Chiếc máy kỳ diệu

Thứ ba - 24/03/2020 03:28 |   785
Trên đời này, xã hội tiến bộ được cũng nhờ những phát minh... giúp cuộc sống con người ngày càng thăng tiến, tạo niềm vui hạnh phúc khi ai đó qua khỏi cơn bạo bệnh.
máy châm cứu
máy châm cứu
Chiếc máy kỳ diệu
[03.12.2012 07:42]

Trên đời này, xã hội tiến bộ được cũng nhờ những phát minh... giúp cuộc sống con người ngày càng thăng tiến, tạo niềm vui hạnh phúc khi ai đó qua khỏi cơn bạo bệnh.

Còn chuyện được kể sau đây thực sự đã xảy ra khá lâu rồi, nhưng mỗi khi có dịp nhắc nhớ lại, ai cũng phải vừa tủm tỉm cười vừa tâm phục khẩu phục nhà chế tác tài ba ra “chiếc máy chữa bệnh kỳ diệu này”. Tác giả không ai khác hơn là một anh em trong Gia đình Lê Bảo Tịnh chúng ta: Vũ Đăng Khoa (tên thường gọi Khoa ròm).

Vào thời kỳ sau năm 1978 (đa số anh em ta phải rời bỏ chủng viện về sống với gia đình) cho đến gần hết thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hoàn cảnh chung đất nước sau chiến tranh nên đời sống còn nhiều khó khăn, ăn uống kham khổ tạo cơ hội cho đau ốm bệnh tật phát triển. Anh em ta cũng phải thích nghi... mỗi người tự tìm cho mình một công việc. một nghề nghiệp để sống. Riêng thầy Lê Văn Trọng (Linh mục ở Úc) và sau này thầy Nguyễn Sơn (Linh mục quản xứ Quảng Nhiêu) lại chọn cho mình nghề y. Khi đã qua những trường lớp, khóa học về y dược, thầy Lê Văn Trọng về làm việc tại trạm y tế phường Thắng Lợi, thầy Nguyễn Sơn công tác ở phường Thành Công, thị xã Buônmathuôt. Lúc ấy bệnh tật sao nhiều thế! đủ loại từ sốt rét, thương hàn... đến thần kinh tọa, gai cột sống.

Một hôm gặp Khoa, thầy Trọng mới kể: ở trạm xá phường mới nhận về một cái máy chữa được một số bệnh, chỉ việc cho điện vào, và chiếc máy kỳ diệu này với 2 sợi dây được kẹp vào 2 cây kim cắm vào người bệnh. Khi hoạt động, máy tạo ra xung điện cho cảm giác dễ chịu, đồng thời chữa lành bệnh tật... nhưng đòi hỏi thời gian điều trị hơi lâu. Ngặt một nỗi, máy xung điện mới đưa về chưa được bao lâu lại bị hỏng.Thầy Trọng than thở thế! Đúng nghề của chàng. Khoa thấy ngứa ngáy tay chân. Nhờ thầy Trọng mượn dùm để Khoa nghiên cứu. Ở nhà trường Lê Bảo Tịnh, Khoa nổi tiếng giỏi về điện tử, lúc anh em nhìn vào cái máy cassette chỉ toàn thấy hạt đu đủ, ớt cay xanh đỏ thì Khoa đã biết đó là mấy cục điện trở, diốt.

Có chiếc máy trong tay rồi, Khoa tháo banh ra hết. Ôi! tưởng khó. Hóa ra dễ òm à. Nhưng kiếm đâu ra đồ nghề, vật liệu bây giờ... bóp trán suy nghĩ lung lắm, Khoa lục tung mấy cái radio cũ, máy điện thoại nhà binh đã hư... và chăm chút chế biến. Một tuần sau, công việc hoàn thành. Khoa đem tặng thầy Trọng chiếc máy “y chang” nguyên bản. Về sau, Khoa còn làm tặng thầy Nguyễn Sơn một cái nữa.

Thời điểm đó, một số bệnh nhân đến xin chữa trị tại nhà. Có anh kia bị sạn thận, và bệnh gì nữa không nhớ!!! Chẳng sao! có bửu bối trong tay , thầy Trọng cẩn thận kẹp 2 đầu dây điện vào kim tiêm cắm nơi bệnh nhân. Nhưng chỉ mới bật công tắc, tự nhiên người bệnh hét to: Ớ. Ớ. A! A! người giật nảy liên tục, suýt nữa gãy cả giường. Cúp điện ngay. Hết hồn! nhìn kỹ thấy bệnh nhân nằm im đơ... rờ lỗ mũi. May còn thở.

Vậy mà điều kỳ diệu đã xảy ra: cục sỏi thận trong người bệnh nhân bỗng dưng phóng ra ngoài lúc nào không hay. Thật tuyệt vời.

Mới đây gặp lại Khoa ròm, Khoa cho biết do các múi hàn nối không được chắc, volume sử dụng lại để maximum mới xảy ra sự cố: thay vì dòng điện còn vài volt và ampere nhỏ lại thì hình như nguyên dòng điện 110V đã direct vào thẳng....

Sau đó, thỉnh thoảng gặp anh thanh niên nọ.

- Còn đau không? Đến chữa tiếp chứ?

- Dạ. Cám ơn. Từ dạo đó em lành hẳn rồi. Chẳng dám làm phiền mấy anh nữa.

 
TK. Điệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây