Dám nhận trách nhiệm
Cuối cùng, vấn đề trách nhiệm cũng là vấn đề không thể né tránh. Chúa Giêsu bị bắt, bị giết. Ai là người chịu trách nhiệm?
Philatô rửa tay, đổ lỗi cho người Do Thái. Các thượng tế, kinh sư bán trách nhiệm cho Giuđa. Giuđa đau khổ nhận tất cả trách nhiệm về mình. Ít ra anh cũng là một con người hơn những kẻ quyền thế khác không nhận trách nhiệm của mình gây ra.
Anh Giuđa nhận ra sai lầm của mình và nhận trách nhiệm. Là Philatô, người có quyền còn có “cái miệng nhà quan có gang có thép” đổ tội cho người khác. Nhóm đặc quyền, đặc lợi, họ chỉ biết quyền lợi thôi chứ còn lương tâm trách nhiệm thì không.
Anh Giuđa còn lương tâm nhận ra tội lỗi của mình, còn biết xấu hổ với việc mình làm, trốn tránh với mọi người vì mặc cảm tội lỗi. Anh cũng còn liêm sỉ không đứng chung vào hàng ngũ những người đặc quyền, đặc lợi. Anh cũng chẳng đứng chung với nhóm người la to lên án người vô tội trở thành kẻ có tội, chết thay cho họ. Kẻ la to bao giờ cũng chiến thắng, với những người thật thà thường hay im lặng chịu đựng. Buồn quá!
Tiếc cho anh Giuđa, vì mặc cảm tội lỗi quá lớn, anh không còn nhìn thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, anh cứ theo cách thế tự xử của mình về trách nhiệm. Trả lại ba mươi đồng bạc, rồi ra đi tự tử.
Có cách đối diện nhận trách nhiệm, như tự thú những sai lầm với các bạn trong nhóm, chịu hình phạt thích đáng với hậu quả gây ra. Như tên trộm lành thú tội với Chúa, nhận trách nhiệm của mình, sẵn sàng nhận hình phạt phải chết.
Cũng giống các môn đệ hiểu rằng, các ngài cũng theo Chúa vì chỗ nhất này, chỗ nhất nọ. Các ngài theo Chúa nhưng không phải với ý ngay lành mà cũng theo giấc mơ riêng mình về ngai vàng. Sau khi Chúa mất, các ngài hiểu ra: "Theo Chúa là vác thập giá, là hy sinh mạng sống mình vì người khác". Các ngài xấu hổ với tính toán của mình, lui về nhà, trở lại vườn rau, nghề biển, vì thấy không còn xứng đáng là môn đệ của Chúa nữa. Nếu Chúa còn tín nhiệm gọi về để làm việc tiếp thì lại ra công cố gắng: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32).
Người được tín nhiệm không phải là người không bao giờ mắc lỗi, không phải là những người hoàn toàn trong sạch, cũng chẳng phải là những người hoàn toàn không có những lợi ích cá nhân.
Người được tín nhiệm là người luôn nhận ra trách nhiệm của mình, nỗ lực để hoàn thiện cá nhân và tập thể lãnh đạo của mình. Thiết tha với sứ vụ cho mọi người, vì mọi người. Như Phêrô khi đã trở lại với sứ vụ Tông Đồ trưởng đã thưa: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa” để thi hành việc Chúa trao là “chăm sóc đoàn chiên của Thấy” (Xem Ga 21, 17).
Xin Chúa ban cho chúng con những người lãnh đạo biết nhận trách nhiệm của mình, sẵn sàng sửa sai để hoàn thiện và nhiệt thành phụng sự đồng bào trong công bình và bác ái.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn