Cô Sâm
Cô Sâm ôi hỡi cô Sâm.
Bao nhiêu năm tháng âm thầm ở đâu?
Thời gian cách biệt đã lâu
Đong đầy thương mến nguyện cầu cho Cô
Dù cho biển cạn đồng khô
Dồi dào ơn Chúa như hồ nước trong
Cho Cô được sống thong dong
Cuộc đời không phải lòng thòng dây dưa
Chúc Cô bất kể nắng mưa
Hồn an xác mạnh vẫn thừa tình thương
Dù ai đứt gánh, đoạn trường
Cô Sâm giúp đỡ một đường không phai....
Nhắc đến Cô Sâm lo cơm nước trong chủng viện, chắc hẳn hầu hết chúng ta có nhớ. Cô là người cháu của Cha Phạm Ngọc Lan: quản lý chủng viện. Vì tiếng gọi đầy quyến rũ của miền Cao Nguyên lộng gió, Cô (không lập gia đình?) đã rời bỏ chốn phồn hoa đô thị Sài Gòn để lên chăm sóc cho các tiểu tử Lê Bảo Tịnh. Tuy chiều cao khá khiêm nhường, nhưng dáng đi lanh chao, thoăn thoắt. Cô có nét đặc biệt giống những người đã từng giúp việc trong chủng viện là đơn sơ, thật thà và nhất là yêu quý các chú. Hồi đó, chú nào cũng thích ăn cơm cháy - từ lớp nhỏ đến lớn - vì nấu trong những chảo gang lớn nên cơm cháy vàng ươm, thơm lừng; răng các chú còn khỏe và sắc bén, nhai miếng cháy nghe rồm rộp - đã thèm. Một vài anh em kể, buổi sáng gặp Cô Sâm là “nháy nháy” một chút, đến bữa trong bàn ăn của người đó có những miếng cơm cháy thơm ngon và hấp dẫn.
Còn nhớ lớp tôi năm học lớp 12, chuẩn bị thi Tú Tài nên từ Cha đến con đều chăm chút, ít là lớp đầu của chủng viện LBT cũng phải “đầu xuôi đuôi lọt” chứ! Thế là ngưng học võ VoViNam (trừ “Cụ” Bùi Công Chính được tiếp tục) tất cả đều tập trung vào việc học văn hóa, và theo thỉnh cầu của anh em, các Cha đồng ý cho lớp tôi hằng đêm học thêm một giờ nữa khi các chú lớp dưới đã đi ngủ. Hồi đó sau khi mọi người đã lên giường là tắt máy điện (vì chưa có điện lưới quốc gia) nên lớp tôi mỗi đứa phải sắm một đèn dầu nhỏ (như ở quê tôi hay gọi là đèn Huê kỳ) để học, sao hồi đó ham học thế, đến nỗi cô Sâm tới sát lớp mà không ai để ý. Suỵt! Trời! Một bao lạc rang, cộng với vài nải chuối thế là “trước lạ sau quen” mỗi đêm chúng tôi vừa học vừa được “bồi dưỡng” khi thì vài nhánh chuối, lúc lại là bao lạc rang hoặc một rổ khoai lang luộc, bánh trái... Biết nhiều người trông mong mình, nên cô Sâm cũng làm cao: Cô đi nhẹ nhàng, rón rén nhưng cách cửa lớp vài bước là cô chà chà đôi dép lẹp kẹp hoặc giả ho húng hắng đôi tiếng, rồi cô xuất hiện như một bà Tiên ban ơn, dù bề ngoài không giống Tiên lắm, nhưng lòng ruột thì Tiên cũng phải chào thua. Ờ, mà sao hồi đó lớp tôi thương nhau thế, dù ít dù nhiều thì cục kẹo, trái chuối cũng đến được người ở góc xa nhất. Chúng tôi hay gọi cô Sâm là Tiên Nữ, vì những niềm vui mà phép lạ cô mang tới. Có những đêm trái gió trở giời Tiên nữ không xuất hiện, làm chúng tôi vừa nhớ vừa lo lắng... Thực sự khi Tiên nữ ló dạng với mớ quà trên tay (mọi người kể cả Tiên đều lo nơm nớp sợ Cha giám đốc,Cha giám luật bắt gặp).
…
Vâng, kể lại một chút kỉ niệm của thời còn đèn sách, Mẹ Sâm (trong Kỷ yếu 40 năm Chủng viện Lê Bảo Tịnh, Ban biên tập đã xin được gọi quý Soeurs, các chị là những người Mẹ yêu kính, thân thương).
Đây cũng là linh đạo LBT: “uống nước nhớ nguồn”, mà qua những trang viết của kỷ yếu, nhiều người đã rất hưởng ứng và coi như là một nét đẹp đặc thù.
Cô Sâm giờ này Cô ở đâu???
Tk Điệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn