TIỄN MỘT NHỜI NÓI

Thứ tư - 28/09/2022 05:35 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   378
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
TIỄN MỘT NHỜI NÓI

TIỄN MỘT NHỜI NÓI

Đức Khổng Tử ở nước Lỗ vào kinh đô nhà Chu, hỏi lễ ông Lão Đam, hỏi nhạc ông Thành Hoằng, xem xét cả giao xã, minh đường, cùng triều đình, tôn miếu.

Khi giở ra về, ông Lão Đam đưa chân có nói rằng: "Ta nghe người giàu sang tiễn người thì dùng của cải, người nhân hậu tiễn người thì dùng nhời nói. Ta tuy không được giàu sang, nhưng mang tiếng là người nhân hậu, vậy xin tiễn ngươi một nhời nói vậy.

Này, phàm kẻ đời nay, những người thông minh, sâu sắc, xét nét mà có khi thiệt mạng đều là kẻ hay chê bai, nghị luận tâm sự người ta cả; những người biện bác rộng rãi xa xôi mà có khi khổ thân đều là kẻ hay bới móc phơi bày tội lỗi người ta cả.

- Đức Khổng Tử nói: Vâng, xin kính theo nhời người dạy".

Khi đức Khổng Tử về đến nước Lỗ, đạo của ngài mỗi ngày một tôn, học trò của ngài mỗi ngày một đông.

"GIA NGỮ"

GIẢI NGHĨA

- Lỗ: tên một nước nhỏ, có tự đời nhà Chu, sau phải nước Sở diệt mất, ở vào phủ Duyện Châu và Bỉ Tứ tỉnh Sơn Đông ngày nay.

- Chu: tên chỗ kinh đô Thiên tử nhà Chu đóng.

- Lão Đam: tức là Lão tử, họ Lý, tên Nhĩ, tự là Bá Dương, tổ Đạo gia.

- Thành Hoằng: người đời nhà Chu, làm chức đại phu, sau có tội, bị giết.

- Giao: nơi vua tế giời và ngày đông chí, cho nên tế Giao tức là tế Giời.

- Xã: nơi vua tế đất về ngày hạ chí, cho nên tế Xã tức là tế Đất.

- Minh đường: nhà của nhà vua, đời cổ làm ra nhà ấy để bày tỏ công việc chính giáo, cùng làm những điều lễ nhớn.

- Triều đình: nơi thần hạ chầu vua, mà chính sự trong nước đều ở đấy mà ra cả.

- Tôn miếu: nhà thờ tổ tôn của vua.

- Tiễn: đưa chân ai đi đâu.

- Nhân hậu: có lòng thương yêu và rất tử tế.

- Thông minh: nghe hiểu ngay, trông biết ngay.

- Nghị luận: bàn bạc khen chê.

NHỜI BÀN

Khổng Tử có thực gặp Lão Đam không? Lão Đam có dám lên địa vị dạy Khổng Tử như câu trong bài này và Khổng Tử có phải đợi Lão Đam nói mới rõ cái nhẽ hàm trong câu ấy không? - Ta không biết. Nhưng bài này làm ra cũng có ý phơi bày cái học thuyết Khổng, Lão không giống nhau, có nhiều điểm lại như phản đối hẳn. Đây là nhời Lão Đam như có ý khuyên bảo Khổng Tử là người lúc bấy giờ hay đi chu du các nước định bày cái nhẽ trái, phải của vua các nước chư hầu, rằng nếu cứ nay đây mai đó như thế mãi thì có khi nguy đến tính mịnh. Câu cuối bài nói vì Lão Đam khuyên bảo như thế mà đạo của Khổng Tử được tôn hơn, học trò của Khổng Tử được đông hơn là vì Khổng thị biết nghe Lão thị, tự đó về chỉ chuyên có một mặt dạy học trò mà thôi.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928

NHỜI BÌNH
chưa có Nhời bình
(xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)     

THẮC MẮC        


GIẢ NHỜI

Này, phàm kẻ sĩ đời nay, những người thông minh, sâu sắc, xét nét mà có khi thiệt mạng đều là kẻ hay chê bai, nghị luận tâm sự người ta cả; những người biện bác rộng rãi xa xôi mà có khi khổ thân đều là kẻ hay bới móc phơi bày tội lỗi người ta cả.

Lời khuyên của Lão Đam thật chí lý, chí tình. Những kẻ hay bới móc phơi bày tội lỗi người ta rồi cũng sẽ bị người khác làm như thế cho họ.

Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.

Tấm vải bẩn thật” - Cô vợ thốt lên. “Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người chồng nhìn cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Thế là, vẫn cứ lời bình phẩm ấy thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.

Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”

Người chồng đáp: “Không. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây