Làm cớ sa ngã (Mc 9, 38-43.44.47-48)

Thứ sáu - 27/09/2024 21:19 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   91
“Ðừng ngăn cản người ta… ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

LÀM CỚ SA NGÃ
Chúa Nhật 26 Thường Niên năm B: Mc 9, 38-43.44.47-48

LmTN 280924a

 

Suy niệm

Cuộc sống dù trong tập thể nào vẫn luôn có những gương xấu. Gương xấu gây ra một bầu khí ô nhiễm tinh thần. Một trong những khuynh hướng xấu rất thông thường nơi con người là óc bè phái và muốn độc quyền. Sợ người khác hơn mình, làm mất ảnh hưởng và uy tín của nhóm mình, nên có lần các môn đệ cũng đã dùng quyền để hạn chế hoạt động của người khác. Đức Giêsu không chấp nhận điều đó. Ngài đã đưa ra một cái nhìn lạc quan và tích cực để xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị, phe nhóm. “Ðừng ngăn cản người ta… ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Với con tim rộng mở, với cái nhìn thanh thoát, Đức Giêsu chủ trương tiếp nhận tất cả, hòa hợp tất cả, gần gũi tất cả, yêu thương tất cả. Nếu có loại trừ thì phải loại trừ sự kỳ thị, phân chia, ngăn cách, tranh giành và và chống chọi với nhau.

Trong buổi tiếp kiến các nhà giáo dục của các tôn giáo mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người cùng nỗ lực trong một liên minh giáo dục rộng lớn để đào tạo những con người trưởng thành, có khả năng vượt qua sự phân mảnh và đối lập, và xây dựng lại các tương quan vì một nhân loại huynh đệ hơn. Ngài nhắc lại sự khác biệt làm cho các tôn giáo đối kháng nhau trước đây, thì ngày nay trái lại, sự khác biệt làm nên sự phong phú trên con đường đến với Thượng Đế, và để giáo dục các thế hệ mới chung sống hòa bình trong sự tôn trọng nhau. Do đó, trong giáo dục không bao giờ dùng danh Thiên Chúa để biện minh cho bạo lực và thù hận đối với các truyền thống tôn giáo.

Có khi chính chúng ta cũng rơi vào não trạng bè phái và muốn chiếm hữu độc quyền trong việc hành thiện và nắm giữ chân lý. Ngay trong Kitô giáo cũng chia thành nhiều giáo phái. Điều trớ trêu là các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, có khi khủng bố lẫn nhau. Ngay trong Hội Thánh cũng không thiếu những gương xấu, khiến cho nhiều người thất vọng đi tìm con đường khác, đời sống đức tin gặp khủng hoảng. Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ nào gây ra gương xấu: “... thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”.

Gương xấu làm cớ cho người khác sa ngã, và có khi là nguyên do gây ra một phản ứng quá đà mang tính xã hội, trong đó có trách nhiệm của chúng ta. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công Đồng cũng đã thú nhận các tín hữu chúng ta có thể chịu trách nhiệm một phần không nhỏ trong việc khai sinh vô thần. Có thể bản thân ta cũng đã từng gây dịp tội khiến cho người khác phải sa ngã. Thân xác ta cũng có thể là dịp tội cho chính mình. Ðức Giêsu đòi chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội. Không thể hiểu những điều đó theo nghĩa đen, nhưng cũng không thể coi nhẹ tính chất quyết liệt của những đòi hỏi mà Chúa Giêsu đã nêu lên, để không làm hư hại đời sống nhau.

Chúng ta đã biết có nhiều người vì bệnh tiểu đường dám cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. Loại bỏ một điều quý giá để giữ lại một điều quý giá hơn. Cuộc sống là điều quí giá trên mọi điều quí giá, đáng cho chúng ta phải loại bỏ một phần thân thể đã bị hoại tử. Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì càng cần hơn nữa một cuộc cắt bỏ những điều xấu xa để cứu lấy linh hồn mình. Đó là cuộc thanh lọc để làm mới bản thân mình cho cuộc sống mai sau.  

Chúng ta có thể cắt bỏ một tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh thị, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính… Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn “móc con mắt, chặt cánh tay”. Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời ta; đau vì nó quá gắn liền với bản thân ta; đau vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người mình. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong phẩm cách làm người, đạt tới sự tự do và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Thiên Chúa.

Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế: thay trái tim sỏi đá căm hờn bằng trái tim dịu hiền yêu thương; thay bộ óc với tầm nhìn hẹp hòi, cạn cợt, bằng bộ óc rộng mở, thoáng đạt và hồn nhiên; thay cái nhìn đầy thành kiến về người khác bằng cái nhìn hiểu biết và cảm thông, để khám phá ra những điều tốt lành nơi họ, thay thái độ phản ứng bằng thái độ đáp ứng, lắng nghe, đón nhận. Cuộc sống mới sẽ triển nở khi ta đoạn tuyệt với lối sống cũ, không còn sống chung với lũ hay ru ngủ đời mình cách ngây ngô. Chúa Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn, vì nếu muốn vươn tới Tuyệt Ðối, phải hy sinh cái tương đối; muốn đạt tới Thiên Chúa, phải loại trừ mọi thứ thần tượng.

Cầu nguyện 

Lạy Chúa Giêsu!
Vẫn có những gương xấu trong Hội Thánh
không tránh được bè phái và phân tranh,
những chia rẽ và lạm dụng quyền hành,
cả ganh ghét và tranh giành địa vị.


Gương xấu làm cho nhiều người thất vọng,
có khi gây khủng hoảng mất đức tin,
nên nhiều kẻ đi theo con đường khác,
để tìm cho đời mình sự bình an.


Xem ra gương xấu vẫn lan tràn,
làm bao người tốt phải hoang mang,
nhưng rồi chẳng ai là vô tội,
nên bản thân con cần sám hối,
biết tập thêm nhân đức để tài bồi,
làm cho niềm tin mến được lên ngôi.


Chúa lên án ai gây ra gương xấu,
là bởi vì hậu quả quá lớn lao,

tạo nên điên đảo cho kiếp người,
khiến ai tin vào Chúa phải hổ ngươi,
nên con đây phải cương quyết khử trừ,
tất cả những thói hư và tật xấu.


Cám ơn Chúa vẫn còn nhiều gương sáng,
để điểm tô cho cuộc sống trần gian,
dù bóng tối vẫn còn trong Giáo Hội,
những vết nhăn trên mặt vẫn in hằn.


Nhưng Giáo Hội không cần phải che chắn,
không sợ gì phải hạ thấp bản thân,
vì con tin dưới ánh sáng Tin Mừng,
Giáo Hội lại đẹp ngời đời nhân chứng,
xin cho con sống theo Lời Chúa dạy,
là mọi sự sẽ đổi mới từ đây. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây