Rửa sạch quyền hành

Thứ tư - 16/04/2025 00:01 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   13
Hành vi Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly là một biến cố làm đảo lộn mọi quan niệm về quyền hành, lãnh đạo và tình yêu.
Chua Rua Chan cho Phero
Chua Rua Chan cho Phero

Rửa sạch quyền hành


 

Hành vi Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly là một biến cố làm đảo lộn mọi quan niệm về quyền hành, lãnh đạo và tình yêu. Ngài không chỉ cúi xuống như một người đầy tớ, mà còn làm hành động ấy như một vị Vua, một Thiên Chúa cúi mình phục vụ chính những môn đệ của mình, những vị khách quý của Nước Trời.

Rửa sạch cái quyền – Quyền để phục vụ
Theo phong tục Do Thái, khi có khách đến nhà, chủ nhà thường lấy nước để khách tự rửa chân. Nếu khách rất quý, chính chủ nhà sẽ cúi xuống rửa chân cho người ấy. Nhưng Đức Giêsu đã đảo ngược tất cả: Ngài, vị Thầy, lại rửa chân cho các môn đệ, những người học trò bình thường. Phêrô bối rối: “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Nhưng chính trong thắc mắc ấy, Đức Giêsu mặc khải một chân lý sâu xa: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy.”

Rõ ràng, quyền bính trong Nước Trời không dành để thống trị, mà để phục vụ. Nếu quyền không làm cho con người sống phong phú hơn, thì quyền ấy trở nên lạm dụng, gây chết chóc và chia rẽ.

Rửa sạch những chiếm hữu – Tẩy rửa ích kỷ
Trần thế này không phải là tất cả. Chiếm hữu càng nhiều, con người càng bị trói buộc và xa rời sự sống thật. Bàn chân bẩn là hình ảnh của những hành trình bị vấy bẩn bởi tham vọng, quyền lợi cá nhân và sự chiếm đoạt. Rửa chân là hành vi thanh tẩy khỏi lòng tham, khỏi ước muốn chiếm hữu quá đáng – vì chiếm hữu là nền tảng của loại trừ. Rửa sạch chiếm hữu là để sự sống được sẻ chia và cùng nhau bước vào hiệp thông.

Rửa sạch các mối tương quan – Sống tình yêu thương
Chúa Giêsu đã để lại di chúc thiêng liêng trong bữa Tiệc Ly: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Hành động rửa chân chính là hình ảnh cụ thể và sống động của tình yêu ấy. Chỉ khi các mối tương quan được rửa sạch khỏi ganh ghét, ích kỷ, nghi kỵ… thì con người mới có thể sống yêu thương thật sự, và từ đó bước vào hiệp thông đích thực.

Rửa chân là hành động mang nhiều tầng ý nghĩa: đó là rửa sạch cái quyền, rửa sạch lòng chiếm hữu, và rửa sạch các mối tương quan – để quyền trở thành phương tiện phục vụ, để chiếm hữu trở thành chia sẻ, và để mối quan hệ trở thành tình yêu chân thành. Chúa Giêsu không rửa chân để thực hiện một nghi thức, mà để mời gọi chúng ta rửa sạch chính mình, để có thể cùng Ngài bước vào bữa tiệc Nước Trời.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây