Chân dung Vị Cứu Thế
Nhân vật quan trọng và nổi tiếng nhất nhì Mùa Vọng là thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta thường chiêm ngắm ngài với tư cách một vị đại thánh, đấng được Chúa chọn cách đặc biệt nên đời sống vô cùng hoàn hảo. Thật ra thánh Gioan Tẩy Giả rất gần với chúng ta ở tính cách con người, rất giống chúng ta trong sự yếu đuối bất toàn…
CN II MV B, Gioan Tẩy Giả xuất hiện cách nổi bật và đầy xác tín: “Đấng sẽ đến sau tôi, quyền thế hơn tôi, còn tôi không không xứng đáng cởi quai dép cho Người”. Cũng trong bối cảnh đó, ông đã long trọng xác tín về Đức Giê-su trước mặt dân chúng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”.
Thế nhưng sau đó không lâu, chúng ta lại sững sờ khi nghe ông cho đệ tử đến hỏi Đức Giê-su rằng: “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào nữa?” (Mt 11,3). Vì đâu nên nỗi? Do đâu mà một vị tiền hô cao trọng dọn đường cho Chúa lại thể hiện một tâm trạng có vẻ chán nản và nghi nan như vậy?
Lý do là lúc này Gioan đang bị tù vì dám công khai vạch tội vua Hêrôđê Antipas, người đang cai trị xứ sở Galilê tội cướp vợ của anh cùng cha khác mẹ với mình. Gioan vốn là con người của chân lý và sự thật. Ông rất tin tưởng Đấng Cứu Thế thưởng phạt công minh sẽ trừng phạt kẻ tội lỗi. Thế nên ông không sợ chuyện trả thù của Hêrôđê. Tuy nhiên, cổ nhân có câu: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Cảnh ngồi bóc lịch chờ đợi hoài mà không thấy Đức Giê-su hành động gì to tát, hay chí ít cũng giải cứu mình và trừng trị ông vua này… nên Gioan nghi ngờ, mất kiên nhẫn cũng không có chi là lạ.
Tâm trạng của Gioan vẫn còn mang tính thời cuộc cho mọi người. Trong những lúc chúng ta gặp đau khổ: Đau khổ cá nhân, gia đình, cộng đoàn, xã hội… thử hỏi đức tin của chúng ta có bị lung lay hay không? Không thiếu người Kitô hữu đau đớn nói rằng: Tại sao tôi giữ luật Chúa, đi lễ đi nhà thờ hằng ngày mà gia đình cứ bất hòa, con cái bất hiếu, cuộc sống bất hạnh? Trong nghịch cảnh của cuộc sống, ta cầu xin mãi mà Thiên Chúa vẫn câm lặng, những lúc ấy đức tin, niềm cậy trông và hy vọng của ta bị dao động, bị lung lay dữ dội. Thiên Chúa không ít lần làm chúng ta thất vọng, và Người vẫn còn làm chúng ta thất vọng.
Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta đang trông chờ Chúa đến với tâm thế của Gioan, với chân dung một Đấng Cứu Thế uy quyền tay cầm rìu kề sẵn gốc cây, tay nhóm lửa trừng phạt… Một Thiên Chúa rạch ròi, không lý lẽ tình cảm gì. Quan điểm này chính ĐGH Phanxicô đã cảnh báo trong bài phát biểu tại Lưỡng viện Hoa Kỳ (cuối tháng 09/2015): “Cơn cám dỗ về một thái độ giản lược thái quá, chỉ thấy thiện hoặc ác, người công chính hoặc kẻ tội lỗi, chỉ thấy thưởng hoặc phạt…”. Bởi thế, Gioan đau đời nhưng có cứu được đời đâu?
Chúa Giê-su trả lời cho Gioan thế nào? Hãy xem những việc ta làm đó: “Người què đi được, người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người cùi được sạch, kẻ đói được no và đặc biệt, gười chết sống lại và kẻ nghèo được rao giảng Tin Mừng” (Mt 11,5).
Chúng ta không thấy Gioan thắc mắc gì nữa cho tới cái chết bảo vệ chân lý và niềm tin kiên định của ông. Có lẽ ông đã nghiệm ra chân dung Vị Cứu Thế, không phải là một Đấng huy hoàng, quyền năng, thưởng công phạt tội… mà là một Đấng đầy lòng từ bi và thương xót: khiêm tốn, nghèo hèn, bình dị, thân ái và nhân từ.. mà như lời đức Thánh Giáo Gioan Phaolô II nhận định: “Người đến dùng tình thương để cải biến thế giới này”.
Chỉ có Tình Thương mới biến đổi được con người và thế giới này mà thôi.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn