Nghệ thuật cầu nguyện

Thứ ba - 22/07/2025 22:24 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Hạt bụi tro |   18
Khi thương lượng thành công, chắc hẳn ai cũng thấy rất vui vì mình mua được món đồ ưng ý với giá tốt.

Nghệ thuật cầu nguyện:
Học từ Abraham biết kiên trì đối thoại với Thiên Chúa

snCN 230725a


Anh chị em thân mến,

Anh chị em có giỏi trả giá khi đi chợ không? Khi thương lượng thành công, chắc hẳn ai cũng thấy rất vui vì mình mua được món đồ ưng ý với giá tốt. Riêng tôi thì không giỏi khoản đó. Phải nói thật, hầu như lần nào tôi cũng bị “hớ,” và vì thế, tôi thích đi siêu thị hơn – để khỏi phải mặc cả, khỏi thấp thỏm lo mình mua đắt hay rẻ.

1. Apraham - người mặc cả đặc biệt

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta gặp một người “trả giá” rất đặc biệt: đó là ông Áp-ra-ham. Ông không mặc cả một món hàng ở chợ, mà là “mặc cả” mạng sống của cả một thành phố với Thiên Chúa. Đó không phải chuyện nhỏ, mà là điều vượt sức tưởng tượng: một con người dám đối thoại, dám “mặc cả” với Đấng Toàn Năng về sự sống còn của bao người – dù họ là người lạ, hay thậm chí là kẻ tội lỗi.

Kỳ lạ thay, Thiên Chúa không những không giận dữ hay quay đi, mà còn lắng nghe, kiên nhẫn đáp lại từng lời nài nỉ của Abraham. Qua đó, ta thấy mối quan hệ đầy tình thân của Abraham với Thiên Chúa. Ông dám “mạn phép nói tiếp”, dám trung thực và tha thiết cầu xin cho sự sống của người khác. Đó là nghệ thuật cầu nguyện của một người sống niềm tin bằng chính trái tim và tương quan cá vị với Chúa.

Kinh nghiệm của Abraham nhắc nhở: Chúa không phải là “cây đèn thần” ban phát ngay tức khắc mọi điều ta muốn, nhưng là Đấng lắng nghe, đối thoại, để mối tương quan trở nên trưởng thành, sâu xa hơn. Người khát mong gặp gỡ lòng chân thành, kiên nhẫn, và biết dâng mọi sự theo ý Ngài, như Abraham dám “mạn phép nói tiếp”, không ngừng hy vọng vào lòng thương xót.

Anh chị em có nhận ra mình trong hình ảnh ấy không? Có lẽ nhiều lần bạn đã cầu xin hay “mặc cả” với Chúa cho chính mình, cho một ai đó, hay cho những người mình yêu thương – xin Chúa chữa lành, gìn giữ, thay đổi, cứu giúp… Nhưng cũng không ít lần, ta lại cảm thấy như bị “hớ”, vì mong Chúa nhận lời mà vẫn chưa thấy gì thay đổi, thậm chí thất vọng vì câu trả lời chưa đến hay rất khác với điều mình ước ao. Đôi khi Chúa chưa trả lời ngay, hoặc đáp lại khác với mong đợi của ta, không phải vì Người không quan tâm, mà vì Chúa biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. Nghệ thuật cầu nguyện không phải là “trả giá” để ép Chúa nhận lời, mà là thân thưa, đối thoại, và lớn lên trong lòng tin tưởng, vững lòng ở lại trong tình thân với Thiên Chúa.

2. Thiên Chúa không xa lạ, nhưng là Cha gần gũi

Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện, Ngài dạy họ thân thưa với Chúa là “Lạy Cha”. Ngài định hình cho các môn đệ và chúng ta một mối tương quan với Thiên Chúa rất rõ ràng: “Cha – con”. Bất cứ ai từng làm cha mẹ đều hiểu: có những lúc cha mẹ không đáp ứng ngay yêu cầu của con, không phải vì không yêu mà vì muốn con lớn hơn – học điều đúng, kiên nhẫn, trưởng thành hoặc tránh điều gây hại cho con.

Thiên Chúa cũng như thế! Đức tin đích thực không chỉ là “xin đúng thì Chúa cho”, mà là kiên trì, tin cậy: “Xin cho ý Cha thể hiện, chứ không phải ý con.” Đó không phải là điều dễ dàng, vì sự thường ta muốn xin và có ngay điều chúng ta xin. Chính Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Cứ xin thì sẽ được”, nhưng cũng nhắc rằng điều ích lợi nhất Cha ban là chính Thánh Thần – Đấng giúp chúng ta biết cầu nguyện như thế nào cho đúng, biết nhận ra điều gì đẹp lòng Cha, và đủ sức chấp nhận câu trả lời “chưa” hoặc “khác” với điều chúng ta trông đợi.

3. Kinh nghiệm thực tế của chúng ta

Anh chị em thân mến, có thể bạn đã, đang cầu xin và vẫn chờ đợi. Có những ơn ta thấy được nhận ra ngay: một phép lạ, một dấu chỉ cụ thể. Nhưng cũng không hiếm những ơn khác Chúa ban âm thầm như: lòng bình an, sự kiên nhẫn, nghị lực để vượt qua nỗi buồn, thử thách. Sự thinh lặng của Chúa chính là dịp để ta lớn lên trong đức tin và tình con thảo.

Nhiều khi lời cầu xin thay đổi hoàn cảnh bên ngoài, nhưng cũng rất nhiều khi điều thay đổi lại chính là trái tim, cách nhìn nhận, và con đường tương lai của chúng ta. Cầu nguyện làm thay đổi trái tim và con người ta, trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa luôn đáp lại, nhưng theo cách mà Người biết là tốt nhất cho chúng ta, chứ không phải lúc nào cũng giống với “phương án” của mình.

4. Làm sao để Chúa nhận lời?

Hãy cầu xin điều gì thực sự đẹp lòng Chúa và sẵn sàng đặt mình theo thánh ý Chúa, chứ không áp đặt ý riêng. Đây là lời cầu nguyện khó nhất: Xin cho ý Cha thể hiện trên cuộc đời con. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng cầu nguyện như thế trong vườn cây Dầu khi sắp đối diện với cuộc tử nạn. Ngài đã cầu xin, vâng theo ý Chúa, và đã chết. Với người đời, đó là một thất bại, nhưng với Thiên Chúa, đó là một sự vâng phục tuyệt đối của người Con thảo, và Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu sống lại.

Hãy cầu nguyện với lòng chân thành và khiêm tốn, như Abraham, dám đối thoại kiên trì. Hãy cầu xin không biết mệt mỏi. Đừng sợ quấy rầy Thiên Chúa, đồng thời, hãy học biết buông bỏ ý riêng – để đón nhận cả những câu trả lời ta không ngờ tới. Cuối cùng xin hãy nhớ: Ơn trọng đại nhất là chính Chúa – là Thánh Thần Chúa, lòng can đảm, bình an, và đức tin vững vàng giữa mọi hoàn cảnh, vì Chúa đang biến đổi cuộc đời ta theo những cách sâu xa, mầu nhiệm, nhưng luôn tốt nhất cho phần rỗi và hạnh phúc của mỗi người.

Lm. Giuse Hạt bụi tro

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây