Vì một lời nói mà Chúa Giêsu bị người Do Thái giết chết do tội lộng ngôn.
Chúa Giê-su khi ấy đang giảng dạy trong Đền Thờ, nói về sự gắn bó giữa Ngài và Chúa Cha: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:30). Lời tuyên bố này lập tức khiến những người nghe bàng hoàng, và họ nhặt đá để ném Ngài. Hành động biểu tượng cho việc họ xem Ngài là kẻ phạm thượng, đáng chết theo luật Mô-sê (x. Lê-vi 24, 16). “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Gioan 10, 33).
Tội "lộng ngôn" ở đây không đơn thuần là xúc phạm qua lời nói, mà là dám đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa — điều mà không ai, trừ Thiên Chúa, có quyền làm. Điều nghịch lý là Chúa Giê-su thật sự là Con Thiên Chúa, nhưng những người thời đó không nhận ra được điều này vì họ chỉ nhìn thấy một con người bình thường.
Họ nói: “Ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Câu nói này, một cách vô tình, lại xác nhận một sự thật lớn lao: Thiên Chúa đã thật sự mặc lấy thân phận con người. Trong Chúa Giê-su, có hai bản tính Thiên Chúa và con người – một chân lý trọng tâm của Kitô giáo. Một Thiên Chúa - người ở giữa nhân loại. Những người tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, họ cũng được trở thành con Thiên Chúa. Thánh Irênê nói: “Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con Thiên Chúa”.
Lời buộc tội của người Do Thái không chỉ phản ánh sự cố chấp của họ, mà còn là tấm gương soi lòng tin của mỗi người hôm nay. Nếu ta chỉ nhìn Chúa Giê-su bằng con mắt trần tục, rất dễ để ta cũng “ném đá” Ngài bằng thái độ khước từ, vô cảm, hoặc thậm chí chế nhạo đức tin.
Tuy nhiên, nếu mở lòng và đón nhận mầu nhiệm, ta sẽ nhận ra trong Đức Giê-su Thiên Chúa thật đến để yêu, để cứu và đồng hành với nhân loại. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan