Chuyện Hải Phòng -4

Thứ sáu - 27/09/2024 23:36 | Tác giả bài viết: VDB |   105
Trên chuyến xe đưa Đoàn Hành Hương ra sân bay Cát Bi, anh Đoàn Xuân Bảo -hướng dẫn viên Công ty du lịch Trường Anh, giới thiệu về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Chuyện Hải Phòng -4

LBT 280924a

 

Chuyện thứ tư:

Trên chuyến xe đưa Đoàn Hành Hương ra sân bay Cát Bi, anh Đoàn Xuân Bảo -hướng dẫn viên Công ty du lịch Trường Anh, giới thiệu về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một tập tục cổ, có từ xa xưa, của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng.

Như nhiều lễ hội khác, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có hai phần, phần lễ và phần hội.

Phần lễ bao gồm những nghi thức truyền thống, trang trọng, mở đầu là lễ tế thần Tước Điểm ở đình Tổng, được thực hiện từ ngày 1/8 âm lịch, do các vị cao niên trong làng đảm nhiệm.

Tại đình làng, các chủ trâu đưa trâu ra làm lễ Thành Hoàng. Từ đó, trâu chọi chính thức được gọi là “ông trâu”, là biểu tượng tâm linh, đại diện cho niềm tin và ước vọng của người dân nơi đây.

Phần hội diễn ra vào ngày mùng 9/8 âm lịch với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Ngay từ sáng tinh mơ, dân cư trong các làng đều kéo ra đình. Từ đây, lễ rước các ông trâu ra sới đấu với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm.

Điệu múa khai hội được 24 tráng niên chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt, huyền ảo trong âm thanh rộn rã hùng tráng của trống và thanh la.

Đúng 8 giờ, tiếng trống, tiếng chiêng khai hội vang lên. Từ hai cổng Bắc - Nam của sới đấu, từng đôi trâu được dắt ra đứng dưới chân cột cờ Ngũ Phụng. Khi hiệu lệnh phát ra, hai ông trâu từ hai phía được cho di chuyển lại gần nhau hơn, cách nhau chừng 20m. Hiệu lệnh tiếp theo, người dắt trâu đột nhiên rút dây mũi để hai ông trâu lao vào nhau bắt đầu trận so tài. Ông trâu chiến thắng trận cuối cùng sẽ trở thành quán quân của giải.

Sau khi kết thúc lễ hội, dù thắng hay thua, các ông trâu đều được mổ thịt để tế thánh thần, trời đất. Người ta tin rằng, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn và người nào được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, cũng sẽ gặp được nhiều điều may mắn.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gắn liền với nhiều truyền thuyết:

- Tước Điểm Đại Vương: Ở chân Núi Tháp, thuộc địa phận xã Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, có một ngôi đền thờ vị tôn thần, tên hiệu là Tước Điểm Đại Vương. Truyền thuyết ghi lại rằng một số người dân từng đi qua đền thờ tôn thần này và gặp hai con trâu húc nhau. Thấy động, chúng liền bỏ chạy xuống biển.

- Đền Bà Đế: Xa xưa có một cô gái xinh đẹp tên là Đế, nàng thường ra biển một mình và cất giọng hát làm mê đắm lòng người. Tiếng hát quyến rũ đến nỗi làm rung động trái tim Thủy Thần và hai người đem lòng yêu thương nhau. Vì lỡ có mang, lại chưa chồng nên nàng Đế phải chịu lệ làng khắc nghiệt, bị thả xuống biển để sóng biển dìm chết. Cô gái oan ức, hiển linh và được cộng đồng địa phương lập đền thờ, tên gọi là Đền Bà Đế. Nơi Bà chết, từ đó có rất nhiều tôm cá tập trung, là nơi ngư dân đánh bắt được mùa, nhưng cũng thường xảy ra nhiều tranh chấp giữa các vạn chài. Người ta bèn tổ chức thi chọi trâu, mỗi vạn chài được phép mang một con trâu ra thi đấu. Trâu của vạn chài nào thắng, năm ấy vạn chài đó sẽ được độc chiếm bãi cá tôm và con trâu thắng cuộc được mang đi cúng tế Bà Đế, cầu mong cho dân chài Đồ Sơn quanh năm được mùa. 

Ngày nay, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được nhân dân cả nước và du khách bốn phương biết tới như là một lễ hội lớn, gắn liền với tên tuổi của vùng đất Đồ Sơn nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.

Chuyện kể tiếp:

Có anh du khách thơ thẩn ngoài bãi biển Đồ Sơn lúc này đang vắng vẻ. Bỗng một cô gái xinh đẹp xuất hiện bất ngờ như từ dưới biển hiện lên. Nàng cười tươi:

- Vui vẻ không anh?

Anh du khách khẽ gật đầu, mỉm cười hạnh phúc. Anh nghĩ thầm: Giữa thành phố Hải Phòng xa lạ và xô bồ này vẫn có người quan tâm đến niềm vui của mình. Em gái Đồ Sơn thật đáng yêu!

Chưa đi chưa biết Đồ Sơn…

VDB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây