Lời Chúa THỨ BA TUẦN 20 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 16/08/2024 20:18 |   151
“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,23-30)

20/08/2024
thứ ba tuần 20 thường niên

Thánh Bernarđô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh

t3 t20 TN

Mt 19,23-30


theo chúa, được hay mất?
“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,23-30)

Suy niệm: Dân gian chúng ta có câu “ông mất cái giò, bà thò chai rượu.” Phêrô cũng đòi ‘tính sổ’ với Chúa: Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, đổi lại chúng con sẽ được gì?” Vâng, đó cũng là tâm trạng thường xuyên của con người chúng ta hôm nay. Chúng ta thường cân nhắc thiệt hơn: mình được gì mất gì khi tin theo Chúa, khi làm theo lời Ngài. Chúa không phủ nhận rằng người môn đệ của Ngài phải dám chấp nhận những từ bỏ lớn lao. Nhưng có một điều cốt lõi mà chúng ta cần xác tín, đó là Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Ngài hứa những ai dám bỏ mọi sự vì danh Chúa thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Mời Bạn: Chúng ta có biết bao nhiêu cơ hội để từ bỏ vì danh Chúa: bỏ xem một trận bóng đá hấp dẫn để tham dự thánh lễ Chúa Nhật; bỏ đi một chút tự ái để cư xử thân thiện với người chung quanh; bớt đi một chi tiêu không cần thiết để dành vào việc chia sẻ với những người kém may mắn; từ chối một mối lợi bất chính để thực thi công bằng và trung thực; liều mất sự an toàn bản thân để bênh vực công lý, để bảo vệ sự sống… Những cái “mất” đó, chắc chắn sẽ được Ngài đền bù gấp trăm đời này và đời sau.

Chia sẻ: Cộng đoàn/nhóm của bạn hiện nay cần từ bỏ điều gì nhất để làm chứng cho Tin Mừng?

Sống Lời Chúa: Chọn một việc từ bỏ hoặc một điều trong phần “Mời Bạn” để áp dụng cụ thể trong ngày hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh của Thánh Thần để con dám chấp nhận những hy sinh từ bỏ vì danh Chúa và vì Nước Trời.

Ngày 20: Lạy Chúa! Cái gì đã đen, thì vẫn đen; trắng là trắng, tốt nhất, hãy để thời gian chứng minh. Xin cho chúng con biết  rũ bỏ sự cố chấp của bản thân, dùng lòng khoan dung để nhìn người, xét việc, để cuộc sống của chúng con được an bình thơi thái. Ở đời, sống là một tiến trình tự phản tỉnh, xin cho chúng con đừng tham vọng mọi người đều hiểu mình; cũng đừng mong cầu mọi việc đều theo như ý muốn. Gặp phiền não, xin cho chúng con biết tự tìm niềm vui riêng trong Chúa, xin cho chúng con đừng lãng quên hạnh phúc đích thực của mình là chính Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ ba tuần 20 thường niên

Thánh Bernarđô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người được Chúa tấn phong. Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quí hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc: (Năm I) Tl 6, 11-24a

“Hỡi Giêđêon, hãy đi giải thoát Israel: ngươi biết Ta thương xót ngươi”.

Trích sách Thủ Lãnh.

Trong những ngày ấy, Thiên thần Chúa đến ngồi dưới gốc cây sồi ở đất Êphra, thuộc sở hữu của ông Gioas, tổ gia tộc Abiêzer. Khi ấy, Giêđêon, con trai của ông, đang đập và rê lúa trong nhà ép nho để tránh mắt quân Mađian, thì Thiên thần Chúa hiện ra với ông và nói rằng: “Hỡi người dũng sĩ, Chúa ở cùng ngươi”. Giêđêon thưa lại rằng: “Thôi, xin Ngài, nếu Chúa ở cùng chúng tôi, tại sao chúng tôi phải chịu tất cả những sự này? Nào đâu những việc kỳ diệu của Chúa mà cha ông chúng tôi đã kể lại cho chúng tôi mà rằng: “Chúa đã dẫn chúng ta ra khỏi Ai-cập”? Nhưng nay Chúa lại bỏ rơi chúng tôi và trao chúng tôi vào tay quân Mađian”. Chúa nhìn ông mà phán rằng: “Ngươi hãy mạnh mẽ tiến đi mà giải thoát Israel khỏi tay quân Mađian: chính Ta sai ngươi đó”. Ông thưa lại rằng: “Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel? Ðây gia đình con là gia đình rốt hết trong chi tộc Manassê, và con là con út trong nhà cha con”. Chúa phán cùng ông rằng: “Ta sẽ ở cùng ngươi: ngươi sẽ đánh ngã quân Mađian như đánh một người vậy”. Ông thưa rằng: “Nếu con đẹp lòng Chúa, thì xin Chúa ban cho con một dấu chứng rằng chính Chúa phán dạy con. Xin Chúa chớ lìa khỏi nơi đây cho đến khi con trở lại cùng Chúa, mang theo của lễ dâng lên Chúa”. Chúa đáp lại rằng: “Ta sẽ đợi ngươi trở lại”.

Vậy Giêđêon vào nhà làm thịt một con dê đực, lấy một đấu bột làm bánh không men: để thịt vào giỏ, đổ nước thịt vào nồi, mang các món đó đến dưới cây sồi mà dâng cho Chúa. Thiên thần Chúa bảo ông rằng: “Ngươi hãy đem thịt và bánh không men đặt trên tảng đá kia, rồi đổ nước thịt lên trên”. Khi ông làm như vậy, thì Thiên thần Chúa giơ cây gậy Người cầm trong tay lên và chạm đến thịt và bánh không men, tức thì có lửa từ tảng đá bốc lên thiêu đốt thịt và bánh không men. Thiên thần Chúa liền biến đi khuất mắt ông. Giêđêon nhận biết đó là Thiên thần Chúa, liền thưa rằng: “Ôi, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con đã nhìn thấy Thiên thần Chúa nhãn tiền”. Chúa phán cùng ông rằng: “Bình an cho ngươi. Ðừng sợ, ngươi không chết đâu”. Giêđêon liền dựng một bàn thờ dâng kính Chúa, và gọi bàn thờ đó là “Bình an của Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9. 11-12. 13-14

Ðáp: Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc Người (x. c. 9).

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an, bình an cho dân tộc và các tín đồ của Chúa, và cho những ai thành tâm trở lại với Người.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất Nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 28, 1-10

“Ngươi chỉ là người phàm, chớ không phải Thiên Chúa, mà lòng ngươi dám tự cho mình là Chúa”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Hỡi con người, hãy bảo vua Tirô rằng: Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: bởi vì ngươi tự kiêu mà rằng: “Ta là Thiên Chúa, ta ngồi trên toà Thiên Chúa giữa biển”, vì ngươi chỉ là người phàm, chứ không phải là Chúa, mà lòng ngươi dám tự cho mình là Chúa! Phải rồi, ngươi khôn ngoan hơn Ðaniel! Không điều bí ẩn nào mà ngươi không biết: Nhờ tài trí và khôn ngoan mà ngươi nên hùng mạnh, và ngươi đã tích trữ vàng bạc trong kho tàng. Nhờ tài trí dồi dào trong việc buôn bán, ngươi đã gia tăng của cải, và tâm hồn ngươi tự cao tự đại về sự phú cường của ngươi.

Vì thế Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Bởi lòng ngươi dám tự cho mình là Chúa, thì đây Ta sẽ dẫn quân ngoại bang, là những kẻ hung bạo nhất trong các dân, đến giày xéo trên ngươi, họ sẽ tuốt gươm chống lại sự khôn ngoan tốt đẹp của ngươi, và làm ô danh ngươi. Họ sẽ giết và triệt hạ ngươi, ngươi sẽ chết như những kẻ chết chìm dưới lòng biển. Trước mặt những kẻ giết ngươi, nào ngươi còn dám nói: “Ta là Thiên Chúa” nữa sao? Vì ngươi là người chứ không phải là Chúa trong tay những kẻ hạ sát ngươi. Ngươi sẽ chết trong tay ngoại bang, như những kẻ không chịu cắt bì: vì Ta đã phán! Chúa là Thiên Chúa phán như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðnl 32, 26-27ab. 27cd-28a. 30. 35cd-36ab

Ðáp: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại (c. 39).

Xướng: Ta đã phán: “Chúng đang ở đâu?” Ta sẽ làm cho người ta không còn nhớ đến chúng. Nhưng vì giận quân thù, Ta đã giãn ra, kẻo quân thù chúng sẽ nhạo cười.

Xướng: Chúng sẽ nói rằng: “Tay chúng ta cao cả, chẳng phải Chúa đã làm những sự này”. Dân này chẳng có lo lắng, và không có khôn ngoan chút nào. –

Xướng: Bởi đâu một người lại đuổi theo nghìn người, hai người lại đuổi theo một vạn? Vậy chẳng phải vì Chúa đã bán chúng, và Chúa đã chẳng bỏ mặc chúng sao?

Xướng: Ngày tiêu diệt đã gần, và thời hẹn chóng đến. Chúa sẽ xét xử dân Người, và xót thương kẻ làm tôi Chúa.

Alleluia: Tv 118, 36a và 29b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 19, 23-30

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”. Các môn đệ nghe vậy thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”. Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: “Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên toà vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô; xin cho chúng con được trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

NGƯỜI GIÀU KHÓ VÀO NƯỚC TRỜI (Mt 19,23-30)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau câu chuyện người thanh niên buồn rầu bỏ đi, Chúa Giê-su tiếp tục nói chuyện với các môn đệ. Ngài phán: “Người giàu khó mà vào Nước Trời”. Câu tuyên bố này làm các môn đệ hết sức bỡ ngỡ nên đã nói: “Vậy thì ai mới có thể được cứu độ”? Nhưng Chúa Giê-su an ủi: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”.

Sau đó Chúa hứa phần thưởng cho các môn đệ đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài: họ sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nên lưu ý: người thanh niên giàu có cũng muốn được sự sống đời đời, nhưng vì anh không chịu từ bỏ nên Chúa không hứa gì với anh. Bây giờ các môn đệ đã từ bỏ mọi sự nên Chúa hứa ban cho họ sự sống đời đời.

2. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối trình thuật hôm qua về chuyện một thanh niên đến xin Chúa Giê-su chỉ giáo làm sao đạt được sự sống đời đời. Vì thế, Chúa Giê-su đã bảo anh ta về bán tất cả của cải để bố thí cho kẻ khó nghèo thì sẽ được sự sống đời đời như anh mong muốn. Tuy nhiên anh ta đã buồn rầu bỏ đi vì lòng anh đã bị đồng tiền che lấp mục đích đời đời.

Khi thấy như thế, Chúa Giê-su quay sang các môn đệ và dạy cho các ông một bài học về tác hại của đồng tiền nếu coi nó là mục đích, là ông chủ, Ngài nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”.

Thực ra, Chúa Giê-su dùng kiểu nói ngoa ngữ, phóng đại để cho người nghe thấy được sự nguy hiểm của tiền bạc nếu làm sai mục đích.

3. “Con lạc đà chui qua lỗ kim…”

Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim là một kiểu nói mạnh theo lối Do thái; nhưng rất điển hình để diễn tả điều Chúa muốn nói: tin là ơn siêu nhiên Thiên Chúa ban (Ga 6,40): việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến; chỉ ai sẵn sàng nên khó nghèo về bản thân và của cải vật chất mới biết đón nhận ơn đó.

Người ham hố của cải vật chất cũng như tinh thần, làm ngăn cản lòng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Chúa, vì thế rất khó được vào Nước Trời. Người tông đồ không được dính bén về sự ham hố của cải vật chất, kẻo làm ngăn cản cho ý hướng, tâm tình và công việc tông đồ (Trần Hữu Thành).

4. Sống trên đời ai cũng muốn mình được giầu có để cuộc sống được đầy đủ và nâng cao. Thế nhưng, tại sao Chúa Giê-su lại nói: “Người giàu khó vào Nước Trời”.

Người giàu ở đây không chỉ nói giàu về của cải vật chất mà còn là giàu về địa vị, tài năng, kiến thức… Thật ra, tất cả những thứ ấy không phải là điều xấu, nhưng nó trở nên xấu khi con người biến những thứ ấy thành cứu cánh của đời mình và không còn xem trọng các giá trị của Nước Trời. Khi đó, họ luôn sống trong tình trạng đầy đủ, không cần đến ai giúp, cũng như không muốn giúp ai. Do đó, họ chỉ biết sống cho riêng mình và làm theo ý riêng dù nó đi ngược với thánh ý của Chúa. Và như vậy, họ khó có thể vào Nước Trời.

5. Được cứu rỗi là ưu tiên hàng đầu và chính đáng của bất cứ ai biết quan tâm đến số phận đời mình, đặc biệt là các môn đệ của Chúa Giê-su. Thế nhưng, một cản trở rất lớn cho ơn cứu rỗi ấy là lòng ham muốn của cải trần thế quá mức khiến ta quay lưng với các đòi hỏi của Tin Mừng: lòng nhân nghĩa, sự công bằng và tinh thần phó thác. Không phải hễ giàu là xuống hỏa ngục, nhưng chỉ những người giầu ích kỷ như ông phú hộ đối vói anh Lazarô trong Lc 16,19-31 mới bị trừng phạt. Còn giàu có như thánh nữ Elizabeth nước Hungari, dùng của cải giúp người nghèo, sống như người nghèo, lại có cơ hội không thể tốt hơn để được vào Nước Thiên Chúa (5 phút Lời Chúa).

6. Phần thưởng cho những người từ bỏ.

Khi nói hai chữ “từ bỏ” tức là không còn, hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng, hoặc “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Thánh Phê-rô đã hỏi thay cho chúng ta: Từ bỏ mọi sự, theo Ngài chúng con sẽ được gì? Nhìn chung khi bất cứ làm việc gì có thể là tốt, có thể là xấu điều đầu tiên mà ai cũng nhằm đến, đó là phải có lợi, có lời.

Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa… Chúa Giê-su khẳng định sẽ trọng thưởng gấp bội nhất là được sự sống đời đời mai ngày. Phần thưởng gấp bội ở đây phải hiểu theo nghĩa  là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần. Phần thưởng sự sống đời đời mai sau là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của sự sống hạnh phúc đời sau.

7. Truyện: Hãy tránh sự tham lam.

Người kia mua mảnh đất của người láng giềng. Khi đào đất để đổ nền nhà, anh tìm được hũ vàng. Vốn là người lương thiện và thành thật, anh mang hũ vàng qua nhà người láng giềng và nói: “Đây là hũ vàng tôi tìm thấy trong mảnh đất ông đã bán. Tôi mua đất chứ không mua hũ vàng. Vậy tôi xin trả lại hũ vàng cho ông”. Người láng giềng cũng lương thiện không kém. Ông không nhận hũ vàng và giải thích như sau: “Khi bán miếng đất, tôi đã có ý định bán tất cả những gì chứa trong đó. Vậy hũ vàng là của anh”. Hai bên cứ nhường nhau mãi cho đến tối mà không ai chịu nhận hũ vàng. Rốt cuộc cả hai đồng ý tạm ngưng tranh luận, hẹn hôm sau sẽ bàn tiếp.

Nhưng qua một đêm trằn trọc suy nghĩ, họ đã bị con quỷ tham lam nhập vào lúc nào không hay. Sáng hôm sau hai người gặp lại. Người mua đất liền nói: “Tôi đã suy nghĩ kỹ lại thì thấy lời ông nói hôm qua quả là chí lý: Tôi đã mua đất của ông, tất nhiên mọi sự trong mảnh đất ấy đều thuộc về tôi”. Người láng giềng cãi: “Không phải thế. Hôm nay tôi đã xét kỹ thì thấy lời hôm qua rất xác đáng: anh không thể nào mua món đồ nào mà chính anh không có ý định mua. Anh chỉ mua đất chứ không mua vàng, anh hãy trả lại hũ vàng cho tôi”.

Hai người cãi nhau dữ dội. Từ đó họ không còn là láng giềng tốt của nhau mà trở thành thù địch của nhau.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Bernarđô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh

 

Ca nhập lễ

Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chính; luật Thiên Chúa ở trong lòng người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh viện phụ Bê-na-đô đầy nhiệt tâm lo việc nhà Chúa để trở nên ngọn đèn cháy sáng trong Giáo Hội. Nhờ lời người nguyện giúp cầu thay, xin cho chúng con cũng được lòng hăng hái như người để sống thế nào cho xứng đáng là con cái ánh sáng. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, xưa thánh viện phụ Bê-na-đô đã dùng lời nói và việc làm để xây dựng bình an trong Hội Thánh. Nhân ngày lễ mừng kính người hôm nay, chúng con dâng lên Chúa của lễ này, cũng là bí tích bình an và hiệp nhất, xin Chúa thương chấp nhận, Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, Chúa Kitô là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày lễ kính thánh Bê-na-đô, Chúa đã bồi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc thánh, xin cho lương thực chúng con vừa lãnh nhận đem lại lợi ích thiêng liêng cho chúng con. Ước chi gương sáng của người khích lệ chúng con, và lời giảng dạy của người soi sáng chúng con, nhờ vậy chúng con sẽ ngày càng gắn bó với Con Chúa là Ngôi Lời nhập thể, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Bênađô, qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1153 tại Claivaux, phong thánh năm 1174 và được tuyên bố là tiến sỹ Hội thánh năm 1830, đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên một phần lớn thế kỷ XII mà người ta mệnh danh cách chính đáng là “thời kỳ thánh Bernard”. Vì thánh nhân thực sự là một trong những nhân vật chính của phương Tây Kitô giáo và mãi tới nay, vẫn thuộc số những vị thánh được yêu mến nhất.

Bênađô người Clairvaux sinh năm 1090 tại Fontaine-lès-Dijon, trong một gia đình lãnh chúa quyền quí. Thân phụ, ông Tescelin, là lãnh chúa Fontaine hiệp sỹ của quận công Bourgogne và thân mẫu, phu nhân Alets de Montbard, có nhiều con và con thánh. Bà Aleth sẽ được tôn phong là chân phước. Hai mươi ba tuổi, Bênađô quyết định trở thành tu sỹ dòng Xi-tô lúc ấy đang dưới quyền điều khiển của thánh Etienne Harding tu viện trưởng. Bề trên tu viện đang buồn bã vì thiếu thỉnh sinh tu dòng thì Bênađô tới, kéo theo ba mươi thanh niên quí tộc, trong đó một số là anh em. Ông bố và các anh em khác sẽ tiếp theo sau...

Sau ba năm tu tại Xi-tô, năm 1115, Bênađô được sai đến làm tu viện trưởng, thành lập dòng tại Clairvaux và sẽ làm bề trên tại đó cho đến lúc chết. Người chăm chú cuộc đời trong chiêm niệm nhưng đồng thời cũng chuyên tâm giảng thuyết và hoạt động, bươn chải khắp các nẻo đường nước Pháp, nước Đức và nước Ý, giảng rao về an bình, nhưng cũng tuyên truyền cho cuộc thập tự sinh thứ hai (Véjelay 1146) theo yêu cầu của Đức giáo hoàng Eugène III từng là tu sỹ Clairvaux. Suốt thời làm tu viện trưởng, thánh Bênađô chỉ chuyên trách về toàn dòng Xi-tô và đã thành lập sáu mươi tám nhà dòng mới. Cùng thời gian đó, trên hầu khắp châu Âu xuất hiện nhiều nhà dòng mới, đến nỗi năm 1153 khi thánh nhân qua đời, đã có tới ba trăm bốn mươi ba nhà. Vậy nên người ta có lý khi gọi Người là vị sáng lập thứ hai Dòng Xi-tô.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn thánh Bênađô được tràn đầy lòng yêu mến Giáo hội Chúa, trở trên ngọn đèn sưởi ấm và chiếu sáng trong nhà Chúa”. Đây là điểm đặc trưng thứ nhất của vị thánh viện phụ mà người ta, xét theo tính lịch sử, gọi là thánh giáo phụ cuối cùng căn cứ vào nền giáo lý của Ngài phù hợp với Thánh kinh phụng vụ và truyền thống Giáo hội. Bênađô đã rời bỏ lâu đài Fontaine để đến tu tại viện ở Xi-tô nơi đây các tu sỹ sống nghiêm nhặt tuân thủ qui luật thánh Biển Đức. Đức viện phụ Robert de Molesme đã xây dựng tu viện nổi tiếng này năm 1098, cùng với thánh Etienne Harding và thánh Albéric. Anh sáng của thánh tiến sỹ Bênađô rạng rỡ một cách đặc biệt trong các tác phẩm thần học và tu đức, chẳng hạn cuốn Luận về ân sủng và tự do ý chí. Cuộc thăng tiến của linh hồn tiến Chúa, các bài giảng về cuốn Diễm ca, và trong tuyệt tác của Người, cuốn Luận về tình yêu Thiên Chúa. Trong những cuộc tranh luận với thuyết duy lý của Abélard cho rằng “biết mọi sự trên trời dưới đất, chỉ trừ động từ không biết”, thánh Bênađô trình bày một nền giáo lý in đậm một nền thần bí điều độ và bình tĩnh.

Điệp khúc của thánh thi Zacharie lập lại đề tài của lời nguyện trong ngày: “Ôi lạy thánh Bênađô, sức sáng rạn rỡ của Ngôi Lời đã chiếm được hồn Ngài, nên Ngài đã trải ánh khôn ngoan và đức tin trên khắp Giáo hội”.

Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh một khía cạnh khác trong nhân cách thánh Bênađô, đấng được gọi là “tiến sỹ ngọt ngào” đã “làm hết sức bằng lời nói và hành động để giúp xây dựng trật tự và bình an”. Quả thế năm 1130, khi ở Roma xảy ra việc chia rẽ giữa ngụy giáo hoàng Anaclet II với Đức giáo hoàng Innocent II, Thánh Bênađô đã chạy Đông chạy Tây khắp châu Âu hầu đem lại bình an cho Giáo hội. Cũng trong mục đích đó, ngài liên tục chống các lạc giáo đang làm tan nát giáo đoàn Kitô, đến nỗi người ta gọi Ngài là “cái búa đánh bọn lạc giáo”.

Lời nguyện tạ lễ khẩn cầu Chúa ban cho chúng ta được “tình yêu đối với Ngôi Lời nhập thể thu phục”, được cổ võ bởi gương sáng và lời khuyên của thánh Bênađô là một nhà thần bí lớn. Cuốn Luận về tình yêu Thiên Chúa đích thực là sự minh họa rõ ràng nhất: trong tác phẩm, thánh nhân đã nhiệt tình mô tả lịch sử của Ngôi Lời, cuộc đời Đức Kitô từ khởi thủy trong chốn vĩnh hằng, đồng thời cũng ca ngợi Mẹ Đức Kitô một cách tuyệt mỹ. Giáo thuyết của tình yêu cảm tính được phát triển trong một nền linh đạo lấy Đức Kitô làm trọng tâm.

Con người vốn yêu mến tình bạn và thường thúc giục: “chúng ta hãy cứ thương yêu nhau đi và sẽ được yêu thương”, con người ấy là một nhà linh hướng tâm hồn vĩ đại, bị thúc đẩy bởi tình yêu thúc bách nhất, đồng thời cũng dịu dàng nhất. Phát biểu với các ông hoàng, vua chúa, các giám mục, các giáo hoàng, Ngài thường nói: “Nếu các ngài không nghe tôi, tôi sẽ nhắc lại những lời của Gióp: Người nào không cảm thấy thương bạn mình thì đã đánh mất lòng kính sợ Thiên Chúa”. Bài ca vãng của thần vụ ca ngợi nỗi hoài cảm siêu tuyệt và dịu dàng của linh hồn đối với Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng chí ái của chúng ta: “Ngài đi đâu rồi ? Ta nào có biết / nhưng hồn ta mãi bị tổn thương, do tình yêu đối với Ngài” (Thần vụ trong ngày). Thánh Bênađô, con người bị nồng nhiệt thiêu đốt bởi tình yêu đó đã đi qua thế kỷ của Ngài như một “ngọn đèn sưởi ấm và chiếu sáng” và qua các thời gian vẫn không ngừng nhắc nhở chúng ta điều cốt lõi trong nền Giáo lý của Ngài: “Khi Chúa yêu thương, Chúa không muốn điều gì khác ngoài việc được yêu … Nhưng sao Đấng tình yêu lại không được yêu kia chứ?” (Phụng vụ bài đọc: Bài giảng thánh Bênađô về sách Diễm ca).

Enzo Lodi


XỨNG DANH LÀ CON CÁI ÁNH SÁNG
(LỄ THÁNH BÊNAĐÔ 20/08)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Bênađô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho thánh Viện Phụ Bênađô đầy nhiệt tâm lo việc nhà Chúa để trở nên ngọn đèn cháy sáng trong Giáo Hội. Nhờ lời người nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cho chúng ta cũng được lòng hăng hái như người, để sống thế nào cho xứng danh là con cái ánh sáng.

Thánh nhân sinh năm 1090 gần Đigiông, nước Pháp. Được giáo dục theo nếp sống đạo đức, năm 1111 người nhập Dòng các Đan Sĩ Xitô. Ít lâu sau, người được chọn làm Viện Phụ. Người đã dùng hoạt động và gương sáng để hướng dẫn các Đan Sĩ tập luyện các nhân đức. Vì có sự phân ly trong Hội Thánh, người đã đi khắp Châu Âu để lo vãn hồi sự hoà bình và hợp nhất. Người đã biên soạn nhiều tác phẩm thần học và tu đức. Người qua đời năm 1153.

Xứng danh là con cái ánh sáng thì phải giữ vững lòng trông cậy Chúa, nếu không, tai họa sẽ ập đến, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Bị quân Aram hiệp lực với quân Ítraen phía Bắc vây đánh, vua Giuđa là Akhát tính cầu viện Asua, thay vì đặt niềm trông cậy vào Chúa như ngôn sứ Isaia mời gọi, và Isaia báo cho vua biết tai họa sẽ xảy ra, nhưng, một tân vương sắp chào đời: đó là dấu Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người đã chọn. Đấng Emmanuen như là dấu Thiên Chúa ban: Này đây người trinh nữ sẽ thụ thai, và sinh hạ con trai. Người ta sẽ đặt tên cho con trẻ là Emmanuen, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Xứng danh là con cái ánh sáng thì phải biết yêu, bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bênađô nói: Tôi yêu vì tôi yêu, tôi yêu để tôi yêu. Thiên Chúa yêu, thì Người không nhằm điều gì khác ngoài được yêu lại, vì Người biết ai yêu mến Người, thì sẽ được hạnh phúc nhờ chính tình yêu đó… Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu, Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài! Họ được no say yến tiệc nhà Ngài, nơi suối hoan lạc, Ngài cho uống thỏa thuê.

Xứng danh là con cái ánh sáng thì phải khiêm nhường tự hạ trước Chúa, lòng tự cao tự đại sẽ dẫn đến những tai ương thảm khốc, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Êdêkien: Vì ngươi dám cho mình ngang hàng với thần thánh, nên, này Ta sẽ đưa những người ngoại bang hung dữ nhất trong các dân tộc đến đánh phá ngươi. Trong bài Đáp Ca, sách Đệ Nhị Luật cũng đã cho thấy: Chúa phán: Ta cầm quyền sinh tử. Làm sao một người đuổi được một ngàn người, và hai người khiến mười ngàn người trốn chạy, nếu không phải vì Núi Đá của chúng đã bán chúng đi, và Đức Chúa đã nộp chúng rồi?

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Giêsu Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên khó nghèo, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, trở nên nghèo khó, để cứu độ chúng ta. Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người đến hưởng ơn cứu độ của Chúa, nhưng, chỉ những ai tự nhận mình bé nhỏ, nghèo hèn mới được vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Những ai chỉ biết cậy dựa vào sức mình, với những của cải mình sở hữu, cả về vật chất lẫn tinh thần, tất cả đều không thể vào được Nước Trời. Muốn vào được Nước Trời, chúng ta chỉ được cậy dựa vào một mình Thiên Chúa, không được dựa vào bất cứ một thế lực nào khác, ngoài Chúa. Chúa đã cho thánh Viện Phụ Bênađô đầy nhiệt tâm lo việc nhà Chúa để trở nên ngọn đèn cháy sáng trong Giáo Hội, ước gì chúng ta cũng được lòng hăng hái như người, để sống thế nào cho xứng danh là con cái ánh sáng: biết khiêm nhường, bé nhỏ, nghèo hèn, tựa nương vào Chúa. Ước gì được như thế!

NỔI TIẾNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, nhiều kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu!”.

Trong “Let Us Live!” - một trong những bài thơ nổi tiếng của sử thi thế giới - Latin Catullus viết, “Hãy sống, hãy yêu, hãy xét lại mọi lời đồn thổi của những con người đứng tuổi đi trước mà giá trị chỉ đáng một xu! Mặt trời có thể lặn rồi mọc; nhưng với con người, khi ánh sáng ngắn ngủi chìm xuống, chúng ta phải ngủ một đêm dài vĩnh viễn bất tận!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Mọi lời đồn thổi, huyễn danh hay ‘nổi tiếng’ của một người rồi cũng chỉ đáng một xu! Thật thú vị, ý tưởng của nhà thơ La Mã cổ đại được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay! Cả hai bài đọc nói đến sự ‘nổi tiếng’; ‘nổi tiếng thế gian’, ‘nổi tiếng thiên đàng!’.

Trước hết, ‘nổi tiếng thế gian!’. Tia, một vị vua giàu có, “sinh lòng tự cao vì lắm của”; tự cho mình là thần. Và Chúa đã để ngoại bang đánh vua tơi bời đến nỗi phải chết thê thảm giữa trùng khơi - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Chúa phán, Ta cầm quyền sinh tử!”. Tiếp đến, ‘nổi tiếng thiên đàng!’. Sau câu hỏi của Phêrô, “Vậy chúng con sẽ được gì?”; Chúa Giêsu nói, “Đến thời tái sinh, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel”. Và Ngài kết luận, “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, nhiều kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu!”.

“Kẻ đứng đầu”, họ là ai? Để hiểu điều này, cần lưu ý quan niệm khác nhau về “đứng đầu” của “thế gian” và của “thiên đàng!”. Thế gian luôn đề cao “kẻ đứng đầu”: ‘nổi tiếng!’, thành danh, uy tín và các thứ tương tự. Thật ra, ‘nổi tiếng’ tự nó chẳng có gì xấu, nhưng ai say mê nó đến độ đánh đổi tất cả, thì đó là cạm bẫy. Đương thời, Chúa Giêsu rất ‘nổi tiếng’; từ khắp nơi, người ta tuôn đến với Ngài, thậm chí muốn tôn Ngài làm vua. Ma quỷ cũng muốn điều đó! Một khi mắc mưu nó, chúng ta để mình bị lôi kéo đến mụ mị lao vào việc tìm kiếm loại ‘nổi tiếng’ giá rẻ này; và khuynh hướng chung, ai cũng thích. Chúa Giêsu tiết lộ, ai bị cuốn vào lối sống này, sẽ là người “sau hết” trong Nước Trời!

Tương phản với hạng “sau hết” là những kẻ “trước hết” trong Nước Trời. Đó là những tâm hồn thánh thiện vốn có thể được tôn vinh hoặc không được tôn vinh; một số có thể được thế giới nhìn nhận và tôn vinh - chẳng hạn, Mẹ Têrêxa. Nhưng thông thường, không ai biết đến họ, những con người vô danh. Vậy tại sao bạn và tôi không bắt chước Chúa Giêsu và những tâm hồn này để làm người ‘nổi tiếng’ trong việc yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân? Thật ra, người ‘nổi tiếng’ theo cách này thì lặng lẽ, khiêm tốn. Với thế gian, họ là những kẻ “sau hết”; nhưng với Chúa, họ thuộc hạng “trước hết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu!”. Điều này hoàn toàn đúng nơi Chúa Giêsu - “Phiến đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường” - Đấng “không ai thèm để mắt” lại là Đấng đánh bại thần chết và phục hồi sự sống cho nhân loại. Vậy với bạn, điều nào quan trọng? Yêu quý một điều gì đó đời đời hay quý chuộng những gì một xu? Ước chi những ước muốn thế tục không thống trị hoặc ngăn cản bạn hướng mắt đến sự ‘nổi tiếng trên cao’, ‘nổi tiếng của trời!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con phấp phỏng, hoài công khi chạy theo những ‘nổi tiếng một xu’; dạy con thao thức cho sự ‘nổi tiếng hơn cả ngàn xu’, ‘nổi tiếng thiên đàng!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây