Gioan hoang mạc
Câu chuyện về Gioan Tẩy Giả là một câu chuyện hấp dẫn. Hấp dẫn bởi vì Gioan thuộc dòng dõi tư tế, lại sống thời thanh thiéu niên trong hoang mạc, rồi ra rao giảng công khai loan báo về Chúa Giêsu xuất hiện. Ngài vừa là ngôn sứ thời cựu Ước vừa là ngôn sứ thời Tân Ước, như là gạch nối lời loan báo và thời thực hiện.
Gioan Tẩy Giả, sống đời sống du mục, như nhà tu thời cổ. Ăn châu chấu, mật ong rừng, mặc áo lông thú. Đời sống chiêm niệm trong nơi hoang vắng, biết Chúa Giêsu từ khi trong bụng mẹ.
Hoạt động sứ vụ của ngài theo Marcô thì ở hoang mạc Jordan, theo Matthêu thì ngài hoạt động sa mạc Judea, theo Gioan thì ngài hoạt động ở Betania bên kia sông Jordan. Gioan tẩy giả, ngài có tiếng giảng hùng hồn, thu hút rất nhiều người đến nghe. Người ta nhận ra lời thuyết giảng trong đó có cả những lời đe doạ như: ‘Cây nào không ra trái sẽ bị chặt” (Mt 3, 10).
Ngài có các môn đệ đi theo, giống như nhiều ngôn sứ xuất hiện thời ấy, nhưng Gioan tẩy giả là ngôn sứ nhiều người đến nghe hơn cả. Dường như dáng mạo khổ hạnh của ngài làm nhiều người phải suy nghĩ về lời của người này. Lời không mang theo dáng vẻ hào nhoáng, hay cũng không mang dáng vẻ của lời sáo ngữ. Chúa Giêsu còn bảo cho biết về Gioan tẩy giả: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.” (Mt 11, 7 – 10)
Lời Chúa được rao giảng trong diện mạo của con người giản dị, mộc mạc, càng sống khắc khổ càng dễ thuyết phục người nghe. Tin vào Tin Mừng qua con người sống chất Tin Mừng chứ không sống bề ngoài, giả hình đạo đức. Dù rằng Chúa Thánh Thần có thể thuyết phục người khác bằng cả những con người khác nhau, nhưng tác động bao giờ cũng mạnh mẽ hơn nơi con người sống chất Tin Mừng. Người nghe bị thuyết phục bởi chứng nhân hơn là thầy dậy. Gioan là con người sống chất Tin Mừng triệt để nên nhiều người nghe và theo.
Cuối cùng hoàn tất cuộc đời thánh Gioan: “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại.” (Ga 3, 30).
L. m Giuse Hoàng Kim Toan