Giấc mơ thiên nhiên Miền Tây hồi sinh!
Hơn một tháng sau lệnh cấm đi lại do dịch bệnh, khu nhà tôi mới lại được nghe tiếng chim cu gáy. Ban đầu một con, rồi vài ba con xuất hiện thường xuyên. Những đàn chim sâu, chim sẻ lâu lâu cũng ùa về, náo nhiệt trên hàng dừa. Để ý quan sát mỗi ngày còn thấy có Gõ Kiến, Bìm Bịp, Chích Chòe, Quốc Lủi… và cả Cú Mèo ban đêm. Những điều xưa rất bình thường, nay mới thấy vô giá.
Một hai năm gần đây trong ruộng ngoài sông thấy xuất hiện trở lại nhiều loại cá tưởng như đã tuyệt chủng: Cá rầm, rô biển, chạch, linh dừa, trê vàng, bống tượng… Cua và tép cũng sinh trưởng nhiều. Mùa nước nổi năm trước, tuy đỉnh nước trong đồng cao nhất chỉ ba bốn tấc, nhưng nhiều người đi kéo tép mỗi lần cũng kiếm được một vài ký.
Thật hạnh phúc với dấu hiệu hồi phục của thiên nhiên miền tây, nơi xưa kia vốn rất trù phú, nhưng vài chục năm nay đã bị tận diệt dưới bàn tay khai thác tàn bạo của con người.
Cố làm 3 vụ để lấy tiếng nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, rồi đem hóa chất đổ xuống đồng tận diệt mọi loài… Cứ đầu vụ lúa nhìn nông dân xả thuốc xuống diệt cá cua, rồi các dụng cụ đánh bắt thủy sản từ xiệc điện, dớn, lưới, lú… tận thu không từ con nào, mà đau xót cho chính đời sống và tương lai của họ trên vùng đất này. Trẻ em không được giáo dục quyết liệt việc bảo vệ môi trường như đừng sát hại chim muông, bảo tồn cá cua… trong mùa chúng sinh sản, hay ý thức không sử dụng hóa chất độc hại vào môi trường sống của chúng. Giáo dục toàn thấy chiến đấu và chiến thắng, thành tích và hưởng thụ…
Nghịch lý là để kiếm lời được vài triệu bạc nhờ thêm vụ lúa, chúng ta chấp nhận loại bỏ nguồn lợi tôm cá thiên nhiên, rồi sau đó phải bỏ ra nhiều tiền hơn thế để kiếm mua lại những thứ rất tự nhiên đó, nay đã đổi tên thành “đặc sản”! Chưa kể để có vụ lúa trúng thì phải sử dụng nhiều phân thuốc, chúng ta tích độc cho chính bản thân mình. Sau đó, ai cũng mang bệnh trên chính nơi được trao ban nguồn sống dồi dào, phong phú và trong lành.
Bởi đã nặng trong lối tư duy: “Quê hương là chùm khế ngọt”. Ngày nào cũng có thằng trèo, càng ngày càng đông đứa hái… hỏi sao trái ra kịp? Lúc đầu còn được ăn trái chín, sau thì trái xanh, rồi trái non và cuối cùng là cả lá và thân. Không thằng nào chịu thiệt, không ai đủ bình tĩnh, tỉnh táo ngồi đợi trái chín vì biết chắc chẳng còn cái vỏ cho mình. Không chỉ miền tây, nước ta đâu đâu cũng vậy.
Cuộc tháo chạy của dân nghèo khỏi vùng dịch trở về quê hương, mối lo mưu sinh lại đè nặng lên quê nghèo miền tây. Dẫu rằng nơi đây gạo nước sẵn, con cá con cua cũng dễ tìm… nhưng nhu cầu con người cao mà thiên nhiên đang cơn đau bệnh chưa phục hồi, chắc chắn chúng ta lại làm nó ngã quỵ.
Chỉ mong trong nhịp tiến văn minh của thời đại, mỗi người chúng ta tự học hỏi và ý thức bảo vệ môi trường sống của mình. Tự ý thức thôi, chả mong gì nơi nhà Họ Hứa đâu bà con. Bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn chim trời cá nước sinh sôi phát triển, cũng chính là giữ gìn chính sự sống của chúng ta và thế hệ con cháu mình mai sau.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn