NGHĨA VÀ BẤT NGHĨA

Thứ hai - 25/04/2022 22:03 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   1609
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
NGHĨA VÀ BẤT NGHĨA

NGHĨA VÀ BẤT NGHĨA

Nay có kẻ vào vườn người ta hái trộm đào mận, thì ai nghe thấy cũng chê cười, quan bắt được tất trừng phạt. Tại sao vậy? - Tại người ấy làm điều bất nghĩa, lấy của người mà làm lợi cho mình.

Kẻ vào nhà người ta bắt trộm gà, vịt, chó, lợn, so với kẻ vào vườn người ta hái trộm đào mận, thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? - Tại lấy của người càng nhiều, thì bất nhân càng lắm, tội càng nặng.

Kẻ vào chuồng người ta ăn trộm trâu, dê, ngựa, so với kẻ vào nhà người ta bắt trộm gà, vịt, chó, lợn, thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? Tại lấy của người càng nhiều, thì bất nhân càng lắm, tội càng nặng.

Kẻ giết người lương thiện, ăn cướp của cải đồ đạc của người ta, so với kẻ vào chuồng ăn trộm trâu, bò, dê, ngựa thì lại là bất nghĩa hơn nữa. Tại sao vậy? - Tại lấy của người càng nhiều, thì bất nhân càng lắm, tội càng nặng...  

Những việc như thế thiên hạ đều biết mà chê cười, cho là "bất nghĩa" cả. Đến như những việc bất nghĩa thậm tệ hơn nữa... thì thiên hạ không biết chê, lại ùa theo và khen ngợi mà cho là "nghĩa". Như thế thì có gọi được là biết phân biệt "nghĩa" với "bất nghĩa" hay không?

Giết một người cho là bất nghĩa, tất bắt một tội xử tử. Nếu cứ lấy lý này suy rộng ra, thì giết mười người là phạm mười điều bất nghĩa, tất phải chịu mười tội xử tử; giết một trăm người, là phạm một trăm điều bất nghĩa, tất phải chịu một trăm tội xử tử.

Những việc như thế, thiên hạ đều biết mà chê cười cho là bất nghĩa. Đến như những việc bất nghĩa thậm tệ hơn nữa, thì thiên hạ không biết chê, lại ùa theo và khen ngợi mà cho là nghĩa.

Thực không biết là bất nghĩa, cho nên mới cho là phải mà ghi chép vào sách để lại cho đời sau. Vì nếu quả biết là bất nghĩa, thì sao lại có ghi chép điều bất nghĩa mà để lại cho đời sau làm gì!

Nay có kẻ lúc thấy đen ít bảo là đen, lúc thấy đen nhiều lại bảo là trắng, thì ta cho kẻ ấy là người không biết phân biệt đen với trắng.

Lại có kẻ bảo nếm đắng ít cho là đắng, lúc nếm đắng nhiều cho là ngọt, thì ta cho kẻ ấy là người không biết phân biệt đắng, với ngọt.

Nay việc nhỏ mọn làm không phải, thì biết mà chê cười, việc to nhớn làm không phải, thì không biết chê, lại ùa theo và khen ngợi cho là nghĩa, như thế thì có gọi được rằng biết phân biệt nghĩa với bất nghĩa hay không? Thế mới biết thiên hạ bây giờ phân biệt nghĩa với bất nghĩa là nhầm lẫn cả.

MẶC TỬ

GIẢI NGHĨA

- Bất nghĩa: chẳng hợp nhẽ phải.

- Bất nhân: chẳng có lòng thương.

- Lương thiện: hiền lành không có làm điều gì trái lý, trái phép.

- Xử tử: bắt tội chết.

NHỜI BÀN

Tác giả vốn là một nhà kiêm ái nên cốt ý muốn công kích sự tranh đoạt mà khuyến khích người ta không nên hại lẫn nhau, vì đã có ý hại nhau tất chiếm đoạt của nhau, đều là có bụng tổn người để cầu lợi cho mình cả. Cho nên, muốn viện nhẽ gì để buộc tội ác cho người ta mà mua tiếng hay cho mình, thì cũng là bất nghĩa đáng chê cả. Thế mà ngán thay, thiên hạ đã không biết chê thì chớ, lại còn theo, còn khen, thực có khác nào như nối giáo cho giặc để tâng bốc những kẻ làm điều bất nghĩa lên không. Kẻ làm điều bất nghĩa thường vẫn sợ dư luận của thiên hạ, mà dư luận của thiên hạ nhầm lẫn đến thế, thì điều bất nghĩa ở đời càng mạnh, thật là ác hại càng tăng, biết bao giờ nhân tâm biến đổi mà ai nấy củng được hưởng cuộc Hoà bình? Kể từ đời Mặc Tử đến giờ xa cách bao nhiêu thế kỷ, mà nhân loại vẫn chỉ muốn nuốt lẫn nhau, kẻ khoẻ hiếp kẻ yếu, kẻ khôn lừa kẻ ngu, kẻ nhớn nạt kẻ nhỏ, số nhiều lấn số ít, xâu xé nhau, tranh cướp nhau, thực là đắm đuối trong các điều bất nghĩa đáng thương, đáng than thở vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH
Về câu chuyện Nghĩa và Bất Nghĩa trên đây, tác giả lập đi lập lại câu hỏi Tại sao vậy? và kết luận: Thế mới biết thiên hạ bây giờ phân biệt nghĩa với bất nghĩa là nhầm lẫn cả.
Xin mời Quý Vị đọc lại 3 vụ án và cùng suy gẫm:

Vụ án 1: Cướp bánh mì khi đói, 2 thiếu niên lĩnh án

Sau hai tháng tạm hoãn để điều tra bổ sung, hai thiếu niên cướp bánh mì ở Sài Gòn bị đưa ra xét xử.  
Ngày 20/7, TAND quận Thủ Đức (TP HCM) tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ huyện Củ Chi) 10 tháng tù, Ôn Thành Tân (cùng 18 tuổi) 8 tháng 20 ngày tù - bằng thời gian tạm giam - về tội Cướp giật tài sản.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo cấu thành tội Cướp giật tài sản. Trong đó Tân là người khởi xướng, Tuấn trực tiếp phạm tội nên phải chịu mức án cao hơn. 
 
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: H. Đông.
 
Cáo trạng xác định, trong thời gian được tại ngoại để điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản, Tuấn bỏ nhà đi lang thang. Khuya 17/10/2015 Tuấn gặp Tân, cùng chơi Internet tới sáng hôm sau thì rủ nhau đến nhà hàng ở quận Thủ Đức kiếm việc làm.
Trên đường đi cả hai đói bụng, không có tiền nên bàn cách vờ mua đồ ăn rồi bỏ chạy. Khoảng 12h, chúng đến tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức. Tuấn hỏi mua một bịch chuối sấy, ổ bánh mì ngọt và 3 bịch me. Khi chủ quán bỏ tất cả vào túi nylon thì cậu ta giật phăng, tăng ga bỏ chạy.
Nghe chủ quán tri hô, hai người đàn ông gần đó đuổi theo bắt Tân và Tuấn giao công an. Số hàng bị cướp giật có giá 45.000 đồng.
VKSND quận Thủ Đức sau đó truy tố Tân và Tuấn ở khung hình phạt 3-10 năm tù với tình tiết "dùng thủ đoạn nguy hiểm" cướp giật tài sản. Thời điểm phạm tội cả hai chưa thành niên. 
Hai tháng trước, TAND quận Thủ Đức trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, tội danh và khung hình phạt vẫn được giữ nguyên đối với 2 thiếu niên. 
Tại tòa hôm nay, các bị cáo cho rằng vì quá đói nên mới thực hiện hành vi, không biết là phạm tội. Tuấn và Tân xin giảm nhẹ hình phạt để được tiếp tục đi học.
Hải Duyên 
 
Vụ án 2: Xả súng tranh chấp đất rừng
Sáng 12-7, tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Nông, Tòa án Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ án hình sự đối với các bị cáo trong vụ xả súng tranh chấp đất đai tại Tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) khiến 3 người chết và 13 người bị thương vào ngày 23-10-2016.
Tham dự phiên tòa, ngoài các bị cáo, nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan còn có rất nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, ngoài việc kiểm tra gắt gao, hạn chế người ngoài tham dự phiên tòa thì HĐXX đã áp dụng hình thức xét xử mới nên việc tác nghiệp của phóng viên bị hạn chế. Đặc biệt, thư ký phiên tòa đã nghiêm cấm việc các phóng viên lên phía trên để chụp ảnh, quay phim phiên tòa cũng như các bị cáo.
https://cand.com.vn/Files/Image/vanthanh/2018/07/12/thumb_660_0285f708-0b36-4f8d-beb9-825aef406b8d.JPG
Bị cáo Đặng Văn Hiến bị tuyên án mức án tử hình ở phiên tòa sơ thẩm

Như trước đó, Báo CAND đã thông tin, trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 2 và 3-1-2018, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt các bị cáo Đặng Văn Hiến (42 tuổi, trú tại tỉnh Lạng Sơn) mức án tử hình; bị cáo Ninh Viết Bình (36 tuổi, trú tại tỉnh Thái Nguyên) 20 năm tù và bị cáo Hà Văn Trường (33 tuổi, trú tỉnh Lạng Sơn) 12 năm tù cùng về tội “Giết người”. Bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu (56 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH TN-ĐT Long Sơn) bị phạt 6 năm tù; Phạm Công Thiện (41 tuổi, trú tỉnh Vĩnh Long) 4 năm tù về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Riêng bị cáo Đoàn Văn Diện (38 tuổi, trú tỉnh Bình Phước) bị xử phạt 9 tháng tù về tội “Che dấu tội phạm”. Sau phiên tòa, các bị cáo đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng mức án phạt quá cao.
 
https://cand.com.vn/Files/Image/vanthanh/2018/07/12/thumb_660_c8687a70-e0bf-488c-8cad-ea7c9b5b0148.jpg
 
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay 12-7

Theo cáo trạng, năm 2008, Công ty TNHH TM-ĐT Long Sơn (Cty Long Sơn) được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000ha đất rừng tại Tiểu khu 1535 thuộc địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Tháng 6-2013, ông Sửu mua lại dự án này và làm Phó giám đốc công ty. Quá trình thực hiện dự án, Cty Long Sơn đã để một số hộ dân xâm canh, khiến hai bên xảy ra tranh chấp kéo dài nhưng chính quyền chưa giải quyết được.
Ngày 15-10-2016, ông Sửu gọi người của Cty Long Sơn chuẩn bị máy ủi, máy cày, áo giáp, lá chắn… để bảo vệ xe ủi, tiến hành ủi cà phê, điều của một số gia đình xâm canh. Đến khoảng 6h ngày 23-10-2016, ông Sửu và ông Thiện chỉ đạo các anh Lê Phi Thông, Dương Văn Tiến mỗi người điều khiển một xe ủi, anh Lê Thanh Phong lái xe máy cày, chở theo 30 nhân viên của Cty Long Sơn với áo giáp, khiên chắn, dao, gậy… tiến về khu vực rẫy của gia đình ông Hoàng Văn Thắng.
 
https://cand.com.vn/Files/Image/vanthanh/2018/07/12/thumb_660_67eb39ef-ffb7-4972-818d-ad70afe3a5ff....JPG
Các bị cáo được áp giải đến phiên tòa sáng nay 12-7

Sau đó, hai xe ủi đã phá hơn 330 cây trồng các loại của người dân. Lúc này, phát hiện người của Cty Long Sơn tiến về nhà mình, ông Hiến đã mang súng ra chặn lại. Khi hai bên cách nhau khoảng 5 mét, ông Hiến bắn chỉ thiên một phát. Tuy nhiên, nhóm công nhân đã dùng đá ném liên tiếp nên ông Hiến đã bắn thêm nhiều phát súng. Sau đó, ông Hiến và ông Ninh Viết Bình tiếp tục mang súng lên rẫy điều của ông Thắng, bắn vào nhóm công nhân của Cty Long Sơn. Hậu quả của vụ nổ súng khiến các anh Điểu Vinh, Điểu Tào và Dương Văn Tiến chết tại chỗ, 13 người khác bị thương mất từ 6-54% sức khỏe.
Sau khi gây án, Hiến cầm khẩu súng về vứt ở hiên nhà mình rồi lấy xe máy, tiền chạy ra bến Sa Rang cùng với Hà Văn Trường bỏ trốn sang nhà ông Trần Văn Lập (xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Còn Ninh Viết Bình đi theo vườn điều về nhà đem theo khẩu súng và 2 vỏ đạn vứt xuống suối rồi đi làm như chưa có chuyện gì xảy ra.
 
https://cand.com.vn/Files/Image/vanthanh/2018/07/12/thumb_660_296c4fa3-590e-4bbf-9a0b-df5b5aaea897.jpg
An ninh được thắt chặt tại phiên tòa

Riêng ông Hiến và Trường sau khi đến nhà ông Lập đã gặp Đoàn Văn Diện cùng một số người trong gia đình Diện. Trong lúc ăn cơm, Hiến có nói cho mọi người biết, mình vừa gây ra vụ việc trên và muốn bỏ trốn một thời gian sẽ tìm cách ra đầu thú. Sau đó ông Hiến nhờ Diện cầm sim điện thoại của mình đến khu vực huyện Bù Đăng, lắp vào máy gọi vào tổng đài 900 để đánh lạc hướng Cơ quan công an nhằm dễ bề lẩn trốn. Sau đó Diện còn đưa ông Trường về nhà mình lẩn trốn một thời gian. Diện bị cơ quan công an khởi tố về tội “Che giấu tội phạm” nhưng cho tại ngoại. Ông Hiến khai mình nhờ Diện đánh lạc hướng công an là để tìm cơ hội đầu thú…

Văn Thành


Vụ án 3: Phiên tòa xét xử một vụ ăn trộm bánh mì ở New York năm 1935

Một buổi tối lạnh lẽo tháng 1/1935 tại một phường khó khăn nhất thuộc thành phố New York, một phiên tòa nhanh diễn ra. Bị cáo là một phụ nữ rách rưới, bị buộc tội ăn trộm một ổ bánh mì. Khuôn mặt bà âu sầu, ẩn ước vẻ xấu hổ.

Quan tòa hỏi: “Bị cáo, có đúng là bà đã ăn trộm bánh mì không?”

Người phụ nữ cúi đầu và lúng túng trả lời: “Đúng vậy! Thưa quan tòa, tôi thực sự đã ăn trộm bánh mì!”

Quan tòa lại hỏi: “Động cơ ăn trộm bánh mì của bà là gì? Có phải vì đói khát không?”

“Đúng ạ!” Người phụ nữ ngẩng đầu lên, đôi mắt nhìn vị thẩm phán và nói: “Đúng là tôi đói. Con rể đã bỏ rơi gia đình, con gái tôi thì bị bệnh còn 2 đứa cháu nhỏ đang chết đói. Chúng đã mấy ngày hôm nay không được ăn rồi. Tôi không thể trơ mắt nhìn chúng chết đói được, chúng vẫn còn quá nhỏ!”

Nghe người phụ nữ nói xong, mọi người xung quanh bắt đầu lầm rầm những tiếng bàn tán.

Tuy nhiên, người chủ cửa hàng nơi bị trộm bánh mì thì không đồng ý tha thứ. “Đây là một vùng kém an ninh, thưa Ngài,” ông nói. “Bà ấy phải bị trừng phạt để làm gương cho những người khác.”

Vị quan tòa thở dài, nhìn về phía người phụ nữ và nói: “Bị cáo, tôi phải làm việc theo lẽ công bằng, chấp hành theo pháp luật. Bà có hai lựa chọn: nộp phạt 10 đô la hoặc chấp nhận bị giam 10 ngày.”

Vị quan tòa này thực chất là thị trưởng của thành phố New York khi đó, ông Fiorello LaGuardia. Sau khi đọc tuyên án trên, ông đồng thời cũng đưa tay vào túi, lấy ra một tờ tiền và thả vào chiếc mũ của mình. Ông nói lớn, “Đây là 10 đô la mà tôi sẽ trả cho án phạt này. Ngoài ra tôi phạt mỗi người trong phòng xét xử này 50 cent, đó là số tiền phạt cho sự thờ ơ của chúng ta khi ở cùng khu phố mà lại để cho một người phụ nữ phải đi ăn trộm bánh mì về nuôi cháu. Ông Baliff, hãy đi thu tiền và đưa tặng cho bị cáo.”

Ngày hôm sau, tờ báo thành phố New York đưa tin đã có 47,5 đô la được gửi đến cho người phụ nữ khốn khó kia. 50 cent trong đó là do người chủ cửa hàng tạp hóa đóng góp, ngoài ra còn có khoảng vài chục bị cáo khác đang chờ xét xử, và các cảnh sát có mặt khi đó, họ đều vinh hạnh được đóng góp 50 cent và đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt.

Mark Twain từng nói rằng: “Lương thiện là một loại ngôn ngữ phổ quát của thế giới, nó có thể khiến cho người mù cảm nhận được và người điếc nghe thấy được.” Khoản tiền phạt mà mọi người thành tâm nộp đã cho thấy: “lương thiện” không chỉ là một loại phẩm chất đối lập với sự lạnh lùng, gian trá, tàn nhẫn và tư lợi, mà còn là một loại khế ước về tinh thần. Con người đến thế gian này, với tư cách là một phần tử trong xã hội, là tự nhiên đã có một bản hợp đồng với xã hội. Hợp đồng đó chính là: Không bán rẻ lương tri.

Lòng người chỉ có hướng thiện mới có thể được ánh mặt trời chiếu rọi. Người hiểu được khế ước lương tri chính là người cao quý. Còn người sáng suốt thì biết được rằng họ sẽ phải trả giá đắt cho sự thờ ơ. (nguồn: internet).

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây