CHÈ ĐẬU ĐEN
Mình không nhớ chính xác năm đó học lớp 7 hay lớp 8 (đệ lục hay đệ ngũ) nhưng vấn đề nằm ở chỗ khi vào niên học mới được 1 - 2 tháng thì gần hết các chủng sinh (2 hoặc 3 lớp: Vô Nhiễm, Giuse, Truyền Tin) đều mắc phải dịch cúm. Phòng bệnh không còn chỗ chứa, mà hồi đó chủng viện đang trong bước khởi đầu, chưa có nhà ngủ, nhà ăn... đàng hoàng như sau này. Cả một không gian rộng lớn biến thành công trường xây dựng mà chúng mình ăn ở học hành trong điều kiện chưa được rộng rãi, thoải mái.
“Bỗng dưng muốn cúm!” cái bệnh nó đến dễ dàng và hay lây kinh khủng, mới sáng mai trong người mát mẻ dễ chịu, đến gần trưa rờ trán thấy nóng bừng, hai lỗ mũi thập thò 2 chú lươn, cổ đắng, rát và thay nhau ho như dàn kèn đồng hòa tấu. Người đau dẫn đến biếng ăn nhác học.
Các Cha, các Soeurs bóp trán suy nghĩ, thuốc uống vào không thấy effet - làm sao đây? không lẽ cả chủng viện biến thành bệnh viện ư? Rồi cũng không biết quý Cha tìm hiểu nơi đâu? hay có ai mách nước, mà nhà bếp được lệnh mua về hàng tạ đường, còn đậu đen thì nhiều vô số kể.
Ôi thôi! từ bữa đó: sáng đến trưa, trưa đến tối, anh em chủng sinh ăn chè đậu đen mệt nghỉ. Đúng sướng! chưa bao giờ ăn chè ngon và no như thế, nhà đông con mà! hơn nữa các Soeurs cứ ngồi bên dỗ dành: thêm nữa đi! hết chén này tiếp chén khác nhé! Loan ăn ít thế. Còn Thành gắng thêm đi con! bình thường con vẫn ăn 3- 4 đĩa cơm mà.
Câu chuyện có lẽ một số anh em không nhớ, nhưng với mình đó là một kỉ niệm đẹp khó quên. Trong cái khổ có cái sướng, trong nỗi buồn lại có niềm vui khi luôn được các Cha, các Soeurs tận tình chăm sóc. “Chén” hết nhiều nồi chè lớn mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Quyết định cuối cùng của BGĐ chủng viện (sau khi tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cúm là nhà còn mới quá, xi măng, hồ vôi chưa kịp khô hẳn) là cho các chủng sinh về với gia đình để tĩnh dưỡng, đổi khí và sau 2 tuần trở lại chủng viện, lúc đó bệnh cúm mới hết hẳn.
Năm học sau, cũng vào thời điểm tháng 9,10 nhiều anh cũng thấy nhớ nhớ nồi chè đậu đen, mà sao chờ mãi không thấy có đứa nào bị bệnh cúm hỏi thăm nữa cả!!!!?
MONG HÈ
Mùa hè năm ấy! lúc hoa phượng nở đỏ rực sân trường và tiếng ve sầu rả rích, làm ai cũng mang tâm trạng bồi hồi xao xuyến phần vì sắp rời bạn bè, mái nhà LBT yêu dấu, phần lại cảm thấy háo hức được đi nghỉ hè về với gia đình, sau bao ngày tháng vất vả, chăm chút tu luyện học hành.
Một trong những người phấn khích nhất là Phạm Trọng Đức (Vô Nhiễm). Đức vốn tính nghệ sĩ, tài hoa... nên cách chuẩn bị đón hè của chàng lãng tử này cũng rất đặc biệt, theo cách riêng. Trong một lần sorti-libre khi quay về chủng viện, Đức mang theo một chiếc xe đạp khung: tuy hơi cũ nhưng để tải đồ thì không thua gì những chiếc xe đạp hồi ở Điện Biên Phủ...
Ngày mai lên đường nghỉ hè rồi! đứa nào cũng rộn ràng thu xếp quần áo, sách vở, cái nào bỏ trên, vật gì để dưới! Chỉ có vậy mà nhiều anh cũng soạn đi soạn lại gần cả buổi mới xong. Tôi nghiệp nhất là những anh trong năm sống hơi “luộm thuộm”, giờ này thỉnh thoảng có đứa bạn vào giả vờ: Cha Giám đốc gọi... Trời ạ! nhiều đứa nước mắt rơi lả chả, giờ này nếu đúng thiệt Cha Giám đốc gọi coi như là tận số rồi: một đi không trở lại... và xin nói lời vĩnh biệt. Đúng tâm trạng tuổi học trò, dễ quên, dễ yêu, dễ giận, dễ vui...
Trở lại chuyện Trọng Đức, tối hôm đó là đêm cuối ở chủng viện trước khi đàn chim tung cánh về muôn phương. Năm nào cũng vậy, vẫn có những chú cuốn chăn màn và mọi thứ bỏ vào va-li từ chập tối... coi như đêm đó ngồi bó gối “canh thức” chờ trời sáng, và Cha Giám luật năm nào cũng phải đi dạo qua các giường nhắc nhở, bắt treo màn mùng vào và nằm ngủ. Còn Trọng Đức nhà mình cũng vậy! trước giờ cơm tối toàn bộ quần áo đồ đạc, sách vở được nhét đầy trong va-li, thùng giấy, xắc.... và chất lên xe. Mọi sự đã hoàn tất, Đức ngồi đong đưa chân, thong dong nhìn chiếc xe đạp chất cao nghi ngút. Công trình thế kỉ đấy! Nơi khóe mắt nụ cười có chút tự hào trong đó, và anh em ai đi qua cũng phải tấm tắc khen ngợi và thầm phục sáng kiến của Đức...
Mọi người đi ngủ, lẽ dĩ nhiên vẫn có một số thức chờ giờ chuông dậy... Đến nửa đêm bỗng “Ầm” một tiếng lớn như bom nổ, ai nấy tá hỏa tam tinh, có đứa ngái ngủ tưởng bị pháo kích... Lò dò dùng đèn pin soi (hồi đó chưa có điện lưới) ai dè: bánh sau chiếc xe đạp của Đức đã nổ tanh bành... và đống hành lý đồ sộ đổ ập xuống.
Chuyện sau đó ai cũng đoán được...! Mùa tựu trường năm học mới, Đức kể lại: phải dắt xe đạp đi mấy cây số mới thay lốp được, và đến trưa Đức là người cuối cùng rời chủng viện.
TK. Điệp