu tiên chúng ta phải xác định: Thiên Chúa Không Tạo Ra Sự Dữ. Sự dữ tồn tại là do thiếu sự lành (tương tự có bóng tối là do thiếu ánh sáng). Nếu tất cả con người đều làm sự thiện lành, không có chỗ cho sự dữ tồn tại. Câu chuyện Tạo Dựng và Vườn Địa Đàng trong sách Sáng Thế đã giải quyết điều này: Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa tạo nên mọi điều tốt đẹp, nhưng Satan (thụ tạo đầu tiên bất tuân Thiên Chúa) đã lôi kéo loài người theo nó chống lại Thiên Chúa, và từ đó tội lỗi nhập vào thế gian. Do bởi tội nên con người phải đau khổ và chết (hậu quả tự chính con người gây ra).
Thứ đến là Tính Liên Đới Của Tội và Đau Khổ: Chúng ta chịu đau khổ và tội lỗi không phải chỉ do bản thân gây ra, mà còn vì tội người khác đã làm, của tập thể trong xã hội qua mọi thời. Ví dụ, quan quyền đại gia vì lợi ích cá nhân tàn phá môi trường kiếm lợi, gây ra bao thảm họa thiên nhiên như nhiệt độ trái đất tăng, lũ lụt, động đất… để bao người bao đời phải liên đới chịu hậu quả. Sự yếu kém trong quản lý, lòng tham của lãnh đạo gây đói khổ cho muôn dân. Cha ông sống không lành mạnh sinh con cháu đời sau bệnh tật. Đời trước không rèn luyện đạo đức, kiến thức để con cháu sinh đạo tặc. Dịch bệnh cũng là nguồn gốc từ sự liên đới đó.
Thứ nữa, Thiên Chúa Tôn Trọng Tự Do của con người. Ngay khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đặc ân này. Thế nên con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Ví dụ, một thanh niên phạm pháp đi tù, sao có thể đổ tội cho bố mẹ nó là vô giáo dục! Cha mẹ nào không dạy dỗ điều tốt cho con cái, vấn đề nó nghe hay không là quyền tự do của nó. Thiên Chúa đối với ta cũng vậy. Người cho các “Tiên tri và Ngôn sứ” là cha mẹ, thầy cô, cha thầy, trật tự đạo đời… dạy dỗ bao điều tốt đẹp, vấn đề con người có tiếp nhận để làm cho cuộc sống an lành và tốt đẹp hay không là quyền tự do của họ. Khi không đón nhận, chúng ta lãnh hậu quả, và không thể đổ thừa tại Chúa được.
Cuối cùng, Thiên Chúa Không Hề Bỏ Mặc con người. Chúng ta tin tưởng cầu nguyện không vô ích đâu. Lời cầu nguyện thể hiện tấm lòng chân thành và hướng thiện của chúng ta. Chúa không xuất hiện để can thiệp từng người, vì như vậy Ngài làm mất đi tính tự do, khách quan và công bằng. Thiên Chúa soi sáng cho con người biết cách vượt qua khó khăn, cho những nhà khoa học tìm được phương cách chữa trị và ngăn ngừa dịch bệnh, cho các nhà lãnh đạo khôn ngoan lèo lái đất nước vượt khó. Ngài thôi thúc những trái tim giàu lòng quảng đại giúp đỡ anh em mình. Ngài nâng đỡ ủi an những người đau khổ để họ kiên cường vượt qua thử thách… Và những ai vì bệnh tật không qua khỏi, Ngài an bài cho họ hạnh phúc nơi sự sống đời đời.
Điều còn lại là ở chúng ta: Tin hay không, cậy trông phó thác hay không, mở lòng đón nhận hay không… đó là tự do của mỗi người.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn