LO XA QUÁ

Thứ tư - 08/06/2022 03:59 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   470
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
LO XA QUÁ

LO XA QUÁ

Nước Kỷ có kẻ lo giời đổ, đất long thì thân mình không biết nương tựa vào đâu. Anh ta lo quá đến nỗi bỏ cả ăn, cả ngủ.

Có người thấy anh ta lo thế mà lo cho anh ta, mời đến giảng giải cho biết rằng:

- Giời chỉ là không khí chứa đầy lại mà thôi. Không chỗ nào là không có giời. Ta co, ruỗi, hút, thở suốt ngày ở trong vòng giời, thì còn gì mà lo giời đổ.

Anh ta nói:

- Giời mà quả là không khí, thì còn mặt giời, mặt giăng, các ngôi sao chẳng có lúc sa xuống ư?

Người kia lại giảng:

- Mặt giời, mặt giăng, ngôi sao cũng là một thứ ánh sáng ở chung quanh từng không khí, giá có sa xuống nữa, thì chẳng qua cũng là khí thôi có hại chi đến người.

Anh ta lại nói:

- Thế còn đất long lở thì làm sao?

Người kia lại giảng:

Đất là một khối rất to, đâu đâu cũng có đất cả. Ta thì đứng suốt ngày ở trên mặt đất thì lo gì đất lở mà không có đất.

Anh lo nghe hiểu ra mừng lắm. Anh đến giảng cũng thích, mừng lắm.

LIỆT TỬ

GIẢI NGHĨA

- Kỷ: nước nhỏ thời Xuân Thu sau phải nước Sở diệt mất tức là huyện Kỷ tỉnh Hà Nam ngày nay.

NHỜI BÀN

Liệt Tử đặt ra truyện này tuy về mặt Thiên văn không được hợp lắm với Lý khoa bây giờ, nhưng cái ý muốn dạy người phải đạt lý đừng có nghĩ quẩn lo quanh rất là sâu xa vậy.

Này ngay chính cái thân mình cũng chẳng phải của mình có, mà lo cho cái thân ấy còn thường khi không được như ý, thế mà đi lo giời đổ, đất long, thì anh người nước Kỷ cũng lo xa quá thật!

Hiền triết xưa đã ví giời đất như một cái nhà trọ nhớn, người ta chỉ là khách qua chơi đến trọ một thời. Nếu người khách ấy không chịu ngắm cảnh, không biết hiểu cái thú tự nhiên, cứ băn khoăn phiền bực, ăn chẳng ngon, nằm chẳng yên, lo đứng, lo ngồi, lo đêm, lo ngày, lo rằng cái nhà trọ kia nhỡ ra hư hỏng nát giật, thì chẳng đáng bật cười lắm hay sao!

Ở đời ai mà chẳng lo, song đem cái thân trăm năm mà lo cái việc vạn năm về sau thì cũng phiền lắm vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928

NHỜI BÌNH

Lo lắng

Có một người nông dân nọ, vốn dĩ anh ta sống rất vô tư, vô âu, vô lo, tự nhiên lại nghĩ: Nếu trời sập xuống thì làm thế nào? Thế là, ngày nào anh ta cũng sống trong lo âu, sợ hãi, hoảng loạn.

Trên thực tế, tương lai là một ẩn số, ai có thể dự đoán được chính xác ngày mai sẽ xảy ra điều gì? Nước vô hình, chuyện nhà binh vô định. Cuộc sống tràn ngập những biến số và những điều ta chưa biết. Dự đoán chúng trong nỗi bất an, chi bằng chú tâm vào cuộc sống hiện tại.

Nếu chúng ta mang một trái tim thuần khiết, cởi mở, lạc quan, bình tĩnh đối mặt với tương lai, thì mỗi khoảnh khắc hiện tại sẽ trở thành thời khắc đẹp nhất của đời người.

Hơn cả trời sập!

“Nói trời sập, đất long là chuyện hoang đường. Nói trời không sập, đất không long cũng là chuyện hoang đường.
Trời sập, đất long hay không chúng ta không biết.

Dù vậy, sập hay long là một khả năng. Không sập hay không long cũng là một khả năng, cũng như sống không biết chết thế nào; chết cũng không biết sống thế nào.

Ban đầu không biết kết thúc cuối cùng; kết thúc cuối cùng cũng không biết ban đầu. Cho nên trời sập hay đất long há phải lo canh cánh trong lòng” (Liệt Tử).

Anh bạn tôi nghe xong câu chuyện liền kêu “Không phải thế, không phải thế đâu… Tớ lo, là lo vợ tớ mà biết việc tớ mang sổ đỏ căn nhà đang ở đi thế chấp vay tiền ngân hàng chơi chứng khoán… mà nay chứng khoán đang tụt dốc, có khả năng mất trắng…”.

Ôi, vợ mà biết được thì còn hơn cả trời sập, hơn cả đất long!

Trời ơi là trời!

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây