Danh dự và Trách nhiệm

Thứ bảy - 28/03/2020 03:07 |   656
Vào khoảng gần cuối năm học 1972, địa phận Banmêthuột mở ra một đợt trại dành cho các huynh trưởng Hùng Tâm Dũng Chí.
Danh dự và Trách nhiệm
DANH DỰ và TRÁCH NHIỆM
[31.08.2011 14:04]

DANH DỰ

Vào khoảng gần cuối năm học 1972, địa phận Banmêthuột mở ra một đợt trại dành cho các huynh trưởng Hùng Tâm Dũng Chí. Địa điểm: trường Vinh Sơn (bây giờ là nhà trẻ 10-3 đường Phan Chu Trinh). Thời gian: khoảng 3 - 4 ngày (thực sự trí nhớ bây giờ không nhớ rõ ngày tháng năm nào? chỉ biết chắc chắn trùng vào thời gian đại hội Thánh Thể địa phận, có cuộc rước Thánh Thể long trọng từ Nhà thờ chính tòa về Tòa giám mục).
 

Nhưng vấn đề đáng nói nằm ở phần sau đây:
 

Các chủng sinh LBT dù đang tu học, không liên quan gì tới Hùng Tâm Dũng Chí, nhưng quý Cha Ban giám đốc Chủng viện vẫn cử đi một nhóm để tham gia học hỏi, để hòa chung nhịp đập sinh hoạt với cộng đoàn dân Chúa. Nhóm chúng mình gồm 5 anh em lớp Vô Nhiễm và 3 anh em lớp Giuse. Trưởng nhóm là Thành gồ (Bùi Quang Thành), đang là niên trưởng đương nhiệm. Vai vác balô, tay xách nách mang đủ thứ nồi niêu xoong chảo, lều bạt. Đến nơi, cư dân Lê Bảo Tịnh nhập cuộc nhanh chóng. Sau khi Ban điều hành chia đất “thổ cư”, tất cả mọi người nhào vô dựng lều trại, dọn dẹp “nhà cửa”, sửa soạn bếp núc than củi. Những bài học về cuộc sống ngoài trời, các kỹ năng thao tác từ thắt nút dây đến kỹ thuật lều trại cổng chào đều được anh em áp dụng triệt để (thật may mắn những kỹ năng này chúng mình đã được học ở chủng viện, nhất là với Cha Bùi Trung Phong, một huynh trưởng hướng đạo xuất chúng... Ngoài ra, Cha giám luật Bùi Quang Đạo, Cha Nguyễn Văn Đậu, các Cha giáo đã tạo cơ hội để các chủng sinh tiếp xúc học hỏi với rất nhiều đoàn thể, phong trào... giúp cho anh em mình khi ra đời không có một chút mặc cảm tự ti nào.
 

Chuyện sinh hoạt trại thật là vui, còn nhớ cái lều ở sát lều mình là của các trưởng Gx Kim Mai, trong đó có nhiều cô rất đẹp, duyên dáng, dịu dàng, nói chuyện với họ mà quả tim tự nhiên thấy rung rung, tay chân lớ ngớ... Được một hai ngày đầu làm quen rồi, 2 bên cứ lấy cớ khi thì xin chút mắm muối, khi mượn cái nồi để có dịp qua lại. Quả là những ngày đáng nhớ, anh em học hỏi được nhiều điều. Đêm cuối trước khi bế mạc chia tay là đêm lửa trại, tất cả các nhóm đều phải góp 1 tiết mục văn nghệ, Định còm (Cha Nguyễn Ý Định) mới khều 7 anh em ra góc khuất để bày trò, Định còm vốn nổi tiếng là tay văn nghệ cừ khôi của chủng viện, thường là người viết kịch bản, kiêm đạo diễn, kiêm luôn diễn viên chính. Sau khi trình bày vở kịch ngắn sẽ diễn, mọi người mới đề cử Định còm làm cảnh sát bắt trộm, Tôn Hoàn (Cha Nguyễn Tôn Hoàn giờ đang ở Canada) nhập vai kẻ bị giật túi xách, còn ai đóng vai thằng trộm? Chẳng đứa nào chịu nhận, cuối cùng chỉ định ngay mình làm kẻ trộm cướp. Mặt mũi hiền lành thế này mà đóng vai kẻ gian ư? Đúng “kh`.” là ở chỗ đó!!! 3 đứa hùng hục tập luyện, nội dung vở kịch chẳng có gì đáng nói nhưng cái chính là hành động bắt cướp của viên cảnh sát (Định còm) quật ngã tên cướp cạn đem lại bình an cho mọi người, trọng tâm là thế võ quật ngã tên cướp, tụi mình học lóm của lớp hướng đạo sinh giỏi nhu đạo (judo) và một phần của vovinam nữa.
 

Đêm lửa trại vui nhộn, vang rộn tiếng cười, đến tiết mục của chủng viện Lê Bảo Tịnh ai cũng lắng nghe, dõi mắt xem như thế nào? Kịch bản diễn ra “y chang” lúc tập, chỉ khác với lúc tập là khi đuổi bắt giằng co giữa cảnh sát và kẻ cướp: kẻ cướp bị một thế võ hất văng lên trời như tên lửa đến lúc rơi xuống đầu cắm thẳng mặt đất, mà là đất trại nữa chứ! Cứng ơi là cứng! Đầu mình như bửa ra trăm mảnh, choáng váng bùng nhùng, mở mắt ra thấy mọi người chung quanh đều xoay tròn, đúng là quả đất tròn. Khi đó trong đầu mình chỉ thấy sao là sao… sao to sao nhỏ, sao lung linh, sao đủ màu sắc… Từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ thấy sao nhiều như thế! Gượng đứng dậy nhưng nào có được đâu? Nghe tiếng vỗ tay rào rào, mình gắng trấn tĩnh nhìn thấy thấp thoáng Định còm đang khuỳnh khuỳnh hai tay đi vòng quanh đống lửa (mặc dầu sau lớp áo thò tay đếm đủ 36 cái sườn…) Trời ạ! Cái thằng đau khổ đang nằm dưới đất lại chẳng ai màng đến… Nghe có giọng quen quen, chết rồi! mấy cô xứ Kim Mai ở sát lều mình: “Mấy ông nhà tu làm kịch hay quá! Ồ! Cái anh ốm ốm kia mà giỏi võ thật!”
 
 
Bất cứ giá nào cũng phải đứng dậy ngay vì danh dự Lê Bảo Tịnh (danh dự đây hiểu theo nghĩa vui thôi). Không lẽ cư dân Lê Bảo Tịnh mà nằm bẹp dí dưới đất mãi, ít ra phải đứng dậy mà chào khán giả chứ! Dùng hai tay chống lên với hết công lực, mình dần dần thẳng người lên được, giương mắt nhìn thì thấy tới ba bốn đống lửa trước mặt và cả hàng nghìn người đang nhảy múa…
 

Sau cú ngã đẹp đó, về chủng viện, trong đầu mình cứ có cái gì vo ve mãi thời gian dài; trước đây về học lực đứng trong tốp four (4) của lớp, bây giờ thỉnh thoảng mới lọt vào tốp ten; hồi đó mà có chụp mrai hoặc citi chắc bị chấn thương sọ não… Nhưng may mắn giờ này trở lại bình thường rồi!
 

TRÁCH NHIỆM           
 

Câu chuyện muốn nói đến ở đây với hai nhân vật chính là Trọng cò (Cha Lê Văn Trọng ở Úc) và Khoa ròm (Vũ đăng Khoa)… Biến cố năm 1975, khi bị đẩy ra tập trung nơi rừng cao su, các chủng sinh (7 lớp) phải lòn qua một khúc cây do bộ đội đặt ngang, ai cao to thì cùng với các Cha đi theo cán bộ vào rừng, chú nào thấp nhỏ được trả về nhà… Một ngày băng rừng lội bộ giữa cái nắng gay gắt của tháng 3, cộng với tiếng ì ầm đủ loại bom đạn và mùi thuốc súng cay xè làm khuôn mặt ai cũng hiện lên nét lo âu mệt mỏi, không biết sống chết thế nào?!
 

Trời đã chập choạng, tất cả được lệnh ngủ qua đêm dưới những gốc cà phê, gốc cây cao to rậm rạp. Thế nhưng trong tình trạng chộn rộn của chiến tranh, phía ngoài kia nhiều người dân đang di tản, đi tìm nơi tránh xa bom đạn. Đây là vùng xóm mới, gần rẫy cà phê của 2 gia đình Trọng và Khoa, nên 2 anh thuộc nằm lòng đường đi lối lại. Lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng Trọng và Khoa trườn dần ra gần mặt đường. Trọng bấm vào tay Khoa: “người quen đó kìa, có lẽ họ cũng đã nhận ra và có ý chờ đợi, hình như có ai đó giơ tay vẫy gọi…”.
 

Đầu óc Trọng cò và Khoa ròm rối như tơ vò, bị giằng co giữa 2 ý tưởng đi trốn và ở lại. Đi thì có thể thoát cảnh tù tội, còn nằm đây với các Cha, anh em thì ngày mai chỉ thấy một màu đen tối, nhưng nếu có ai bỏ trốn thì trong đoàn gồm các Cha và anh em chủng sinh sẽ lần lượt bị bắn bỏ, hồi chiều bộ đội đã dõng dạc tuyên bố như vậy.
 

Thật khổ! Đúng là:
 

Thân “Cò” lặn lội bờ ao.
 
Biết đi biết ở nơi nao bây giờ?
 
Thân “Ròm” lo lắng ngẩn ngơ
 
Tính lui tính tới cậy nhờ nơi ai?
 
Tấm lòng son sắt chẳng phai
 
Quyết tâm ở lại mặc ai vẫy mời!...
 

Vậy là 2 anh em quyết định ở lại, thế là đêm đó không có ai bị bắn bỏ. Cám ơn Trọng, cám ơn Khoa. Tinh thần trách nhiệm và hi sinh của hai anh thật đáng nể phục. Thế nên, giờ này gặp nhau ai cũng tay bắt mặt mừng.
 
Tk.Điệp
 

(Trong 2 câu chuyện trên có “đụng chạm” tới vài anh em, xin thông cảm, tất cả cũng để chúng ta nhớ đến nhau nhiều hơn).
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây