ĐTC: Đàng Thánh Giá Năm 2025

Thứ bảy - 19/04/2025 04:00 | Tác giả bài viết: Vatican News |   30
Nội dung Đàng Thánh giá năm 2025 do chính Đức Thánh Cha soạn cho buổi Đi Đàng Thánh Giá tối thứ Sáu Tuần Thánh tại đấu trường Colosseo.
cq5dam thumbnail cropped 750 422
cq5dam thumbnail cropped 750 422

Đàng Thánh Giá do Đức Thánh Cha Phanxicô soạn

Đàng Thánh Giá Năm 2025

Lời Mở Đầu

Con đường lên Núi Sọ đi ngang qua những nẻo đường đời thường của chúng con. Lạy Chúa, chúng con thường bước ngược hướng với Chúa. Chính trong những lúc ấy, chúng con có thể bắt gặp khuôn mặt của Chúa, gặp được ánh mắt Chúa. Chúng con vẫn bước đi như chưa từng có gì xảy ra, còn Chúa thì đến với chúng con. Đôi mắt Chúa đọc thấu tâm can chúng con. Khi ấy, chúng con chần chừ không muốn tiếp tục như thể chẳng có gì thay đổi. Chúng con có thể quay lại, nhìn Chúa, và theo Chúa. Chúng con có thể hòa mình vào cuộc khổ nạn của Chúa và nhận ra rằng đã đến lúc phải đổi hướng.

Trích Phúc Âm theo Thánh Máccô (10,21)

Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta : “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

Lạy Chúa Giêsu, Tên của Chúa thật đúng là “Thiên Chúa cứu độ”. Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Đấng kêu gọi; Thiên Chúa của Isaac, Đấng quan phòng; Thiên Chúa của Giacóp, Đấng chúc lành; Thiên Chúa của Israel, Đấng giải thoát. Trong ánh mắt Chúa, lạy Chúa, Đấng đang bước qua Giêrusalem, có một mạc khải trọn vẹn. Trong những bước chân Chúa rời khỏi thành, có cuộc xuất hành của chúng con hướng về miền đất mới. Chúa đến để biến đổi thế gian, và điều đó có nghĩa là chúng con phải đổi hướng, nhận ra sự thiện hảo nơi dấu chân Chúa, để ký ức về ánh mắt Chúa tiếp tục làm việc trong lòng chúng con.

Đàng Thánh Giá là lời cầu nguyện của những người đang chuyển động. Nó làm gián đoạn những lộ trình quen thuộc của chúng con, để từ sự mệt mỏi, chúng con tiến đến niềm vui. Quả thật, con đường của Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải trả giá: trong một thế giới tính toán mọi thứ, sự nhưng không có một cái giá rất đắt. Nhưng trong sự trao ban, mọi sự đều hồi sinh: một thành phố bị chia rẽ bởi các phe phái và xung đột sẽ hướng đến hòa giải; một đời sống đạo khô cằn sẽ tìm lại được sức sống nơi những lời hứa của Thiên Chúa; ngay cả một trái tim chai đá cũng có thể trở nên trái tim bằng thịt. Chỉ cần lắng nghe lời mời gọi: “Hãy đến! Theo Ta!”. Và tin tưởng vào ánh mắt yêu thương ấy.

Chặng thứ nhất
Chúa Giêsu bị kết án tử

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (23,13-16)

Bấy giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói : “Các người nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người, mà không thấy người này có tội gì, như các người tố cáo. Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các người thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả.  Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.”

Nhưng sự việc đã không diễn ra như vậy. Chúa đã không được thả tự do. Dù lẽ ra mọi chuyện có thể khác đi. Đó là vở kịch bi thảm về sự tự do của con người. Lạy Chúa, Chúa đã yêu mến chúng con đến thế. Chúa đã tin tưởng Hêrôđê, Philatô, cả bạn hữu lẫn kẻ thù. Chúa kiên định trong sự tin tưởng khi phó mình vào tay chúng con. Từ đây, chúng con có thể làm nên những điều kỳ diệu: giải thoát người bị oan, đi sâu vào những tình huống phức tạp, chống lại những phán quyết giết người. Ngay cả Hêrôđê lẽ ra cũng có thể theo đuổi sự bất an lành thánh đã thu hút ông đến với Chúa, nhưng ông đã không làm thế, ngay cả khi cuối cùng ông cũng đã gặp Chúa. Philatô có thể tha cho Chúa Giêsu, vì ông đã tuyên bố Người vô tội, nhưng ông đã không làm thế. Lạy Chúa Giêsu, con đường thập giá là một cơ hội mà chúng con đã quá nhiều lần bỏ lỡ. Chúng con thú nhận: chúng con bị giam cầm trong những vai trò mà mình không muốn thoát ra, lo lắng về những phiền phức khi phải đổi hướng. Chúa vẫn âm thầm đứng trước mặt chúng con: nơi mỗi người anh chị em đang phải đối mặt với những phán xét và định kiến. Những lý lẽ tôn giáo, những chi tiết pháp lý vụn vặt, và sự khôn ngoan giả tạo không dám dấn thân vào số phận người khác lại kéo chúng con về phía Hêrôđê, các thượng tế, Philatô và đám đông. Nhưng mọi chuyện có thể khác đi. Lạy Chúa Giêsu, Chúa không rửa tay. Chúa vẫn yêu thương trong thinh lặng. Chúa đã chọn lựa, và giờ đến lượt chúng con.

Chúng ta cầu nguyện: Xin mở lòng con, lạy Chúa Giêsu

Khi con đối diện với một người bị kết án.
Xin mở lòng con, lạy Chúa Giêsu

Khi những điều con cho là chắc chắn chỉ là định kiến.
Xin mở lòng con, lạy Chúa Giêsu

Khi con bị sự cứng nhắc trói buộc.
Xin mở lòng con, lạy Chúa Giêsu

Khi điều thiện âm thầm thu hút con.
Xin mở lòng con, lạy Chúa Giêsu

Khi con muốn can đảm nhưng lại sợ phải trả giá.
Xin mở lòng con, lạy Chúa Giêsu

Chặng thứ hai
Chúa Giêsu vác thập giá

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (9,43b-45)

Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ :“Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”  Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Lạy Chúa Giêsu, gánh nặng ấy đã đè lên vai Chúa từ nhiều tháng, có lẽ ngay cả nhiều năm. Khi Chúa nói về điều đó, chẳng ai lắng nghe: một sự kháng cự không thể lay chuyển, ngay cả để hiểu thoáng qua. Chúa không tìm kiếm nó, nhưng Chúa cảm nhận thập giá đang tiến về phía mình, ngày càng rõ rệt. Nếu Chúa đón nhận nó, là vì Chúa cảm thấy không chỉ sức nặng, mà còn cả trách nhiệm. Con đường thập giá của Chúa, lạy Chúa Giêsu, không chỉ là một cuộc leo dốc. Đó là bước Chúa đi xuống với những người Chúa yêu thương, với thế giới mà Thiên Chúa yêu thương. Đó là một câu trả lời, một sự đảm nhận trách nhiệm. Nó đòi hỏi hy sinh, như tất cả những mối liên hệ chân thật nhất, những tình yêu đẹp đẽ nhất đều đòi hỏi. Gánh nặng Chúa mang kể về hơi thở đang thúc đẩy Chúa, về Thần Khí “là Chúa và là Đấng ban sự sống”. Ai biết được tại sao chúng con lại sợ đến mức không dám hỏi Chúa về điều này. Thực ra, chúng con là những người thiếu hơi thở, vì cứ trốn tránh trách nhiệm. Chỉ cần không chạy trốn và ở lại: giữa những người Chúa đã ban cho chúng con, trong những bối cảnh Chúa đã đặt chúng con. Xin gắn kết chúng tôi, cảm nhận rằng chỉ bằng cách đó chúng con mới thoát khỏi sự giam tù nơi chính mình. Tính ích kỷ còn nặng hơn thập giá. Sự thờ ơ còn nặng hơn sự chia sẻ. Ngôn sứ đã loan báo: Ngay cả những người trẻ cũng mệt mỏi và kiệt sức, người lớn vấp ngã và té nhào. Nhưng những ai trông cậy vào Chúa sẽ được thêm sức mạnh, sẽ mọc cánh như phượng hoàng, sẽ chạy mà không mệt, sẽ đi mà không mỏi (x. Is 40,30-31).

Chúng ta cầu nguyện: Xin giải thoát chúng con khỏi sự mệt mỏi, lạy Chúa!

Nếu chúng con chỉ loay hoay với chính mình.
Xin giải thoát chúng con khỏi sự mệt mỏi, lạy Chúa!

Nếu chúng con tưởng mình không còn sức để quan tâm đến người khác.
Xin giải thoát chúng con khỏi sự mệt mỏi, lạy Chúa!

Nếu chúng con tìm cớ để trốn tránh trách nhiệm.
Xin giải thoát chúng con khỏi sự mệt mỏi, lạy Chúa!

Nếu chúng con có tài năng và khả năng để cống hiến.
Xin giải thoát chúng con khỏi sự mệt mỏi, lạy Chúa!

Nếu trái tim chúng con còn rung động trước bất công.
Xin giải thoát chúng con khỏi sự mệt mỏi, lạy Chúa!

Chặng thứ ba

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (10,13-15)

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.  Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ !

Lạy Chúa Giêsu, đó như lần đầu Chúa chạm đến tận đáy lòng, và những lời nghiêm khắc đã thốt ra từ miệng Chúa dành cho những nơi Chúa yêu quý. Hạt giống Lời Chúa dường như rơi vào khoảng trống, và mỗi cử chỉ giải thoát của Chúa cũng vậy. Mọi ngôn sứ đều cảm thấy mình rơi vào vực thẳm của thất bại, nhưng rồi lại tiến bước trên đường lối Chúa. Cuộc đời Chúa, lạy Chúa Giêsu, là một dụ ngôn: Chúa không bao giờ ngã xuống cách vô ích trên mảnh đất của chúng con. Ngay cả lần ấy, nỗi thất vọng đã sớm bị ngắt quãng bởi niềm vui của những người thân thuộc mà Chúa đã sai đi: họ trở về từ sứ vụ và kể cho Chúa nghe những dấu chỉ Nước Thiên Chúa. Lúc ấy, Chúa đã trào dâng niềm vui tự nhiên, mãnh liệt, khiến Chúa đứng dậy với một năng lượng lan tỏa. Chúa chúc tụng Chúa Cha, Đấng giấu kín những mầu nhiệm Nước Trời với bậc khôn ngoan thông thái, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn.

Con đường thập giá cũng được tìm thấy sâu trong đất: những kẻ kiêu ngạo muốn tách mình khỏi nó, muốn vươn tới trời cao. Nhưng Nước Trời ở đây, đã hạ mình xuống, và chúng con có thể gặp được Chúa ngay cả khi ngã xuống, khi nằm dưới đất. Những thợ xây tháp Babel nói rằng không được phép sai lầm, ai ngã là mất hết. Đó là công trường của hỏa ngục. Còn công trình của Thiên Chúa không giết chết, không loại bỏ, không đè bẹp. Công trình ấy khiêm nhường, trung thành với đất. Con đường của Chúa, lạy Chúa Giêsu, là con đường các Mối Phúc. Nó không phá hủy, nhưng vun trồng, sửa chữa và gìn giữ.

Chúng ta cầu nguyện: Xin cho Nước Chúa trị đến

Cho những ai cảm thấy mình thất bại.
Xin cho Nước Chúa trị đến

Để chống lại một nền kinh tế giết chết con người.
Xin cho Nước Chúa trị đến

Để nâng đỡ những kẻ đã ngã quỵ.
Xin cho Nước Chúa trị đến

Giữa những xã hội cạnh tranh và những kẻ chạy theo địa vị.
Xin cho Nước Chúa trị đến

Cho những ai nằm lại nơi biên giới và tưởng cuộc hành trình đã kết thúc.
Xin cho Nước Chúa trị đến

Chặng thứ tư

Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (8,19-21)

Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Chúa có mặt trên con đường thập giá: Mẹ là môn đệ đầu tiên của Chúa. Với sự dịu dàng kiên định, với việc ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng, Mẹ Chúa đã hiện diện. Từ giây phút được đề nghị cưu mang Chúa, Mẹ đã quay về, hướng về Chúa. Mẹ uốn nắn đường đời mình theo ý Chúa. Đó không phải là sự từ bỏ, mà là một khám phá liên tục, cho đến tận Núi Sọ: theo Chúa là để Chúa đi; có Chúa là dành chỗ cho sự mới mẻ của Chúa.

Mọi người mẹ đều biết: một đứa con luôn làm ta ngạc nhiên. Lạy Người Con yêu dấu, Chúa nhận ra rằng Mẹ và anh em Chúa là những ai lắng nghe và để mình được biến đổi. Họ không nói, nhưng làm. Nơi Thiên Chúa, lời nói là hành động, lời hứa là hiện thực. Trên đường thập giá, lạy Mẹ, Mẹ là một trong số ít người còn nhớ điều đó. Giờ đây, Người Con cần đến Mẹ: Chúa cảm nhận được rằng Mẹ không tuyệt vọng. Chúa biết Mẹ vẫn đang cưu mang Lời Chúa trong lòng.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng có thể theo Chúa nhờ được sinh ra bởi những ai đã theo Chúa. Chúng con được tái sinh nhờ đức tin của Mẹ Chúa và vô số chứng nhân vẫn nẩy sinh ngay cả nơi mà mọi thứ dường như chỉ nói về sự chết. Lần ấy, tại Galilê, họ là những người muốn gặp Chúa. Giờ đây, trên đường lên Núi Sọ, chính Chúa tìm kiếm ánh mắt của những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Một sự hiểu nhau không thể diễn tả. Một giao ước không thể hủy bỏ.

Chúng ta cầu nguyện: Đây là Mẹ con

Mẹ lắng nghe và nói.
Đây là Mẹ con

Mẹ hỏi và suy nghĩ.
Đây là Mẹ con

Mẹ rời khỏi nhà và bước đi cương quyết.
Đây là Mẹ con

Mẹ vui mừng và an ủi.
Đây là Mẹ con

Mẹ đón nhận và chăm sóc.
Đây là Mẹ con

Mẹ liều mình và bảo vệ.
Đây là Mẹ con

Mẹ không sợ phán xét và dị nghị.
Đây là Mẹ con

Mẹ chờ đợi và ở lại.
Đây là Mẹ con

Mẹ định hướng và đồng hành.
Đây là Mẹ con

Mẹ không nhượng bộ cho sự chết.
Đây là Mẹ con

Chặng thứ năm
Ông Simon thành Kyrênê giúp Chúa Giêsu vác thập giá

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (23,26)

Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su.

Ông không tự nguyện, họ bắt ông. Simon đang trên đường về nhà sau một ngày làm việc, và họ chất lên vai ông thập giá của một tử tội. Có lẽ ông có sức khỏe phù hợp, nhưng chắc chắn hướng đi của ông là khác, kế hoạch của ông là khác. Nơi Thiên Chúa, người ta có thể gặp Chúa như thế.

Ai biết được tại sao, lạy Chúa Giêsu, tên gọi ấy – Simon thành Kyrênê – lại sớm trở nên khó quên đối với các môn đệ của Chúa. Trên đường thập giá, họ không có mặt, và chúng con cũng vậy, nhưng Simon thì có. Điều này vẫn đúng đến hôm nay: trong khi có người dâng hiến tất cả, chúng con có thể đang ở nơi khác, thậm chí đang chạy trốn, hoặc bị lôi vào một cách bất ngờ.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng tên gọi Simon được nhớ đến vì sự bất ngờ ấy đã thay đổi ông mãi mãi. Ông không ngừng nghĩ về Chúa. Ông trở thành một phần thân thể Chúa, một nhân chứng tận mắt về sự khác biệt của Chúa so với bất kỳ tử tội nào khác. Simon thành Kyrênê đã mang thập giá của Chúa trên vai mà không hề đòi hỏi, như cái ách mà Chúa đã từng nói: “Ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (x. Mt 11,30). Ngay cả loài vật cũng làm việc tốt hơn khi cùng nhau tiến bước. Và lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con cùng tham gia vào công việc của Chúa, công việc cày xới đất đai để nó có thể được gieo trồng lại.

Chúng con cần sự nhẹ nhàng đầy bất ngờ này. Chúng con cần ai đó đôi khi chặn chúng con lại và đặt lên vai chúng con một phần thực tại cần được mang vác. Chúng con có thể làm việc cả ngày, nhưng nếu không có Chúa, mọi thứ sẽ tan biến. “Ví như CHÚA chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà CHÚA không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm.” (x. Tv 127).

Và này: trên con đường thập giá, Giêrusalem mới đang mọc lên. Và chúng con, như Simon thành Kyrênê, đổi hướng và làm việc cùng Chúa.

Chúng ta cầu nguyện: Xin chặn bước chúng con lại, lạy Chúa

Khi chúng con đi trên con đường của mình, không nhìn mặt ai.
Xin chặn bước chúng con lại, lạy Chúa

Khi những tin tức không làm chúng con xúc động.
Xin chặn bước chúng con lại, lạy Chúa

Khi con người trở thành những con số.
Xin chặn bước chúng con lại, lạy Chúa

Khi chúng con không bao giờ có thời gian để lắng nghe.
Xin chặn bước chúng con lại, lạy Chúa

Khi chúng con vội vàng đưa ra quyết định.
Xin chặn bước chúng con lại, lạy Chúa

Khi chúng con không cho phép thay đổi kế hoạch.
Xin chặn bước chúng con lại, lạy Chúa

Chặng thứ sáu
Bà Veronica lau mặt Chúa Giêsu

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (9,29-31)

Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.

Trích sách Thánh Vịnh (27,8-9a)

Nghĩ về Chúa, lòng con tự nhủ : hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt.

Trên khuôn mặt Chúa, lạy Chúa Giêsu, chúng con thấy được trái tim Chúa. Quyết định của Chúa hiện rõ trong đôi mắt, khắc sâu trên gương mặt, biến những đường nét của Chúa thành biểu hiện của một sự chú ý không thể nhầm lẫn. Chúa nhận ra Veronica, như Chúa nhận ra con. Con tìm kiếm khuôn mặt của Chúa, khuôn mặt kể lại quyết định yêu thương chúng con đến hơi thở cuối cùng – và cả sau đó nữa, vì tình yêu mạnh hơn sự chết (x. Dc 8,6).

Chính khuôn mặt Chúa biến đổi trái tim chúng con, khuôn mặt mà con muốn ghi khắc và gìn giữ. Chúa trao mình cho chúng con, ngày này qua ngày khác, qua khuôn mặt của mỗi người, ký ức sống động về sự nhập thể của Chúa. Mỗi lần chúng con hướng về những kẻ bé nhỏ nhất, chúng con chú ý đến các chi thể của Chúa, và Chúa ở lại với chúng con.

Như thế, Chúa chiếu sáng trái tim và biểu lộ trên khuôn mặt chúng con. Thay vì xua đuổi, giờ đây chúng con đón nhận. Trên đường thập giá, khuôn mặt chúng con, như khuôn mặt Chúa, cuối cùng có thể trở nên rạng rỡ và tỏa lan phúc lành. Chúa đã in vào chúng con ký ức này, dự cảm về ngày Chúa trở lại, khi Chúa sẽ nhận ra chúng con ngay từ cái nhìn đầu tiên, từng người một. Lúc ấy, có lẽ chúng con sẽ giống Chúa. Và chúng con sẽ diện kiến Chúa, trong cuộc đối thoại bất tận, trong sự thân mật mà chúng con sẽ không bao giờ chán, gia đình của Thiên Chúa.

Chúng ta cầu nguyện: Xin khắc ghi hình ảnh Chúa trong chúng con

Nếu khuôn mặt chúng con vô cảm.
Xin khắc ghi hình ảnh Chúa trong chúng con

Nếu trái tim chúng con xa cách.
Xin khắc ghi hình ảnh Chúa trong chúng con

Nếu cử chỉ chúng con gây chia rẽ.
Xin khắc ghi hình ảnh Chúa trong chúng con

Nếu lựa chọn của chúng con làm tổn thương.
Xin khắc ghi hình ảnh Chúa trong chúng con

Nếu dự án của chúng con loại trừ.
Xin khắc ghi hình ảnh Chúa trong chúng con

Chặng thứ bảy
Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (15,2-6)

Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’

Ngã xuống và đứng lên; ngã xuống và lại đứng lên. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con đọc như thế về cuộc phiêu lưu của kiếp người. Con người là thế, vì luôn mở ra. Với máy móc, chúng con không cho phép sai sót: chúng con đòi hỏi chúng phải hoàn hảo. Nhưng con người thì chao đảo, xao lãng, lạc lối. Nhưng họ có niềm vui: niềm vui của những khởi đầu mới, của những lần tái sinh.

Con người không được sinh ra một cách máy móc, mà bằng sự khéo léo của người thợ: chúng con là những tác phẩm độc nhất, đan xen giữa ân sủng và trách nhiệm. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở nên một người như chúng con; Chúa không sợ vấp ngã. Ai cảm thấy xấu hổ vì điều đó, ai phô trương sự không thể sai lầm, ai che giấu những lần ngã của mình và không tha thứ cho người khác, thì chối bỏ con đường Chúa đã chọn.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Chúa của niềm vui. Trong Chúa, tất cả chúng con được tìm thấy và đưa về nhà, như con chiên lạc duy nhất. Thật phi nhân với nền kinh tế nơi chín mươi chín có giá trị hơn một. Thế mà chúng con đã xây dựng một thế giới như thế: một thế giới của tính toán và thuật toán, của lý lẽ lạnh lùng và lợi ích tàn nhẫn.

Luật lệ trong nhà Chúa, kế hoạch thần linh, thì khác. Quay về với Chúa, Đấng ngã xuống và đứng lên, là một sự đổi hướng và đổi nhịp. Sự trở về đem lại niềm vui và đưa chúng con về nhà.

Chúng con cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng cứu độ, xin nâng chúng con dậy

Chúng con là trẻ nhỏ đôi khi khóc lóc.
Lạy Chúa là Đấng cứu độ, xin nâng chúng con dậy

Chúng con là thiếu niên cảm thấy bất an.
Lạy Chúa là Đấng cứu độ, xin nâng chúng con dậy

Chúng con là người trẻ bị nhiều người lớn khinh thường.
Lạy Chúa là Đấng cứu độ, xin nâng chúng con dậy

Chúng con là người lớn đã phạm sai lầm.
Lạy Chúa là Đấng cứu độ, xin nâng chúng con dậy

Chúng con là người già vẫn muốn mơ ước.
Lạy Chúa là Đấng cứu độ, xin nâng chúng con dậy

Chặng thứ tám
Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (23,27-31)

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói : “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói : ‘Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!’ Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non : Đổ xuống chúng tôi đi !, và với gò nổng : Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”

Lạy Chúa Giêsu, nơi các phụ nữ, Chúa luôn nhận ra sự tương hợp đặc biệt với trái tim Thiên Chúa. Vì thế, trong đám đông dân chúng hôm ấy và đi theo Chúa, Chúa ngay lập tức nhìn thấy các phụ nữ và một lần nữa có một sự hiểu biết đặc biệt với họ.

Thành phố trở nên khác đi khi nó cưu mang người dân của nó trong lòng, khi nó cho con cái bú mớm: tóm lại, là khi người ta không chỉ biết đến sự thống trị, mà mọi thứ được sống từ bên trong. Với những phụ nữ biểu lộ sự thương cảm, Chúa chạm vào trái tim họ. Vì trong trái tim, các sự kiện được kết nối và những suy nghĩ, quyết định được sinh ra.

“Đừng khóc cho tôi”. Trái tim Thiên Chúa rung động vì dân Chúa, một dân tạo nên một thành mới: “Hãy khóc cho chính mình và cho con cháu”. Quả thật, có một giọt nước mắt trong đó mọi thứ được tái sinh. Nhưng cần những giọt nước mắt của sự hối hận, không phải xấu hổ, những giọt nước mắt để không bị khép kín trong riêng tư.

Lạy Chúa, cuộc sống chung bị thương tích của chúng con trong thế giới tan nát này cần những giọt nước mắt chân thành, không phải vì hoàn cảnh. Nếu không, điều mà các ngôn sứ khải huyền đã tiên báo sẽ ứng nghiệm: mọi sự không sinh sôi nữa và rồi mọi thứ sẽ sụp đổ.

Nhưng đức tin dời non lấp biển. Núi non và gò đồi không đổ xuống trên chúng con, mà giữa chúng, một con đường mở ra. Đó là con đường của Chúa, lạy Chúa Giêsu: một con đường dốc, nơi các tông đồ đã bỏ rơi Chúa, nhưng các nữ môn đệ – những người mẹ của Giáo hội – đã theo Chúa.

Chúng ta cầu nguyện: Xin ban cho chúng con một trái tim hiền mẫu, lạy Chúa Giêsu

Chúa đã làm cho lịch sử Giáo hội tràn ngập những người phụ nữ thánh thiện.
Xin ban cho chúng con một trái tim hiền mẫu, lạy Chúa Giêsu

Chúa đã bác bỏ sự hống hách và thống trị.
Xin ban cho chúng con một trái tim hiền mẫu, lạy Chúa Giêsu

Chúa đã thu nhận và an ủi những giọt nước mắt của các bà mẹ.
Xin ban cho chúng con một trái tim hiền mẫu, lạy Chúa Giêsu

Chúa đã trao cho phụ nữ sứ điệp phục sinh.
Xin ban cho chúng con một trái tim hiền mẫu, lạy Chúa Giêsu

Chúa đã khơi nguồn trong Giáo hội những đặc sủng và nhạy cảm mới.
Xin ban cho chúng con một trái tim hiền mẫu, lạy Chúa Giêsu

Chặng thứ chín
Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (7,44-49)

Đức Giê-su nói : “Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ?” Ông Si-môn đáp : “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo : “Ông xét đúng lắm.”

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn : “Ông thấy người phụ nữ này chứ ? Tôi vào nhà ông : nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây , đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ : “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng : “Ông này là ai mà lại tha được tội ?”

Không chỉ một hay hai lần, lạy Chúa Giêsu: Chúa còn ngã nữa. Chúa đã ngã khi còn là một đứa trẻ, như mọi đứa trẻ. Như thế, Chúa đã hiểu và đón nhận nhân tính của chúng con, thứ ngã xuống và lại ngã xuống. Nếu tội lỗi làm chúng con xa cách, thì sự vô tội của Chúa lại đưa Chúa đến gần mọi tội nhân, kết hợp Chúa cách không thể hủy bỏ với những lần ngã của họ. Và điều này thúc đẩy sự hoán cải.

Là điều không chấp nhận được đối với những ai giữ khoảng cách với người khác và với chính mình. Là điều không chấp nhận được với những ai sống cuộc sống chia đôi, giữa điều mình nên là và điều mình thực sự là. Trong lòng thương xót của Chúa, lạy Chúa Giêsu, mọi sự giả hình sụp đổ. Những chiếc mặt nạ, những bề mặt đẹp đẽ không còn hữu ích nữa. Thiên Chúa thấy trái tim. Thiên Chúa yêu trái tim. Thiên Chúa sưởi ấm trái tim.

Và như thế, Chúa nâng con dậy và đặt con lại trên con đường chưa từng đi, táo bạo, quảng đại. “Ông này là ai mà lại có quyền tha tội?" Một lần nữa trên mặt đất, trên con đường thập giá, Chúa là Đấng Cứu Độ của thế giới này. Chúng con không chỉ sống trên đó, mà còn được nhào nặn từ nó. Trên mặt đất, Chúa vẫn đang nhào nặn chúng con, như một người thợ gốm khéo léo.

Chúng con cầu nguyện: Chúng con là đất sét trong tay Chúa

Khi mọi thứ dường như không thể thay đổi, xin nhắc chúng con:
Chúng con là đất sét trong tay Chúa

Khi những xung đột dường như không có hồi kết, xin nhắc chúng con:
Chúng con là đất sét trong tay Chúa

Khi công nghệ đánh lừa chúng con về sự toàn năng, xin nhắc chúng con:
Chúng con là đất sét trong tay Chúa

Khi thành công làm chúng con xa rời mặt đất, xin nhắc chúng con:
Chúng con là đất sét trong tay Chúa

Khi chúng con lo lắng về vẻ bề ngoài hơn là trái tim, xin nhắc chúng con:
Chúng con là đất sét trong tay Chúa

Chặng thứ mười

Chúa Giêsu bị lột áo

Trích sách Gióp (1,20-22)

Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói :

“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ,

tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.

ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi :

xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!”

Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không tự cởi áo, nhưng bị người ta lột áo. Sự khác biệt này thật rõ ràng đối với chúng con. Chỉ ai yêu thương thật lòng mới có thể đón nhận sự trần trụi của chúng con bằng đôi tay và ánh mắt trìu mến. Còn chúng con lại sợ hãi những cái nhìn của kẻ không quen biết, những kẻ chỉ muốn chiếm đoạt.

Chúa bị lột áo và phơi bày trước mặt mọi người, nhưng Chúa đã biến ngay cả sự nhục nhã ấy thành sự thân tình. Chúa muốn tỏ mình gần gũi ngay cả với những kẻ đang hành hạ Chúa, nhìn họ như những người mà Chúa Cha đã trao phó cho Chúa. Ở đây không chỉ là lòng kiên nhẫn của ông Gióp, mà còn vượt xa cả đức tin của ông. Chúa, vị Hôn Phu đã để cho người ta bắt lấy, đụng chạm, và biến tất cả thành điều thiện.

Chúa để lại cho chúng con áo của Chúa, như di tích của một tình yêu chịu hao mòn. Chúng ở trong tay chúng con, vì Chúa đã ở với chúng con, đã ở giữa chúng con. Chúng con đã giữ lấy áo Chúa và giờ đây bắt thăm chia nhau, nhưng số phận ở đây không nghiêng về một người, mà là tất cả. Chúa biết rõ từng người, để cứu độ tất cả, tất cả, tất cả.

Và nếu Giáo Hội hôm nay dường như là chiếc áo bị xé rách, xin dạy chúng con biết dệt lại tình huynh đệ, được xây dựng trên ân sủng của Chúa. Chúng con là thân thể Chúa, chiếc áo không đường may của Chúa, là Hiền Thê của Chúa. Chúng con là tất cả cùng nhau. Vì ”phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn” (x. Tv 16,6).

Chúng ta cầu nguyện: Xin ban cho Giáo Hội Chúa bình an và hiệp nhất

Lạy Chúa Giêsu, Đấng thấy các môn đệ Chúa chia rẽ.
Xin ban cho Giáo Hội Chúa bình an và hiệp nhất

Lạy Chúa Giêsu, Đấng mang những vết thương của lịch sử chúng con.
Xin ban cho Giáo Hội Chúa bình an và hiệp nhất

Lạy Chúa Giêsu, Đấng biết rõ sự mong manh của những tình yêu chúng con.
Xin ban cho Giáo Hội Chúa bình an và hiệp nhất

Lạy Chúa Giêsu, Đấng muốn chúng con là chi thể trong thân thể Chúa.
Xin ban cho Giáo Hội Chúa bình an và hiệp nhất

Lạy Chúa Giêsu, Đấng mang lấy lòng thương xót.
Xin ban cho Giáo Hội Chúa bình an và hiệp nhất

Chặng thứ mười một

Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (23,32-34a)

Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người.

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. 34Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

Chẳng gì khiến chúng con sợ hãi hơn sự bất động. Vậy mà Chúa bị đóng đinh, bị cố định, bị khóa chặt. Nhưng Chúa không ở một mình: Chúa luôn cùng với người khác, ngay trên thập giá, Ngài vẫn tỏ mình là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Mạc khải không dừng lại, không bị đóng đinh.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa cho chúng con thấy rằng trong mọi hoàn cảnh, luôn có một lựa chọn phải làm. Đây là sự chóng mặt của tự do. Ngay cả trên thập giá, Chúa không bị vô hiệu hóa: Chúa quyết định vì ai mà Chúa ở đó. Chúa chú ý đến từng người bị đóng đinh cùng Chúa: bỏ qua những lời nhục mạ của một người, và đón nhận lời van xin của người kia. Chúa chú ý đến những kẻ đóng đinh Chúa, và biết đọc được tấm lòng của những ai không biết việc họ làm. Chúa hướng lên trời: Chúa muốn nó sáng tỏ hơn, nhưng Chúa xé toang bức màn tối tăm bằng ánh sáng của lời cầu bầu. Bị đóng đinh, nhưng Chúa chuyển cầu: Chúa đứng giữa các bên, giữa những kẻ đối nghịch. Và Chúa đưa họ đến với Thiên Chúa, vì thập giá của Chúa phá đổ những bức tường, xóa bỏ những món nợ, hủy bỏ những bản án, thiết lập sự hòa giải. Chúa là Năm Thánh đích thực. Xin biến đổi chúng con nên giống Chúa, lạy Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh nhưng có thể làm được mọi sự.

Chúng ta cầu nguyện: Xin dạy chúng con biết yêu thương

Khi chúng con còn sức lực và khi tưởng chừng đã kiệt quệ.
Xin dạy chúng con biết yêu thương

Khi chúng con bị trói buộc bởi những luật lệ hay quyết định bất công.
Xin dạy chúng con biết yêu thương

Khi chúng con bị chống đối bởi những kẻ không muốn sự thật và công lý.
Xin dạy chúng con biết yêu thương

Khi chúng con bị cám dỗ buông xuôi.
Xin dạy chúng con biết yêu thương

Khi người ta nói “chẳng thể làm gì nữa”.

Xin dạy chúng con biết yêu thương

Chặng thứ mười hai

Chúa Giêsu chết trên thập giá

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (23,45-49)

Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giê-su kêu lớn tiếng : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở.

Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng : “Người này đích thực là người công chính!” Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.

Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê ; các bà đã chứng kiến những việc ấy.

Chúng con đang ở đâu trên Núi Sọ? Dưới chân thập giá? Cách xa một chút? Hay xa hơn nữa? Hoặc có lẽ, như các tông đồ, chúng con đã không còn ở đó nữa.

Chúa trút hơi thở cuối cùng, và hơi thở này, cuối cùng cũng là đầu tiên, chỉ xin được đón nhận. Lạy Chúa Giêsu, xin uốn nắn đường đời chúng con hướng về hồng ân của Chúa. Xin đừng để hơi thở sự sống của Chúa bị tan biến.

Bóng tối của chúng con tìm kiếm ánh sáng. Đền thờ của chúng con muốn được mở ra mãi mãi. Giờ đây, Đấng Thánh không còn ở sau bức màn: bí mật của Chúa được trao ban cho tất cả. Viên đại đội trưởng đã nhận ra điều đó, khi quan sát cái chết của Chúa và nhận ra một sức mạnh mới. Đám đông từng la hét chống lại Chúa giờ đây hiểu được: từ xa xôi, họ gặp gỡ một tình yêu chưa từng thấy, vẻ đẹp khiến họ phải suy nghĩ lại.

Với những ai nhìn Chúa chết, lạy Chúa, Chúa cho họ thời gian để trở về và đấm ngực: đánh vào trái tim, để sự cứng cỏi của nó vỡ tan. Lạy Chúa Giêsu, với chúng con, những kẻ vẫn thường đứng nhìn Chúa từ xa, xin ban cho chúng con được sống tưởng nhớ đến Chúa, để một ngày kia, khi Chúa đến, ngay cả cái chết cũng thấy chúng con đang sống.

Chúng ta cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!

Chúng con đã giữ khoảng cách với những vết thương của Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!

Khi thấy người anh em ngã xuống, chúng con đã quay mặt đi.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!

Những người thương xót và có tinh thần nghèo khó có vẻ là kẻ thua cuộc.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!

Người tin và không tin cùng đứng trước Thánh Giá.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!

Cả thế giới đang tìm kiếm một khởi đầu mới.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!

Chặng thứ mười ba

Chúa Giêsu được tháo khỏi thập giá

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (23,50-53a)

Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành A-ri-ma-thê, một thành của người Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Ông hạ xác Người xuống.

Cuối cùng, thân xác Chúa nằm trong tay một người tốt lành và công chính. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang yên nghỉ trong giấc ngủ của sự chết, nhưng người mang Chúa là một trái tim đang sống, đã chọn lựa. Giuse không thuộc về những kẻ nói mà không làm. Phúc Âm kể lại: “Ông không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội đồng”. Và đó là một tin mừng: Chúa được ôm ấp, lạy Chúa Giêsu, bởi một người đã không theo ý kiến chung.

Người mang Chúa là người đã mang lấy trách nhiệm của mình. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang ở đúng nơi của mình, trong vòng tay của Giuse thành Arimathê, người "vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa". Chúa đang ở đúng nơi của mình giữa những ai còn hy vọng, giữa những ai không chịu nghĩ rằng bất công là không thể tránh khỏi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa phá vỡ chuỗi không thể tránh khỏi. Chúa phá vỡ những cơ chế tự động đang phá hủy ngôi nhà chung và tình huynh đệ. Chúa ban cho những ai mong chờ Nước Chúa sự can đảm để đối diện với quyền bính: như Môsê với Pharaô, như Giuse thành Arimathê với Philatô. Chúa trao cho chúng con những trách nhiệm lớn lao, Chúa làm chúng con trở nên táo bạo.

Như thế, Chúa đã chết nhưng vẫn trị vì. Và lạy Chúa Giêsu, với chúng con, phụng sự Chúa là trị vì.

Chúng con cầu nguyện: Phụng sự Chúa là trị vì

Khi cho kẻ đói ăn.
Phụng sự Chúa là trị vì

Khi cho người khát uống.
Phụng sự Chúa là trị vì

Khi cho kẻ rách rưới áo mặc.
Phụng sự Chúa là trị vì

Khi đón tiếp khách lạ.
Phụng sự Chúa là trị vì

Khi thăm viếng người đau yếu.
Phụng sự Chúa là trị vì

Khi thăm viếng tù nhân.
Phụng sự Chúa là trị vì

Khi chôn cất người chết.
Phụng sự Chúa là trị vì

Chặng thứ mười bốn

Chúa Giêsu được an táng trong mồ

Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (23,53b-56)

Ông lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng.

Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào.

Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.

Trong một hệ thống chẳng bao giờ ngưng nghỉ, lạy Chúa Giêsu, Chúa sống ngày sa-bát của Chúa. Các phụ nữ cũng sống ngày sa-bát, những người mà dầu thơm và thuốc thơm đã muốn nói về sự phục sinh. Xin dạy chúng con biết không làm gì cả, khi chỉ được yêu cầu chờ đợi. Xin giáo dục chúng con theo nhịp của đất, không phải nhịp của sự giả tạo.

Được đặt trong ngôi mộ, lạy Chúa Giêsu, Chúa chia sẻ thân phận chung của tất cả chúng con và chạm đến những vực thẳm khiến chúng con sợ hãi. Chúa thấy chúng con trốn chạy chúng thế nào, bằng cách nhân lên những hoạt động của mình. Chúng con thường xoay vòng trong hư không, nhưng ngày sa-bát chiếu sáng với ánh sáng của nó: nó giáo dục chúng con và đòi hỏi sự nghỉ ngơi.

Sự sống thần linh, sự sống đúng với tầm vóc con người, là sự sống biết đến sự bình an của ngày sa-bát. "Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho và cây vả của mình, không còn ai làm họ sợ hãi" (Mk 4,4), ngôn sứ Mikha đã tiên báo. Và Dacaria cũng nói: "Ngày ấy - sấm ngôn của Đức Chúa - mỗi người sẽ mời người lân cận đến ngồi dưới cây nho và cây vả của mình" (x. Dcr 3,10).

Lạy Chúa Giêsu, Đấng dường như đang ngủ giữa thế giới bão tố, xin đưa tất cả chúng con vào sự bình an của ngày sa-bát. Lúc ấy, toàn bộ công trình sáng tạo sẽ hiện ra trước mắt chúng con thật tốt đẹp, được dành cho sự phục sinh. Và sẽ có bình an trên dân Chúa và giữa mọi quốc gia.

Chúng con cầu nguyện: Xin cho bình an của Chúa ngự đến

Cho đất, không khí và nước.
Xin cho bình an của Chúa ngự đến

Cho người công chính và kẻ bất lương.
Xin cho bình an của Chúa ngự đến

Cho những ai vô hình và không có tiếng nói.
Xin cho bình an của Chúa ngự đến

Cho những ai không có quyền lực hay tiền bạc.
Xin cho bình an của Chúa ngự đến

Cho những ai mong chờ một mầm non công chính.
Xin cho bình an của Chúa ngự đến

Lời Nguyện Kết Thúc

“Laudato si', mi' Signore” – “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa của con”, Thánh Phanxicô Assisi đã ca lên. Trong bài ca tuyệt vời này, Chúa nhắc nhở chúng ta rằng ngôi nhà chung của chúng ta cũng giống như một người chị... Người chị này kêu than vì những tổn hại chúng ta gây ra cho mẹ đất (Thông điệp Laudato si', 1-2).

“Fratelli tutti” – “Tất cả anh em”, Thánh Phanxicô viết để gửi đến mọi người anh chị em và đề nghị một lối sống mang hương vị Tin Mừng (Thông điệp Fratelli tutti, 1).

"Người đã yêu thương chúng ta", Thánh Phaolô nói về Đức Kitô... để giúp chúng ta khám phá rằng không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu này (Thông điệp Dilexit nos, 1).

Chúng con đã đi qua Đàng Thánh Giá; chúng con đã hướng về tình yêu mà không gì có thể chia lìa. Giờ đây, khi vị Vua ngủ và một sự thinh lặng lớn lao bao trùm khắp mặt đất, chúng con nguyện xin ơn trở về với Chúa bằng chính lời của Thánh Phanxicô:

Lạy Thiên Chúa cao cả và vinh quang,
xin soi sáng vào bóng tối trong lòng con.
Xin ban cho con đức tin chân chính,
niềm hy vọng vững vàng,
tình yêu trọn hảo,
và lòng khiêm nhường sâu thẳm.
Xin ban cho con sự khôn ngoan và phân định
để thực hiện thánh ý Chúa. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây