Nhật ký thời Covid-19 (18)

Thứ hai - 13/12/2021 04:10 | Tác giả bài viết: Vũ Đình Bình |   310
Thánh lễ online sáng thứ Tư, 26.8.2020, Cha Giuse Bùi Công Chính mời gọi cộng đoàn dầu sống thăng trầm giữa thế gian vẫn luôn gắn bó với Chúa.

Nhật ký thời Covid-19 (18)

 
Ban Mê, ngày 26.8.2020

Báo Người Lao Động đưa tin (NLĐO) - Ngày 24-8-2020, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại tên đơn vị hành chính TP Qui Nhơn thành TP Quy Nhơn.

Theo UBND tỉnh Bình Định, ngày 3-7-1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 81/HĐBT về việc mở rộng và đổi tên thị xã Quy Nhơn thành TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 8-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, tỉnh Bình Định có đơn vị hành chính là TP Qui Nhơn.

Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị đổi tên đơn vị hành chính TP Qui Nhơn thành TP Quy Nhơn theo tên đã được thể hiện trong các quyết định thành lập và trên con dấu hành chính của địa phương đang sử dụng.

TP Quy Nhơn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. Tên gọi Quy Nhơn có từ năm 1602, khi chúa Nguyễn Hoàng đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn và coi đây là đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi tên phủ Quy Nhơn thành tỉnh Bình Định. Ngày 20-10-1898, vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn, là đô thị tỉnh lị của tỉnh Bình Định. Trong nhiều tài liệu, văn bản hành chính, từ điển tiếng Việt… vẫn dùng tên gọi Quy Nhơn, nhưng cũng có tài liệu, văn bản lại gọi là Qui Nhơn. (Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/binh-dinh-de-nghi-dieu-chinh-ten-qui-nhon-thanh-quy-nhon-20200824191021492.htm)

Trả lại tên cho Em.[1] Dù cái tên mới có “kêu” đến mấy, có giá trị đến mấy, người ta cũng muốn được gọi bằng cái tên khai sinh của mình, cái tên “cúng cơm” gắn bó suốt đời mình.

Thành phố Hồ Chí Minh là tên gọi chính thức từ tháng 7 năm 1976 khi được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đổi tên từ Sài Gòn. Hiện nay, tên gọi Sài Gòn vẫn được dùng phổ biến và được nhắc đến một cách rất thân thương khi nói về thành phố này.

Sankt-Peterburg (tiếng Nga: Санкт-Петербург; đọc là Xanh Pê-téc-bua, tiếng Anh: Saint Petersburg hay viết tắt là St. Petersburg, tiếng Pháp: Saint-Pétersbourg, tiếng Tây Ban Nha: San Petersburgo tức là “Thành phố Thánh Phêrô”) là một thành phố liên bang của Nga. Đây là thành phố lớn thứ nhì ở Nga và cũng là cố đô của Đế quốc Nga. Sankt-Peterburg nằm trên một loạt đảo nhỏ trong châu thổ sông Neva; con sông này thông với Vịnh Phần Lan, tạo vị thế hải cảng cho Sankt-Peterburg.

Trong khoảng thời gian từ năm 1924 đến 1991 dưới chính thể Liên Xô, Sankt-Peterburg mang tên Leningrad (tiếng Nga: Ленинград). Sau khi Liên Xô sụp đổ, địa danh ban đầu Sankt-Peterburg được dùng lại sau cuộc trưng cầu dân ý.

Buôn Ma Thuột là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam. Đây là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên và là đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam. Không có buôn nào có tên riêng là Buôn Ma Thuột. Có nhiều luận chứng từ phía người Ê đê bản địa là ông ama Thuôt tên là Y- Druôt (theo ghi chép của bà Linh Nga Niê Kdăm ghi lại từ già làng ở huyện Cư M’gar).

Ama Thuột có tên khai sinh là Y Mun H’Dơk. Y Mun H’Dơk sinh ra và lớn lên ở buôn Ky, nhưng lại được sắp đặt trong cương vị là khoa pin ea (người đứng đầu buôn) của buôn Ako Siêr, bởi vì, Y Mun H’Dơk đã được con gái của tù trưởng Ama Blơi (Y Ngut H’Dơk) mà thanh thế vang khắp vùng khi chưa có người Pháp đặt chân đến, cưới về làm chồng. Hai vợ chồng Y Mun không có con, không có người nối dõi, vì thế, họ đã nhận cháu mình là Y Thuột và H’ Tế thuộc dòng họ Niê Buôn Kmriêk của buôn Ako Siêr làm con nuôi, và cái tên Ama Y Thuột bắt đầu được dân làng gọi từ đây.

Những năm đầu Buôn Ma Thuột được xây dựng tại khu vực Buôn Kram, cạnh buôn Alê-A, Alê-B, ngày nay là thoải triền đồi khu vực ngõ cua đường Đinh Tiên Hoàng về nhánh suối Ea Tam. Thời kỳ Pháp đô hộ được đặt tên đô thị là Ban Mé Thuot, từ “Ban” bao hàm một nghĩa rộng, ví như “Ban” là đô thị các buôn, các buôn như khu vực nhỏ, ngang phường. Bản đồ thời kỳ 1905-1918-1930, “Ban” và “Buôn” được phân biệt rõ rệt qua tư liệu bản đồ lịch sử của người Pháp, qua thời Việt Nam Cộng Hòa phiên âm thành Ban Mê Thuột. Sau năm 1975, chính quyền mới gọi thành Buôn Ma Thuột, nên nhiều người suy diễn là có vị tù trưởng ama Thuột, dẫn đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng. Ngoài ra còn các cách gọi sai khác như (Bản Mế Thuột - Bản Mế Thuật, Buôn Ma Thuộc - Buôn Ma Thuật, Ban Mê Thuộc - Ban Mê Thuật), đều là cách gọi sai lệch thông tin về tên gọi của thành phố.

Trả lại tên cho Em. Đó là tựa đề tập 4 của bộ phim Biệt động Sài Gòn, bộ phim của điện ảnh Việt Nam tái hiện những sự kiện nổi bật của biệt động Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Phim miêu tả những cảnh chiến đấu ngoài chiến trường với súng vang, mìn nổ, khói lửa và thương vong, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ “nằm vùng”, thay tên đổi họ để hoạt động bí mật trong lòng địch. Các nhân vật trong phim đều có chung ước mơ khi hòa bình lập lại, xin hãy Trả lại tên cho Em.

Trên đây chỉ là những lượm lặt từ Wikipedia tiếng Việt;  Trong khuôn khổ Nhật ký thời Covid-19, không dám lạm bàn thêm. Nhưng nếu cô nào tên Lê Thị Thúy hay Đào Thị Thúy mà viết thành Thúi thì… thúi thật!!!

Bài Phúc Âm (Mt 23, 27-32) hôm nay, Chúa Giêsu lại tiếp tục khiển trách những luật sĩ và biệt phái giả hình cách nặng nề và gọi họ là những “nấm mồ tô vôi” bên ngoài đẹp đẽ mà trong thì đủ mọi thứ ô uế.

Những lời khiển trách của Đức Giêsu nhắm vào nhóm luật sĩ và biệt phái giả hình ngày xưa, cũng là lời nhắc nhở chúng ta hôm nay. Thói giả hình về đạo đức thời nào và ở đâu cũng có. Nó tạo ra một bầu khí dối trá trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Chính chúng ta, những người Kitô hữu, những người con của Chúa, vẫn bị cám dỗ giữ đạo bằng hình thức bên ngoài mà không thực lòng sống đạo trong tâm hồn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống thật tâm với lòng mình. Nhìn lại những công việc đạo đức, từ thiện của mình xem có thực tâm không, hay chỉ mang tính hình thức để đánh bóng bản thân giống những người luật sĩ và biệt phái giả hình khi xưa?

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con nhìn thấy bản thân con, và giúp con sống trung thực với chính mình, với Chúa và với anh em. Xin cho chúng con trở về với đời sống nội tâm thực sự, để chúng con nhận ra mình thấp hèn, cần phải khiêm tốn để được đón nhận hồng ân cứu độ của Chúa.

Thánh lễ online sáng thứ Tư, 26.8.2020, Cha Giuse Bùi Công Chính mời gọi cộng đoàn dầu sống thăng trầm giữa thế gian vẫn luôn gắn bó với Chúa.

Sau bài Tin Mừng (Mt 23, 27-32), Cha Giuse chia sẻ: Chúa Giêsu điểm mặt những điều giả hình. Giả hình là có vẻ công chính ở bên ngoài nhưng bên trong đầy sự gian ác.

Ngày nay người ta càng thích những đồ giả. Họ dùng những từ hoa mỹ để biện minh cho sự giả dối ấy. Đời sống đạo cũng chuộng hình thức bên ngoài hơn sống nội tâm. Chúa Giêsu nói: nếu chúng ta sống giả hình sẽ đánh mất chính mình và mối tương quan giữa Chúa và anh chị em.

Nhờ ơn Chúa mới có thể giúp chúng ta trở nên người con trung thực của Chúa, vậy chúng ta hãy cầu nguyện cho mình và cho anh em.

 

Vũ Đình Bình

 


[1] Tham khảo thông tin từ Wikipedia tiếng Việt;

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây