Ca-na - nhớ Mẹ Maria…

Thứ bảy - 18/01/2025 04:55 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   10
“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (x.Ga 2, 5).

Chúa Nhật II – TN – C
Ca-na - nhớ Mẹ Maria…

tbd180125a


Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: “Đức Chúa Giêsu có hai bản tính: một là bản tính Đức Chúa Trời, hai là bản tính loài người. Hai bản tính ấy kết hợp trong một Ngôi duy nhất là Ngôi thứ hai Đức Chúa Trời.”

Vì có bản-tính-loài-người, thế nên Đức Giê-su “sống như người trần thế”. Đó là lý do Ngài thấu hiểu những gì gọi là đau khổ, là buồn vui trong cuộc sống của con người. Do vậy, cuộc sống của con người (đặc biệt là dân Do Thái), luôn nhận được sự quan tâm của Ngài.

Thật vậy, trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su, ngoài việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Ngài còn quan tâm đặc biệt đến những ai đau khổ buồn phiền. Chính vì thế, “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt… Người đã chữa họ.”

Mà, đâu chỉ là những nỗi buồn phiền vì ốm đau, bệnh hoạn, tật nguyền! Còn đó là những nỗi buồn phiền “không tên”. Một bữa tiệc cưới tại Ca-na, không may “hết rượu”, cứ sự thường thì chủ tiệc cưới là người chịu trách nhiệm giải quyết, ấy thế mà… thế mà Đức Giê-su lại là người lo toan.

Đức Giê-su đã lo toan. Ngài đã biến nỗi buồn-hiu-hắt-buồn của chủ tiệc cưới, thành niềm vui bất tận. Câu chuyện đầy tình thân ái này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an, với tiêu đề “Tiệc cưới tại Ca-na” (Ga 2, 1-11).

**
Câu chuyện được thánh sử Gio-an ghi lại như sau: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na, miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.” (Ga 2, 1-2).

Nhìn khung cảnh quan khách vui vầy quanh bàn tiệc với những tiếng cười hoan hỉ, ai cũng thầm nghĩ, chắc hẳn bữa tiệc hôm nay sẽ là một bữa tiệc tràn ngập niềm vui.

Thế nhưng, thật không may, trong khi đôi tân hôn, đón nhận những lời chúc: “Mừng đôi uyên ương. Xây tổ ấm trên cành yêu đương”, với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Thì ngược lại, khuôn mặt “thân mẫu Đức Giê-su” lại có vẻ như băn khoăn lo lắng. Đúng! Đức Maria băn khoăn lo lắng, vì Mẹ “thấy thiếu rượu.”

Rượu, đó là một thứ cần thiết trong đám cưới ở bất cứ thời đại nào. Việt Nam có câu: “Vô tửu bất thành lễ”. Với người Do Thái, thì sao! Thưa, phải nói là “tối cần thiết”.

Tối cần thiết là bởi, theo phong tục của người Do Thái, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm gở, đôi tân hôn chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Chưa hết, người Do Thái, trong việc sinh hoạt ăn uống hàng ngày, họ không uống nước, kể cả nước ngọt, lẫn bia. Họ uống rượu, một loại rượu được ép từ trái nho.

Cũng là người Do Thái, Mẹ Maria thấu hiểu điều này. Thế nên, khi-thấy-thiếu-rượu, chuyện kể rằng: “Thân mẫu Đức Giê-su nói với Người, rằng: Họ hết rượu rồi.”

Họ hết rượu sao! Đức Giê-su, với bản tính loài người, có lẽ cũng thoáng một chút băn khoăn. Nhưng, thực tế Ngài chỉ là khách mời. Do vậy, Đức Giê-su trả lời rằng: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?”

Đừng vội cho rằng Đức Giê-su trả lời như thế là thiếu lễ phép! Vâng, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, đã giải thích câu trả lời của Đức Giê-su, như sau: “Thưa bà” có nghĩa là: Đức Maria sẽ là Mẹ các tín hữu. “Can gì đến”: đó là lối nói sê-mít để tỏ thái độ không muốn can thiệp.” (nguồn: sách Kinh Thánh Tân Ước).

Đúng. Đức Giê-su chỉ là khách mời, việc Ngài không muốn can thiệp là điều khôn ngoan. Nhưng, vì có bản tính Thiên Chúa, một Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giê-su (rồi cũng sẽ) can thiệp. Còn ngay bây giờ ư! Vâng, Ngài đã trả lời (cũng rất khôn ngoan), rằng: “Giờ của tôi chưa đến.”

Thế nên, chẳng có gì phải “càm ràm” về những lời đối đáp giữa thân mẫu Đức Giê-su và Ngài. Thì đấy! Mẹ Maria đâu có càm ràm! Ngược lại, thấu hiểu lời con mình nói, “thân mẫu Người nói với gia nhân: Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (x.Ga 2, 5).

Vâng, dù đã thoái thác, nhưng khi Đức Giê-su thấy “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.” Thế là, Ngài bảo nhóm gia nhân: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!”

Tiệc cưới thiếu rượu đâu có thiếu nước! Thế mà Đức Giê-su lại truyền lệnh “đổ đầy nước vào chum”! Lệnh truyền này chẳng phải là một lệnh (lạc), sao! Tuy nhiên, nhóm gia nhân (có phần chắc nhớ đến lời Mẹ Maria căn dặn), nên vẫn tuân theo chỉ thị của Đức Giê-su “Họ đổ đầy tới miệng”. (Tất nhiên là cả sáu chum).

Sau khi công việc đổ nước hoàn tất, Đức Giê-su nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Không chậm trễ, “họ liền đem cho ông (ta)” Ngạc nhiên thay! “Khi người quản tiệc nếm thử, nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết)” (x.Ga 2, 9).

Ông quản tiệc, thánh Gio-an kể tiếp: “…mới gọi tân lang lại và nói: Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà say mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến bây giờ”. “Tân lang”, không thấy thánh sử Gio-an nói anh ta phản ứng ra sao, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, chắc hẳn anh ta cũng ngạc nhiên không kém!

Sự kiện vô tiền khoáng hậu này, đã xảy ra trong một bữa tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Tông đồ Gio-an là người cũng tham dự và ngài đã có lời ghi lại, rằng: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người.” Ngài tông đồ còn thêm một chi tiết rất quan trọng, đó là: “Các môn đệ đã tin vào Người.”

***
Như đã nói ở trên, câu chuyện này được ghi trong Tin Mừng thánh Gio-an, với tiêu đề “Tiệc cưới tại Ca-na.” Có thể nói rằng, những gì đã xảy ra trong bữa tiệc cưới hôm ấy, là ước mơ không của riêng ai.

Rất, rất đáng để chúng ta ước mơ. Bởi vì, Đức Giê-su đã thể hiện một tình yêu quảng đại và tràn trề cho đôi tân hôn, mà không phải “muốn là được.”

Thì đây, chúng ta hãy nghe các nhà nghiên cứu về lịch sử nói về Ca-na. Ca-na vào thời điểm đó, chỉ là một thị trấn nhỏ. Người ta ước tính rằng, thực khách được mời, nhiều lắm cũng chỉ khoảng sáu bảy chục khách, tính luôn Nhóm Mười Hai, Đức Giê-su và Mẹ Maria.

Với sáu chum đá, chứa khoảng tám chục đến một trăm hai mươi lít, “tính đổ đồng” cũng được khoảng sáu trăm lít rượu. Quá đủ… quá đủ để thực khách cùng nhau lớn tiếng: “Xin mời anh nâng ly cùng tôi. Nào ta cùng uống.”

Như thế, chẳng phải tình yêu của Đức Giê-su “quảng đại và tràn trề”, đó sao!

Tuy là vậy, nhưng tình yêu của Đức Giê-su nào chỉ có dừng lại ở Ca-na! Không, tình yêu của Đức Giê-su là một tình yêu hải hà… “hải hà đến nỗi nó bao trùm tất cả mọi người trong giao ước mới”.

Cha Charles E.Miller đã say sưa chiêm ngưỡng tình yêu của Đức Giê-su, được thể hiện trong bữa tiệc cưới Ca-na, để rồi một nguồn cảm hứng đã đến với ngài, qua lời chia sẻ nêu trên.

“Rượu mới trong bữa tiệc…” Cha Charles nói tiếp: “…chẳng những dồi dào, mà còn rất ‘chất lượng’. Người quản tiệc lưu ý tân lang ‘(sao) anh lại giữ rượu ngon mãi đến bây giờ (mới chịu dọn ra)?’ Trong kỷ nguyên Ki-tô giáo, Thiên Chúa cũng đã giữ lại cho chúng ta thừa mứa các loại rượu hảo hạng trong giao ước mới của Người.”

Đúng vậy. Khi “Giờ của Người” đến. Giờ Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Một bữa tiệc đã được dọn ra. Đức Giê-su chính là chủ tiệc. Tại bữa tiệc này, Ngài không lấy nước hóa thành rượu. Ngài biến đổi bánh và rượu thành “Mình và Máu Thánh Chúa.”

Đó… đó chính là loại-rượu-hảo-hạng-trong-giao-ước-mới-của-Người.

****
Từ bữa tiệc cưới Ca-na năm xưa, mỗi bữa tiệc cưới của chúng ta (hoặc con cháu chúng ta) hôm nay, cũng phải là một bữa tiệc của tình yêu quảng đại và tràn trề, một sự quảng đại và tràn trề mà Chúa Giê-su đã đem đến cho tất cả mọi người.

Để có thể thể hiện tình yêu quảng đại và tràn trề, Cha Charles E.Miller có lời khuyên rằng: “Mỗi đôi hôn phối tận hiến cho nhau phải khiến ta liên tưởng đến ‘lòng chung thủy’ của Thiên Chúa.”

Vâng, quả là một lời khuyên chí tình, chí lý. Bởi vì, khi liên tưởng đến “lòng chung thủy” của Thiên Chúa, nó sẽ là nguồn cảm hứng để chúng ta gửi “thiệp mời”, mời Đức Giê-su (tất nhiên là cũng mời) mời thân mẫu của Ngài, đến tham dự tiệc cưới của chúng ta.
Mà, cho dù chúng ta không tổ chức tiệc cưới, thì đó cũng chẳng phải là lý do để chúng ta không “mời”. Vâng, chúng ta có thể mời Đức Giê-su và Mẹ Maria đến dự bữa tiệc riêng tư, tại nhà chúng ta.

Thật ra, có nằm mơ chúng ta cũng chẳng có cơ hội “đưa thiệp mời” cho Đức Giê-su. Tại sao? Thưa, Ngài chính là người đưa thiệp mời cho chúng ta.

Chúng ta không chỉ nhận được thiệp mời, từ Đức Giê-su, một lần duy nhất trong đời. Nhưng là mỗi ngày và mỗi tuần. Tham dự thánh lễ, mỗi ngày và mỗi tuần, đó là chúng ta phúc đáp “thiệp mời” của Đức Giê-su. Trong thánh lễ, Đức Giê-su, qua lời mời gọi của linh mục chủ lễ, mời chúng ta “đến dự Tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Ngoài thánh lễ, không đợi chúng ta mời, Đức Giê-su đã đứng trước cửa ngôi nhà (tâm hồn) của mỗi chúng ta. Ngài đứng và lớn tiếng gọi chúng ta, tiếng gọi rất rõ ràng, rằng: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 2, 20).

Xưa, đôi tân hôn ở Cana miền Ga-li-lê đã “dùng bữa” với Đức Giê-su, và Đức Giê-su đã “dùng bữa” với đôi tân hôn. Kết quả là “Đức Giê-su đã làm dấu lạ.” Ngài đã làm dấu lạ hóa giải những nan đề “suýt” làm cho đôi tân hôn mất mặt với thực khách, mắc cỡ với bà con lối xóm.

Với chúng ta hôm nay, chắc hẳn ai cũng có rất nhiều vấn đề nan giải, những nan giải đè nặng lên thể xác lẫn tâm hồn của mỗi chúng ta. Thế nên, hãy mở cửa, cánh cửa ngôi nhà gỗ đá, cũng như cánh cửa ngôi nhà tâm hồn của chúng ta. Mời Giê-su vào “dùng bữa”.

Đức Giê-su sẽ vào như lời đã hứa. Đức Giê-su không đi với hai bàn tay trắng. Ngài sẽ mang đến cho chúng ta sự bình an, niềm hoan lạc, sự hy vọng và tình yêu thương.

Đức Giê-su, khi đến “nơi các môn đệ ở”, Ngài đã chẳng từng chúc lành: “Bình an cho anh em”, đó sao! Hai lần đến và ba lần chúc: “Bình an cho anh em”. Tông đồ Gio-an đã xác nhận điều này. (x.Ga 20, 19-29).

Còn… còn Mẹ Maria nữa chứ! Hãy mời Mẹ Maria. Bởi vì… bởi vì Mẹ chính là “Mẹ Hằng Cứu Giúp”.

Nếu xưa kia tại tiệc cưới Cana, Mẹ Maria là người “giúp” nhà đám thông báo cho Đức Giê-su biết, biết “họ hết rượu rồi”, kết quả ra sao, chúng ta đã biết.

Thì, hôm nay Mẹ cũng chính là người “giúp” chúng ta, thông báo cho Đức Giê-su biết, biết những nan đề mà chúng ta đang phải vật lộn giữa “Chốn ba đào nhiều phen nguy biến. Quanh chúng (ta) quỷ ma chực liên”, nhờ đó Con Mẹ sẽ ban cho chúng ta “Ban sức thiêng giúp (ta) vững bền”.

Hãy nhớ rằng, lời Mẹ “nói giúp”, ngày hôm nay chúng ta gọi là “cầu bầu”, luôn được “Người (Chúa) đoái thương nhìn đến” (x.Lc 1, 48).

Nói… nói tới điều này, cảm động muốn khóc! Vâng, rất nhiều người, trong đó có tôi, được Mẹ “nói giúp”, và kết quả, Chúa-đã-đoái-thương-nhìn-đến.

Ca-na hôm nay không còn là một thị trấn nhỏ. Ca-na hôm nay không còn bị lãng quên. Nhắc đến Ca-na, nhớ đến tình yêu của Thiên
Chúa. Nhắc đến Cana, phải nhớ đến Mẹ Maria.

Nói ngắn gọn: Cana - nhớ Mẹ Maria.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây